Makét 02

Dzũng Yoko: “Nhiếp Ảnh Là Bước Đi Tuyệt Vời Nhất”

Dzũng Yoko là cái tên quen thuộc trong ngành thời trang khi đã cộng tác với tạp chí Elle Việt Nam trong chín năm qua. Với tư cách Giám đốc sáng tạo, anh được biết đến với những sản phẩm hình ảnh vừa mang cái tôi nghệ thuật, vừa có tính ứng dụng cao. Nhưng vai trò của anh không chỉ dừng lại ở khâu lên ý tưởng. Ở phần danh đề nhiều ảnh bìa và ảnh bộ gần đây xuất hiện dòng “Ý tưởng & Hình ảnh: Dzũng Yoko”. Sau một đôi lần thử sức, việc tự tay cầm máy thực hiện hình ảnh đã trở thành một phần không thể thiếu trong thực hành sáng tạo của anh. Dưới đây, anh chia sẻ về công việc trong ngành nhiếp ảnh thời trang – lĩnh vực mà bên dưới vẻ ngoài lấp lánh, yêu cầu người làm nghề phải thực sự bền bỉ và hăng say.

© Dzung Yoko

Để bắt đầu, anh có thể chia sẻ cơ duyên nào đã đưa anh đến với ngành thời trang, cụ thể hơn là ngành fashion media? 

Tôi học đại học vào đầu những năm 90, khi đó Việt Nam mới dần mở cửa và thời trang còn là một lĩnh vực vô cùng mới mẻ. Tôi vốn yêu thích thời trang từ lâu nhưng không có lựa chọn theo học bài bản. Dù tốt nghiệp thủ khoa ngành Kiến trúc, tôi không theo nghề vì không có đam mê.

Thời điểm còn làm công việc thiết kế đồ hoạ, tôi đảm nhiệm cả phần lên ý tưởng và phối đồ cho nhiều dự án, thậm chí có lần còn đặt may trang phục riêng cho buổi chụp hình. Cảm quan mạnh mẽ về thời trang trong những sản phẩm thiết kế của tôi đã lọt vào con mắt của ban biên tập tạp chí Elle Việt Nam. Chín năm trước, tôi nhận lời cộng tác cùng Elle khi đã 34 tuổi. Giờ tôi vẫn thầm cảm ơn lời mời từ những con người ấy, bởi nếu không, có lẽ tôi vẫn đang khắc khoải đi tìm cái mình mong muốn.

© Dzung Yoko
© Dzung Yoko

Cách anh chụp ảnh liệu có chịu ảnh hưởng từ quãng thời gian theo học kiến trúc chính quy?

Tôi thích làm việc trong studio vì nó giống như một tờ giấy trắng. Nhờ thói quen vẽ tay từ thời đại học mà tôi nắm rõ những yếu tố như hình khối, tỉ lệ và màu sắc, từ đó có thể tái tạo studio thành một không gian riêng. Hiểu biết về kiến trúc cũng cho tôi cái nhìn bao quát. Khi chụp ngoại cảnh, tôi có xu hướng chọn nơi có phong cảnh hay công trình kiến trúc đẹp. Tôi nhìn nhận hình thời trang không chỉ nhằm tôn vinh trang phục mà là sự tổng hòa của ý tưởng, thiết kế bối cảnh, cách phối đồ, trang điểm, vv. 

Anh có thể chia sẻ thêm về bước chuyển từ giám đốc sáng tạo sang nhiếp ảnh gia? 

Tôi không cho mình là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Tôi là một người làm sáng tạo muốn được cầm máy để tạo ra tác phẩm của mình. Khi nhìn vào thành phẩm, có lẽ điều làm khán giả thích thú sẽ là ý tưởng và câu chuyện, thay vì góc máy chuẩn hay ánh sáng cầu kỳ. 

Tôi không có thế mạnh về kỹ thuật nên thời gian đầu cầm máy rất bỡ ngỡ. Nhưng thời điểm này, có thể nói nhiếp ảnh là bước đi tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi. Nó đã phá vỡ mọi quy tắc trước đây tôi đặt ra cho dòng chảy công việc, đem đến cảm hứng sáng tạo và sự thăng hoa không ngờ tới. Khi trực tiếp đứng sau ống kính, tôi sáng tác ngay trên bối cảnh, nương theo cảm xúc chính tại thời điểm đó. Tôi có thể gạt bỏ tất cả những nỗi buồn phiền lo lắng để tập trung năng lượng vào một thời khắc. Thực sự không có gì đẹp hơn việc tự tạo nên tác phẩm từ tưởng tượng của mình.

Khi làm sách, tôi có dịp cộng tác cùng những cá nhân tâm huyết với nghề như người mẫu, trang điểm, stylist và đặc biệt là nhà thiết kế Việt, trong bối cảnh ngành thời trang – cụ thể là thời trang thiên về nghệ thuật – chưa có sự quan tâm giúp đỡ đúng mực. 

© Dzung Yoko

Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, có khi nào anh cảm thấy khó khăn để cân bằng giữa hai mảng thương mại và nghệ thuật? 

Câu nói “Cơm áo không đùa với khách thơ” luôn đúng. Việc cân bằng vẫn luôn là câu hỏi lớn cho những người làm nghề bao thế hệ nay. Nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới đã thực hiện những chiến dịch hình ảnh đột phá, nghiêng hẳn về ý tưởng sáng tạo thay vì những chi tiết về sản phẩm; điều đó cho thấy bước tiến rõ rệt trong ngành. Còn tại Việt Nam, thực tế là phần lớn nhãn hàng đều bị những yếu tố thương mại chi phối. Thế nhưng nếu chỉ phục vụ khách hàng thì khả năng lớn là chúng ta sẽ cho ra những sản phẩm kém duyên và trông na ná nhau.   

Nhiếp ảnh thời trang là lĩnh vực thời thượng nên thu hút nhiều người trẻ theo đuổi, đôi khi với mong muốn có được tiền bạc và danh vọng. Anh nhìn nhận điều này như thế nào?

Đúng là nhiều người trẻ tìm đến nhiếp ảnh thời trang để tìm kiếm sự nổi tiếng chóng vánh. Nhưng nếu muốn đi đường dài trong ngành cạnh tranh vô cùng khốc liệt này, trước tiên chính bạn phải rung động trước sản phẩm mình chụp, từ nếp gấp của mảnh vải, tà áo bay lên cho tới biểu cảm của người mẫu, thì mới có thể tạo ra tác phẩm có chiều sâu. 

© Dzung Yoko
© Dzung Yoko
© Dzung Yoko

Giờ nhiều hình thời trang cứ giống nhau bởi các bạn làm cái người khác cần, mải tìm kiếm ở bên ngoài mà bỏ qua những cái bên trong mình. Trong khi đó, nhiếp ảnh thời trang là một phạm trù rất rộng. Người có biệt tài chụp quần áo đẹp lộng lẫy, người nghĩ ra những cách thể hiện rất “quái”, rất avant-garde (thể nghiệm tiên phong), còn tôi thiên về ý niệm và duy mỹ. Gần đây tôi tập trung khai thác văn hoá Việt và rộng hơn là văn hoá châu Á trong tác phẩm của mình. Hướng đi riêng là thứ bắt buộc cần trải nghiệm để hình thành, không thể có một sớm một chiều hay dùng tiền để mua được. 

© Dzung Yoko

© Dzung Yoko

Vậy chuỗi ấn phẩm Dzũng Yoko Artbook có phải là nơi để anh thể hiện hướng đi riêng đó? 

Tôi vốn yêu thích sưu tập sách báo nên thực hiện chuỗi ấn phẩm này nhằm góp phần đẩy mạnh văn hóa đọc, tạo cảm hứng cho độc giả khi trải nghiệm những sản phẩm sáng tạo trên giấy. Nhưng lý do lớn hơn là mong muốn tạo ra sân chơi bình đẳng, không có cạnh tranh về mặt thương mại cho những bạn trẻ làm thời trang. Khi làm sách, tôi có dịp cộng tác cùng những cá nhân tâm huyết với nghề như người mẫu, trang điểm, stylist và đặc biệt là nhà thiết kế Việt, trong bối cảnh ngành thời trang – cụ thể là thời trang thiên về nghệ thuật – chưa có sự quan tâm giúp đỡ đúng mực. 

Tôi tin rằng Việt Nam không thiếu những con người tài giỏi có khả năng tạo ra sản phẩm chất lượng không thua kém nước ngoài, nhưng chúng ta lại chạy theo những giá trị khác. Tôi muốn đi ngược dòng và may mắn là đã tìm được một cộng đồng cho mình.

Anh thường xuyên nhắc đến cảm xúc. Yếu tố này có vai trò gì trong công việc của anh? 

Nhiều người cho rằng một bộ ảnh đẹp phải dùng máy hầm hố hay dựng cảnh hoành tráng. Đúng là nghệ thuật rất cần kỹ thuật nhưng theo tôi đây không phải yếu tố tiên quyết. Chụp theo công thức thì tác phẩm trông hoàn hảo nhưng thiếu hụt cảm xúc, câu chuyện đưa ra rất gượng ép. Người xem đâu có dở, họ nhìn ra ngay. 

Mặt khác, ngày mới cầm máy, có những lúc đến buổi chụp mà tôi còn định bỏ về luôn vì áp lực. Con người tôi quá dư cảm xúc, dù là yếu tố cần thiết cho sáng tạo, nhưng nó cũng khiến tôi khổ sở và bất an trong cuộc sống hàng ngày. Không thể thay đổi tâm tính, có chăng là tập trung năng lượng vào tác phẩm để nó giải thoát cho mình.


Tốt nghiệp Thủ khoa Đại học Kiến trúc TP.HCM năm 1998, Dzũng Yoko sau đó đã nhanh chóng khẳng định tên tuổi của mình trong lĩnh vực thiết kế thị giác, đặc biệt là với những sáng tạo hình ảnh dành cho các danh ca tại Việt Nam. Những năm gần đây, anh ngắm giữ vị trí Giám đốc Sáng tạo tại các tạp chí thời trang quốc tế quan trọng như Elle và L’Offciel. Dấu ấn đặc trưng của anh là khả năng vẽ các phác thảo để định hướng các bộ hình một cách cụ thể nhưng không kém phần nên thơ.