Vào tháng 2/2018 vừa qua, nhiếp ảnh gia người Singapore Grace Baey đã dành hơn 3 tuần để thực hiện dự án ảnh tư liệu về cộng đồng người chuyển giới tại Yangon, Myanmar trong khuôn khổ Chương Trình Trao Đổi Nghệ Sĩ Lưu Trú. Chương trình do Trung tâm Nhiếp ảnh và Phim Objectifs (Singapore) kết hợp cùng gallery Myanmar Deitta (Myanmar).
Objectifs đã trò chuyện với Grace về quá trình thực hiện dự án, những tình bạn chớm nở trong thời gian sinh sống tại nước bạn và sự phù hợp của chương trình lưu trú với dự án dài hạn về cộng đồng người chuyển giới tại Singapore của chính nhiếp ảnh gia.
Điều gì thôi thúc chị tham gia vào Chương Trình Trao Đổi Nghệ Sĩ Lưu Trú Objectifs x Myanmar Deitta?
Một người bạn khuyên tôi đăng kí vào chương trình này. Tôi đã có ý định tìm hiểu về cộng đồng người chuyển giới tại Myanmar thông qua ảnh tư liệu từ trước đó, nên chương trình lưu trú này là một cơ hội không thể tốt hơn.
Tôi được biết, chị đã tìm hiểu về cộng đồng người chuyển giới tại Myanmar từ trước đó. Vậy những gì chị được tiếp xúc thực tế có giống như những gì chị hình dung qua sách báo?
Trước khi tới Myanmar, số ít bài báo mà tôi đọc được về cộng đồng người chuyển giới thường có một cốt truyện rất cụ thể, ví dụ như luật pháp áp bức được truyền lại từ thời thuộc địa, hay cách mà cộng đồng người chuyển giới bị đối xử bất công, đặc biệt là thứ “luật bóng tối” cho phép cảnh sát bắt giữ bất cứ ai có biểu hiện đáng nghi vấn.
Nhiều sĩ quan cảnh sát lạm dụng quyền lực này để tống tiền phụ nữ chuyển giới, đe dọa bắt giữ nếu họ không trả tiền hối lộ. Tình trạng này đặc biệt tồi tệ ở Mandalay và một vài khu vực ở Yangon, nơi tập trung nhiều người hành nghề mại dâm.
Khi ở Yangon tôi đã có hình dung khác về cộng đồng này, có lẽ cũng bởi tôi không chỉ muốn tập trung dự án của mình vào người chuyển giới hành nghề mại dâm. Tôi đặc biệt quan tâm đến mạng lưới hỗ trợ xã hội và xây dựng cộng đồng của người đàn ông và phụ nữ chuyển giới ở Yangon. Tôi cũng đã tham dự lễ diễu hành Pride hàng năm tại Yangon, và tại đây tôi gặp gỡ những người chuyển giới thuộc nhiều thành phần khác nhau của xã hội. Những mối liên hệ này đã tạo nên nền tảng cho dự án của tôi.
Cụ thể, tôi đã gặp những cá nhân có gia đình rất ủng hộ bản dạng giới của họ, mặt khác, nhiều người vẫn còn đang đấu tranh để nhận được sự chấp nhận từ phía gia đình. Tôi cũng đã gặp một vài người đàn ông và phụ nữ chuyển giới làm các công việc văn phòng, trong khi một số khác vẫn còn loay hoay giữa nhiều việc không chính thống để kiếm sống qua ngày.
Hiển nhiên là cộng đồng này thực sự rất đa dạng, nhưng các phương tiện truyền thông có xu hướng tập trung vào những khía cạnh rất hẹp.
Chị đã gặp những khó khăn gì trong việc tiếp cận với các nhân vật?
Tôi đã có một khoảng thời gian rất khó khăn do rào cản ngôn ngữ khi bắt đầu dự án này. Tồi tệ nhất là tôi được biết giá phiên dịch viên tiếng Miến Điện – Anh trung bình từ $100-300 mỗi ngày, vượt quá khả năng chi trả của bản thân. Rất nhiều nhân vật tôi gặp không nói được tiếng Anh, vì thế nên rất khó để giải thích cho họ hiểu về mục đích công việc tôi đang làm. May mắn thay, tôi đã tìm được một người bạn từ cộng đồng LGBT nhờ sự giúp đỡ của một tổ chức phi chính phủ, người đã đề nghị hỗ trợ tôi trong những ngày cuối tuần. Chính điều này đã thực sự giúp ích cho dự án.
Điều đáng nhớ nhất trong thời gian lưu trú của chị là gì?
Chắc chắn đó là những tình bạn nảy nở trong thời gian tôi ở Yangon. Là một người nước ngoài không nói được tiếng địa phương, tôi đã phải nương vào lòng tốt của rất nhiều người, và tôi thực sự trân trọng sự hiếu khách họ dành cho mình. Tôi đã dành rất nhiều thời gian với một nhóm thanh niên chuyển giới trẻ, họ đưa tôi đến những nơi họ thường lui tới, uống những ly cocktail vỉa hè giá chỉ nửa đô la, đó là những trải nghiệm thật vui.
Có lần, chúng tôi muốn chụp chung một bức ảnh kỷ niệm tại chùa vàng Shwedagon nổi tiếng nhất Yangon, và những người bạn này không muốn tôi phải trả S$10 vé vào cửa dành riêng cho người nước ngoài. Trước khi tôi kịp hiểu điều gì đang xảy ra, người bạn này đã quấn chiếc khăn longyi cho tôi và dẫn tôi vào như một người bản địa. Rất may, chúng tôi đã qua được trạm soát vé suôn sẻ, dù tôi không chắc mình sẽ làm như vậy lần hai.
Có điều gì chị mong muốn đã có thể thực hiện được trong thời gian lưu trú không?
Tôi có hơn ba tuần ở Yangon nhưng phần lớn thời gian đã dành để tiếp cận và xin phép nhân vật. Rõ ràng là tôi hy vọng có thể tiếp cận sâu hơn vào một số câu chuyện trong dự án, và ba tuần là khoảng thời gian quá ngắn để một người ngoài cuộc nhảy vào một nơi như Myanmar với mong muốn thực hiện một việc gì đó có ý nghĩa.
Tuy nhiên, chương trình lưu trú này có giá trị bản lề nhằm khởi động một dự án dài hơi về cộng đồng người chuyển giới tại Myanmar. Tôi sẽ lên kế hoạch trở lại để tiếp tục dự án này.
Bằng cách nào mà dự án được thực hiện tại Myanmar có thể khớp với các dự án ảnh tư liệu khác chị đang thực hiện?
Dự án ở Myanmar tập trung vào các vấn đề như gia đình, khả năng phục hồi xã hội và sự hỗ trợ từ cộng đồng, đó là những chủ đề tôi cũng đang theo đuổi tại Singapore.
Còn rất nhiều điều đáng bàn cãi về chủ nghĩa bảo thủ đang trỗi dậy quanh ta. Những thảo luận về sự đa dạng và sự chấp nhận của xã hội với đến cộng đồng LGBT không nên tìm cách chia rẽ.
Tôi hy vọng rằng bằng cách tập trung vào gia đình và cộng đồng – quan sát tình yêu gia đình, mối quan hệ gắn bó dù không phải máu mủ ruột già, tuổi trẻ và khát vọng – chúng ta có thể tìm thấy những điểm chung để hiểu và chấp nhận lẫn nhau.
*Toàn bộ hình ảnh trong bài được thực hiện bởi NAG người Singapore, Grace Baey trong Chương Trình Trao Đổi Nghệ Sĩ Lưu Trú năm do Trung tâm Nhiếp ảnh và Phim Objectifs (Singapore) kết hợp cùng gallery Myanmar Deitta (Myanmar) thực hiện.
Matca rất hân hạnh được mở đầu năm mới 2019 với Chương Trình Trao Đổi Nghệ Sĩ Lưu Trú Cùng Objectifs. Trung tâm Nhiếp ảnh & Phim Objectifs được bảo trợ bởi chính phủ Singapore đã có 10 năm hoạt động rất tích cực tại Singapore và trong khu vực, và chương trình trao đổi nghệ sĩ lưu trú thường niên đã tạo điều kiện cho nhiều nghệ sĩ thị giác trẻ có cơ hội học hỏi, trao đổi văn hoá và phát triển dự án của mình.