Cũng như mọi loại hình nghệ thuật, nhiếp ảnh vốn không sinh ra dành riêng cho giới tính cụ thể nào. Tuy nhiên, dù càng ngày càng có nhiều phụ nữ làm việc bên cạnh những đồng nghiệp nam và nỗ lực truyền tải những câu chuyện mà công chúng ít có cơ hội tiếp cận, sự xuất hiện của họ với tư cách là nhiếp ảnh gia vẫn chưa tương xứng. Khi google từ khoá “nhiếp ảnh gia nữ Việt Nam”, những kết quả tìm thấy còn thưa thớt, một màu và có xu hướng tập trung vào ngoại hình người cầm máy.
Sau sự việc 32 đại diện thương hiệu hãng máy Nikon chọn đều là nam, tôi đã hỏi 5 nhiếp ảnh gia nữ người Việt về con đường đến với nhiếp ảnh cũng như trải nghiệm của họ khi làm việc trong môi trường nam giới từng chiếm đa số. Họ theo đuổi nhiều chủ đề và thực hành khác nhau, người ghi lại hậu quả chiến tranh, người đưa tin thời sự hàng ngày, người đi xa để tìm kiếm cái đẹp. Đây không phải một danh sách đầy đủ, được sắp xếp theo trình tự ngẫu nhiên và lựa chọn dựa trên tiếng nói đa dạng mà những người phụ nữ này đã và đang đóng góp cho nền nhiếp ảnh trong nước và quốc tế.
Maika Elan, Nhiếp Ảnh Gia Tư Liệu – Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam
Mình thường không nghĩ về chuyện tại sao ngành ảnh lại có nhiều đàn ông hơn. Nhưng từ kinh nghiệm bản thân, năm 2008 mình tham gia workshop ở Malaysia thì tỷ lệ nữ là khoảng 4/30. Năm 2010 ở workshop IMMF tại Việt Nam thì tỉ lệ là 3/30, còn Angkor Photo Workshop là khoảng 5-6/30. Nhưng đến năm 2013 mình tham gia khoá Joop Swart Master class ở Hà Lan thì số lượng học viên nữ bằng nam, còn tới khoá Joop Swart 2015 thì đã nhiều hơn nam. Tức là tỷ lệ nữ hiện đã ngày càng tăng. Ở môi trường nghiệp dư thì số lượng nam cao hơn nữ rất nhiều nhưng điều đó chưa chắc đúng ở môi trường chuyên nghiệp. Mình nghĩ rằng trong thế hệ trẻ làm việc chuyên nghiệp ngày nay thì tỷ lệ này không quá chênh lệch.
Phụ nữ hiện đại có thể có những trách nhiệm khác nữa ngoài công việc nhưng là do họ lựa chọn, chứ không phải là vì có những trách nhiệm đó mà họ bị hạn chế. Như mình có em bé và thấy việc được ở bên và chăm sóc con cái vui và quan trọng hơn, thì mình chọn đó là ưu tiên số một. Chứ không ai bắt mình phải hy sinh sự nghiệp. Nhưng cái đấy lại phụ thuộc vào xuất phát điểm. Nếu có đủ thời gian trong tuổi trẻ của mình để làm hết những việc mình nhất định phải làm thì sẽ có nhiều lựa chọn hơn, chứ đã có gia đình rồi mới theo đuổi ước mơ thì mình nghĩ sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Tất nhiên là cần những góc nhìn từ phụ nữ và nó vẫn luôn có tiếng nói quan trọng. Nhưng mình không bao giờ nhìn vào tác phẩm của ai đó bởi họ là nam hay nữ, vì luôn có những người nữ mà rất mạnh mẽ hoặc nam mà rất lãng mạn. Nhiếp ảnh là một thứ gì đó vẫn luôn phi giới tính.
Virginie Nguyễn Hoàng, Phóng Viên Ảnh Tự Do – Bruxelles, Bỉ
Sau khi tới Palestine thực hiện câu chuyện đầu tay về một gánh xiếc địa phương, tôi đã tin rằng nghề của mình sẽ là kể chuyện qua ảnh. Tới giờ, tôi vẫn đam mê công việc này cho dù không phải lúc nào mọi thứ cũng dễ dàng, đặc biệt là vấn đề tài chính, nhưng dù sao chăng nữa tôi vẫn không thể hình dung mình làm việc gì khác được.
Trong ngành ảnh cũng như nhiều ngành nghề khác, số lượng nam thường chiếm nhiều hơn tại thời điểm ban đầu. Nhưng dần dần ta đã thấy càng nhiều phụ nữ chụp ảnh và thành công với nghề, dù vẫn tồn tại những lĩnh vực mà có đàn ông áp đảo phụ nữ như ảnh thời sự chẳng hạn. Tôi cho là nhiều phụ nữ, bao gồm cả tôi, muốn làm những dự án ảnh tư liệu dài kì hơn chụp tin nóng. Khi tôi còn chụp ảnh thời sự ở Ai Cập, hiển nhiên là có nhiều phóng viên nam nhưng họ đều hỗ trợ tôi nhiệt tình. Ở trên mặt trận thì không nên quan tâm đến giới tính làm gì, chúng ta đều ở đây và nên giúp đỡ nhau hơn là chọc gậy bánh xe.
Có những lợi thế và khó khăn nhất định của phụ nữ trong ngành ảnh, với đàn ông cũng vậy. Ở những vùng chiến sự, đã có lần tôi không được phép ra tiền tuyến để đưa tin bởi những người lính không muốn có phụ nữ bên cạnh vì lí do tôn giáo và văn hoá. Hay ở những cuộc biểu tình ở Cairo, phụ nữ bị lạm dụng tình dục rất thường xuyên. Hầu như tôi không bao giờ đi đưa tin về cuộc biểu tình một mình hoặc phải giả dạng là đàn ông để bảo vệ bản thân. Mặt khác, nhiếp ảnh gia nữ có thể tiếp cận được nhiều thứ mà đồng nghiệp nam không thể. Ví dụ ở những nước Ả Rập, phụ nữ có thể được ở bên cạnh mẹ con trong nhà khi người đàn ông đi vắng. Bởi tôi thường theo đuổi chủ đề về gia đình, quyền tiếp cận này là cực kì cần thiết.
Tiếng nói của những nữ nhiếp ảnh gia rất quan trọng. Như đã nói, có nhiều người đang thực hiện những dự án tư liệu dài kì về những vấn đề xã hội mà bạn không thể biết được qua tin thời sự giật gân. Phụ nữ có lẽ là nhạy cảm hơn với một vài khía cạnh mà đàn ông ít nghĩ tới, và có những câu chuyện của phụ nữ phải được kể từ phía phụ nữ chứ không phải ai khác. Ngành ảnh phải nhận ra rằng góc nhìn của đàn ông và phụ nữ đều quan trọng và chúng bổ trợ lẫn nhau.
Lương Thái Linh, Phóng Viên Ảnh Thuộc Hãng Thông Tấn EPA – Hà Nội, Việt Nam
Rất tình cờ, năm 2008, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Báo chí và Tuyên truyền, mình có đọc được tin tuyển trợ lý cho phóng viên ảnh Julian Wainwright – Trưởng đại diện của hãng EPA (European Press Photo Agency) tại Việt Nam lúc đó. Sau hơn 1 năm làm việc và vượt qua kì sát hạch, mình đã trở thành phóng viên ảnh chính thức của EPA tại Việt Nam, và làm việc cho EPA từ đó đến nay.
Mình không nghĩ là có ít phụ nữ tham gia hoạt động trong nghề. Sếp trực tiếp của mình, người đứng đầu EPA tại Đông Nam Á, cũng như người đứng đầu của EPA tại Trung Quốc đều là phụ nữ. Những hãng thông tấn quốc tế khác cũng có rất nhiều phóng viên là nữ. Ở Việt Nam, mặc dù tỉ lệ nữ thấp hơn nam những mình cũng biết rất nhiều phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực này.
Đối với mình, là phụ nữ có những khó khăn nhưng ngược lại cũng có những lợi thế nhất định. Ví dụ như khi tác nghiệp thì thường được các đồng nghiệp nam ưu ái và hỗ trợ hơn, cũng như đôi khi sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nhân vật. Còn về phía gia đình thì mình có thuận lợi khi chồng cũng là đồng nghiệp nên anh rất am hiểu, thông cảm cũng như chia sẻ với công việc của mình. Cho nên mình thấy không có sự phân biệt lớn nào giữa nam và nữ đặc biệt là trong các hoạt động nghệ thuật như nhiếp ảnh, miễn là có sự đam mê và thực sự yêu thích công việc này. Quan trọng là cảm nhận, sự rung động và sáng tạo riêng của mỗi người khi bấm máy.
Nguyễn Quỳnh Anh, Nhiếp Ảnh Gia Tự Do – Hà Nội, Việt Nam
Năm 2012 tôi tham gia một chuyến đi xa đầu tiên tới Bắc Ấn với vai trò người ghi lại hình ảnh. Có lẽ từ chuyến đi đặc biệt đó tôi bắt đầu cảm thấy mình cần phải đầu tư tư duy cũng như trang bị kiến thức về nhiếp ảnh nghiêm túc hơn. Tôi không muốn chỉ mang về những bức ảnh mang vẻ đẹp “bưu thiếp” hay lưu niệm, tôi muốn ảnh có thể gợi nhớ lại được thần thái của những người mình gặp, những câu chuyện tôi từng “buôn” với họ, bầu không khí của những nơi mình qua, cảm xúc trước những gì mình thấy mà vẫn không xuyên tạc vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời của nó. Cũng từ đó, tôi chủ động chuyển đổi dần các công việc của mình để đến gần với nhiếp ảnh hơn như một nghề.
Có thể nói tôi coi nhiếp ảnh như nghề, nói về khía cạnh nghiêm túc của tôi với nhiếp ảnh. Nhưng tôi nghĩ đó cũng chính là một rào cản để biến ảnh thành một nghề có thể nuôi sống bạn hoàn toàn. Hơn nữa với mảng ảnh du lịch nơi tôi cho là đặt nặng yếu tố “câu view”, tôi có một nỗi sợ là một ngày nào đó tôi sẽ phải thương mại hoá cách chụp của mình dưới áp lực thị trường hay khách hàng để có thể tiếp tục theo đuổi nhiếp ảnh. Tôi đoán đấy cũng là một điều trăn trở của nhiều người.
Việc vừa di chuyển tới những nơi bạn chưa biết và gặp những người bạn chưa từng quen đôi khi khá thách thức, đặc biệt với tính cách ngại làm phiền người khác của tôi. Nhiếp ảnh giúp tôi bắt buộc phải bước ra khỏi “vùng an toàn”, khám phá thêm những điều mới về cả thế giới xung quanh và chính bản thân mình. Với mảng ảnh du lịch, đôi khi làm phụ nữ cũng có tồn tại một số trở ngại nhất định, nhất là với phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé như tôi. Đa phần các trở ngại đó liên quan tới các yếu tố thể lực trong việc đảm bảo an toàn cho cá nhân và thiết bị khi đi một mình, hay vấn đề sức khoẻ do mang vác thiết bị nặng so với trọng lượng cơ thể. Tuy những điều này tôi vẫn có thể chủ động tránh được nhưng với giá phải mất đi một số điều khác, đôi khi tôi vẫn có ý nghĩ “Ước gì mình là một gã đàn ông.” (cười)
Fungi (Phương Trần Minh), Nhiếp Ảnh Gia Tự Do – Berlin, Germany
Cho đến nay thì hành trình nhiếp ảnh của tôi đã rất thú vị và đầy thách thức theo nghĩa tích cực. Tôi hạnh phúc vì được sống một cách có kế hoạch, sáng tạo, bao dung, nói ngắn gọn là được tiếp tục là tôi và trở thành tôi.
Tôi tin rằng những nữ nhiếp ảnh gia thế hệ trước phải đấu tranh ác liệt hơn rất nhiều để được tôn trọng và những nỗ lực phối hợp của họ đã mở đường cho thế hệ sau này. Ở phương Tây, tôi nhận thấy càng ngày càng nhiều những người giới tính khác nam đứng sau ống kính. Tuy nhiên, cho dù số lượng phụ nữ làm việc trong ngành ảnh ngày một tăng, sự xuất hiện và đại diện của họ trên truyền thông không tương xứng với những đồng nghiệp nam.
Đến thời điểm này bản thân tôi chưa để ý tới sự bất lợi của việc là phụ nữ, nhưng tôi biết nhiều người khác đã có trải nghiệm tiêu cực. Khi thực hiện một bài phóng sự hay chụp chân dung nhân vật, tôi vẫn cảm thấy được tôn trọng và ít bị coi là một kẻ quấy rầy. Nhưng định kiến về phụ nữ có thể ảnh hưởng tới những hãng ảnh hay nhà biên tập ảnh, những người có quyền quyết định ai sẽ được công chúng biết đến nhiều hơn. Đàn ông chiếm đa số thị phần ngành ảnh thương mại bởi những quan niệm đã ăn sâu, dù hiển nhiên là các quý cô cũng có khả năng chịu trách nhiệm thực hiện những buổi chụp đắt tiền.
Cá nhân tôi không nhấn mạnh sự nữ tính của mình và nó cũng không nổi bật trong tác phẩm. Nói cách khác, tính nữ chỉ như một miếng nhỏ của cái bánh to đùng là tính cách của tôi. Chất lượng của nghệ thuật thị giác không thể phân chia được theo giới, mà nó phải phát triển từ khả năng quan sát và thể hiện cảm xúc sâu sắc từ cả phía người sáng tạo và khán giả. Công việc thì chẳng phải đàn ông hay đàn bà, công việc chỉ cần được hoàn thành thôi.