Đi sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, lách qua cửa bên và leo cầu thang lên lầu hai, bạn sẽ tới Reading Room. Không gian diện tích 25m2, vốn là phòng riêng của người sáng lập Nguyễn Hoàng Long, nay được cải tạo thành nơi lưu trữ và chia sẻ bộ sưu tập hiện có hơn 600 đầu sách về nhiếp ảnh và văn hoá thị giác. Reading Room mở cửa đón khách không thu phí từ tháng 3/2023 sau hơn một năm ấp ủ, với mục tiêu mở rộng độc giả cho những cuốn sách do cá nhân anh tuyển chọn.
Sau khi inpages và Salon Saigon đóng cửa, Reading Room còn lại là một trong số địa chỉ ít ỏi dành cho độc giả sách nghệ thuật tại TP.HCM. “Cực nhất là công đoạn đóng sách, mình phải đóng gói khoảng 30 thùng qua dịch vụ chuyên vận chuyển hàng từ Mỹ về Việt Nam và trả chi phí không nhỏ”, Long chia sẻ về quá trình chuẩn bị.
Long tốt nghiệp chuyên ngành nghệ thuật tại Macalester College, Mỹ vào năm 2021. Lần đầu tiếp xúc với sách ảnh trong lớp học, anh lập tức cảm thấy yêu thích phương tiện này, đặc biệt là với trải nghiệm xem ảnh một cách chậm rãi và có chủ đích trên trang giấy. Dù đã có thói quen mua những cuốn sách mình yêu thích mỗi khi có dịp, đến năm cuối đại học, Long mới hình thành ý định nghiêm túc xây dựng một bộ sưu tập cá nhân. Nhờ bạn bè khuyến khích và thấu hiểu chi phí cao kèm thủ tục phức tạp mỗi khi đặt sách từ nước ngoài, anh quyết định tận dụng thời gian còn lại ở Mỹ để phát triển tủ sách của mình nhằm lập nên một không gian cộng đồng khi trở lại quê nhà.
Cực nhất là công đoạn đóng sách, mình phải đóng gói khoảng 30 thùng qua dịch vụ chuyên vận chuyển hàng từ Mỹ về Việt Nam và trả chi phí không nhỏ.
Nguyễn Hoàng Long
Trở về Việt Nam cuối năm 2022, Long sơn sửa lại không gian, đóng kệ sách và phân loại ấn phẩm theo loại hình. Khoảng nửa số sách của Reading Room là sách ảnh, nửa còn lại thuộc về các ngành đa dạng như thời trang, thiết kế, phim và điêu khắc. Anh có xu hướng sưu tập ấn phẩm của nghệ sĩ mới nổi từ các nhà xuất bản độc lập như MACK, Loose joints hay Jiazazhi, đồng thời tìm kiếm các ấn phẩm đời đầu của các tên tuổi lớn, có thể kể đến Wolfgang Tillmans, Rinko Kawauchi hay Alec Soth. Đôi khi anh sưu tập đơn thuần vì yêu thích cách trình bày mới lạ, chẳng hạn như số thứ tư của tạp chí PRINT bao gồm ảnh in trên đĩa giấy và bộ bài.
Bên cạnh đa số ấn phẩm từ quốc tế, bộ sưu tập cũng bao gồm một vài đầu sách về Việt Nam xuất bản tại Mỹ như cuốn vựng tập Changing Identity: Recent Works By Women From Vietnam do Nora Taylor và Barbara Tran đồng tác giả, hay cuốn sách phiên bản giới hạn Viet Archive A Visual Analysis – một phần của dự án số hoá ảnh gia đình từ các cộng đồng người Việt trong và ngoài nước do Kristi Huynh khởi xướng. Anh hiện đang để mắt tới những ấn phẩm được thực hiện và phát hành tại địa phương, chẳng hạn như cuốn zine in riso mới ra mắt mang tên The Fragments of Past time Bridge the Synchronicity of Tomorrow của Trang Đinh.
Là dự án phi lợi nhuận do chính người sáng lập tài trợ và vận hành, Reading Room chỉ mở cửa vào cuối tuần, chưa theo giờ cố định. Đây vẫn là một nỗ lực độc lập xứng đáng ghi nhận trong bối cảnh nguồn lực cho việc tiếp cận và nghiên cứu hình ảnh còn rất hạn chế tại địa phương. Căn phòng nhỏ này là nơi bạn có thể tự do tham khảo, tìm cảm hứng trong nội dung, hình thức và chất liệu, hay chuyện trò thân mật cùng những cá nhân trong cộng đồng sáng tạo. Trong khi đang dành thời gian số hoá và lan toả bộ sưu tập này tới khán giả trực tuyến, Long cũng ấp ủ các kế hoạch trong tương lai gần như tổ chức hoạt động như chiếu phim, hay xa hơn là xuất bản zine dưới cái tên Reading Room.
Reading Room nằm tại quận Bình Thạnh, TP.HCM và chỉ mở cửa cuối tuần. Vui lòng liên hệ trang Instagram để biết địa chỉ chính xác và giờ mở cửa từng tuần.