Makét 02

Việc Học Nhiếp Ảnh, Cần Thiết Hay Không?

Kể từ ngày bắt đầu hoạt động tới nay, Matca đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ các bạn trẻ quan tâm tới theo đuổi nhiếp ảnh chuyên nghiệp trong tương lai. Đây cũng là một vấn đề chủ chốt được bàn luận sôi nổi trong toạ đàm “Ảnh Báo Chí – Chuyện Chưa Kể” gần đây. Nhiều bạn ở hàng ghế khán giả đang đứng trước ngưỡng cửa đại học hoặc sắp ra trường đều phải đối mặt với lựa chọn khó khăn muôn thuở: Nên theo đuổi đam mê hay có một công việc ổn định sau này? Liệu giáo dục có phải điều kiện tiên quyết để người chụp có thể sống với nghề ảnh?

Hiển nhiên là không có một mẫu số chung nào cho tất cả. Những mục tiêu cũng như trải nghiệm khác nhau của mỗi cá nhân người chụp ảnh sẽ dẫn tới những quan điểm hoàn toàn trái ngược về vai trò của giáo dục. Nếu bạn hỏi một nhiếp ảnh gia (NAG) được đào tạo qua trường lớp bài bản, nhiều khả năng họ sẽ khuyên bạn bỏ tiền bạc, thời gian và công sức theo 4 năm đại học. Nhưng nếu bạn hỏi một NAG xây dựng sự nghiệp từ những ngày lăn lộn ngoài hiện trường thì rất có thể họ sẽ coi đi học nghệ thuật là một sự phí phạm.

© Le Xuan Phong

Vậy nên trước khi cân nhắc những lời khuyên từ người khác, bạn cần tự trả lời các câu hỏi sau đây:
Bạn thích ảnh vì lý do gì?
Bạn đam mê nhiếp ảnh ở mức độ nào?
Bạn muốn trở thành ai? Một phóng viên ảnh, người chụp ảnh thương mại, nghệ sĩ thị giác hay nhà phê bình?

Một trong số những mục tiêu chính của Matca là xây dựng một môi trường nhiếp ảnh đầy đủ, bao hàm hơn, trong đó có việc chia sẻ thông tin và cơ hội tới độc giả. Tuy rằng không ai có thể quyết định hộ bạn, nhưng bạn có thể cân nhắc sự lựa chọn của mình một cách đầy đủ, khách quan hơn khi lắng nghe từ nhiều phía. Dưới đây là tổng hợp ý kiến về giáo dục trong nhiếp ảnh của những người đang làm việc trực tiếp trong ngành, từ biên tập viên, giáo viên, nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ cho tới các bạn sinh viên đang theo học nhiếp ảnh.

© Angkor Photo Festival
© Angkor Photo Festival

Nhiếp ảnh không phải là bộ môn khoa học kỹ thuật: nó không đòi hỏi chúng ta phải có những máy móc thiết bị phức tạp, đào tạo chuyên môn hay giấy phép hành nghề. Một chiếc DSLR hơn chục triệu đồng, một bản crack của photoshop và sự tìm tòi cá nhân có thể đưa bạn đi rất xa trong sự nghiệp này. Allison Morley, cựu biên tập viên ảnh của tạp chí New York Times đã chia sẻ bà lựa chọn giao việc cho NAG hoàn toàn dựa vào portfolio của họ gửi tới. Hiển nhiên, việc ghi điểm với những ấn phẩm lớn không nằm ở tấm bằng của bạn, mà hoàn toàn phụ thuộc vào những tác phẩm bạn đã thực hiện bởi đó là bằng chứng rõ ràng nhất cho năng lực hoàn thành công việc được giao của bạn.

Linh Phạm, phóng viên ảnh của Getty Images, người đã cộng tác với khá nhiều các ấn phẩm báo chí nước ngoài luôn cho rằng việc theo học nhiếp ảnh hay nghệ thuật chính quy là không cần thiết để làm nghề chuyên nghiệp. Đồng quan điểm với Linh, NAG Bình Đặng cũng cho rằng để theo đuổi sự nghiệp trong nhiếp ảnh và kiếm sống từ nó không đòi hỏi bằng cấp hay đào tạo bài bản.

Theworkshop by Hai Thanh. © Tan Ngoc

Tuy nhiên, họ không phủ nhận tầm quan trọng của việc liên tục trau dồi và bổ sung kiến thức về nghề thông qua những phương pháp linh động hơn, như theo học workshop hay nhận đào tạo từ một NAG có tên tuổi. Cả hai đều đánh giá cao tầm quan trọng của những workshop ngắn hạn trong khu vực. Theo Bình Đặng, những workshop với chủ đề đặc thù giúp người học tiết kiệm thời gian, tiền bạc và cho phép họ lựa chọn để học những gì thật sự cần thiết. Linh Phạm thì cho rằng những ngoài việc bổ sung những kiến thức thiết thực, workshop ngắn hạn còn là nơi tuyệt vời để mở rộng thêm mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp và thậm chí cả cơ hội việc làm.

Trong buổi toạ đàm  “Ảnh Báo Chí – Chuyện Chưa Kể”, nhiếp ảnh gia tư liệu Maika Elan đã chia sẻ rất hào hứng về những khoá học trong khu vực đã đặt nền móng cho sự nghiệp của chị. Đây là cơ hội để được đào tạo miễn phí bởi những nhiếp ảnh gia tên tuổi rất lớn trên thế giới mà ở những khoá học khác có thể tốn hàng trăm hay cả ngàn đô. Maika đã thực hiện bộ ảnh “Ain’t talking just loving” tại Foundry Photojournalism Workshop, còn ý tưởng chụp cặp đôi đồng tính cho bộ ảnh “Yêu là Yêu” đã nảy sinh từ Angkor Photo Workshop. Theo Maika, thời lượng ngắn của workshop thực ra lại là một yếu tố thúc đẩy học viên làm việc với cường độ lớn để thực hiện một câu chuyện hoàn chỉnh với chất lượng cao. Angkor Photo Workshop diễn ra hàng năm ngay tại Campuchia nước bạn cũng đã là cái nôi nuôi dưỡng không ít nhiếp ảnh gia Việt Nam hiện đang theo đuổi con đường chuyên nghiệp. 

From the series "Mahout Family" made during Foundry workshop. © Binh Dang
From the series "Mahout Family" made during Foundry workshop. © Binh Dang© Binh Dang
From the series "Mahout Family" made during Foundry workshop. © Binh Dang© Binh Dang
From the series "Mahout Family" made during Foundry workshop. © Binh Dang© Binh Dang

Nhiếp ảnh là một ngành khá đặc trưng khi người thực hành phải tự chủ nhiều khía cạnh xoay quanh nó. Nhiều nhiếp ảnh gia trẻ đã vỡ mộng khi phát hiện ra việc chụp ảnh chuyên nghiệp không chỉ đồng nghĩa với việc tạo ra những hình ảnh đẹp. Dù theo đuổi ảnh thương mại, báo chí hay nghệ thuật, rất có thể bạn sẽ phải xoay xở đủ việc từ marketing, xây dựng mối quan hệ, tìm kiếm khách hàng, tới kế toán hay kiểm soát chất lượng dịch vụ.

Anh Đồng Hiếu, một NAG và giảng viên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật trong trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội chia sẻ những bất cập còn tồn đọng trong giáo dục nhiếp ảnh chính quy hiện nay. Bên cạnh đào tạo kỹ năng cứng, những kỹ năng mềm như giao tiếp, trình bày tác phẩm hay những yếu tố về kinh doanh và quảng bá bản thân trong thực hành nhiếp ảnh chuyên nghiệp thường bị bỏ qua. Trải nghiệm của các bạn du học sinh ngành nghệ thuật tại nước ngoài cũng tương tự, khi trường lớp chỉ tập trung đào tạo chuyên môn nhưng lại lơ là trong việc giảng dạy kỹ năng mềm để có thể tồn tại với nghề sau này. Tuy vậy, Đồng Hiếu cũng cho rằng khó có thể so sánh việc tự học và những workshop ngắn với môi trường đào tạo nhiếp ảnh chính quy. Môi trường tập trung và thời gian học dài cho phép học viên có khoảng không để tìm tòi, được sáng tác, phê bình, phản biện và nhận sự hướng dẫn liên tục từ giáo viên. Đây có thể là mảnh đất tốt để những hạt giống tài năng được nuôi dưỡng và nảy nở.

Students' presentation of their works at Hanoi Academy of Theatre and Cinema. © Hoang Dong
Students' presentation of their works at Hanoi Academy of Theatre and Cinema. © Hoang Dong

Đạt Vũ (nghệ sĩ thị giác) và Bách Nguyễn (hiện đang là du học sinh về nhiếp ảnh tại School of Visual Art, New York) đều theo học đại học chuyên ngành nhiếp ảnh. Cả Đạt và Bách đã chụp ảnh một thời gian trước khi ra quyết định dành 4 năm thực hành, nghiên cứu về bộ môn này. 

Tương tự chia sẻ của anh Hiếu, Đạt và Bách đồng quan điểm về lợi ích của môi trường phê bình và phản biện an toàn. Một lớp học cởi mở sẽ thúc đẩy sự đa dạng và mạo hiểm trong thử nghiệm nghệ thuật. Ngoài ra, cơ sở vật chất, quyền tiếp cận tới các tài liệu và các thiết bị nhiếp ảnh phong phú cũng là cơ hội lớn cho những ai muốn tiến xa hơn trong việc nghiên cứu nhiếp ảnh hay nghệ thuật thị giác.

Đạt và Bách chia sẻ thêm việc theo học nhiếp ảnh trong đại học đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của họ về bộ môn nghệ thuật này. Nếu tự học, chắc chắn hạn chế về khái niệm và lý thuyết sẽ là trở ngại lớn nhất, mỗi dự án sẽ tốn nhiều thời gian và công sức hơn để thực hiện, đồng thời dễ rơi vào bế tắc khi không có nguồn lực hỗ trợ hay những góp ý chuyên sâu để mở ra những hướng mới. Môi trường học tập chính quy cũng là không gian để những người trẻ mới bắt đầu thử nghiệm và khám phá bản thân; còn workshop ngắn sẽ mang lại lợi ích rõ ràng với những người đã có định hướng cụ thể bởi tính chuyên môn của nó. 

© Dat Vu

Khi được hỏi về lời khuyên dành cho những người trẻ muốn bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh, NAG Sebastião Salgado đã trả lời rằng: “Nếu bạn còn trẻ và có nhiều thời gian, hãy đi và học. Học về nhân chủng, về xã hội, về kinh tế, chính trị. Học để bạn thực sự hiểu bạn đang chụp về cái gì. Bạn có thể chụp cái gì và nên chụp cái gì.” Sự học ở đây không chỉ bao gồm học nhiếp ảnh, mà nên hiểu rộng ra là tích cóp kiến thức xã hội và vốn sống; những yếu tố quan trọng không kém để bạn làm nên những tác phẩm ảnh tốt.

Kết lại, nếu bạn muốn kiếm sống bằng nhiếp ảnh, việc học hỏi từ đàn anh, tham dự các workshop hay trực tiếp trên hiện trường có lẽ là phương án hợp lý hơn cả về kinh tế, thời gian lẫn kiến thức thực tế. Nhưng nếu trong sự nghiệp làm nhiếp ảnh của bản thân có một giây phút nào bạn mong muốn nhiều hơn là giá trị vật chất ảnh mang lại, mong muốn thấu hiểu được quy trình của nhiếp ảnh, ngôn ngữ của thị giác mà không thể tự vượt qua bức tường cao của kiến thức và định kiến, thì có thể đó là lúc phù hợp để bạn cân nhắc theo học nhiếp ảnh trong môi trường chính quy. Tôi tin rằng việc học nhiếp ảnh hay nghệ thuật không chỉ dừng lại ở việc đào tạo ra một NAG hay một nghệ sĩ thị giác, mà ở đó bạn học cách nói và cảm nhận một ngôn ngữ mới – ngôn ngữ của hình ảnh.

Cuối cùng lựa chọn vẫn là ở bạn, hãy suy nghĩ kỹ về 3 câu hỏi ở đầu bài viết trước khi ra quyết định cho mình.

Mai Nguyên Anh là một nhiếp ảnh gia tập trung vào các vấn đề đương đại bằng hơi hướng nghệ thuật hiện đang làm việc tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp International Center of Photography tại New York năm 2016.
Kết nối với Nguyên Anh tại Instagram.