Tìm kiếm nguồn kinh phí để thực hiện dự án ảnh cá nhân luôn luôn là vấn đề làm đau đầu các nghệ sỹ thuộc mọi loại hình nghệ thuật. Không riêng gì những bạn trẻ mới bắt đầu cuộc chơi, ngay cả những phóng viên, nhiếp ảnh gia (NAG) đã có tên tuổi nhất định cũng khó có thể thuyết phục toà soạn giao cho mình một assignment kéo dài tới cả năm trời. Đây là lý do tại sao hình thức xin các grant (khoản hỗ trợ) nghệ thuật trở thành một trong những xu hướng tạo nên các khoản tài chính giúp nghệ sỹ trang trải được các chi phí trong quá trình thực hiện các dự án dài hạn của bản thân. Bên cạnh đó, cũng có những lựa chọn khác như giải thưởng kèm một khoản tiền thưởng, hay chương trình học giúp bạn hoàn thành dự án với hỗ trợ tài chính và hướng dẫn từ một chuyên gia trong ngành.
Mình muốn khẳng định rằng không có một quy ước chung nào đảm bảo đơn đăng ký cho những chương trình đó sẽ thành công. Việc hướng dẫn mọi người cách viết hồ sơ thế nào cho chuẩn không khác gì việc Trung Quốc mở lò đào tạo thi Ảnh Báo Chí Thế giới. Nó sẽ khiến các bạn mải miết chạy theo xu hướng hay chiều lòng những quy chuẩn sáo mòn của các quỹ hay giải thưởng thay vì tập trung vào chính dự án bản thân thực sự muốn thực hiện. Do vậy, bài viết dưới đây mang nặng ý kiến chủ quan hơn là chia sẻ kinh nghiệm hay hướng dẫn. Trước hết, hãy cùng tìm hiểu về tính chất của chương trình hỗ trợ cho nhiếp ảnh hiện nay.
Lựa chọn nào thực sự phù hợp với bạn?
Nếu như ở đầu những năm 2000, các khoản hỗ trợ và giải thưởng chủ yếu dành cho NAG hoạt động chuyên nghiệp hoặc những nghệ sĩ đã có tiếng tăm nhất định, thì ở thời điểm hiện tại, có vô số chương trình từ các tổ chức quốc tế tiếp nhận đơn đăng ký của những tay máy nghiệp dư chưa có tên tuổi.
Ngày nay, các chương trình đa phần được quảng bá dưới hình thức là “một cơ hội để tác phẩm của bạn được đăng trên những ấn phẩm uy tín và được hàng trăm biên tập ảnh, giám tuyển và nhà xuất bản xem xét”, đi kèm với một khoản hỗ trợ tài chính dao động từ 1,000$ – 30,000$. Đánh đúng vào mong muốn tìm kiếm cơ hội của các NAG trẻ, tính thương mại hoá (thu phí đăng ký, xây dựng thương hiệu, vv) được đặt lên trên mục đích hỗ trợ các tác giả, tác phẩm có tiềm năng.
Giải thưởng và grant là môi trường tuyệt vời để những tài năng trẻ được đến với công chúng. Nhưng theo mình, đối với bản thân người dự thi, khoản tiền mặt có được sẽ đem lại ích lợi hiển hiện hơn trong việc hoàn thành và quảng bá dự án với nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp – những người đã có định hướng rõ ràng cho tác phẩm của mình. Còn đối với những tay máy trẻ đang loay hoay ở giai đoạn đầu, một khoản hỗ trợ tài chính nhỏ rất quý giá nhưng chưa chắc đã là thứ họ cần nhất ở thời điểm này.
Vậy sự hỗ trợ nào mới là thực sự hiệu quả?
Ngoài những grant và giải thưởng được lập ra với mục đích chính là thương mại thì vẫn có những tổ chức giữ được giá trị cốt lõi. Một trong những ưu điểm lớn nhất của những chương trình này là họ đón nhận cả những dự án đang mới tồn tại ở dạng ý tưởng. Họ không chỉ chờ đợi tác phẩm đã sẵn sàng xuất bản mà tìm tiềm năng và nhiệt huyết trong từng bản đăng ký.
Điều đó đồng nghĩa rằng ngoài hỗ trợ tài chính, người đạt giải sẽ có cơ hội được hướng dẫn và làm việc cùng một giám tuyển hay biên tập ảnh trong một khoảng thời gian nhất định để hoàn thành tác phẩm. Dự án thường không chỉ nhằm xuất bản trực tuyến mà thường được hiện thực hoá thành một triển lãm cá nhân hoặc sách ảnh. Một vài ví dụ có thể kể tới là chương trình Photography and Social Justice Program của Magnum Foundation, hay giải thưởng Documentary Awards của Objectifs Center for Photography & Film. Thời gian làm việc với những chuyên gia hay những người đi trước có kinh nghiệm trong nghề mới đem lại những giá trị thiết thực cho thí sinh. Họ sẽ có vai trò hướng dẫn, chia sẻ với bạn những kiến thức quý giá và thúc giục bạn hoàn thành dự án của mình.
Tóm tắt quy trình đăng ký.
Ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ người mới thực hành nhiếp ảnh chưa có một dự án hoàn thiện chỉ nên tiếp cận các chương trình hỗ trợ nhằm tập dượt quy trình đăng ký. Bạn hãy coi đây là bước khởi đầu để tìm hiểu thêm về ngành công nghiệp nhiếp ảnh đương đại. Có rất nhiều đơn vị tổ chức dành thời gian để hồi âm lại đơn đăng ký của bạn như Burn Magazine hay The Documentary Project Fund là hai điển hình. Một số tổ chức khác sẽ hồi âm nhưng bạn phải trả một khoản phí đăng ký như LensCulture.
Sau một vài năm trau dồi và xác định rõ ràng con đường theo đuổi nhiếp ảnh, bạn có thể cân nhắc tìm kiếm hỗ trợ một cách nghiêm túc. Quá trình đăng ký bao gồm viết thư đề xuất (proposal) bắt buộc phải đầu tư thời gian suy ngẫm và trau chuốt, nhưng đây cũng chính là cơ hội để bạn tư duy lại về tác phẩm của mình cũng như cách trình bày nó. Hiểu rõ thực hành nhiếp ảnh của bản thân và khả năng giới thiệu lưu loát về tác phẩm đã hoặc muốn thực hiện cũng là yêu cầu thiết yếu để tìm kiếm các cơ hội khác trong ngành, như đi xin việc, tiếp cận giám tuyển/ biên tập ảnh, nộp hồ sơ đăng ký học bổng, vv.
Bước 1:
Việc đầu tiên là hiểu rõ dự án bạn đang thực hiện. Một câu chuyện hời hợt, thẩm mỹ từa tựa các tác phẩm khác và không có sự đào sâu về mặt nội dung sẽ không thể cạnh tranh với hàng ngàn NAG tài năng trên thế giới. Vì vậy, tôi khuyến khích các bạn nên tìm những chủ đề, câu chuyện bản thân thực sự quan tâm để theo đuổi. Hãy đặt câu hỏi: Tại sao bạn lại muốn theo đuổi dự án? Câu chuyện này có ý nghĩa gì với bạn và khán giả? Bạn sẽ lên kế hoạch thực hiện ý tưởng này như thế nào?
Bước 2:
Phân loại, chọn lọc chương trình phù hợp. Thay vì hấp tấp gửi đơn đăng ký tới tất cả các tổ chức bạn tìm thấy trên Google, hãy bỏ thời gian đọc xem mục tiêu của họ có thực sự liên quan tới dự án của bạn hay không. Grant dành cho ảnh báo chí chắc chắn sẽ không quan tâm tới ảnh phong cảnh dù chúng có đẹp mãn nhãn, và tương tự giải thưởng cho sự đột phá trong nghệ thuật sẽ không ưu ái tác phẩm có lối tiếp cận truyền thống. Xem các dự án đã đoạt giải năm trước cũng là một cách để bạn hiểu thêm về yêu cầu của tổ chức.
Bên cạnh tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính, bạn cũng nên tập trung vào những chương trình cho mình cơ hội học hỏi từ những chuyên gia có kinh nghiệm trong nghề.
Bước 3:
Đa phần các chương trình hỗ trợ ngày nay yêu cầu bản đăng ký dài 500 – 1000 từ, kèm bản CV bao gồm trình độ học vấn, kinh nghiệm và thành tựu đạt được trong nhiếp ảnh.
Kỹ năng viết bằng tiếng Anh vô cùng quan trọng. Nếu không tự tin với khả năng ngoại ngữ của bản thân, bạn có thể viết bằng tiếng Việt rồi nhờ phiên dịch. Nhưng dù nói ngôn ngữ nào, bạn cũng cần trả lời những câu hỏi chính sau:
• Tóm tắt nội dung dự án trong 1 đoạn văn.
• Lý do bạn theo đuổi nhiếp ảnh, ý nghĩa của nhiếp ảnh đối với bản thân bạn, cách thức thực hành.
• Đặt mốc thời gian cụ thể cho việc thực hiện dự án.
• Mục tiêu đầu ra dự định là gì, bạn sẽ chia sẻ dự án của mình tới cộng đồng theo cách nào? (triển lãm, ấn phẩm, buổi toạ đàm…). Dự án của bạn khi hoàn thiện sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng ra sao?
Lời kết.
Nếu bạn đã và đang thất bại trong việc tìm kiếm hỗ trợ, đừng vội nản chí. Mỗi chương trình đều thuộc sự quản lý của một tổ chức với các tiêu chí và mục đích riêng. Bị loại vì không phù hợp với mục tiêu của ban tổ chức là điều tất yếu, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tác phẩm của bạn không có tiềm năng.
Trong thời buổi người người nhà nhà chụp ảnh, việc khẳng định giá trị những sản phẩm mình tạo ra đối với NAG trẻ ngày càng trở nên khó khăn. Grant, giải thưởng và danh hiệu không chỉ giúp NAG trẻ khẳng định chỗ đứng của bản thân mà còn là nơi để họ học hỏi thêm được những kinh nghiệm từ người đi trước và là bước đệm quan trọng để những tác phẩm của họ tới được với công chúng. Nhưng đừng để bản thân bị cuốn vào những cuộc thi hay giải thưởng vì danh vọng và tiền bạc, mà hãy vì mong muốn tác phẩm của cá nhân truyền đi được thông điệp của nó tới khán giả. Chúc bạn may mắn!
Mai Nguyên Anh là một nhiếp ảnh gia tập trung vào các vấn đề đương đại bằng hơi hướng nghệ thuật hiện đang làm việc tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp International Center of Photography tại New York năm 2016.
Kết nối với Nguyên Anh tại Facebook và Instagram.