Greg Girard trả lời phỏng vấn từ nhà riêng tại Vancouver, Canada, nơi trở về sau hơn ba thập kỷ sinh sống và làm việc tại châu Á. Suốt quãng thời gian này, ông đã ghi lại quá trình chuyển mình của nhiều đô thị lớn, trong đó có Hà Nội. Chúng tôi lật giở cuốn sách Hanoi Calling (tạm dịch: Tiếng Gọi Hà Nội) được xuất bản mười năm trước nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long. Nếu bìa trước là toàn cảnh thành phố vào buổi chiều tà, thì bìa sau hé mở một góc nhìn có phần thân mật và tinh tế. Khung hình chân dung bốn cô gái trẻ treo trên bức tường sắc xanh quen thuộc với vệt nắng xiên ngang. Những nét vẽ nguệch ngoạc của trẻ con trên tường tiết lộ về không gian sống đa thế hệ.
Chi tiết ấy tiêu biểu cho cách Greg thực hành nhiếp ảnh: quan sát những yếu tố đan xen của cuộc sống thường nhật trên phố và trong không gian riêng, nơi những thành viên trong gia đình cùng sinh hoạt. Kết hợp ảnh chân dung, tĩnh vật và phong cảnh, Hanoi Calling là những ghi chép về cách cư dân tương tác với môi trường tạo dựng – di sản kiến trúc độc đáo song hành cùng những công trình đô thị hoá tự phát lẫn có kế hoạch tại thủ đô. Chủ đề này cũng là sợi dây xuyên suốt chuỗi tác phẩm trải dài nhiều quốc gia và thời điểm của ông.
Hơn cả việc tái hiện những đặc thù của nơi chốn, có lẽ cái Greg thực sự muốn nắm bắt là cảm giác về ánh sáng. Ông chú ý đến cách ánh sáng gợi mở, che giấu và làm biến chuyển diện mạo khung cảnh và con người, dù khi chụp một buổi sáng mờ sương trên hồ Tây của mùa đông Hà Nội, dãy biển hiệu đèn neon trong những con ngõ về đêm tại Tokyo, căn nhà đang tháo dỡ dở dang giữa chung cư cao tầng bốn phía tại Thượng Hải, hay khuôn mặt diễn viên xuất hiện thoáng chốc trên màn hình TV trong những khách sạn không tên.
“Đây không phải những thứ kịch tính cao. Tôi chỉ dành thời gian, có sự kiên trì và đôi khi là may mắn”, Greg chia sẻ. Không nhằm chỉ ra sự tương phản giản lược giữa những gì đã qua và sắp tới, tác phẩm của ông gợi nhắc người xem về chức năng căn bản của nhiếp ảnh, đó là để mắt và để tâm.
Tôi muốn quay lại thời điểm ông mới bắt đầu sự nghiệp, khi tới Hong Kong lần đầu năm 1974 để làm công việc thu thanh cho đài BBC. Điều gì đã khiến ông chuyển hướng và lựa chọn theo đuổi nhiếp ảnh?
Tôi đã chụp ảnh được một thời gian trước khi làm công việc thu thanh. Từ hồi còn là học sinh trung học, tôi bắt đầu ghi lại khu vực trung tâm thành phố Vancouver. Tôi lớn lên ở vùng ngoại ô nên thành phố khác hẳn so với những gì tôi từng biết. Trải nghiệm này là bài học lớn đầu đời: máy ảnh có thể đưa ta tới một thế giới khác nếu ta cho phép nó.
Tôi không có chút kinh nghiệm thu thanh nào mà chỉ vừa làm vừa học, không rõ bây giờ có ai được như vậy nữa hay không. Dù công việc chính là thu thanh, qua thời gian lăn lộn trong ngành truyền hình, tôi dần học được cách đi tới một nơi xa lạ và thu thập đủ tư liệu để thực hiện một câu chuyện chỉ trong vài giờ. Kinh nghiệm làm việc dưới áp lực đó đã cho phép tôi rời BBC và bắt đầu chụp ảnh cho tạp chí, đó là một bước ngoặt lớn.
Ông từng ví việc chụp ảnh Hong Kong như cách để “biến nơi này thành của mình”. Liệu ông có thể chia sẻ thêm về ý tưởng này?
“Biến một nơi chốn thành của mình” có nghĩa là tìm được vị trí của chính tôi trong đó, dù tôi có thuộc về nơi chốn đó hay không.
Đa số dự án của tôi bắt nguồn từ việc tôi không thấy những bức hình tôi muốn thấy. Vào những năm 80, rất hiếm có hình ảnh phản ánh Hong Kong mà tôi biết ngoại trừ một vài bộ phim, chủ yếu là phim xã hội đen hay phim tội phạm lột tả bộ mặt gai góc của thành phố. Những nhà làm phim đã làm toát lên tinh thần của thời kỳ một cách vô tình hay hữu ý, nhưng tôi không biết nhiếp ảnh gia nào với mối quan tâm tương tự. Vậy nên tôi đã bắt đầu chụp cuộc sống đời thường và thành phố về đêm, mà chẳng biết liệu rằng có ai sẽ xem chúng. Đầu ra duy nhất cho ảnh của tôi là những buổi trình chiếu tại studio một người bạn.
Tôi không suy nghĩ về tác phẩm của mình theo lý thuyết học thuật nào. Tôi chỉ luôn thấy rằng thước đo cho tác phẩm là rốt cuộc người dân địa phương có yêu thích hay trân trọng chúng hay không. Dù họ đi qua những khung cảnh này hàng ngày, cách thành phố hiện lên trong ảnh là một thực tại khác.
Sau hai mươi năm chụp ảnh cho tạp chí, ông đã dừng lại để tập trung vào dự án cá nhân của mình. Điều gì thúc đẩy quyết định ấy?
Thời kỳ đầu, công việc này hoàn toàn trùng khớp với mong muốn của tôi, đó là kiếm sống từ nghề chụp ảnh. Nhưng dần dà, tôi quyết định tách biệt rõ ràng giữa những hình ảnh tôi chụp cho riêng mình và những hình ảnh tôi được thuê để chụp. Công việc này đã đem lại cơ hội để tôi được thấy những góc cạnh khắc nghiệt cũng như đời thường nhất ở một quốc gia xa lạ. Nhưng cá nhân mà nói, tôi biết tạp chí sẽ không đăng tải những bức hình tôi dành phần lớn thời gian để thực hiện. Có rất nhiều quy luật ngầm như quan điểm tòa soạn, thể loại ấn phẩm, mối quan hệ của tạp chí với bên khách hàng quảng cáo, vân vân.
Trong trường hợp của tôi với tư cách là nhiếp ảnh gia Tây làm việc cho các ấn phẩm phương Tây, có hai điều cần lưu ý: một là mặc định hình ảnh sẽ hướng đến đối tượng độc giả ở “quê nhà”, hai là phong cách thị giác đặc trưng của hình ảnh với mục đích truyền tải thông tin. Những lĩnh vực này rất rộng và đã thay đổi theo thời gian, nhưng chúng hoàn toàn có thể chi phối quá trình chụp ảnh.
Cuốn sách ảnh Phantom Shanghai (2007) ra mắt khi tôi quyết định dừng chụp ảnh cho tạp chí. Nó cũng trùng hợp với thời điểm khi cả thế giới đang ở trong giai đoạn “trăng mật” với Trung Quốc, nhiều du khách tới đây lần đầu nên hẳn là có những cảm xúc lãng mạn với nơi này. Cuốn sách dẫn theo lời mời trở thành nghệ sĩ được giới thiệu tại một phòng tranh ở Canada, rồi sau đó tôi tiếp tục xuất bản sách, đó là cách tôi có thể tiếp tục thực hành nhiếp ảnh. Tôi đã cố gắng trong công việc nhưng đó chỉ là phần tối thiểu. Cần quá nhiều yếu tố thiên thời địa lợi, và tôi đã thực sự may mắn.
Cuốn sách Hanoi Calling (2010) bắt nguồn từ một lời mời nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Ông có thể chia sẻ điều gì thu hút ông ở thành phố này?
Tôi nhớ rằng mình đã rất hào hứng thực hiện dự án này. Tôi chưa từng sống ở Hà Nội nhưng đã tới đây vài lần vào những năm 90 để làm phóng sự. Thành phố giống như một bảo tàng sống. Sự bảo tồn vẫn diễn ra một cách vô tình, vì chưa xảy ra đô thị hoá chạy theo lợi nhuận với quy mô lớn. Tôi cảm nhận rõ rệt rằng đây là một địa danh đặc biệt tại một thời điểm đặc biệt. Có đôi chút tương đồng với cuốn sách về Thượng Hải nói trên – một địa danh nép mình ẩn nấp, đan xen giữa cái cũ và mới.
Thay vì những khoảnh khắc kịch tính, cuốn sách dành chỗ cho những khung hình chậm rãi chụp tĩnh vật và không gian sống. Có phải ông đang tìm kiếm điều phi thường trong cái bình thường?
Những cảnh chụp trong nhà mang tính riêng tư, thầm kín, không hiển hiện với người ngoài. Được trông thấy và trải nghiệm không gian ấy là một điều tôi thực sự trân quý. Tôi hy vọng khán giả cũng cảm nhận được cảm xúc ấy qua trang sách.
Đa số ảnh được chụp trên chân máy nên đó là cách hiển nhiên để chậm lại. Ảnh film tốn nhiều thời gian và thiết bị để thực hiện nên tôi muốn mỗi bức hình phải thật xứng đáng. Tôi thích đi dạo và quan sát vào lúc bình minh, chập tối và khi đêm xuống. Tôi cũng tận dụng khoảng thời gian trong ngày, nhưng thường ưu tiên những khoảnh khắc chuyển giao khi thành phố hé lộ mình theo một cách khác.
Tôi không có thói quen dùng ngôn ngữ để diễn đạt thực hành của mình. Có lẽ “tìm kiếm điều phi thường trong cái bình thường” cũng là một cách nói. Tôi thấy phấn khích vào giây phút nhận ra những gì thú vị đang xảy ra trong một khung cảnh. Thực tế là tôi vẫn luôn quan sát, bất kể là có máy ảnh bên mình hay không.
Tôi thấy phấn khích vào giây phút nhận ra những gì thú vị đang xảy ra trong một khung cảnh. Thực tế là tôi vẫn luôn quan sát, bất kể là có máy ảnh bên mình hay không.
Ông được biết đến với những dự án ghi lại những thành phố lớn trong quá trình chuyển mình. Nhiều địa điểm giờ đây chỉ còn tồn tại trong hình ảnh. Ông đã suy nghĩ gì vào thời điểm chụp?
Tôi không bao giờ chụp ảnh với suy nghĩ “bức này sẽ trở nên thú vị sau 20 năm”. Tôi không biết chắc những địa điểm này sẽ mất đi, mà chỉ ý thức rằng chúng thường bị bỏ qua và không có sự công nhận xứng đáng. Khán giả hiện tại trân trọng hình ảnh tôi chụp hơn nhiều so với thời điểm trước đây. Điều này xảy ra không chỉ với trường hợp của tôi mà với nhiếp ảnh nói chung.
Ở những thành phố có ngoại hình đặc thù, đôi khi người ngoài cuộc có thể đem tới một góc nhìn khác. Giờ đây nhiều người trẻ đang ghi lại những gì mang màu sắc lịch sử hay đang trên bờ vực biến mất tại địa phương, nhưng vào những năm 80, tôi không rõ tại sao nhiếp ảnh gia Hong Kong không có chung mối quan tâm với mình. Có thể ở thành phố của bạn cũng vậy, chỉ 10 năm trước đây thôi, người dân cũng không coi trọng di sản như hiện tại.
Ông nhìn nhận như thế nào về những phương tiện xuất bản như sách ảnh và gần đây là Instagram? Có vẻ như những hình ảnh cũ của ông đang nhận được sự quan tâm đông đảo trên mạng xã hội.
Sách là cách tôi và nhiếp ảnh tìm đến nhau. Những cuốn sách ảnh từ thư viện và cả tạp chí nhiếp ảnh đều là những tuyệt tác, cho tôi thấy thế giới quan của người khác, cách họ nhìn nhận cuộc sống và nhìn nhận chính mình. Sách cho tôi thấy nhiếp ảnh đã và sẽ có thể là gì. Sự kết nối với nhiếp ảnh thông qua sách từ những ngày đầu chưa bao giờ phai nhạt.
Còn với Instagram, cũng như nhiều người khác, tôi cũng dùng thử mà không suy nghĩ gì nhiều. Sau khi đăng tải ảnh tác phẩm thay vì ảnh lưu niệm thường ngày, số lượng người theo dõi cứ thế lớn dần. Gần đây, công cụ này trở nên thực sự hữu ích khi cho phép khán giả đặt trước cuốn sách Tokyo Yokosuka của tôi, nhờ đó trả được phần lớn chi phí sản xuất cuốn sách. Instagram cũng là nơi tôi chia sẻ những tấm không được chọn để in sách hay triển lãm, thay vì cứ để chúng nằm trong kho lưu trữ. Tôi dành một phần nhỏ trong ngày để đăng ảnh lên Instagram, nhưng không lên kế hoạch cụ thể.
Vào thời điểm này, chúng ta không khỏi cảm thấy chút hoài niệm khi nhìn những tấm ảnh chụp địa danh. Ta không thể quay lại nơi ấy bởi nó đã thay đổi quá nhiều, hoặc do hạn chế di chuyển của đại dịch. Cá nhân ông cảm thấy như thế nào khi nhìn lại kho lưu trữ của mình?
Có vô vàn hình ảnh từ ngày còn chụp cho tạp chí mà tôi chưa đụng tới. Tôi từng đưa tin về đủ mọi đề tài như kinh doanh, xung đột, thiên tai, người nổi tiếng; vị trí phóng viên ảnh đa năng có lẽ cũng đang dần đi vào dĩ vãng. Một mặt, tôi không mấy hứng thú xem lại vì tôi đã quên những công việc này, cũng không còn lưu luyến gì. Mặt khác khi xem lại, tôi không thấy hoài niệm, mà đơn giản chỉ nhận ra rằng ồ, mình đã sống một cuộc đời như thế.
Những bức hình tôi chụp thành phố Vancouver trước khi làm nghề chuyên nghiệp có lẽ thú vị hơn. Chúng cá nhân hơn, thận trọng hơn, và có thể tiết lộ nhiều hơn. Tôi đang phải lật giở hàng núi film dương bản chưa biên tập và chồng chất hộp film Kodak mà có lẽ sẽ không bao giờ chạm đáy. Giống như trò chơi đi tìm kho báu mà không chắc có phần thưởng gì đang chờ mình.
Tác phẩm của nhiếp ảnh gia Greg Girard khám phá những thay đổi trên diện mạo và trong xã hội những đô thị châu Á. Cuốn sách ảnh Phatom Shanghai của ông, được thực hiện từ năm 1998 đến năm 2011, ghi lại cuộc chạy đua nhanh chóng và khốc liệt để trở nên “hiện đại” vào đầu thế kỷ 21. Những đầu sách khác của ông bao gồm Hanoi Calling, In the Near Distance, và Hotel Okinawa.
Tác phẩm của Greg nằm trong nhiều bộ sưu tập công cộng và tư nhân, bao gồm National Gallery of Canada, The Art Gallery of Ontario, the Vancouver Art Gallery. Ông là nghệ sĩ được Monte Clark Gallery đại diện tại Canada.