Khi lang thang trong khu công viên tuy mới xây nhưng đã cũ mèm gần nhà trong một sáng âm u của mùa đông Hà Nội, một vài suy tưởng sâu xa chợt loé lên trong đầu tôi. Cái thời tiết này hay làm người ta nhớ về những gì thuộc về xưa cũ, về những ngày đầu tiên tôi đến với nhiếp ảnh. 12 năm trước tôi đặt chân tới Việt Nam như một du khách-chụp ảnh gia (khái niệm mà tôi vừa tự chế ra) và lập tức thấy yêu mảnh đất này. Nghe sáo rỗng, nhưng với tôi điều này thật đúng.
Hai năm sau, tôi quay lại Hà Nội cùng một cục nợ tín dụng to đùng chi cho đống thiết bị nhiếp ảnh không cần thiết, và một năm cuối đại học dở dang mà rốt cuộc chẳng được hoàn thành. Kế hoạch lúc đó nghe cũng thật mơ hồ: tập trung thực hiện một dự án cá nhân. Từ khi còn ở Mỹ, tôi đã bị thu hút bởi cuốn sách ảnh về những nạn nhân chất độc màu da cam của Philip Jones Griffiths và muốn theo đuổi câu chuyện đó theo cách riêng của mình.
Tạm sắp xếp xong cuộc sống ở vùng đất mới, dần định hình công việc và với sự giúp đỡ từ người bạn tuyệt vời tên Thuỷ, tôi đã may mắn được tiếp cận một trại trẻ cưu mang những đứa trẻ mồ côi bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Với tôi, sự nghiệp nhiếp ảnh xem ra bắt đầu từ đó. Các cơ hội cứ tới, nối tiếp nhau, sau khi dự án Legacy Of Horror được hoàn thành: khoá học danh giá Eddie Adams, giải thưởng Marty Forscher Award, giải thưởng Emerging Photographer từ Đại học Missouri School of Journalism, tiếp đó là hơn 100 phóng sự ảnh khắp châu Á cho New York Times, rồi các cơ hội phát triển ảnh thương mại cũng tới kịp thời khi nhuận ảnh báo chí chẳng đáng là bao. Hành trình của mỗi người đều khác nhau, nhưng sự nghiệp của tôi đã đi lên và được duy trì nhờ vào một bộ ảnh chụp từ 10 năm trước. Đây là dự án cá nhân đúng nghĩa đầu tiên, cũng là dự án để lại nhiều dấu ấn và khiến tôi tự hào nhất.
Khoảng thời gian thực hiện dự án ảnh cá nhân cũng là lúc để nhìn lại chính mình, để biết mình là ai ở hiện tại và bước tiếp thế nào. Tôi học được cách kìm nén cảm xúc để tập trung vào khoảnh khắc, vào công việc và câu chuyện (dù đó có thể không phải là thực hành tốt). Tôi cũng hiểu rằng việc chạy trốn khỏi cảm xúc là không thể khi về nhà xem lại những tấm ảnh, những nỗi đau mà bao đứa trẻ ở đây phải chịu đựng. Tôi tự ép mình vào khuôn phép bằng việc chỉ sử dụng một máy ảnh, một tiêu cự 35mm và học cách xoay sở, xây dựng bố cục với giới hạn về thiết bị này. Khả năng đoán định khoảnh khắc, cũng như của sự kiên nhẫn trong quan sát là tối quan trọng. Thói quen thực hành cũ được tôi lược bỏ và tìm ra cách sử dụng ánh sáng, bố cục, tiếp cận khác để kể câu chuyện thị giác của mình.
Mỗi ngày khi ấy đều là những thử nghiệm để tự lớn lên. Có thời điểm ảnh ra xấu tệ, nhưng mỗi thất bại đều là những bài học để ta tiếp tục trưởng thành. Tôi ngừng cố gắng theo đuổi những tấm ảnh mang tính hình mẫu, những tấm ảnh mà chắc chắn sẽ được ca ngợi khi còn học trong trường. Tôi cũng ngưng bắt chước những nhiếp ảnh gia tôi từng ngưỡng mộ, thay vào đó chú tâm tạo ra những bức ảnh có dấu án của riêng mình. Legacy Of Horror chắc chắn không phải là tác phẩm tốt nhất về chủ đề nạn nhân chất độc màu da cam, nhưng hiển nhiên đây là tác phẩm nhiều sức nặng nhất mà tôi từng thực hiện.
Những thành công từ dự án đầu tay đã khiến tôi trộm nghĩ, đây chắc mới chỉ là xuất phát điểm của nhiều dự án cá nhân tiếp theo. Quá trình lên ý tưởng, đi chụp rồi biên tập, chỉ nghe thôi đã thấy thích mê. Nhưng những dự án tiếp theo của tôi trong vòng 10 năm trở lại đây đều thất bại vì nhiều lí do, cảm xúc của những ngày đầu cũng là thứ chẳng thể lấy lại được. Tôi đã chụp ảnh phục vụ quá nhiều người, ngoại trừ cho chính bản thân mình. Mặc dù vẫn đang thoả mãn với con đường sự nghiệp đã chọn, nhưng dường như có gì đó vẫn chưa đủ đầy. Tôi đã trưởng thành rất nhiều trong sự nghiệp nhưng chẳng gì so sánh được với những bài học tưởng như nhỏ nhặt khi thực hiện dự án cá nhân đầu tiên ấy.
Không có cẩm nang hướng dẫn, không có danh sách các chủ đề để chọn lựa, không có con đường nào đúng hay sai để tiếp cận, cũng chẳng có gì đảm bảo dự án cá nhân của bạn sẽ thành công. Bạn cần quyết tâm, bỏ lại mọi thứ phía sau, tạo ra khuôn khổ cho chính mình và tập trung cao độ. Dự án cá nhân không phải là thứ độc quyền dành cho phóng viên ảnh hay nhiếp ảnh gia tự liệu, nó là cơ hội cho mọi người thực hành nhiếp ảnh ở mọi thể loại. Và đương nhiên dự án cá nhân không chỉ dành cho những người mới bắt đầu, mà cho bất cứ ai muốn thử nghiệm, sáng tạo và phát hiện ra điều gì mới về bản thân mình.
Năm nay tôi 39 tuổi. Đã quá lâu rồi tôi không có một “tia lửa” nào của sự sáng tạo. Dù hồi tưởng lại quá khứ cũng hay nhưng thực ra tôi đang hướng về tương lai, bởi hai ngày nữa tôi sẽ tiếp tục với dự án cá nhân đang thực hiện của mình. Còn một chặng đường dài trước mắt nhưng ít nhất tôi đã bắt đầu ở đâu đó. Nói thật, việc tìm ra mình đang đứng ở đâu vào thời điểm này trong cuộc đời làm tôi sợ đến đông cứng cả người. Có thể dự án này sẽ chẳng ra sao, có thể rốt cuộc nó chỉ là một sản phẩm tầm thường, ai biết được. Nhưng tôi chắc cá nhân mình sẽ yêu quá trình thực hiện và biết đâu đó hiểu thêm được chút ít về chính mình.
Tôi cảm thấy trần trụi bất an khi không có một khách hàng hay một biên tập viên nào chỉ đạo cho mình lúc này. Nhưng tôi cũng thấy cực kì tự do và hạnh phúc khi cố thử tìm lại cảm giác của 10 năm về trước. Tôi mong các bạn đừng đi vào vết xe đổ của tôi và chờ cả thập kỉ mới làm gì đó cho riêng mình. Ngừng nâng lên đặt xuống, không lí do lí trấu nữa, hãy bắt tay vào ngay đi.
Justin Mott là một nhiếp ảnh gia tự do người Mỹ sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 2006. Anh đã chụp hơn 100 bộ ảnh cho New York Times và khách hàng của anh bao gồm các báo TIME, Forbes, The Wall Street Journal và The Guardian. Studio Mott Visuals của Justin chuyên về ảnh và sản xuất video thương mại. Anh cũng xuất hiện trên TV với tư cách chủ toạ chương trình Photo Face-Off, một show truyền hình về nhiếp ảnh trên kênh History Channel.
Kết nối với Justin Mott tại Instagram cá nhân, Instagram của dự án As Above, So Below và blog nhiếp ảnh Ask Mott.