Makét 02

Hành Trình Việt Nam Và Giải Ảnh Báo Chí Thế Giới

The first World Press Photo Exhibition in Hanoi, 1994. © World Press Photo Foundation

63 năm trước, một nhóm phóng viên ảnh người Hà Lan quyết định tổ chức cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế song song với cuộc thi quốc gia Zilveren Camera mà họ đã có với mong muốn được tiếp cận nhiều hơn tới những câu chuyện bằng hỉnh ảnh từ mọi nơi trên thế giới. Từ đó tới nay, cuộc thi Ảnh báo chí Thế giới (World Press Photo Contest) đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ công chúng cùng hàng ngàn nhiếp ảnh gia dự thi mỗi năm, trở thành cuộc thi ảnh báo chí có quy mô lớn và danh giá bậc nhất trên thế giới.

Triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới 2018 cuối cùng đã quay trở Hà Nội trong hành trình vòng quanh thế giới của mình sau nhiều năm vắng bóng. Với thế hệ những người yêu nhiếp ảnh trẻ tuổi hơn, ít ai biết rằng trước sự kiện vào giữa tháng Sáu năm nay, triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới đã được tổ chức tại Việt Nam không chỉ một lần.

The first World Press Photo Exhibition in Hanoi, 1994. © World Press Photo Foundation
The first World Press Photo Exhibition in Hanoi, 1994. © World Press Photo Foundation

Triển lãm đầu tiên tại Việt Nam được đồng tổ chức tại Hà Nội vào năm 1994 bởi Thứ tưởng Bộ Văn hoá Thông tin Nguyễn Khoa Điềm và ông Ron Wunderink, đại diện từ Ảnh Báo chí Thế giới. Ngay năm sau đó, hai triển lãm đã diễn ra tại cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia tổ chức của ông D.A.V.E Ader, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam. Triển lãm năm 1995 tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ được đồng điều phối bởi Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Lưu Trần Tiêu, còn triển lãm ở miền Nam được giám sát bởi Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố vào lúc đó.

World Press Photo Exhibition in Ho Chi Minh City, 1995. © World Press Photo Foundation
World Press Photo Exhibition in Ho Chi Minh City, 1995. © World Press Photo Foundation

Điều thú vị là, trong sáu thập kỷ hoạt động của mình, Giải Ảnh Báo chí Thế giới đã ghi nhận không ít hình ảnh được thực hiện tại hoặc có liên quan đến Việt Nam, phần lớn trong số đó là những hình ảnh về cuộc chiến và những hệ luỵ của nó.

Hành trình này bắt đầu với giải Ảnh của năm của Malcolm Browne vào năm 1963 ghi lại cảnh tự thiêu của Hoà thượng Thích Quang Đức để phản đối đàn áp Phật giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam. Hành quyết Sài Gòn chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan xử bắn một người Việt Cộng năm 1968 của Eddie Adams, Em bé Napalm thắng giải Ảnh của năm năm 1972 của Nick Út, và giải nhì cho ảnh đơn trong mục Tiêu điểm vào năm 1969 của Horst Faas với người đàn bà khóc nấc trước thi thể của chồng. Cả bốn tác phẩm trên đều do phóng viên từ hãng thông tấn AP thực hiện và đã trở thành những hình ảnh biểu tượng bất cứ khi nào nhắc đến chiến tranh Việt Nam.

© Malcolm W. Browne
© Eddie Adams

Từ Thế chiến thứ hai, truyền thông Nhật hầu như chỉ tập trung vào tin trong nước. Vậy nên nhiều phóng viên ảnh Nhật Bản nhận thấy Chiến tranh Việt Nam là một chủ đề đủ tốt để rời khỏi đất nước và thực hành tự do báo chí trong việc đưa tin về chiến tranh. Phóng viên Kyoichi Sawada là người đầu tiên thắng giải Ảnh báo chí của năm hai lần, Hiromichi Mine thắng giải nhì ảnh đơn mục Tiêu điểm vào năm 1967 với bức ảnh chụp lại cảnh máy bay vận chuyển động cơ kép Caribou của Mỹ đứt đôi, và một chuỗi ảnh về lính Hàn chuẩn bị lên đường sang Việt Nam đã mang về cho Shisei Kuwabara giải ba ảnh bộ trong hạng mục Tin tức tổng hợp.

© Kyoichi Sawada
© Hiromichi Mine

Năm 1979, bốn năm sau khi cuộc chiến kết thúc, phóng viên người Anh Terry Fincher đã ghi lại cảnh sống lay lắt qua ngày của những người thuyền nhân trên hành trình tị nạn. Đây là ba đứa trẻ nhăn nhó mặt mày đang ngồi xổm đằng sau hàng rào kẽm gai trên một hòn đảo phía đông trong khi chờ được lên lại thuyền, kia là một người đàn bà kiệt sức gầy hốc hác với một bên ngực trần cho con bú dở. Bộ ảnh được trao giải ba trong hạng mục Ảnh đen (Black Picture) vì đã lột tả cuộc vật lộn để sinh tồn của những thuyền nhân Việt Nam.

© Terry Fincher
© Terry Fincher
© Terry Fincher

Cùng năm đó, Giải thưởng Liên hợp Quốc một lần đã được trao cho bộ ảnh On the land of Vietnam (tạm dịch: Trên mảnh đất Việt Nam) do nhiếp ảnh gia Leonid Yakutin thực hiện cho Liên đoàn Phóng viên Liên bang Xô Viết. Đối lập với những cực nhọc của người ra đi thời hậu chiến trong câu chuyện của Fincher, bộ ảnh của Yakutin khắc hoạ nỗ lực xây dựng cuộc sống tại quê nhà: một anh giáo mặc áo khoác và quần kaki đứng giảng ở lớp bình dân học vụ, một nông dân đang đi bừa với con trâu gầy trơ xương, một bà già khắc khổ bên vài cậu thanh niên cầm súng.

© Leonid Yakutin
© Leonid Yakutin
© Leonid Yakutin
© Leonid Yakutin

Thuyền nhân tiếp tục là chủ đề được báo chí thế giới quan tâm. Năm 1982, nhiếp ảnh gia người Úc Neil Tanner đã giành giải ba cho ảnh bộ trong mục Tiêu điểm với những hình ảnh đàn ông, phụ nữ và trẻ em nằm la liệt, hốc hác vì thiếu nước và say sóng.

Hậu quả của chiến tranh Việt Nam không thể thiếu được câu chuyện về chất độc màu da cam. Phóng viên Marie Dorigny đạt giải ba hạng mục Thiên nhiên vào năm 1990 với những hình ảnh chụp nạn nhân với dị tật trực diện và gây sốc. Hai thập kỷ sau, vào năm 2010, bức ảnh Ed Kashi chụp một bé gái 9 tuổi với dị tật bẩm sinh đạt giải nhì hạng mục Vấn đề đương đại. Nhưng phải tới năm 2012, chính phủ Mỹ và Việt Nam mới bắt tay thực hiện chiến dịch loại bỏ chất độc còn lại tại các địa phương.

Vượt ra cái bóng quá lớn của những câu chuyện về cuộc chiến, nhiếp ảnh gia trẻ Justin Maxon giành giải nhất hạng mục ảnh đơn hạng mục Cuộc Sống Thường Nhật nhờ những hình ảnh đầy tình cảm về cuộc sống của mẹ con chị Lý Thị Mùi tại bãi giữa sông Hồng.

© Justin Maxon

Bộ ảnh Infinite Cave (tạm dịch: Hang động bất tận) mang về cho Carsten Peter giải nhì hạng mục Thiên nhiên vào năm 2010 đã hé lộ cảnh sắc hùng vĩ phía trong Hang Sơn Đoòng thuộc Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Hang động này hiện đang là hang động lớn nhất thế giới với những nơi cao tới 200 mét. Chính nhờ phát hiện này, rất nhiều tổ chức đã nỗ lực bảo tồn kỳ quan thiên nhiên này khỏi tác động của thương mại và du lịch.

© Carsten Peter
© Carsten Peter
© Carsten Peter
© Carsten Peter

Vào năm 2012, Maika Elan, nữ nhiếp ảnh gia tài liệu tự hào trở thành người Việt nữ đầu tiên đoạt giải Ảnh Báo chí Thế giới. Bộ ảnh The Pink Choice (Yêu Là Yêu) đoạt giải nhất trong hạng mục Vấn đề Đương đại đã kể câu chuyện về những cặp đôi đồng tính tại Việt Nam – nhóm thiểu số vẫn chịu nhiều định kiến và hiểu lầm từ đám đông. Những khung hình thân mật và góc nhìn nhân văn đã mở cho người xem một cánh cửa để bước vào đời sống tinh thần của các nhân vật, nơi hạnh phúc tồn tại bên cạnh nhiều ẩn ức khó nói thành lời. Maika Elan cũng vinh dự được tham gia vào khoá học The Joop Swart Masterclass năm 2013 và 6×6 Global Talent năm 2017, hai trong nhiều hoạt động uy tín thuộc Quỹ Ảnh Báo chí Thế Giới.

© Maika Elan

Tháng 06/ 2018 này, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan kết hợp cùng Liên đoàn Báo chí Việt Nam đồng tổ chức triển lãm ảnh kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan. Triển lãm sẽ trưng bày những tiêu điểm thời sự nóng năm vừa qua với những bức ảnh từ cuộc thi Ảnh Báo chí Thế giới năm thứ 61. Những người thắng cuộc được chọn ra bởi một hội đồng độc lập trong tổng số hơn 73,000 bức ảnh gửi tới từ 4,548 nhiếp ảnh gia đến từ 125 quốc gia.

Trong khuôn khổ triển lãm, Matca rất vinh dự được tổ chức hoạt động portfolio review và toạ đàm về nhiếp ảnh báo chí. Đây sẽ là một cơ hội hiếm có cho các tay máy trẻ ở Việt Nam để kết nối với các chuyên gia từ World Press Photo và nhiếp ảnh gia, biên tập ảnh kỳ cựu trong nước. Đừng bỏ lỡ cơ hội để xem, thảo luận và tham gia những hoạt động nhiếp ảnh chuyên nghiệp.

Triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới 2018
Thời gian: 16/06 – 06/07/2018, từ 9:00-19:00 (kể cả thứ Bảy, Chủ Nhật)
Địa điểm: Đại học Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội