Makét 02

Mai Nguyên Anh Tái Hiện Lịch Sử Gia Đình

Triển lãm Gửi anh Tuyền của Mai Nguyên Anh là kết quả của Giải thưởng nhiếp ảnh Tư liệu Objectifs lần thứ nhất. Giải thưởng này góp phần khẳng định sứ mệnh của Trung tâm Nhiếp ảnh & Phim Objectifs, Singapore, trong việc mở rộng nhận thức xã hội thông qua nhiếp ảnh bằng cách hỗ trợ những nghệ sĩ thị giác tiềm năng trong khu vực.

Cùng lắng nghe chia sẻ của Nguyên Anh về quá trình thực hiện dự án, mở rộng thực hành nhiếp ảnh tư liệu và trải nghiệm làm việc sâu sát với Sam I-Shan – giám tuyển của National Gallery Singapore. Giải thưởng nhiếp ảnh Tư liệu Objectifs lần hai đang nhận đơn đăng ký từ những nhiếp ảnh gia Đông Nam Á đến ngày 13/05/2019. Sau khi được tuyển chọn bởi hội đồng thẩm định, người nhận giải sẽ được hỗ trợ về chuyên môn và tài chính để thực hiện dự án của mình trong vòng sáu tháng và làm triển lãm tại khuôn viên trung tâm Objectifs.

*Trích thư giám tuyển San I-shan cho triển lãm 63 Năm – Gửi Anh Tuyền của Mai Nguyên Anh.
“Dự án về lịch sử gia đình của Mai Nguyên Anh trải dài theo dòng lịch sử hiện đại của Việt Nam, bắt đầu trước cuộc Chiến tranh Đông Dương lần hai năm 1955 – 75 cho đến ngày nay. Nhân vật chính là bà Hường – bà của tác giả, 77 tuổi và anh trai của bà, ông Tuyền, 81 tuổi. Họ đã phải xa cách vào đầu những năm 50 khi cả hai còn nhỏ và mất liên lạc trong nhiều năm sau đó, do hoàn cảnh địa chính trị đặc thù. Sống ở Hà Nội, bà Hường biết tin ông Tuyền vẫn còn sống khi nhận được lá thư từ Mỹ năm 1976, nơi ông và gia đình đã đến tị nạn sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ. Trong nhiều thập kỷ sau đó, họ chỉ liên lạc qua thư và điện thoại. Bà biết về cuộc sống trước đó của ông với tư cách là một quan chức cấp cao trong chính phủ miền Nam, và những khó khăn ở Mỹ khi ông và gia đình học cách thích nghi với lối sống mới là người tị nạn rồi trở thành công dân. Lo sợ bị trả thù và bận tâm với những khó khăn của cuộc sống tại Mỹ, ông Tuyền chỉ có thể về thăm Hà Nội lần đầu vào năm 2015. Hai người đã tái hợp sau 63 năm xa cách, lần đầu tiên, nhưng cũng có thể là lần cuối cùng.

Từ nhỏ, Nguyên Anh và người thân đã nghe những câu chuyện bà ngoại kể về ông Tuyền, người anh trai thất lạc của mình. Sau này, anh đã đến thăm nhà ông Tuyền ở California, và bắt đầu phát triển dự án khi mối quan tâm về chiến tranh Việt Nam của anh ngày càng lớn. Ngoài hình ảnh, Nguyên Anh đã thực hiện phỏng vấn họ hàng về kỷ niệm và ấn tượng của họ về ông Tuyền, cũng như tìm kiếm tài liệu trong kho lưu trữ của gia đình. Anh đã dàn dựng và chụp ảnh dựa trên một số câu chuyện thu thập được này, lưu lại những hình ảnh và thư từ quan trọng. Nguyên Anh tìm đến hoạ sĩ vẽ truyền thần để tái hiện chân dung tưởng tượng của ông Tuyền, nhưng thay vì vẽ cho giống người thật, anh mô tả một số đặc điểm hoặc câu chuyện trong cuộc sống của nhân vật để tạo ra những bức vẽ tượng hình đặc thù.”

[Objectifs] Anh đã làm dự án “63 Năm” trong bao lâu và dự án này bắt đầu từ đâu?
[Mai Nguyên Anh] Từ khi còn nhỏ, bà ngoại tôi đã kể chuyện về ông Tuyền, anh trai của bà, trong những buổi họp gia đình. Bà thường xuyên nhắc đến tên ông như thể sợ rằng một ngày chúng tôi đều sẽ quên mất sự tồn tại của ông. Nhưng với tôi và những người họ hàng khác, ông Tuyền chỉ là một hình bóng nào đó xa xôi. Chúng tôi chỉ biết đến ông qua lời kể của bà và những lá thư ông gửi. Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ gặp ông ngoài đời, hay có cảm xúc gì với ông.

Vậy nên khi ông Tuyền quay về thăm nhà lần đầu tiên năm 2015, trong tôi có phần tò mò muốn tìm hiểu xem ông là người như thế nào. Phần còn lại là sự choáng ngợp trước cảm xúc và phản ứng của bà tôi sau cuộc hội ngộ. Đó là điểm xuất phát của dự án.

Anh có thể chia sẻ những khó khăn trong việc theo đuổi và trình bày dự án này? Nó đã phát triển như thế nào? Cách tiếp cận và những phương tiện khác nhau ở đây có phải là một phần quá trình sáng tạo thông thường của anh, hay anh chỉ mới áp dụng chúng trong tác phẩm này?
Có khá nhiều trở ngại nho nhỏ, ví dụ như tìm kiếm tài trợ, xin học bổng để tôi có thể trở lại Mỹ, hay thuyết phục người nhà chia sẻ về những gì họ thực sự suy nghĩ về ông Tuyền,…

Tuy nhiên, tôi cho rằng thử thách lớn nhất là vượt qua được nhận thức hạn hẹp về nhiếp ảnh của bản thân, và đón nhận khả năng quan trọng nhất của nó: khả năng đi giữa sự thật và hư cấu.

Trong thời gian đầu, tôi chủ yếu chụp ảnh theo lối báo chí đơn thuần. Tôi tiếp tục chụp ông Tuyền như vậy khi có cơ hội tới Mỹ. Tuy nhiên, khi quay lại Việt Nam, tôi bị tắc với ba câu chuyện riêng rẽ: chuyện về bà, về ông Tuyền, và về chuyến thăm nhà của ông. Tôi không biết kết nối chúng lại như thế nào, và tôi cũng không biết làm sao để cho thấy những suy nghĩ, cảm xúc lẫn lộn của họ hàng về ông Tuyền. Tôi vật lộn với dự án trong một thời gian và suýt bỏ ngang năm 2016.

Rồi tôi nhận ra, suốt bấy lâu nay, tôi chỉ đang cố gắng chụp lại những gì trước ống kính của mình. Nhưng câu chuyện đâu có bày ra trước mắt hay có thực. Câu chuyện nằm trong sự tưởng tượng và mong đợi của những người trong gia đình tôi. Nhận thức này đã khiến dự án phát triển theo nhiều hướng khác nhau và mở ra một ý tưởng mới: Vẽ nên một nhân vật hư cấu thông qua việc sử dụng các phương tiện khác nhau. Đây là lần đầu tiên tôi thử nghiệm với đa dạng phương tiện và chắc chắn không phải là lần cuối cùng.

Người nhà của anh phản ứng như thế nào tới dự án này, đặc biệt là hai nhân vật chính: bà anh và ông Tuyền?
Ông Tuyền có vẻ lãnh đạm khi tôi chia sẻ về dự án với ông, nhưng lại khá hào hứng khi nói về quá khứ, về chiến tranh, hay những khó khăn ông đã trải qua.

Mặt khác, những thành viên trong gia đình tôi rất phấn khởi. Cho dù họ không hoàn toàn hiểu tôi đang làm gì, họ đều khuyến khích tôi tiếp tục. Cô chú tôi nói rằng ảnh và những cuộc phỏng vấn đã giúp họ nhìn ông Tuyền theo một cách khác và hiểu ông rõ hơn.

Nhưng bà là người làm tôi ngạc nhiên nhất. Như đã nói, tôi ngạc nhiên trước cảm xúc và phản ứng của bà. Trước khi gặp ông Tuyền, bà vô cùng phấn khởi về việc tôi chụp ảnh. Bà nói rất nhiều, tôi chưa bao giờ thấy bà vui như thế. Tuy vậy sau khi gặp ông, bà trở nên lặng lẽ. Hiếm khi thấy bà nhắc đến tên ông. Bà cũng không còn hứng thú xem những tấm ảnh mới của tôi.

Tôi không biết rõ có phải vì điều ước cả đời bà cuối cùng đã được thực hiện, hay vì anh Tuyền ngoài đời quá khác so với anh Tuyền trong tâm trí bà. Khi gặp nhau, có thể bà đã nhận ra cho dù là máu mủ ruột già, có một khoảng trống không thể lấp đầy nên hai người không thể trở thành anh em hay gia đình được nữa.

Anh có thể chia sẻ trải nghiệm làm việc với giám tuyển Sam I-shan cho dự án này, với tư cách là người nhận giải Objectifs Documentary Award, mục Open Category?
Trước Objectifs Documentary Award, tôi chưa làm việc với giám tuyển bao giờ. Vậy nên với tôi, đây là một trải nghiệm thật quý giá. Tôi học được rất nhiều điều, từ việc cảm nhận không gian, lồng khung tác phẩm đến những luật lệ treo tác phẩm từ I-shan. Cô ấy là một giám tuyển tuyệt vời và vô cùng hào phóng với kiến thức của mình. Bên cạnh công việc, những cuộc đối thoại về nghệ thuật cũng giúp tôi có thêm kiến thức thị giác và cho tôi ý tưởng cho dự án sau. I-shan cũng là người khuyến khích tôi quay video bên cạnh hình ảnh.

Tôi cảm thấy rằng sau sáu tháng làm việc cùng nhau, mối quan hệ của chúng tôi không chỉ là giữa nghệ sĩ-giám tuyển, mà tôi coi cô như một người cố vấn.

Cơ hội này có ảnh hưởng đến góc nhìn của anh về dự án này trong tương lai, các dự án khác anh đang theo đuổi, hay thực hành nhiếp ảnh của anh nói chung?
Cụ thể tại dự án này, tôi rất biết ơn nguồn hỗ trợ đã giúp tôi hoàn thành và giới thiệu nó trong triển lãm. Tôi cũng đã quan tâm tới video và hình ảnh động qua quá trình làm việc với I-shan. Tôi nghĩ đây sẽ là một lối đi mới cho mình trong tương lai.

Việc được Giải thưởng Objectifs Documentary Award có ý nghĩa rất lớn với cá nhân tôi. Tôi đã làm dự án này trong gần bốn năm. Trong thời gian này, đã nhiều lần tôi nghi ngờ khả năng của mình và muốn từ bỏ. Do đó, cơ hội này đã khiến tôi tin tưởng bản thân và có thể tiếp tục con đường này.

Đây có phải lần đầu anh chia sẻ dự án với khán giả ngoài Việt Nam? Anh hy vọng họ sẽ học được điều gì?
Đây là lần đầu tiên tôi chia sẻ dự án với công chúng. Cho dù chiến tranh chỉ còn là một ký ức xa xôi và nhìn thoáng qua đất nước có vẻ đã hoà giải, vẫn còn tồn tại nhiều hiềm khích và hiểu lầm giữa cộng đồng người Việt Kiều và người Việt trong nước.

Tôi đã làm dự án này với hy vọng nó có thể bằng cách nào đó hàn gắn vết thương và giúp người Việt trong và ngoài nước hiểu nhau hơn. Với khán giả chung, tôi mong họ có thể tìm hiểu về hiệu ứng kéo dài của cuộc chiến và sự chia rẽ nó tạo ra trong gia đình. Với những khán giả sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, tôi hy vọng họ có thể xem xét lại cuộc chiến chống Mỹ mà thường mô tả phía bên kia là “kẻ phản bội”.

Ở góc độ cá nhân, câu chuyện này là cuốn hồi ký về 63 năm chờ đợi của bà tôi. Đó là một bức chân dung của người anh trai đi xa bao ngày, người còn sống duy nhất trong gia đình bà. Thông qua việc thực hiện dự án, tôi hy vọng sẽ thu hẹp khoảng cách không thể lấp đầy giữa bà và ông Tuyền, cũng như khoảng cách giữa những người họ hàng của tôi ở Việt Nam và ở Mỹ.

Triển lãm 63 Năm của Mai Nguyên Anh
Giám tuyển bởi Sam I-Shan
13/03 – 14/04, Objectifs’ Chapel Gallery, Singapore

Trung tâm Nhiếp ảnh & Phim Objectifs là một tổ chức phi lợi nhuận dành cho nhiếp ảnh và phim đã có 10 năm hoạt động tích cực tại Singapore, được thành lập với nhiệm vụ mở rộng quan điểm và truyền cảm hứng thông qua sức mạnh của hình ảnh. Chương trình hoạt động quanh năm bao gồm triển lãm, trình chiếu, workshop, toạ đàm và lưu trú, nhằm mục đích gợi mở đối thoại, thúc đẩy thực hành và nuôi dưỡng sự trân trọng với nhiếp ảnh và phim. Tìm hiểu về Giải thưởng Nhiếp ảnh Tư liệu Objectifs tại đây.

Mai Nguyên Anh là một nghệ sĩ thị giác người Việt Nam với mối quan tâm chính là những vấn đề đương đại. Các tác phẩm của anh thường là sự kết hợp giữa phong cách nhiếp ảnh tư liệu truyền thống nhưng giàu cảm xúc, nặng tính cá nhân. Theo học chuyên ngành Kinh tế tại Đại học Surrey, Vương quốc Anh, đam mê nhiếp ảnh tư liệu đã đưa anh đến với nghề phóng viên ảnh. Năm 2013, anh tham gia đội ngũ VnExpress. Năm 2015, Nguyên Anh rời VnExpress và làm việc tự do cho nhiều hãng tin địa phương, cũng như tập trung hoàn thiện các dự án cá nhân của mình. Năm 2016, anh hoàn thành chương trình đào tạo tại International Center of Photography tại New York. Anh là đồng sáng lập Matca, một dự án nhiếp ảnh tại Việt Nam.
Kết nối với Nguyên Anh tại FacebookInstagram.