Vùng đất khô cằn, nhiều nắng và gió Ninh Thuận – Bình Thuận lại là địa điểm chụp hình cưới ưa thích của các cặp đôi nhờ vào những bãi biển trong vắt trải dài. Công việc chụp ảnh cưới cứ đưa tôi qua lại mà đâu biết xứ này còn là nơi người Chăm sinh sống lâu đời và đông nhất cả nước, quần cư với nhau trong những thôn làng với văn hóa đặc trưng. Cũng tình cờ như duyên phận, mãi đến năm 2016 tôi mới được tiếp xúc với văn hoá và con người Chăm để rồi bị lôi cuối đến mức không dừng lại được.
Đây cũng là thời điểm tôi quyết định thực hiện một dự án ảnh tư liệu dài hạn đầu tiên cho riêng mình – một điều tôi đã luôn muốn làm bấy lâu nay nhưng chưa có dịp bởi những chuyện cơm áo gạo tiền cứ đẩy mình đi.
Mong muốn tìm hiểu văn hoá Chăm sâu sắc hơn đã dẫn tôi đến huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, tìm cách hoà nhập và ghi lại cuộc sống nơi đây bằng cách ở cùng người dân qua nhiều chuyến thăm. Sự khác biệt về mặt văn hoá, ngôn ngữ, hay chính ngoại hình xăm trổ tùm lum của tôi chắc chắn là rào cản khi tiếp xúc với người dân trong khu vực. Nhưng khi chính tôi cởi mở, thể hiện sự tôn trọng và thật thà chia sẻ ý định của mình, những người Chăm tôi gặp cũng dần mở lòng hơn và cho phép tôi bước vào cuộc sống của họ.
Sau những tháng ngày tìm hiểu, sống và sinh hoạt với cộng đồng tại các làng Chăm, tiếp xúc với các lớp tri thức, dân thường, chức sắc, tham dự những lễ hội, thưởng thức văn thơ,… tôi cảm thấy ngờ ngợ về một sự thay đổi đang diễn ra quá nhanh và những xung đột ngầm giữa truyền thống và hiện đại giữa những con người nơi đây. Niềm háo hức khi bắt đầu khiến tôi tin rằng chiếc máy ảnh, một cách nào đó, sẽ là công cụ giúp tôi ghi lại để hiểu hơn về dân tộc Chăm. Nhưng càng đi nhiều, càng thấy nhiều, càng biết mình đang quá mông lung khi phải đối diện với bề dày văn hoá hàng ngàn năm lịch sử này. Ở giai đoạn đầu này, tôi mới chỉ có thể đi theo ghi lại những nghi lễ đặc trưng của văn hoá Chăm như tang lễ của cộng đồng người Chăm Bàni và những buổi lễ lớn của dân tộc như Ramuwan hay Kate.
Tôi đã may mắn được gặp một tri thức Chăm trẻ, người cố vấn quan trọng đã giúp đỡ tôi về kiến thức bản địa để tôi có thể sản xuất ra những hình ảnh tư liệu đúng thông tin. Các thầy Po-chan, các ông Mươm, những người có ảnh hưởng đến văn chương Chăm cho đến những người bạn đang thực hiện những dự án liên quan cũng đã chia sẻ với tôi không ít. Cho đến ngày hôm nay, tôi mới thấy rằng mình càng ngày càng đi gần sát lại với Chăm.
Dự án Champa Giathok (Chăm Pa Vẫn Còn Đó) còn đang trên con đường hình thành, chữ nghĩa hạn chế nên tôi cũng không biết nói gì thêm. Vẫn còn nhiều thiếu sót và cần nhiều sự chia sẻ về thông tin và kiến thức, nên tôi rất mong nhận được sự quan tâm của mọi người, đặc biệt từ những nhà nghiên cứu và bạn bè anh em cộng đồng người Chăm. Từ đáy tim, xin chân thành cảm ơn tất cả.