Hai triển lãm ảnh cá nhân của nhiếp ảnh gia Lê Nguyễn Duy Phương (Việt Nam) và Nana Chen (Đài Loan) cùng diễn ra vào tháng 3 vừa qua tại Hà Nội. Cả hai dự án dài hạn này đều đi sâu khám phá chủ đề đô thị hoá, và một cách tình cờ, các nghệ sĩ đều chọn tập trung mô tả sự phát triển nhanh chóng và tự phát ở Sài Gòn. Thay vì tiếp cận theo lối ảnh báo chí để trực tiếp ghi lại quá trình tháo dỡ và xây mới, Nana Chen và Duy Phương chọn tái hiện hệ quả của chúng, lồng ghép quan điểm, cảm xúc và ký ức cá nhân vào chủ đề mang tính thời sự này.
Trong những năm gần đây, sự bành trướng đô thị đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ thị giác địa phương – những người đã chứng kiến hoặc chịu ảnh hưởng bởi môi trường sống biến đổi. Có thể kể tới các dự án về sự thay đổi bộ mặt của thành phố như Thay Hình Đổi Mặt và Đô Thị và Ký Ức của Nguyễn Thế Sơn, hay những hình ảnh về chung cư xuống cấp của Bảo Zoãn. Những dự án này có điểm chung là đều tập trung vào kiến trúc – khía cạnh hiển hiện nhất của đô thị hoá. Dù chủ yếu sử dụng ảnh phong cảnh và tĩnh vật, Nana Chen và Duy Phương đã làm nổi bật tác động của hoạt động con người mà không trực tiếp bao gồm sự hiện diện của họ.
Triển lãm nhiếp ảnh cá nhân đầu tiên của Nana Chen tại Việt Nam với tên gọi Discarded (tạm dịch: Bỏ Lại) được thực hiện tại Sài Gòn nơi tác giả đã sinh sống trong 7 năm qua. Một lần tình cờ đi ngang qua một khu nhà đổ nát khi đang tản bộ quanh quận 2, nghệ sĩ đã quyết định tìm kiếm và ghi lại những đồ dùng người dân bỏ lại khi chuyển chỗ ở. Những món đồ từng quý giá giờ bị ruồng bỏ này có mối liên hệ mật thiết với ký ức của Nana, bởi cô liên tục phải di chuyển và chưa bao giờ có một nơi ở ổn định từ khi còn nhỏ. Theo nghệ sĩ, những “di vật” này bản thân chúng không thể tự tiêu huỷ, nên nằm trơ trọi ở đó và trở thành một thực thể xấu xí trong khung cảnh đô thị.
Bước vào triển lãm của Nana Chen, điều dễ nhận thấy nhất là nhạc nền violin não nề (do chính nghệ sĩ sáng tác) và rất nhiều khoảng trống. Không gian triển lãm rộng của Heritage Space chỉ trưng bày 12 bức ảnh cỡ trung, chủ yếu là các bức chụp cận cảnh những đồ vật thuộc về người dân đã từng sinh sống ở các khu vực giải toả như đồ gia dụng và đồ chơi trẻ em.
Khi phóng đại những đồ vật nhỏ này, có lẽ tác giả có ý đồ tạo ra khoảng không gian để người xem ngắm nhìn và suy tưởng về chi tiết của những món đồ giờ nằm ngổn ngang như rác. Tuy vậy, khi không thể hiện góc nhìn rộng hơn và chỉ trưng bày một số lượng ảnh giới hạn, triển lãm khó có thể giữ chân những khán giả mong muốn tìm hiểu một câu chuyện cụ thể. Không có thông tin về nơi chốn hay dân cư, tại sao họ phải chuyển đi, tại sao họ chọn để lại những đồ vật đó. Nana Chen cũng chủ định không bao gồm bối cảnh trong tác phẩm, bởi cô không muốn tường thuật một vấn đề xã hội, mà hướng tới việc gợi cảm xúc và để người xem tự diễn giải hình ảnh theo cách của mình. Dẫu vậy, khó có thể hiểu về tác phẩm theo hướng khác với những hình ảnh trực diện đơn thuần và âm nhạc thống thiết dẫn dắt cảm xúc.
Nana cũng đã tổ chức vài buổi art tour, khuyến khích người tham gia đặt câu hỏi và chia sẻ cảm nghĩ về ảnh. Tuy vậy, để có được sự tương tác tích cực giữa công chúng và tác phẩm, nội dung thị giác của ảnh cần phải gây tò mò hoặc ít nhất có những chi tiết quen thuộc để người xem có thể đồng cảm được. Bởi nhiếp ảnh là một loại hình nghệ thuật tĩnh, việc Nana bao gồm quá ít thông tin trong tác phẩm khiến người xem cảm thấy bối rối, không biết bám vào đâu. Dù có một ý tưởng và lời giới thiệu tốt, tính thị giác của ảnh không đủ lôi cuốn và hiệu quả trong việc truyền tải ý đồ nghệ thuật.
Vài ngày sau, triển lãm Ở Giữa Lưng Chừng của Duy Phương diễn ra ở L’Espace, một dự án ảnh tài liệu dài hơi khác được thực hiện ở Sài Gòn nơi anh từng sinh sống và học tập. Với khoản hỗ trợ từ L’Espace và một lab ảnh tại gia, Duy Phương có thể sản xuất hơn 40 bản in chất lượng cao cho triển lãm này. Phần lớn bản in cỡ nhỏ được dàn nhấp nhô trên bức tường chính, số còn lại in cỡ trung và treo lơ lửng giữa khán phòng. Mặc dù từ chối thể hiện quan điểm về đô thị hoá, ống kính của Duy Phương quan sát và truy vấn cạm bẫy của quá trình thành phố chuyển mình.
Sử dụng những cảnh sắc thường ngày nhiều ẩn ý, Duy Phương kể một câu chuyện nhẹ nhàng về những con người mắc kẹt trong sự lãng quên, bấp bênh giữa hoài nghi và kỳ vọng trước một tương lai hứa hẹn sẽ phồn vinh. Những bức ảnh nhỏ với cách trưng bày lộn xộn khiến người xem phải tới gần hơn và tìm kiếm những chi tiết ẩn dưới bề mặt để tìm ra manh mối. Thoạt nhìn, phần lớn ảnh của anh có vẻ chỉ chụp tĩnh vật và cảnh quan thành phố, với những sự châm biếm phác thảo mối quan hệ giằng co giữa cái đã qua và cái sắp tới: vật liệu xây dựng vương vãi trên nền gạch, một hệ thống ống nước phức tạp hoen gỉ, một chiếc túi nilon đựng nước lơ lửng trên cành cây trên nền các toà nhà thẳng thớm đang mọc lên.
Tuy những hình ảnh này dễ khiến người xem nghĩ rằng dự án nói về ảnh hưởng môi trường, nhưng khi nán lại nhìn kỹ hơn, ta thấy rằng Duy Phương đã khéo léo lồng ghép yếu tố con người vào tác phẩm. Đây là một nhóm công nhân xây dựng ăn trưa cạnh một bức tượng Phật, kia là một người phụ nữ ôm đứa con đứng chơ vơ giữa công trường ngập nước, san sát những toà chung cư đang dần hoàn thiện đằng sau. Trên phông nền của công cuộc chỉnh trang đô thị, những khoảnh khắc mơ hồ này phản chiếu trạng thái lưng chừng của Việt Nam thời tái thiết đô thị, nơi nhiều người dân bị bỏ lại ở ngã tư đường giữa những truyền thống lâu đời và một làn sóng văn hoá hướng đến chủ nghĩa tiêu dùng; khi những toà nhà, dịch vụ tiện nghi đua nhau mọc lên nhằm phục vụ một nhóm đối tượng có thu nhập khá.
Mặc dù cả hai nghệ sĩ đều sử dụng nhiếp ảnh làm công cụ để đi sâu nghiên cứu cùng một chủ đề, Duy Phương chọn bao hàm những địa điểm cột mốc của Sài Gòn, như thể dựng lên một sân khấu với nhân vật cụ thể. Những biểu tượng quen thuộc cộng với nội dung và cách trình bày tác phẩm đa dạng đã tạo ra một trải nghiệm xem ảnh lôi cuốn. Có thể nói rằng Duy Phương thành công trong việc thể hiện ý đồ của mình trên ảnh, thiết lập cảm xúc và đưa ra lập trường về đô thị hoá của mình từ bức ảnh đầu tiên cho tới bức cuối cùng. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc hạn chế không gian hơn để người xem diễn giải ảnh theo cách của mình. Triển lãm được tổ chức tại một nơi công cộng với nhiều người qua lại, khiến cho cảm xúc người xem dễ bị ngắt quãng.
Như nhiều đô thị đang phát triển tại châu Á, Sài Gòn đang phải đối mặt với những thách thức trong việc quản lý những ảnh hưởng của đô thị hoá lên đời sống người dân. Trong bối cảnh đó, khả năng sử dụng nhiếp ảnh để ghi lại tư liệu những biến đổi của thành phố cần được công nhận và tận dụng. Hình thức kể chuyện cá nhân như của Nana Chen và Duy Phương có thể trở thành một phương thức hình mẫu để suy xét môi trường sống, thể hiện góc nhìn, và thậm chí bắt đầu những cuộc thảo luận dân sự. Với tư cách người xem, chúng ta cũng nên nhận ra rằng ta có quyền thể hiện những điểm ta thích hay ghét ở môi trường sống, phản ứng với niềm thích thú, sự hoài niệm, sự lạc quan hoặc nỗi sợ hãi, và nhìn nhận nghiêm túc về những gì còn và mất trên con đường phát triển.
Triển Lãm Bỏ Lại của Nana Chen
Thời gian: 11/03 – 25/03/2018
Địa điểm: Heritage Space, tầng 1 Dolphin Plaza, 6 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Triển lãm Ở Giữa Lưng Chừng của Duy Phương
Thời gian: 16/03 – 10/05/2018
Địa điểm: Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
Lê Nguyễn Duy Phương là một nhiếp ảnh gia tập trung vào các dự án cá nhân. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Nhiếp ảnh tại Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM năm 2009, sau đó tham gia trại sáng tác tại Đại học Nhiếp ảnh Quốc gia Arles (Pháp) vào năm 2008. Các tác phẩm của anh đã triển lãm tại Photoquai – Gặp gỡ những ánh nhìn tại bảo tàng Quai Branly (Pháp – 2009), Một chút nước Pháp (Hà Nội – 2012), Người nhìn (Sao La, TP HCM – 2014)…
Nana Chen là một nhiếp ảnh gia sinh tại Đài Loan. Các bức hình của cô đã được xuất bản ở trên nhiều kênh truyền thông như The Observer, AFP, Marie Claire, Esquire, D-la Repubblica, SCMP, cũng như được sưu tập và giới thiệu ở những ấn phẩm quốc tế hàng đầu. Chen hiện tại cư trú và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, sau một giai đoạn dài phiêu bạt qua Buenos Aires, Santiago, Atlanta, Copenhagen, Bangkok và nhiều nơi khác. Dự án gần đây nhất của cô lần lượt có tên gọi “Nocturne – Khu phố người Hoa của Bangkok’; “Chungking Mansions: Khu ổ chuột cuối cùng ở Hong Kong” và một chuỗi chân dung các nữ tỷ phú ở Việt Nam.