Makét 02

Đối Thoại Giữa Phóng Viên Ảnh Nguyễn Khánh & Linh Phạm

Vào một ngày cuối năm lành lạnh của Hà Nội, Matca có dịp tụ tập với hai nhiếp ảnh gia tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có một khoảng thời gian tương đối lăn lộn với nghề làm ảnh. Phóng viên ảnh từ báo Tuổi Trẻ – Nguyễn Khánh, người luôn sát sao với những điểm nóng thời sự trong nước đồng thời là cái tên nổi bật trên mạng xã hội những năm vừa qua. Linh Phạm lại chọn hoạt động tự do, tập trung thực hiện các dự án chậm và dài hơi hơn, hiện đang cộng tác với một số hãng truyền thông quốc tế. Dù cả hai đều chọn ảnh báo chí là cái nghiệp để theo đuổi, mối quan tâm, cách thực hành và quan điểm về nhiếp ảnh của mỗi người đều có những điểm khác biệt nhất định. Bên ly cà phê vỉa hè, Nguyễn Khánh và Linh Phạm chia sẻ về những ngày mới cầm máy, trao đổi về nghiệp vụ báo chí và những kinh nghiệm đúc kết từ chính quá trình làm việc của họ.

© Pham Thang

Nguyễn Khánh và Linh Phạm đã bắt đầu công việc như thế nào? 
Nguyễn Khánh: Mình tốt nghiệp ngành báo chí ở trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn, được đào tạo để trở thành phóng viên viết và mảng truyền hình, còn ảnh báo chí chỉ là một phần nhỏ của chương trình học. Nhiếp ảnh hồi đó với mình chỉ dừng lại là đam mê thôi chứ mình không xác định sẽ trở thành một phóng viên ảnh trong tương lai. Tuy nhiên đến năm thứ 4 Đại học khi thực tập tại báo Tuổi Trẻ thì mọi thứ thay đổi. Trong suốt thời gian thực tập tại toà soạn, công việc chính của mình là bám trụ ở Hồ Gươm để chụp cụ rùa nổi. Sau đó mình tiếp tục gắn bó với Tuổi Trẻ và bây giờ đã trở thành một phóng viên chính thức của toà soạn, tính ra cũng đã được 6 năm.

Nghề phóng viên ảnh rất cực nhọc nhưng đầy thú vị. Mỗi ngày bạn được trò chuyện, được tiếp xúc với những con người ở nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội. Nó giúp bạn trưởng thành hơn, cho bạn nhiều mối quan hệ và từ đó bạn hình thành được một cái nhìn khá đa chiều về cuộc sống xung quanh. Mình thường nói vui với bạn bè, phóng viên ảnh thường xuyên phải đi vào những nơi mà người khác chui ra, từ bão lũ, cháy nổ… Tuy nhiên đối với mình, được đến đó và phản ánh khách quan thông tin mà nhiều người không được tiếp cận và đang quan tâm đó cũng là một niềm vui.

Linh Phạm: Mình tiếp xúc với nhiếp ảnh sau Nguyễn Khánh một thời gian. Chuẩn bị tốt nghiệp Đại học chuyên ngành đồ hoạ thì tình cờ xem được bộ phim War Photographer về phóng viên ảnh kỳ cựu James Nahtchwey. Chính bộ phim ấy thay đổi hoàn toàn quan điểm của mình về cuộc sống cũng như lựa chọn nghề nghiệp của mình, không chỉ vì những hình ảnh quá mạnh mà còn là sự dấn thân, đấu tranh cho sự thật của James Nahtchwey. Tuổi trẻ mà, những điều thuộc về lý tưởng thường dễ thu hút. Sau khi tốt nghiệp, mình sang Chiang Mai thực tập ở một gallery chuyên về ảnh tư liệu, rồi ra thẳng chiến trường ở vùng núi phía Bắc Myanmmar.

Mình quan tâm tới con người và tò mò về thế giới xung quanh, nên ý nghĩa lớn nhất của nhiếp ảnh với mình là một lý do, một công cụ để khám phá thế giới, đẩy mình ra khỏi vùng an toàn. Khi được tiếp xúc, va chạm nhiều hơn, bản thân mình có thêm cơ sở để tự so sánh, thế giới quan mở rộng hơn và quan sát được vấn đề từ nhiều chiều hơn.

Tân binh Nguyễn Thanh Định ngoái lại phía về phía gia đình, ảnh chụp tại buổi lễ nhập ngũ đợt 1 của các tân binh khu vực Quận Ba Đình (Hà Nội) sáng 15/2/2014. © Nguyen Khanh

Nghiệp vụ báo chí có vai trò gì khi tác nghiệp? 
Nguyễn Khánh: Phóng viên ảnh trước hết là một người làm nghiệp vụ của một nhà báo. Tức là bạn phải cung cấp thông tin một cách khách quan và chính xác nhất cho độc giả, thực hiện quy trình xử lý thông tin từ việc tìm hiểu đề tài, đặt vấn đề, liên hệ…

Đối với mình 50% thành công là bạn phải có mặt đúng nơi đúng thời điểm, 50% còn lại mới lại thuộc về kỹ năng nghề nghiệp. Hãy luôn mở rộng các mối quan hệ để mình có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc tác nghiệp. Nghề báo luôn nhiều rủi ro và nhiều rào cản khi làm việc, do vậy việc trang bị cho mình những kỹ năng mềm trong giao tiếp và xử lý thông tin không bao giờ thừa.

Mình nhớ mãi bức ảnh chụp người cha bế xác người con tử vong do bệnh sởi vào năm 2014, sau khi vất vả chụp được bức ảnh này, mình đã mất nửa ngày để xác minh ông bố là ai, đứa con của ông ấy tên là gì và có phải tử vong do bệnh sởi hay không, điều này là vô cùng khó khăn trong bối cảnh những thông tin về tình hình bệnh dịch bị bưng bít. Cuối cùng bằng nhiều cách khác nhau, mình mới có được những thông tin cần thiết để có thể đăng tải bức ảnh này trên mặt báo.

Ngược lại, nếu trong tay mình lúc đó không có những thông tin về nhân thân đứa trẻ, thì bức ảnh này mãi mãi không bao giờ được xuất bản. Tính chính xác về thông tin trong ảnh báo chí là điều quan trọng nhất, khi bạn truyền tải thông điệp sai cho một bức ảnh thì hậu quả của nó là khôn lường.

Linh Phạm: Nghiệp vụ báo chí là trở ngại rất lớn dành cho mình khi mới bắt đầu, phải tự mày mò, tìm cách làm sao cho đúng nên khá là mất thời gian so với các bạn được đào tạo chính quy. Đúng như Nguyễn Khánh nói, chụp được một bức ảnh hay chưa bao giờ là đủ. Một cách nào đó, việc chụp ảnh khó và nhiều thách thức hơn việc viết bài ở chỗ phóng viên ảnh phải hiện diện, phải chứng kiến tận mắt sự kiện đang xảy ra. Tới một thời điểm khi đã nắm tốt các vấn đề về kỹ thuật và nghiệp vụ, người giỏi hơn là người tiếp cận được tới vấn đề sâu hơn.

Henri Cartier-Bresson, người có ảnh hưởng rất lớn tới ảnh báo chí hiện đại từng nói rằng “Bạn cần phải có mặt ở đúng nơi vào đúng thời điểm – Be in the right place at the right time”. Và mọi người thường đổ cho những may mắn từ trên trời rơi xuống. Nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn về sự nghiệp của Bresson thì mình thấy đây không hoàn toàn là sự ngẫu nhiên. Tại sao ông là người cuối cùng chụp ảnh Gandhi trước khi bị ám sát tại Delhi? Hay việc ông ghi lại được thời khắc cuối cùng của Thượng Hải trước khi quân đội Mao Trạch Đông ùa vào? Không rõ vì lý do nào ông có mặt được ở những thời khắc quyết định đó nhưng theo mình phần là kinh nghiệm, nhạy cảm cá nhân, còn lại là nhờ những mối quan hệ, nguồn tin đặc biệt. Không có gì là ngẫu nhiên, tất cả đều nhờ kinh nghiệm, nghiên cứu và tính toán.

Bé H.N.P 9 tháng tuổi tử vong vì bệnh viêm phế quản phổi và Sởi, trong ảnh anh H.N.V đang ôm lấy thi hài của con đưa về quê nhà Văn Lâm - Hưng Yên an táng, vợ của anh chị N.T.H không thể kìm nén được cảm xúc trước sự ra đi đột ngột của con, theo hồ sơ bệnh án, bé H.N.P nhập viện vào ngày 31/3/2014 đến sáng ngày 16/4/2014 thì tử vong, ảnh chụp vào sáng 16/4/2014 tại Viện Nhi Trung Ương. © Nguyen Khanh
Cầu thủ Vũ Minh Tuấn của đội tuyển Việt Nam bật khóc sau khi ghi bàn thắng nâng tỉ số 2-1 cho Việt Nam trước Indonesia trong trận bán kết lượt về trên sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội). Cách đây ít ngày bố của Vũ Minh Tuấn đã qua đời, điều này đã khiến Tuấn không thể góp mặt trong trận bán kết lượt đi. Kết thúc hai hiệp phụ, Việt Nam thua Indonesia với tổng tỉ số 3-4. © Nguyen Khanh
Chị Đậu Thị Huyền Trâm 25 tuổi ngất lịm trong vòng tay của mẹ. Chị Trâm là một chiến sĩ thuộc lực lượng công an tỉnh Hà Tĩnh, trong quá trình mang thai đứa con đầu lòng, Trâm phát hiện mình bị ung thư phổi, chị đã từ chối các biện pháp điều trị bằng hoá chất kéo dài sự sống để đảm bảo sức khoẻ cho đứa con trong bụng. Con trai chị Trâm chào đời ngày 10.7.2016, đến chiều ngày 27-7, chị Đậu Thị Huyền Trâm qua đời tại quê nhà. Bức ảnh được chụp vào sáng 26-7 tại bệnh viện K Trung ương. © Nguyen Khanh
Dòng người di chuyển trong lễ truy điệu 9 liệt sĩ đội bay CASA-212 hi sinh khi đang bay tìm kiếm máy bay Su30-MK2 diễn ra tại Hà Nội vào sáng ngày 30-6-2016. © Nguyen Khanh

Liệu ảnh báo chí có cần đẹp?
Nguyễn Khánh: Giá trị thông tin trong ảnh báo chí vẫn là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, một bức ảnh đẹp về thẩm mỹ sẽ dễ dàng dẫn dắt và thu hút người xem hơn. Ảnh báo chí cần đẹp nhưng đó không phải yếu tố quyết định.

Linh Phạm: Ảnh đương nhiên phải đẹp rồi vì mình là người rất duy mỹ, cũng là người được đào tạo về mỹ thuật nhiều năm. Nhưng đã có rất nhiều trường hợp khi giá trị thông tin của bức ảnh quá lớn, lấn át những yếu tố khác. Ví dụ điển hình là bức ảnh chụp Em bé Napalm của phóng viên ảnh Nick Út. Sức lan toả và tầm hưởng quá lớn của bức ảnh này là quá lớn, và không ai quan tâm đến chuyện bố cục hay độ nét ở đây nữa.

Định hướng tương lai với nghề của hai người? 
Nguyễn Khánh: Cá nhân mình có thể chụp nhiều thể loại khác nhau, nhưng thứ định hình tên tuổi của mình vẫn sẽ là ảnh báo chí, ít nhất trong 5 năm nữa. Về lâu dài, mình muốn theo đuổi dự án dài hơi hơn, như chụp một nhân vật, một vùng đất qua nhiều năm. Đặc biệt đề tài về thời hậu chiến tranh luôn có nhiều điều đặc biệt mà mình đang theo đuổi.

Linh Phạm: Mình không coi bản thân là phóng viên ảnh, theo cách hiểu truyền thống nhất, bởi mình không làm tin nóng thời sự. Mình vẫn có thiên hướng làm những dự án dài hạn, và trong thời điểm này, làm ảnh phục vụ cho báo/ tạp chí có ích vì đây là đầu ra ngắn hạn cho sản phẩm của mình, cũng là cơ hội để hiểu được thị hiếu của khán giả, thị trường. Nhưng nhìn chung, mình vẫn theo đuổi thể loại ảnh mang nhiều tính thông tin.

© Linh Pham

Có lời khuyên nào cho những người mới bắt đầu? 
Nguyễn Khánh: Mình có năm điều muốn chia sẻ với các bạn trẻ đang cân nhắc theo đuổi ảnh báo chí:

Thứ nhất, bớt ảo tưởng về công việc này và phải dấn thân và lăn xả: nghề phóng viên ảnh không có chỗ cho những người lười biếng. Nhiều bạn thường hay nhắn tin cho mình nói rằng em muốn được chụp những người nổi tiếng, em muốn được tác nghiệp trong những sự kiện lớn nhất được nhiều người quan tâm… Mình chỉ trả lời rằng: Em hãy làm tốt những công việc nhỏ nhất, hãy tạo niềm tin cho toà soạn dần dần, không toà soạn nào lại cử một phóng viên mới ra trường đi chụp những sự kiện quan trọng như vậy đâu. Tác nghiệp ở những sự kiện càng lớn thì áp lực càng cao. Cơ hội dành cho tất cả mọi người, nhưng những người đến sau phải nỗ lực gấp đôi những người đã đi trước.

Thứ hai, luôn quan sát và học hỏi thành công của những người đã đi trước để tạo ra cái của riêng mình. Theo mình, điều tối kỵ nhất là bạn rập khuôn phong cách của một ai đó. Không vui vẻ gì khi một người xem ảnh của bạn rồi lại nói rằng, ảnh của em đẹp giống anh A, anh B… nếu bạn có lòng tự trọng thì hãy xem đó là một lời chê. Mỗi nhiếp ảnh gia sẽ có một phong cách, góc nhìn và cách tiếp cận riêng. Hãy cố gắng tiếp xúc với họ, học ở họ những điều mà bạn còn cảm thấy thiếu, gom nhặt để tạo ra cái riêng của bạn.

Thứ ba, mở rộng các mối quan hệ trong công việc. Họ có thể là nguồn tin của bạn, có thể là người tạo điều kiện để bạn tác nghiệp thuận lợi hơn hoặc có thể chia sẻ với bạn về niềm vui, nỗi buồn trong công việc. Phóng viên ảnh là một công việc khá đơn độc, những người bạn tốt sẽ giúp bạn cân bằng hơn.

Thứ tư, học tốt tiếng anh để mở rộng các mối quan hệ và tiếp cận với những nguồn thông tin vô tận ngoài kia.

Điều cuối cùng, sự cạnh tranh trong thời đại công nghiệp số đang rất gay gắt. Nó đòi hỏi mỗi phóng viên phải tự trang bị cho mình nhiều kỹ năng nhất có thể. Nhu cầu của các toà soạn hiện nay là tìm kiếm những phóng viên có thể thực hiện được bài viết 3 trong 1: ảnh, video và viết. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho các bạn trẻ.

Linh Phạm: Mình cũng đang chơi vơi lắm, biết khuyên thế nào? (cười). Câu hỏi lớn nhất mà bản thân mỗi người phải tự đặt ra là bạn có thực sự muốn theo đuổi công việc này hay không? Với mình thì điều gì cũng làm được hết nếu quyết tâm. Công việc chụp hình nói chung và phóng viên ảnh nói riêng một phần nào đó cũng bị “hào nhoáng hoá”; còn với mình đây đơn thuần là công việc để nuôi sống bản thân, cũng như bao công việc khác ngoài kia thôi. Đương nhiên cũng phải có một sự quan tâm và yêu thích nhất định mới làm được. Nhìn nhận thẳng thắn, ảnh là một thứ dịch vụ thì vẫn mục đích cuối cùng vẫn là quay lại là phục vụ khách hàng – chính là bạn đọc.

© Linh Pham
© Linh Pham
© Linh Pham
© Linh Pham

Nguyễn Khánh là phóng viên ảnh của báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội. Anh theo sát tin thời sự trong nước và đặc biệt quan tâm đến đề tài hậu chiến.
Kết nối với Khánh qua Facebook.

Linh Phạm là một phóng viên ảnh độc lập hiện đang làm việc tại Hà Nội. Tác phẩm của anh chủ yếu miêu tả tình trạng con người và các vấn đề liên quan đến cộng đồng.
Kết nối với Linh tại Facebook và Instagram.