Makét 02

Chia Sẻ Của Học Viên Về Khoá Học IPA Mentorship

IPA Mentorship Program là khoá học nhiếp ảnh online kéo dài 4 tháng cùng người hướng dẫn Kevin WY Lee – sáng lập Invisible Photographer Asia với mục tiêu củng cố kỹ năng xây dựng câu chuyện thị giác. Qua những buổi thảo luận nhóm và họp riêng với người hướng dẫn, học viên có thể được hỗ trợ hoàn thiện một dự án ảnh và xác định tầm nhìn cá nhân của mình. Do không bị giới hạn bởi không gian, khoá học đã thu hút hàng trăm học viên trên toàn thế giới. Matca đã phỏng vấn 3 học viên đang sinh sống tại Việt Nam về trải nghiệm với cách học nhiếp ảnh khá mới mẻ này.

Liên Phạm – Return
Trước khi tham gia khoá IPA Mentorship, mình đã bảo lưu bằng Đại học ở Mỹ để suy nghĩ thêm về mối quan hệ của mình với nhiếp ảnh và giải quyết vấn đề trầm cảm ngày càng nặng của bản thân. Mình lo lắng về tương lai sau khi tốt nghiệp với tấm bằng nhiếp ảnh và những dự án ảnh về nỗi buồn riêng tư. Lúc đó, mình nghĩ rằng khoá học IPA Mentorship Program kéo dài 4 tháng sẽ giúp mình tìm hiểu rõ hơn vai trò của nhiếp ảnh trong cuộc sống của mình.

Trong đơn đăng ký, mình đề đạt rằng dự án nhằm khám phá danh tính của bản thân, cụ thể là chứng trầm cảm và hành trình trở về nhà. Ban đầu, mình dành thời gian với những người trong gia đình, kết hợp chụp ảnh đơn thuần và sắp đặt họ vào những hoạt cảnh đời thường. Mỗi tuần, mình bắt bản thân nhìn lại ảnh đã chụp để cập nhật với Kevin về những tiến triển trong dự án. Trong những tháng đầu, mình viết rằng bộ ảnh sẽ nói về sự trầm cảm của tất cả mọi người, và ý muốn tự sát không thể trốn tránh.

Kevin can ngăn điều này, và luôn thúc đẩy mình sử dụng chứng trầm cảm để hướng đến một điều gì khác, thay vì chỉ minh hoạ nó bằng hình ảnh. Mặc dù ngay lúc đó mình chưa thực sự hiểu, nhưng mình được động viên để tin vào quá trình và cho phép bản thân tập trung vào cuộc sống hiện tại cùng người thân trong gia đình. Chính quá trình này đã thay đổi hình ảnh mình chụp và xác nhận rằng cách thực hành có mối liên hệ mật thiết với tác phẩm cuối cùng.

Làm việc với người hướng dẫn qua mạng rất phù hợp cách học độc lập của mình. Sự tự do này cũng là điều cần thiết để bắt mình tìm câu trả lời cho việc nhiếp ảnh sẽ có ý nghĩa gì trong cuộc sống của mình khi không còn những bài tập và deadline. Điều quan trọng nhất mình học được từ Kevin là sự nỗ lực. Phải tiếp tục làm việc và đưa ra quyết định khi cảm thấy bị mắc kẹt – chọn một hướng đi nào đó để đi tiếp, thử nghiệm, và xem nó đi tới đâu.

Cách học online của IPA Mentorship Program khá đặc thù và có thể sẽ không phù hợp với tất cả. Nhưng nếu bạn tìm kiếm một ai đó để đồng hành trên hành trình của riêng bạn, người có thể đưa ra lời khuyên cũng như lời phê bình, đây là chương trình cho bạn.

Wouter

Wouter Vanhees – Hanoi Skin
Kể từ khi chuyển tới Hà Nội sống năm 2015, tôi càng ngày càng thêm hứng thú với nhiếp ảnh đường phố. Dù rất thích chụp ảnh, tôi thấy rằng mình cần học hỏi nhiều để có thể xây dựng một câu chuyện mạch lạc bằng hình ảnh và khoá học IPA Mentorship đã cho tôi cơ hội đó.

Trong khoá học, tôi đã thực hiện dự án về sự đổi thay của các khu dân cư tại Hà Nội. Tôi chụp những dự án xây dựng cũng như những khu dân cư cũ vào ban đêm, với ý tưởng là nắm bắt trạng thái chuyển mình của thành phố. Tôi thích sự tĩnh lặng và bầu không khí về đêm, và cố gắng chụp ảnh để lột tả cảm giác ấy. Dù mới sống ở Hà Nội bốn năm nhưng tôi thấy thành phố này đã thay đổi quá nhiều. Cố gắng ghi lại mọi sự thay đổi là điều không thể, nên tôi chỉ tập trung vào những mảnh ghép như góc phố tối tăm mà nhiều màu sắc, những con ngõ nhỏ, những thửa đất đang ở trạng thái lửng lơ.

Với tôi, người hướng dẫn Kevin là một bậc thầy trong việc phân tích ảnh. Anh ấy hiểu cách biên tập, có thể chỉ ra định hướng phát triển của bộ ảnh, xác định những hình ảnh nổi bật cũng như những mảnh ghép còn thiếu.

Khoá học online cũng có những hạn chế nhất định, bởi mỗi buổi thảo luận đều có giới hạn thời gian. Tuy vậy điều này cũng cho học viên thời gian và không gian để làm việc, sáng tác, suy ngẫm và tìm ý tưởng mới. Dù thời gian bị giới hạn, không có cảm giác áp lực khó chịu. Tôi thích quy mô nhỏ của khoá học, tuy có ít học viên nhưng mỗi người đều thực hiện một dự án rất khác nhau.

Thảo Đức Bùi – Come Alive
Mình chọn thực hiện một dự án dưới dạng nhật ký, về các trải nghiệm của mình khi là một người queer* ở Việt Nam, vì muốn tìm kiếm một cách làm việc thoải mái và ngẫu nhiên hơn những dự án trước đây.

Chủ đề rộng và mang nhiều tính xã hội mà mình đã chọn là thách thức lớn nhấn. Mình phân vân khá nhiều giữa lựa chọn thể hiện câu chuyện cá nhân hay câu chuyện của cả cộng đồng. Thêm nữa, mình cũng gặp khó khăn khi diễn đạt những cảm xúc đa dạng của bản thân.

Kevin là một nhiếp ảnh gia rất nhiều kinh nghiệm lẫn kiến thức và luôn sẵn lòng trả lời bất cứ câu hỏi nào. Kiến thức mà mình thích nhất từ khoá học là cách biên tập ảnh để dựng nên một câu chuyện thu hút. Sau khi biên tập, bộ ảnh còn lộn xộn của mình đã xuất hiện một mạch truyện riêng.

Lợi thế của khoá học này là học viên được tự chủ về mặt thời gian, và có thể kết nối với nhiều người thực hành nhiếp ảnh khác trên thế giới, mỗi người đều có những câu chuyện rất thú vị. Hãy tham gia nếu bạn có tính kỷ luật cao, và đang cần sự trợ giúp với việc hoàn thành một dự án cụ thể. Cá nhân mình còn đang khá mông lung với dự án của mình cũng như dự định tương lai cho bản thân nên chưa hoàn thành được dự án đến mức mong muốn, nhưng mình rất biết ơn sự chỉ dẫn của Kevin.