Cuộc sống trên toàn cầu đã đảo lộn hoàn toàn khi dịch COVID-19 bùng phát. Những chuyến đi xa, vốn thường xuất hiện trong những bức ảnh và cuộc chuyện trò như điều hiển nhiên, giờ chỉ còn là một giấc mộng xa vời. Cuộc sống hối hả nơi đô thị nay đã thành dĩ vãng, thay thế bởi những khuôn mặt dưới lớp khẩu trang vội vã băng qua phố một mình.
Vì lẽ đó, ảnh của Nguan trở nên có sức nặng hơn bao giờ hết.
Nhiếp ảnh gia người Singapore được biết đến với những tấm chân dung con người và cảnh vật nhuốm sắc hồng mềm dịu. Những đô thị lớn như Los Angeles và Singapore hiện lên trong tác phẩm của anh chơi vơi và uể oải, như cách mà đạo diễn Sofia Coppola mô tả Tokyo trong bộ phim Lost In Translation. Trước đại dịch, góc nhìn này có phần xa lạ; nhưng thú vị thay, chúng lại phản ánh tâm lý chung giữa cuộc khủng hoảng này.
Ý tưởng chợt đến với tôi khi thấy Nguan đăng tải hình cũ của anh trên trang cá nhân. COVID-19 là cột mốc phân định ý thức về thời gian thành hai phần riêng biệt. Tuy nhiên khi nhìn vào tổng thể, những tấm ảnh cũ và mới của anh như được xâu thành một dải liên tục, xoá nhoà ranh giới trước và sau dịch.
Tôi liên hệ với Nguan nhằm giải mã tại sao lại có một dòng chảy mạch lạc như vậy trong khi cuộc sống đổi khác quá nhiều. Thực ra, tôi đã có giả thuyết của riêng mình. Ảnh của Nguan dự báo trước thực tế hiện tại, có lẽ bởi chúng nắm bắt những góc tối của cuộc sống thành thị. Sự bơ phờ, khao khát và cô đơn vốn lẩn khuất, giờ được soi chiếu và bóc trần.
Nguan từng tiết lộ rằng anh muốn tái hiện những cảm xúc ấy như một cách để phản biện hình tượng quốc đảo siêu hiện đại. Cuộc sống trong khu rừng bê tông dưới chế độ kỹ trị – một môi trường đông dân cư, nhịp độ nhanh, cạnh tranh khốc liệt – đã mở ra kẽ nứt để cảm giác cô lập và xa lánh len lỏi vào.
Cảm giác mỏi mệt dai dẳng không phải là sự thật duy nhất mà cuộc khủng hoảng phơi bày. Vấn đề phân biệt đối xử có hệ thống tại Singapore cũng từng bị đưa lên mặt báo: phần đông những ca dương tính là người lao động nhập cư, xuất phát từ điều kiện sống không đảm bảo trong ký túc xá quá tải. Đây cũng là thời điểm diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, sự kiện bốn năm mới có một lần, mang ý nghĩa riêng với những người dân có hy vọng khác nhau về lãnh đạo của đất nước. Một lần nữa, những bức ảnh của Nguan lại song hành cùng trạng thái căng thẳng bao trùm xã hội.
Hành động xem một bức ảnh về bản chất là hồi tưởng – quan sát một khoảnh khắc đã qua được lưu trên bề mặt vật chất hay cảm biến số. Khi ngoảnh lại quá khứ, liệu ta có thể rút ra kết luận cho bước chuyển sắp tới hay không? Nếu câu trả lời là có thì đây là một minh chứng rõ ràng cho khả năng của nhiếp ảnh: Những tuyệt tác vẫn luôn làm người xem rung động, vì chúng ghi lại một sự thật căn cốt nào đó vượt thời gian, khiến ta chất vấn hiện tại và suy đoán về những gì đang chờ đợi trong tương lai.
Cách anh tiếp cận nhiếp ảnh có thay đổi trong thời điểm này hay không?
Hẳn là có. Tôi vốn thích chụp ảnh đám đông và đã luyện tập thuần thục, nhưng kỹ năng này đã trở nên thừa thãi trong thời dịch. Tôi dự kiến sẽ chỉ tập trung vào phong cảnh và tĩnh vật trong tương lai gần mà thôi. Với tôi, ảnh chụp con người nơi công cộng thuộc thể loại ảnh chân dung, mà theo định nghĩa trên Wikipedia là “thể hiện đúng diện mạo, thần sắc, hình dáng một ai đó”. Tôi hạn chế chụp người đeo khẩu trang vì lẽ ấy, mà giờ cũng khó lòng chụp người không đeo khẩu trang vì dễ gây hiểu lầm rằng mình đang bắt gặp họ lách luật.
Theo quan sát của tôi, anh chủ yếu chụp chân dung một cá nhân đơn lẻ hoặc phong cảnh đô thị. Nhân vật thường ở một mình hoặc có vẻ lạc lõng với đám đông, còn khung cảnh vắng lặng lại gợi cảm giác yên tĩnh, thanh bình. Khi xem lại, tôi như đang chứng kiến một phiên bản cổ tích của hiện tại, nơi không ai cần đeo khẩu trang và cảnh vật được tô màu pastel.
Tôi rất thích cách diễn giải này. Có thể việc chung sống dưới những hạn chế của thời dịch đã khiến thế giới quan của bạn và tôi có đôi chút tương đồng. Ở phần cuối cuốn sách How Loneliness Goes, tôi viết rằng mình mong muốn tác phẩm có thể được truyền tay để tiếp tục “đi lang thang” thay cho tác giả, một nguyện vọng khá kỳ cục vào lúc đó, nhưng lại trở nên dễ hiểu khi giờ đây chúng ta đều đang mắc kẹt ở đâu đó – trong khuôn khổ quốc gia, nhà riêng, hay chính trong tâm trí mình.
Tôi tự hỏi điều gì khiến tác phẩm của anh lại có sức nặng đặc biệt vào thời điểm này, như thể hiện tại (khi anh bấm nút chụp) có thể tiên đoán tương lai (hiện tại của chúng ta bây giờ). Giả thuyết của tôi là khi tái hiện tâm lý cô đơn mệt mỏi, anh đã chắt lọc một sự thật vốn được che đậy trong cuộc sống thường nhật, mà giờ đã phát lộ khi đại dịch xảy ra. Ví dụ như việc chuyển đổi hoạt động từ không gian thực sang không gian số là cần thiết nhằm ứng phó với đại dịch, nhưng ta vốn đã ngày càng lệ thuộc vào công nghệ trong cuộc sống hiện đại.
Chắc chắn là vậy. Tôi vừa hoàn thành biên tập cuốn sách sắp tới của mình về chuyến phà tới Đảo Staten chụp năm 2014 – 2019. Trong đó, có tới gần một phần ba cuốn sách là ảnh hành khách nhìn chằm chằm vào điện thoại. Ban đầu, tôi tự hỏi liệu số lượng ảnh chân dung người bấm điện thoại có quá áp đảo hay không; nhưng rồi tôi nhận ra mình không thể miêu tả chính xác cuộc sống ngày nay nếu thiếu chúng. Nếu danh hoạ Friedrich hoặc Hopper còn sống, có lẽ họ cũng vẽ những bức tranh tương tự.
Ảnh trên mạng xã hội và trong sách của anh hiếm khi có chú thích. Tôi cho rằng sự thiếu vắng ngôn từ khiến ý nghĩa của hình ảnh trở khó đoán định hơn. Nhưng gần đây, một số hình ảnh đi kèm chú thích về địa điểm và thời gian, chẳng hạn như những tấm về người lao động nhập cư và cuộc tổng tuyển cử. Liệu anh có đang muốn làm rõ quan điểm của mình về một số vấn đề xã hội nổi cộm?
Đúng là tôi tuyệt đối tôn trọng quyền hạn của ngôn từ, và khi không có chúng thì trí tưởng tượng có thể bay tự do hơn.
Tôi thường đăng ảnh mới lẫn cũ trên mạng xã hội, nhưng tính thời điểm trở nên quá rõ ràng khi đại dịch xảy ra. Thế giới thay đổi một cách nhanh chóng và triệt để đến nỗi tấm chân dung khuôn mặt trần của ai đó có thể khơi gợi hoài niệm đã xa.
Biết rằng phần lớn khán giả theo dõi ở nước ngoài, tôi muốn cung cấp thêm bối cảnh để mọi người hiểu được ý định của mình. Tấm ảnh chụp người lao động nhập cư sau trận đấu cricket đi kèm thông tin về thời gian chụp trước khi dịch bùng phát, để tránh gây hiểu lầm rằng họ không tuân thủ luật giãn cách xã hội.
Anh có thể chia sẻ đôi chút về công việc hiện tại?
Tôi vẫn tiếp tục quan sát và ghi lại cảnh quan hàng ngày tại Singapore với những dấu hiệu của cuộc khủng hoảng hiện thời: trạng thái giãn cách xã hội, công trình xây dựng bị tạm dừng, hay chiếc khẩu trang trên dây phơi cùng khăn tắm và đồ lót. Đôi khi chính những chi tiết nhỏ lại có thể lột tả thời đại một cách chân thực nhất.
Nguan chiêm nghiệm cuộc sống và nỗi khao khát tại những đô thị lớn qua nhiếp ảnh. Sinh ra và lớn lên tại Singapore, anh tốt nghiệp Đại học Northwestern ngành Sản xuất phim và video. Cuốn sách đầu tay của Nguan có tên Shibuya đã được trang PDN Photo Annual ghi danh là một trong những cuốn sách ảnh hay nhất năm 2010. Cuốn thứ hai xuất bản năm 2013, How Loneliness Goes, được trang American Photo nhận xét là “bức chân dung tuyệt vời của cuộc sống lặng yên nơi đô thị”. Ảnh của Nguan nằm trong bộ sưu tập vĩnh viễn của Bảo tàng Nghệ thuật Singapore.