MATCAxC4 JOURNAL: Đối thoại nhiếp ảnh giữa Việt Nam & Vương quốc Anh
Chuỗi bài viết thảo luận những khía cạnh đa dạng xoay quanh hình ảnh. Do Quỹ Digital Arts Showcasing của Hội đồng Anh tài trợ.
????✍️??
Lãnh thổ quốc đảo Indonesia trải khắp hơn 17 nghìn hòn đảo nằm rải rác giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Cách thủ đô Jakarta 12 dặm về phía đông, một cụm đảo núi lửa nhỏ hợp thành tiểu quần đảo Banda. Nơi đây từng là nguồn cung cấp nhục đậu khấu duy nhất trên toàn cầu xuyên suốt nhiều thế kỷ, và chính tham vọng độc chiếm thị trường gia vị này đã dẫn tới thời kỳ thuộc địa của Hà Lan tại Indonesia. Những bài học lịch sử vắn tắt về chủ nghĩa thực dân ngày nào vẫn khiến nhiếp ảnh gia Muhammad Fadli băn khoăn. “Tại sao người Tây Âu lại mạo hiểm vượt đại dương để săn tìm hương liệu và sẵn sàng tàn sát vì nó?”, anh tự hỏi, rùng mình nhớ lại những chuyến hải trình gian nan từ Jakarta đến Banda.
Fadli đặt chân tới quần đảo xa xôi lần đầu vào năm 2014, đồng hành cùng cây viết Fatris MF. Kể từ đó, bộ đôi hợp tác thực hiện dự án tư liệu nhằm làm sáng tỏ những tác động lâu dài của quá trình thuộc địa hoá đối với cộng đồng cư dân đảo Banda. Sau ba năm và hơn 150 cuộn film, dự án hoàn thành dưới dạng cuốn sách mang tên The Banda Journal (Banda Du Ký). Cuối năm 2021, ấn phẩm được sản xuất nội địa hoàn toàn này nhận giải Sách ảnh của năm – giải thưởng danh giá nhất trong cuộc thi của Paris Photo và Aperture Foundation.
The Banda Journal gây ấn tượng ngay từ trang bìa: bức tượng sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh sứt mẻ nằm lấp ló dưới họa tiết màu đỏ thắm, mô phỏng lớp áo bọc hạt nhục đậu khấu đồng thời ám chỉ quá khứ đẫm máu của tiểu quần đảo. Tám chương của cuốn nhật ký du hành chầm chậm hé mở bức tranh về Banda đương đại; tản văn, bút ký và thư tín đan xen với chân dung con người và thắng cảnh thiên nhiên. Nhiếp ảnh gia Muhammad Fadli chia sẻ qua buổi phỏng vấn rằng anh đặt tâm thế của mình như người ghi chép thay vì nhà nghiên cứu. Trong câu chuyện dài kỳ về Banda, quá trình sáng tác từ tốn cùng sự gắn bó với người dân địa phương đóng vai trò cốt lõi.
Anh từng có ý định xuất bản dự án trực tuyến dưới hình thức đa phương tiện. Tại sao hình thức này lại là lựa chọn đầu tiên?
Khi mới bắt tay vào dự án, tôi và Fatris đã tham khảo nhiều tác phẩm kể chuyện đa phương tiện và tin rằng đây sẽ là hình thức hiệu quả cho câu chuyện về Banda. Tôi do dự trước ý định làm sách vì văn hoá sách ảnh theo tôi vẫn đang tồn tại giới hạn trong cộng đồng nhiếp ảnh. Tôi không mặn mà với việc thực hiện dự án chỉ để cho các đồng nghiệp của mình xem. Mong muốn trước nhất của chúng tôi là để câu chuyện này đến được với đông đảo khán giả. Giờ đây sau khi ra mắt sách, phiên bản trên nền web vẫn sẽ được đăng tải.
Anh có thể chia sẻ thêm về quá trình cuốn sách thành hình? The Banda Journal chứa một lượng văn bản đáng kể xen lẫn với hình ảnh, và dường như gọi nó là sách ảnh thôi thì không đủ.
Tôi đã thảo luận về trải nghiệm đọc sách với nhà thiết kế Jordan Marzuki từ rất sớm. Chúng tôi không hướng đến dạng sách thuần trang trí (coffee table book), mà hy vọng độc giả sẽ nghiền ngẫm cuốn sách thay vì chỉ xem lướt qua. Vì thế, giấy in sách được sử dụng thay vì giấy ảnh để mang lại trải nghiệm đọc dễ chịu. Đành phải hy sinh một chút chất lượng hình ảnh, nhưng cũng không sao vì ảnh không nắm vị trí trung tâm trong cuốn sách này. Vai trò của nhiếp ảnh gia không được đề cao hơn người viết và ngược lại. Điều cốt yếu là truyền tải câu chuyện thông qua phương tiện hình ảnh, văn bản hay thiết kế. Việc thiết kế hoàn toàn mang tính thiết thực: mọi yếu tố xuất hiện trong đây đều phục vụ chức năng kể chuyện.
Ban đầu, tôi có dự định để văn bản nguyên tác tiếng Indonesia trong sách, còn bản dịch tiếng Anh sẽ được in trong tài liệu đính kèm. Jordan chỉ ra rằng sẽ không ai thèm đọc bản dịch đó và quyết định làm một cuốn sách song ngữ. Độc giả trong nước và quốc tế đều quan trọng ngang nhau, bởi câu chuyện này dành cho bất kỳ ai quan tâm tới lịch sử thuộc địa và nền kinh tế hiện đại.
Trải nghiệm tại Banda thật quý giá, không phải vì những thành tích đạt được mà trên phương diện cá nhân. Khi làm việc, đôi khi nhiếp ảnh gia cứ mải mê theo đuổi mục đích của riêng mình mà sao lãng phần kết nối giữa người với người.
Muhammad Fadli
Dù khai thác đề tài lịch sử, vì sao anh không đưa hình ảnh lưu trữ vào sách?
Như đã nói, mục tiêu chính của chúng tôi là mang câu chuyện đến với công chúng phổ thông, bao gồm cả độc giả trẻ. Tự thấy mình không phải chuyên gia xử lý tư liệu lịch sử, chúng tôi không muốn bổ sung những chất liệu quá phức tạp. Nếu chúng tôi coi mình như nghệ sĩ và quá chú tâm vào thử nghiệm, tác phẩm có thể mất đi tính mạch lạc và trở nên rối rắm. Chúng tôi mang ơn những người dân Banda đã hào phóng hỗ trợ nên tự thấy cần nỗ lực đưa câu chuyện này ra ngoài.
Theo tôi, những lá thư của học sinh Banda trong chương cuối cũng là một dạng lưu trữ đang được hình thành.
Ngay trong chuyến ghé thăm đầu tiên, Fatris được mời thỉnh giảng tại một trường trung học. Anh giao cho học sinh bài tập viết về cuộc sống hằng ngày của mình theo bất kỳ hình thức nào. Từ đó, ta thấy được chân dung tự hoạ của thế hệ trẻ Banda – những suy nghĩ, niềm vui, hy vọng và ước mơ của các em – những tâm tư này sẽ không thể được nói lên theo bất cứ cách nào khác. Người Indonesia chúng tôi không dễ dàng chia sẻ về mình. Viết lách giúp các em học sinh bày tỏ và đồng thời cũng cho người đọc chìm đắm trong tâm trí Banda.
Tại nhiều khu vực thuộc Đông Nam Á, sự du nhập của nhiếp ảnh có mối liên hệ chặt chẽ với chủ nghĩa thực dân. Anh từng đặt câu hỏi về khả năng “sử dụng chính những công cụ của thực dân để đạt một kết quả khác”. Ý tưởng này đã được anh cụ thể hóa ra sao?
Chúng ta có thể có chủ ý tốt [nhằm thoát khỏi lối nhìn thuộc địa], nhưng kết quả không phải lúc nào cũng được như mong đợi. Chính thế mà ta luôn cần đặt câu hỏi cho thực hành của mình và cho quá trình sản xuất hình ảnh. Chiếc máy ảnh mà tôi dùng trong dự án này không phù hợp để ghi lại hành động. Tôi tập trung chụp chân dung người dân địa phương, những bức hình đôi khi trông như dàn dựng. Tôi muốn hình ảnh của mình trao quyền cho chủ thể.
Không chỉ phương tiện nhiếp ảnh mà cả văn bản cũng cần trải qua quá trình tự vấn. Chúng tôi cố gắng hết sức để bao hàm tiếng nói của chính cư dân. Ví dụ, chương cuối có tựa đề Songs from Another Land (Khúc Ca Từ Miền Đất Khác) kể về thế hệ con cháu những người Banda bản địa đã sống sót sau cuộc thảm sát năm 1621 và chạy trốn tới những đảo lân cận trong quần đảo Maluku. Họ truyền lại văn hóa và ngôn ngữ tổ tiên qua lời ca tiếng hát.
Những trích đoạn từ văn bản phương Tây cũng được đưa vào nhằm làm rõ cách người Tây Âu nhìn nhận về Banda lúc bấy giờ, đồng thời đối sánh với góc nhìn địa phương ở hiện tại. Thay vì coi mình là tác giả của câu chuyện, chúng tôi đóng vai trò như cầu nối giữa cư dân Banda và độc giả.
Anh và Fatris là cộng sự lâu năm làm phóng sự cho các tạp chí du lịch. Cách tiếp cận trong The Banda Journal có gì khác lúc thực hiện đề tài được giao?
Với dự án này, chúng tôi không chịu áp lực về thời gian và có thể lưu lại địa phương bao lâu tùy thích. Vì thế, chúng tôi rất thong thả. Tôi không vội vã tìm kiếm điều gì mà thường làm quen, ghé thăm nhà dân và kết bạn với mọi người.
Banda là nơi tụ hợp dân tứ xứ, một đặc điểm bắt nguồn từ chính quá trình thuộc địa hóa. Sau cuộc tàn sát người Banda bản địa năm 1621 [nhằm thiết lập vị thế độc quyền của Hà Lan trong mậu dịch gia vị], chính quyền Hà Lan đã đưa tới người lao động nô lệ từ nhiều nơi khác nhau trong quần đảo Mã Lai theo cách gọi thời ấy, như các đảo Java, Sumatra hay Sulawesi. Cộng đồng Banda ngày nay rất cởi mở với khách phương xa, có lẽ vì chính họ cũng có xuất thân nhập cư. Họ luôn rộng mở vòng tay chào đón mọi người. Mỗi lần quay lại, tôi đều cảm thấy nơi đây thân thuộc như quê hương thứ hai.
Trải nghiệm tại Banda thật quý giá, không phải vì những thành tích đạt được mà trên phương diện cá nhân. Khi làm việc, đôi khi nhiếp ảnh gia cứ mải mê theo đuổi mục đích của riêng mình mà sao lãng phần kết nối giữa người với người. Quá trình thực hiện dự án này đã thay đổi cách tôi tiếp cận và hợp tác với chủ thể.
Có phải sự từ tốn này đã khiến anh lựa chọn công cụ máy film?
Đó không hẳn là một lựa chọn. Trong chuyến đi đầu tiên tới Banda, tôi mang theo máy film nhưng không có dự định chụp gì cụ thể. Kết quả từ cuộn film đầu tiên khá ổn nên tôi cứ thế tiếp tục. Cảm giác thật dễ chịu khi việc chụp ảnh không phải là chủ đích duy nhất mà song hành với những hoạt động khác.
Máy film không cho phép xem ảnh ngay nên tôi tiếp tục chuyện trò với chủ thể sau khi chụp. Hạn chế về kỹ thuật này khiến tôi kết nối sâu sắc hơn với nhân vật, đồng thời ghi nhớ nhiều chi tiết hơn. Nghe có vẻ sáo mòn nhưng quả thực là vậy. Máy ảnh kỹ thuật số khiến tôi chỉ chăm chăm tạo ra một khung hình hoàn hảo. Đôi khi không thấy được thành quả từ hiện trường lại là điều tốt.
Anh định vị bản thân ra sao trước lịch sử của Banda? Anh và Fatris kể câu chuyện này với tư cách là người trong cuộc hay người ngoài cuộc?
Tôi đoán là cả hai. Một mặt, chúng tôi là người trong cuộc, cùng thuộc cộng đồng quốc gia Indonesia với sắc tộc đa dạng nhưng liên kết nhờ lịch sử thuộc địa chung – nhà nước Indonesia đã ra đời như vậy mà. Mặt khác, chúng tôi cũng là người ngoài cuộc, bởi mỗi địa phương lại có văn hoá vô cùng khác biệt. Vị thế kép này cho phép chúng tôi tìm thấy sự cân bằng xuyên suốt dự án.
Nhiếp ảnh gia người Indonesia Muhammad Fadli sinh ra tại Sumatra, hiện sống tại Jakarta. Các dự án cá nhân của anh khám phá nhiều đề tài như lịch sử, tiểu văn hóa, môi trường và vấn đề xã hội. Bên cạnh công việc chụp ảnh cho tạp chí và thương mại, anh dành thời gian bên cô con gái nhỏ. Fadli là thành viên đồng sáng lập Arka Project – một tập thể các nhiếp ảnh gia Indonesia độc lập, đồng thời là phóng viên về Biến đổi Khí hậu của dự án The GroundTruth Project.
All photos © Muhammad Fadli