Makét 02

Vượt Qua Rào Cản Kinh Tế – Xã Hội Trong Ngành Nhiếp Ảnh

MATCAxC4 JOURNAL: Đối thoại nhiếp ảnh giữa Việt Nam & Vương quốc Anh

Chuỗi bài viết thảo luận những khía cạnh đa dạng xoay quanh hình ảnh. Do Quỹ Digital Arts Showcasing của Hội đồng Anh tài trợ.

????✍️??


Ba năm trước, tổ chức Create London tại Anh đã cho ra mắt một báo cáo quan trọng về vấn đề bất bình đẳng trong lực lượng lao động mang tên Panic! Social Class, Taste And Inequalities In The Creative Industries (tạm dịch: Hoảng loạn! Tầng lớp xã hội, thị hiếu và bất bình đẳng trong các ngành công nghiệp sáng tạo). Các phát hiện từ cuộc điều tra này đã phơi bày thực tế phũ phàng mà nhiều cộng đồng người thiểu số đang phải đối mặt khi làm việc trong ngành sáng tạo. Cụ thể, số liệu cho thấy chỉ vỏn vẹn 4% người gốc Phi, gốc Á và người dân tộc thiểu số đang hoạt động trong các ngành phim, truyền hình, video, radio và nhiếp ảnh. 

Tình hình không hề khả quan hơn với cá nhân từ tầng lớp lao động: số người có thể gắn bó với nghề chỉ chiếm 12.4%. Báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại gây cản trở khả năng dịch chuyển xã hội (social mobility) và tính đa dạng trong lực lượng lao động tại Anh, cụ thể như thực trạng khan hiếm cơ hội tiếp cận và mạng lưới người làm nghề phần lớn vẫn bao gồm một nhóm với xuất thân đồng nhất.

An image Johnson took on his iPhone 13 Pro Max. © Brunel Johnson, 2021

Đây là một ngành hết sức khắc nghiệt bởi ai ai cũng tìm cách giấu nghề […]Brunel Johnson

Theo Brunel Johnson, nhiếp ảnh gia gốc Phi đang sinh sống tại London, ngành sáng tạo hiện nay vẫn rất khó gia nhập do lề thói ”old boys club” – một nhóm những người đàn ông nắm quyền chi phối khả năng tiếp cận của số đông. “Đây là một ngành hết sức khắc nghiệt bởi ai ai cũng tìm cách giấu nghề,” nhiếp ảnh gia đoạt giải thưởng danh giá Portrait of Britain 2020 nhận định. “Nghề nhiếp ảnh vốn có nhiều bí mật nên rào cản gia nhập vì thế lại càng lớn.”

Vậy trong một ngành công nghiệp khét tiếng vì độ cạnh tranh, liệu có cách nào để các nhiếp ảnh gia không có xuất phát điểm thuận lợi vượt qua chông gai? Có tồn tại những thực hành nhiếp ảnh không yêu cầu chi phí đầu tư khổng lồ họ có thể tận dụng để phá vỡ rào cản? 

Trước hết, Johnson nhấn mạnh “luôn tồn tại một phương án thay thế ít tốn kém”, ví dụ như chụp ảnh bằng điện thoại tháy vì máy ảnh. “Nếu bạn chưa mua được máy ảnh chuyên dụng đắt tiền, sử dụng điện thoại để tác nghiệp có thể đem lại nhiều lợi ích, đồng thời cũng giảm bớt gánh nặng mang vác thiết bị lỉnh kỉnh.” 

Có thể lấy ví dụ bức hình các cổ động viên bóng đá mà Johnson chụp bằng iPhone. Hình chụp từ dưới lên, dễ dàng chớp lấy khoảnh khắc tràn ngập niềm vui của các cổ động viên nhí. “Cá nhân tôi tin rằng nếu bạn có thể tác nghiệp bằng cả máy kỹ thuật số, máy film lẫn điện thoại, thì khả năng sáng tạo là vô biên.”

An outdoor display by Hackney Central Bridge on Mare Street. © Future Hackney

Sau nhiều năm lăn xả, Johnson rút ra kết luận rằng thiết bị không quan trọng bằng cách thức thực hiện. Anh nhớ lại thời điểm mới vào nghề, khi nhận được một đề nghị chụp dự án nhưng lại không đủ kinh phí để thực hiện bộ ảnh trong studio truyền thống. “Tôi đã dựng studio ngoài trời bằng vải mua ngoài tiệm, khung treo phông giá rẻ mua trên eBay và tận dụng ánh sáng tự nhiên. Các phương án kinh phí thấp có thể cho hiệu quả ngang với việc tiêu cả núi tiền, nếu bạn làm khéo léo”, Johnson cho biết. 

Quan trọng hơn cả, anh cho rằng các khoá học nhiếp ảnh do cộng đồng tổ chức như nhóm Future Hackney đóng vai trò chủ chốt giúp các nhiếp ảnh gia trẻ được trang bị kĩ năng để có thể thành công. “Với bối cảnh hiện tại của chính phủ Anh cũng như tình trạng thiếu thốn các chương trình phục vụ lớp trẻ, các khoá học của Future Hackney có đóng góp rất lớn cho thế hệ thanh thiếu niên”, Johnson hào hứng nói. 

Future Hackney do nhiếp ảnh gia Don Travis và cộng sự thành lập năm 2017 với mục tiêu ghi lại thay đổi xã hội đang diễn ra tại khu vực Dalston, đồng thời mở các khoá đào tạo học viên trẻ trong quận Hackney. Một lượng lớn học viên được tuyển chọn thông qua các quỹ từ thiện cộng đồng và các tổ chức hoạt động vì người gốc Phi, gốc Á và người dân tộc thiểu số – có thể kể đến Sistah Space, tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ phụ nữ gốc Phi là nạn nhân của bạo hành gia đình, hay Rise365, tổ chức từ thiện hướng tới đối tượng thanh niên trong khu vực.

© Don Travis/ Future Hackney

Qua chuỗi khoá học, học viên sẽ biết cách sử dụng phòng tối, phỏng vấn nhân vật và làm chủ ánh sáng trong nhiếp ảnh. “Trước khi dịch bệnh bùng phát, các khoá học diễn ra trong một căn phòng bỏ hoang ở chợ Ridley Road. Chúng tôi dựng phòng tối tại đây và giúp các học viên bước đầu làm quen với ảnh chân dung qua chiếc máy ảnh sử dụng film kính từ thập niên 1940. Sau đó chúng tôi cùng nhau xử lý âm bản”, Travis tường thuật lại.

Khoá học dạng này có thể là một lựa chọn khả dĩ mang lại hiệu quả to lớn, cho phép các nhiếp ảnh gia trẻ được thao tác với nhiều thiết bị mà họ ít có cơ hội tiếp cận, đồng thời học hỏi từ những người đi trước và trao đổi kiến thức với bạn bè đồng trang lứa. Chính nhiếp ảnh gia Johnson là ví dụ sống: anh nhận vai trò điều phối chương trình tại Future Hackney sau khi tham gia khoá học với tư cách học viên. “Tôi nhận thấy chẳng mấy người giống mình trong ngành nhiếp ảnh thời bấy giờ, không ai có xuất thân hay trải nghiệm tương đồng như tôi”, Johnson nhớ lại. Đây cũng là lý do thôi thúc anh tiếp tục giảng dạy, hỗ trợ các nhiếp ảnh gia trẻ. “Phần lớn hoạt động nhiếp ảnh của tôi hướng đến việc đóng góp cho cộng đồng, cho những đứa trẻ có xuất thân giống mình. Tôi muốn đưa ra những góc nhìn tích cực về người gốc Phi và kể những câu chuyện chân thực.”

Future Hackney enabled Johnson to exhibit work publicly. Ridley Road Market. © Brunel Johnson

Nhờ tham gia Future Hackney, Johnson đã nhận được cố vấn và hỗ trợ tài chính để thực hiện Ridley Road Stories, một dự án ảnh cộng đồng quy mô lớn được triển lãm trên khoảng tường bao quanh tòa nhà Chữ Thập Đỏ tại khu phố Dalston nhộn nhịp. Các nhiếp ảnh gia trẻ khác như Terence Douet đồng sáng tác với Future Hackney, hỗ trợ Travis thực hiện phỏng vấn và chụp ảnh những người gần gũi với anh trong cộng đồng. Các tác phẩm của họ được đăng tải trên mạng xã hội, thu hút một lượng người theo dõi đáng kể. Với các nhiếp ảnh gia trẻ, đây là một cơ hội hiếm có để trưng bày tác phẩm của mình ở không gian công cộng mà không phải lo lắng về khoản chi phí lớn mà các địa điểm này thường đòi hỏi. 

Với Travis, việc tổ chức triển lãm ngoài trời phản ánh cam kết với công cuộc thúc đẩy sự đa dạng. “Chúng tôi biết rằng chính những nhân vật trong hình sẽ không lui tới các gallery hạng sang hoặc những nơi khiến ta cảm thấy như người ngoài cuộc. Vì vậy, chúng tôi đề cao việc trưng bày hướng đến cộng đồng”. Trong năm tới, Future Hackney sẽ mang các tác phẩm từ trên tường xuống mặt đường, trong một triển lãm theo hình thức bích họa trên sàn (floor mural) tại Dalston.

Douet coauthored with Future Hackney by photographing his own family at their restaurant in Dalston. Atreka All Nations Vegan House © Terence Douet

Có thể thấy sau khi báo cáo “Panic!” được công bố, nước Anh đã cho thấy nhiều tiến triển tích cực trong việc tạo ra một sân chơi công bằng hơn cho các nhiếp ảnh gia bị lề hóa trên cơ sở chủng tộc hoặc giai cấp. Làn sóng biểu tình Black Lives Matter mùa hè năm 2020 cũng đã góp phần thúc đẩy thay đổi. Tuy vậy, sức ảnh hưởng của các phong trào cộng đồng như Future Hackney mới thực sự là chìa khóa giúp các nhiếp ảnh gia tiềm năng tìm chỗ đứng trong ngành, cung cấp các kiến thức thực tế về nghề ảnh, cũng như phổ biến những phương thức chụp ảnh chi phí thấp mà người trẻ có thể sử dụng để bước đầu tạo dựng sự nghiệp.