Triển lãm mới nhất của Yatender 2 – 1 với những bức ảnh trong Dự án Tinder vừa diễn ra tại Vin Gallery từ cuối tháng 8 đến 14/09. Ảnh từ chính dự án này cũng vừa xuất hiện trong triển lãm nhóm tại The Factory và chiếm một chương của cuốn sách Saigon Artbook mới ra mắt gần đây. Triển lãm thể hiện mối quan tâm đang lan rộng đáng mừng với nghệ thuật nhiếp ảnh tại Việt Nam, và giống như những show khác, 2 – 1 đem tới khán giả bộ ảnh đang thực hiện chứ không phải là một tác phẩm đã hoàn thiện và sẵn sàng trưng bày. Dù có ý tưởng ban đầu thú vị và vô tình hay hữu ý chạm đến những vấn đề nóng hiện nay như nữ quyền và hẹn hò qua mạng, triển lãm để lại một cảm giác khá lạc lối trong cách thực hiện.
Cảm nhận đầu tiên của người xem khi tới Vin Gallery những ngày này hẳn là một sự rộng rãi bất thường. Vin Gallery vốn là một trong số những phòng tranh tư nhân với diện tích khiêm tốn tại Sài Gòn, và thật hiếm khi thấy căn phòng trống trải như vậy khi triển lãm vẫn đang diễn ra. Ảnh của Yatender được in rất nhỏ so với không gian phòng trưng bày, và thực tế thì số lượng ảnh cũng không có nhiều. Chúng được sắp xếp thành từng cụm nhỏ, mỗi cụm chiếm một phần tường riêng biệt mà có vẻ không liên quan đến nhau. Ấn tượng ban đầu đó được hình thành rõ hơn khi người xem tới gần quan sát và nhận ra rằng mỗi nhóm ảnh là về một người đàn ông khác, trừ một nhóm trong góc phòng là tổng hợp ảnh của nhiều nhân vật. Số lượng ảnh ở mỗi nhóm cũng khá ngẫu hứng, cái ít cái nhiều. Bên cạnh đó là những mảnh giấy nhỏ in chữ viết tay của chính nghệ sĩ kể lại cuộc gặp gỡ giữa cô và nhân vật.
Ảnh xuyên suốt triển lãm tường thuật những khoảnh khắc chân thực trong mối quan hệ chóng vánh của họ. Chi tiết thân mật của những cuộc đụng chạm chóng vánh được phơi bày ra và ta có thể thấy sự kết nối nhục cảm giữa nghệ sĩ và nhiều người đàn ông cô gặp trên ứng dụng hẹn hò thời hiện đại. Miêu tả họ trong những tình huống khác nhau, ảnh có thể được chia làm hai phần. Một phần cho thấy họ đang tương tác với nghệ sĩ và tạo dáng kì quặc để chụp hình, phần còn lại là những giây phút tĩnh lặng, gần gũi hơn khi họ đang ở một mình.
Trong loạt hình thứ nhất, đèn flash gắt từ máy ảnh khiến họ trông như diễn viên đang chìm trong ánh đèn trên sân khấu. Ở tấm này, một người mặc quần đùi đỏ rực nhảy từ trên cây xuống. Ở tấm kia, một người khác tự bọc bản thân mình bằng dây ruy-băng. Dù ảnh trông khá vui mắt, nhưng những khuôn mặt thực sự của nhân vật bị che lấp sau những màn trình diễn này và không tương xứng với mục đích “chụp lại những gì sâu thẳm trong họ” như Yatender mong muốn.
Thông tin về bối cảnh để giúp người xem hiểu tác phẩm hơn đáng tiếc lại không thể tìm thấy ở trong triển lãm mà nằm trong cuốn Saigon Artbook 07. Ý tưởng của Yatender là khi mối quan hệ giữa hai người đã đến mức thân mật, cô sẽ hỏi nhân vật / bạn tình của mình làm điều gì đó để cô chụp lại. Dù về những nhân vật khác nhau ở những thời điểm khác nhau, ảnh có cảm giác dàn dựng khá tương tự. Trong trường hợp này, chân dung nhân vật có khả năng mô tả nghệ sĩ nhiều hơn người được chụp. Những người đàn ông này thể hiện mình như vậy theo yêu cầu của Yatender và theo cách họ nghĩ sẽ tạo ra ảnh tốt cho cô, nên kết quả ra nhiều phần phản chiếu tác giả hơn là bản thân nhân vật.
Trái lại, nhóm chân dung thứ hai cho thấy nhân vật khi họ đang ở một mình, không để ý và không cần gây ấn tượng với ai. Trong đó, họ trông cô đơn, dễ tổn thương và có vẻ là chính mình hơn. Cho dù không có hiệu ứng thị giác lạ và bắt mắt như những tấm còn lại, ảnh ở nhóm này có một sức mạnh khiến người xem nấn ná lại lâu hơn để tìm hiểu và cảm thông.
Ta thấy sự hiện diện của Yatender suốt bộ ảnh dù có rất ít chân dung của cô. Bằng cách này hay cách khác cô ẩn mình đi bằng cách đưa máy lên che mặt khi chụp mình trong gương hay tự cắt mình ra khỏi khung hình. Trong khi danh tính của nhân vật đều được tiết lộ, Yatender chủ động tránh khỏi cái nhìn của người xem. Khi người nghệ sĩ khó nắm bắt như vậy, tấm ảnh duy nhất mà cô để mình hiện diện trở thành điểm sáng của cả triển lãm.
Trong nhà nghỉ, hai chiếc giường đơn được xếp cạnh nhau. Màu sắc và ánh sáng cho người xem biết đây đang là giữa đêm. Một người đàn ông cởi trần nằm úp mặt, có vẻ như đang ngủ sâu và lãng quên mọi sự xung quanh. Người phụ nữ ngồi bên giường đối diện, trần trụi và chỉ còn là bóng hình gần như trong suốt bởi chuyện động và thời gian phơi sáng lâu. Khung cảnh này siêu thực và kịch tính một cách khó giải thích. Chỉ trong một tấm ảnh, mọi yếu tố làm nên sự đặc biệt của Yatender đều hiển hiện: sự dịu dàng của những khoảnh khắc bất ngờ bị đánh cắp, những gì bí ẩn, phân vân, yếu mềm và cô đơn. Những cảm xúc mà bộ ảnh đáng lẽ phải có chỉ tồn tại trong tấm ảnh này.
Khi đã nhìn được tiềm năng trong các tấm ảnh rải rác trên tường, thật khó để không cảm thấy đôi chút thất vọng. Khi người xem rời triển lãm, tôi không khỏi tự vấn nếu nghệ sĩ dành nhiều thời gian hơn để phát triển bộ ảnh, đủ để cô tìm thấy bản thân mình và thật thà hơn với nhân vật, hình ảnh và chính cảm xúc của cô, tác phẩm này sẽ chỉn chu hơn đến mức nào.
Triển lãm 2 – 1: Một triển lãm cá nhân của Yatender
Địa điểm: Vin Gallery, 6 Lê Văn Miến, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM
Thời gian: 11/8 đến 14/9 năm 2017.
Miễn phí vào cửa.