Ngày nay, người ta thường choáng ngợp trước sức mạnh xử lý hậu kỳ hình ảnh đến từ những phần mềm như Photoshop, biến những điều không thể thành có thể. Không mấy ai biết rằng những kỹ thuật ‘tân tiến’ này đã từng được thực hiện thủ công thông qua việc chấm, sửa hay tô màu trực tiếp lên tấm ảnh trong suốt hai thế kỷ trước. Bắt nguồn từ Thuỵ Sĩ từ những năm 30 của thế kỷ 19, công đoạn hậu kỳ này đã dần phổ biến khắp thế giới và thậm chí trở thành một loại hình nghệ thuật quý tộc tại Nhật Bản.
Tại Việt Nam ở thời kỳ cực thịnh của các tiệm ảnh truyền thống thập niên 1940-1950, việc chấm sửa ảnh hay tô màu ảnh đen trắng đã là một nghề được không ít người thợ theo đuổi nhưng nay số lượng những người được biết đến chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Qua Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, Matca đã có cơ hội tìm gặp một trong những nghệ nhân nổi tiếng nhất miền Bắc, ông Phạm Đăng Hưng, trong chính căn phòng nơi ông đã tô vẽ làm đẹp cho hàng ngàn tấm ảnh qua nhiều thập kỷ.
Đã quá tuổi thất thập cổ lai hy, ông vẫn khoẻ và mở đầu câu chuyện một cách hết sức tự nhiên:
[Phạm Đăng Hưng] Tôi nghỉ làm 15 năm nay rồi, từ hồi 70 tuổi, chứ hồi trước nhà tôi chật ảnh. Thỉnh thoảng các vị cũng về bảo tôi đóng kịch lại để các vị quay.
Chấm sửa ảnh là nghề gia truyền. Cụ Khánh Ký với ông ngoại tôi là anh em con chú con bác. Còn đối với ông nội tôi là anh em con cô con cậu ruột. Hai bên đều gần. Bố tôi sau này mới truyền lại nghề cho tôi. Đến đời tôi là ba đời làm ảnh rồi.
Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về quy trình chấm sửa ảnh?
Trước đây tôi nghe các bậc đàn anh đi trước, họ toàn chấm bằng mực Tàu viết chữ Nho. Cái mực đó tôi nhìn không thấy đẹp. Màu đen nhờ nhờ, những chỗ như tóc hay quần áo đen thì cần sắc độ sẫm hơn nữa. Chấm mực Tàu vào những chỗ này trông như mốc, nhìn nghiêng thì như trát đất vào mặt.
Rồi người ta lại nghĩ ra cách làm giảm vết mốc trên mặt ảnh bằng cách phun nhựa thông. Tán nhỏ cục nhựa ra, ngâm với độ nửa lít xăng, sau lấy nước đó phun vào mặt ảnh thì cũng giảm đi một nửa độ bẩn. Nhưng lại phát sinh vấn đề khác, vì nhựa thông nâu cộng với xăng hơi vàng làm ố ảnh thì khách chê lắm.
Sau tôi mới nghiên cứu cách làm riêng của mình với quyển màu Trung Quốc có 12 màu tất cả. Để chế được màu đen không cặn, tôi pha các màu xanh đỏ tím vàng lại với nhau vì những màu trên này không có cặn, chỉ có nước thôi. Chấm lên cứ mượt như không. Nhìn thẳng không ai thấy được vết bút, nhìn nghiêng thấy ảnh vẫn bóng loáng như gương. Cách làm khiến nhìn vào không ai biết tôi đã sửa ảnh.
Người trong ảnh chẳng may bị nhắm mắt, tôi sửa thành mở mắt ra. Hay có những cô mắt một mí, tôi làm được thành hai mí. Cô nào sống mũi chưa thẳng, tôi làm cho cao và thẳng. Cô nào mặt chưa trái xoan thì tôi giúp gọt bớt. Người nào gầy thì tôi sửa cho bớt gầy, hoặc người béo thì đỡ béo. Những cô ngực tẹt như ngực đàn ông, đa số phải ra thẩm mỹ viện mà độn lên cơ, vào tay tôi thì chỉ cần 5 phút là làm căng phồng được (cười). Cô nào bụng nở nang quá thì tôi chiết eo lại, làm sao nổi bật số đo 3 vòng. Cho nên các cô trong ảnh nghệ thuật in lịch ai rồi cũng nổi tiếng lắm. Làm ảnh dịch vụ thì phải giống là chính, nhưng làm ảnh nghệ thuật để in tranh tố nữ thì gọt dũa thoải mái, miễn sao đẹp nhưng khi nhìn vào vẫn phải nhận ra nhân vật.
Trong suốt quá trình làm việc, chắc hẳn ông có nhiều kỷ niệm thú vị với nghề?
Nhiều khách hàng thích tôi lại bay ra đây mang ảnh cho tôi làm, ảnh họ đưa phải xếp vào cả thúng. Một cái ảnh làm mất độ nửa ngày nhưng có khi phải chờ cả nửa tháng. Nhiều anh em bị nhỡ nên họ mới giở chiêu ra để được làm nhanh. Biết tôi hẹn nửa tháng mới xong thì họ gửi trước ảnh vớ vẩn (coi như ‘đặt gạch’), đến sát ngày lấy họ mới mang ảnh nghệ thuật tới bảo “Anh đổi cho em cái này,” thế là nghiễm nhiên tôi phải sửa ảnh đó ngay. Thế nên mới nhiều người phật ý, lại nghĩ tôi thích ai mới làm nhanh còn không ưa ai thì không làm. Anh em giận tôi nhiều lắm. Họ toàn nói vớ vẩn chứ tôi không bao giờ làm thế, dù là anh em nội ngoại hay bạn bè thân thiết cũng phải xếp hàng theo thứ tự.
Tôi vì nể anh em quá nên làm cả đêm, mà hồi đó tôi hơn 60 tuổi rồi. Sáng làm từ 7h đến 12h mới đứng dậy ăn cơm, rồi lại quay vào làm tiếp đến khi ăn tối. Ăn xong có khi tôi ngồi lì từ 7h tối tới 7h sáng mai mới đứng dậy. Làm mệt phờ như thế mà đến lúc anh em vẫn trách.
Mỗi một năm tôi phải xử lý khoảng 200 ảnh nghệ thuật, ngoài ra cứ mỗi đợt triển lãm trong hay ngoài nước là lại mất cả tháng để chuẩn bị. Thế nên cả ảnh lịch, ảnh triển lãm rồi ảnh tạp chí chả có ba đầu sáu tay xoay xở được.
Nhu cầu lớn như vậy thì chắc ông cũng sống dư dả được bằng nghề chứ?
Làm ảnh mất công lắm nhưng tiền bạc lại rất bèo bọt. Khoảng thập niên 1980 lúc tôi làm dịch vụ chỉ lấy 20.000 đồng một ảnh. Khi chuyển sang làm ảnh nghệ thuật, họ trả 25.000 đồng thì tôi nghĩ “Ôi ông này rộng rãi thế.” Hồi đó tôi chưa biết giới ảnh nghệ thuật làm ăn thế nào, họ đưa 25.000 đồng thì mình cứ cầm.
Một năm sau, chính tác giả nói với tôi “Ảnh năm ngoái anh sửa đẹp quá em không bán đâu.” Giả dụ nếu họ có bán để in lịch thì cũng được nửa cây vàng, những ảnh kém hơn cũng phải bán được 3-4 chỉ. Nhưng họ không bán, mà xin phép nhà xuất bản tự in mấy triệu bản lịch phát hành toàn quốc, thu về được 15 cây vàng. Trừ đi 5 cây cho chi phí sản xuất thì cũng lãi cả chục cây vàng, thế mà trả tôi có 25.000 đồng.
Tôi cũng nghe ngóng xem các cậu trong Sài Gòn tính bao nhiêu cũng chỉ 50.000-60.000 đồng mỗi ảnh. Vẫn là rẻ, mà dù sao còn hơn mình. Ở đây tối đa họ chỉ trả ba chục thôi, tính bốn chục là họ không làm. Hãn hữu vẫn có một số anh hiểu biết về nghệ thuật, khi lấy ảnh họ tự rút đưa tôi tận trăm rưởi hai trăm, có khi tôi nói năm trăm bảy trăm họ cũng đưa.
Vậy theo ông, thời kỳ thịnh vượng nhất của nhiếp ảnh là thời gian nào?
Phát triển nhất là những năm 40, 50 của thế kỷ trước. Hồi đó, riêng dân làng Lai Xá chúng tôi phải mở đến hơn 30 hiệu ảnh tại Hà Nội này, còn Sài Gòn cũng phải vài chục hiệu. Các tỉnh khác chỗ nào cũng vài ba hiệu. Ảnh nghệ thuật thì đến năm 80 là phát triển, trước đó toàn ảnh chụp chân dung dịch vụ.
Đến lúc giải phóng thì tiệm ảnh của tôi dồn vào Hợp tác xã (HTX) Phương Đông, Quận Hoàn Kiếm. HTX của tôi năm đầu thành lập là 150 xã viên, to nhất Hà Nội, đến cuối cùng khi tan rã thì chỉ còn khoảng 50 người. Hồi đó mỗi quận là một HTX: ở Hai Bà Trưng gọi là Nắng Xuân, ở Ba Đình gọi là Tháng Tám, ở Đống Đa gọi là Mùa Xuân.
Từ khi có ảnh màu thì tôi cũng ít tô. Năm 70 tuổi tôi ốm một trận, ốm đến 3 4 tháng không làm gì được. Nữa là anh em trách, tiền công bèo bọt, nên tôi quyết định nghỉ luôn, sống dựa vào con cháu. Nguyên liệu khó mua hơn, chẳng có thợ học việc, mấy anh già thì ốm rồi chết, cứ mất dần mất dần đi.
Tôi nghỉ thì họ bắt đầu phát triển kỹ thuật số với máy Photoshop, tôi còn chưa nhìn thấy cái máy Photoshop bao giờ!
[Matca] Những tấm ảnh được tỉ mẩn chấm sửa thủ công của ông giờ an vị trong bảo tàng thay vì in trên lịch hay trang trọng treo trên tường nhà của khách hàng. Theo sự vận động của nghề nói riêng và xã hội nói chung, nghề chấm sửa ảnh thủ công đã dần biến mất với nghệ nhân Phạm Đăng Hưng là một trong số ít những nhân chứng cuối cùng. Nhìn nhận được sự thay đổi hiển nhiên ấy, ông hào hứng kể lại câu chuyện nghề và cũng là chuyện đời mình mà không mảy may nuối tiếc vì đã hết mình trong nhiều thập kỷ cống hiến.
*Xem thêm bài viết về Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá.