Đối với những NAG và nghệ sĩ thị giác trẻ, bắt tay vào thực hiện một dự án cá nhân là một cơ hội lẫn thách thức lớn. Chúng ta thường nghi ngờ phán đoán của bản thân và không dám chắc nên cố gắng hay từ bỏ khi có những vấn đề nảy sinh. Dù biết rằng suy nghĩ quá nhiều về đầu ra của dự án sẽ gây áp lực lên chính việc sáng tạo, nhưng không thể phủ nhận rằng đối mặt với thất bại là một phần không thể thiếu của bất kỳ quá trình làm việc nào.
Dẫu không đem lại vinh quang, những dự án bị xếp xó có thể là nguyên liệu cho những ý tưởng sắp tới, là những hạt mầm kinh nghiệm vẫn đang nằm sâu dưới lớp đất chờ ngày ra hoa. Trên tinh thần nhìn lại để tiếp tục đi tới, hãy cùng nghiêm túc xem xét những thất bại của các NAG đã dũng cảm công bố những tác phẩm không thành dưới đây, cá nhân tôi cũng không phải ngoại lệ.
Linh Phạm – Our Mother The Mountain (Tạm dịch: Núi Mẹ)
Tôi may mắn được biết đến ý tưởng thực hiện series ảnh này từ chính NAG khi anh bắt đầu dự án. Ấy là năm 2014, Linh Phạm bắt đầu tập trung vào hoạt động như một phóng viên ảnh tại Hà Nội sau khoảng thời gian dài lang thang khắp thế giới. Ngoài công việc hàng ngày là theo sát những sự kiện trong và ngoài nước, anh vẫn đau đáu tìm kiếm những vấn đề xã hội làm chủ đề cho một dự án cá nhân dài hơi. Đó cũng là lúc dự án cáp treo Fansipan khởi công và Linh đã lập tức dành cho sự kiện này sự quan tâm đặc biệt. Từ tháng 8 năm 2014 đến tháng 5 năm 2015, Linh thường xuyên di chuyển giữa Hà Nội và Sapa để tìm cách ghi lại những ảnh hưởng của đô thị hoá lên môi trường và cuộc sống của cộng đồng dân tộc thiểu số trong khu vực.
Tuy nhiên, dù cố gắng nhưng Linh chưa thực sự tiếp cận được sâu sát và mô tả được sự đồ sộ của công trình này, cũng là lý do chính của dự án ảnh và là sự bắt đầu của những hệ luỵ. Ảnh hưởng của công trình cáp treo lên những gia đình bản địa anh tiếp xúc không rõ ràng như những gì mong đợi, bất chấp rất nhiều những nghiên cứu cá nhân trước đó. Không nhìn thấy sự tiến triển của dự án cũng như sự quan tâm mờ nhạt của các tờ báo vào thời điểm đó, niềm hào hứng ban đầu cũng dần cạn.
Mặc dù dành gần một năm chụp ảnh tại Fansipan và những khu vực lân cận cùng việc tổng hợp được 30 tấm ảnh cho vào một series nhỏ, Linh thừa nhận “câu chuyện đã không thể dẫn đến kết luận nào.”
Những bức ảnh không chỉ thất bại trong việc thể hiện thông điệp môi trường như Linh kỳ vọng, mà còn hầu như không chạm đến được sự biến đổi trong đời sống xã hội những người H’Mong bản địa. Mặc dù vậy cũng trong thời gian này, Linh đã phát triển được phong cách thị giác cá nhân rất đặc trưng cùng với việc theo đuổi những dự án tài liệu dài hạn đã phần nào giúp Linh bứt phá khỏi cộng đồng nhiếp ảnh địa phương. Bộ ảnh này có lẽ đóng vai trò một chất xúc tác để Linh lồng ghép những kiến thức nhiếp ảnh lượm lặt được trong thời gian lêu hêu tại nước ngoài vào việc phác hoạ đất nước của anh.
Núi Mẹ đưa ra một góc nhìn về mối quan hệ con người và thiên nhiên. Điều này có thể giúp Linh nhìn lại và tiếp tục dự án ‘thất bại’ của anh theo nhiều hướng khác nữa.
Bài học lớn anh rút ra được từ sự thất bại của dự án này là chỉ nghiên cứu trên sách vở thôi không bao giờ là đủ. Thêm nữa, NAG không thể áp đặt quan điểm của mình lên con người hoặc sự vật, sự việc khác; họ phải lăn lộn ngoài thực địa chỉ để tìm cách hiểu được điều gì đang thực sự diễn ra.
Đạt Vũ – Well-Hung
Well-Hung là một dự án cá nhân nhằm khám phá ‘tính đàn ông’ và cách đàn ông được nhìn nhận trong xã hội. Đạt mới đặt tên dự án gần đây nhưng đã nung nấu ý tưởng từ nhiều năm trời, một số bức hình được thực hiện từ 2012.
Khi bắt đầu, Đạt có ý định thách thức quan niệm về vai trò giới tính của ‘người đàn ông’ mà xã hội đặt ra, cũng như xoáy sâu vào khía cạnh yếu mềm và nhạy cảm của sự nam tính mà bản thân anh tự trải nghiệm. Tuy nhiên, thay vì làm chủ quá trình thực hiện dự án, Đạt để bộ ảnh phát triển tự nhiên. Khi suy nghĩ chín chắn hơn và phong cách thị giác dần hoàn thiện hơn, những hình ảnh anh chụp trước đó không thể được xếp cạnh ảnh mới chụp gần đây.
Việc nhìn các bức ảnh hiện tại và không thấy sự liên quan với ý tưởng ban đầu tạo cảm giác hết sức bức bối. Rốt cuộc dự án tạm dừng, vì Đạt cảm thấy anh chưa đủ hiểu bản thân mình và còn bận bịu những công việc khác.
Dẫu vậy, rất nhiều ý tưởng cho những dự án sau của anh bắt nguồn từ công việc dang dở này. Ví dụ, chủ đề ‘sự nam tính mỏng manh’ được lồng ghép vào Dreams For Sale – một bộ ảnh về văn hoá, giấc mơ và những ảo tưởng đương đại mà trong đó Đạt chụp lại một số ảnh trong Well-Hung hoặc sử dụng chúng để phát triển tầm nhìn của bản thân.
Đạt tin rằng đầu tư vào một dự án rốt cuộc sẽ thất bại chỉ là việc không quan tâm đến đánh giá của người khác và tin vào trực giác của chính mình. Nó có thể hỏng vì nhiều lý do, nhưng với tư cách tác giả bạn sẽ luôn có được những trải nghiệm quý giá.
Mai Nguyên Anh – Secluded (Tạm dịch: Cô Lập)
Tôi viết bài này một phần cũng bởi bản thân là người thường xuyên thất bại. Cô Lập ban đầu là một bộ ảnh tôi tự đề xuất để thực hiện cho một tờ báo địa phương vào năm 2014. Dự án tập trung vào bảy người già mắc bệnh hủi khi còn trẻ, phải sống trong trại cách ly gần như cả cuộc đời vì không có phương pháp điều trị.
Mặc dù có một cốt truyện tốt, tôi đã không truyền tải được nó trọn vẹn. Là một phóng viên ảnh trẻ, tôi háo hức đi tìm những câu chuyện để chứng tỏ bản thân mình. Tôi bắt tay vào dự án này và chỉ nhăm nhe sẵn sàng bắt những khoảnh khắc đắt mà quên đi yếu tố quan trọng nhất của ảnh tư liệu – sự đồng cảm với nhân vật.
Thiếu vắng sự kết nối con người, tôi dần mất kiên nhẫn khi kết quả không như ý. Nguồn cảm hứng giảm dần. Sau vài tháng, tôi quyết định dừng chụp ảnh và kết bạn với những người già ở đây. Càng thân thiết với họ, tôi càng nhận ra rằng cái họ cần không phải một nhà báo cố kể lại một câu chuyện cũ, mà là một người có thể nhìn nhận họ như những con-người.
Lời cuối.
Trong quá trình viết bài, tôi đã liên hệ với nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong cộng đồng để tìm hiểu về những dự án bất thành. Đáng ngạc nhiên thay, họ hoặc chưa bao giờ nghe tới khái niệm đó, hoặc từ chối công bố những tác phẩm kém chất lượng vì một lý do nào đó?
Trong các ngành khoa học, thất bại được coi là một thí nghiệm thiết yếu trong công cuộc tìm ra chân lý. Còn trong nghệ thuật, thất bại lại là một từ cấm kỵ – hình dung về sự thất bại với công chúng hay trong giới chuyên môn đáng sợ đến nỗi đẩy chúng ta từ bỏ dự án trước khi nhận được bất kỳ lời phê bình nào.
Đối với nhiếp ảnh nói riêng, dự án càng dài thì khả năng thất bại hoặc chệch hướng càng cao. Nhưng nếu không mạo hiểm và thách thức giới hạn, sức sáng tạo của chúng ta sẽ mãi tù đọng và bị phí hoài.
Là những NAG trẻ, chúng tôi hiểu những khó khăn của một dự án sáng tạo. Trong quá trình thử nghiệm, bạn sẽ luôn va vấp phải thất bại, và chính những thất bại này có thể trở thành tư liệu học tập tốt nhất mà không trường lớp nào có thể cung cấp. “Hãy thử. Hãy thất bại. Không vấn đề. Thử lần nữa. Thất bại lần nữa. Và thất bại khôn ngoan hơn” – Samuel Beckett.
Bài viết được lấy cảm hứng từ bức ảnh bởi Andreas Olesen đăng trên Instagram của Lensculture.