Makét 02

Nhiếp Ảnh Gia Làm Gì Giữa Đại Dịch?

 

Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của tất cả mọi người trên nhiều mức độ và các nhiếp ảnh gia tại Việt Nam cũng không ngoại lệ. Lệnh giãn cách xã hội được thực thi đồng nghĩa với những buổi chụp bị hoãn, kế hoạch thay đổi đột ngột, và cả cảm giác gò bó không tránh khỏi khi phải hạn chế di chuyển tối đa. Nhưng tuỳ theo hoàn cảnh và góc nhìn, đây có thể là cơ hội để ghi lại một sự kiện quan trọng sẽ đi vào lịch sử, hay một khoảng thời gian yên tĩnh cần có để tìm cảm hứng, ghé thăm những công việc dở dang hay sáng tác với chính những vật dụng quen thuộc. Matca đã liên hệ với bảy nhiếp ảnh gia thuộc các lĩnh vực khác nhau để tìm hiểu xem công việc của họ đã thay đổi ra sao trước tình hình dịch. Bên cạnh nhật ký hình ảnh thường ngày, họ chia sẻ những gì mình đang làm để thích ứng với tình hình, dù ở nhà hay khi tác nghiệp.

 

© Viet Linh / Zing News

 

Việt Linh, phóng viên ảnh Zing News 

Trong hai tháng qua, phóng viên ảnh Việt Linh đã theo sát những diễn biến mới của dịch Covid-19 tại Việt Nam, đưa tin từ hầu hết các điểm nóng như cửa khẩu, phòng xét nghiệm tới khu cách ly. Anh cố gắng đảm bảo an toàn bằng cách luôn mặc đồ bảo hộ tiêu chuẩn khi tác nghiệp và ghi nhớ lịch trình đi lại trong vòng 14 ngày để có thể “ứng phó trong tình huống xấu nhất”. Về mặt tích cực, Việt Linh cho rằng thời điểm này là cơ hội để ghi lại một sự kiện mang tầm quốc tế có ý nghĩa lịch sử, cũng như học hỏi từ phóng viên ảnh các hãng thông tấn lớn về cách họ xử lý tình huống. Tuy vậy, tác nghiệp trong thời điểm này cũng có những áp lực riêng. “Công việc đôi khi có tác động đến tâm lý, vì chỉ một sơ suất nhỏ thôi cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến bản thân, gia đình và cả xã hội. May mắn là đến giờ là tôi vẫn an toàn để tiếp tục làm việc”, Việt Linh chia sẻ.

 

© Kai Nguyen

 

Kai Nguyễn, sinh viên nhiếp ảnh báo chí, Đại học Syracuse 

Kai Nguyễn là một trong số hàng ngàn du học sinh trở về nước giữa lúc dịch bùng phát trên thế giới. NPR gần đây đã đăng tải hình ảnh và bài viết của cô về trải nghiệm tại khu cách ly ở Hà Nội, như “một nỗ lực để cắt nghĩa chuyến hồi hương đầy lạ lẫm”. Dù cảm thấy may mắn khi được trở về, Kai chia sẻ dịch bệnh đã thay đổi hoàn toàn kế hoạch tương lai của mình khi việc học tại Mỹ dừng lại đột ngột, và việc buộc phải ở nhà trong thời gian kéo dài cũng có thể tạo ra tâm lý căng thẳng. “Tôi chỉ đang cố gắng thích nghi với hoàn cảnh. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một câu chuyện để kể cho con cháu đời sau, mong là tới lúc đó họ sẽ có đời sống tốt hơn để không phải trải qua điều tương tự”.

 

© Thy Tran

 

Thy Trần, nghệ sĩ thị giác

“Sài Gòn, 09/04/2020. Trang Đoàn và tôi vừa mua tích trữ mấy lọ dầu gió, đặt từ một hàng thuốc online. Chúng tôi mở từng lọ một ra ngửi và thế là biết bao ký ức tuổi thơ ùa về.

Hồi còn nhỏ, mỗi lần tôi đau ốm hay cảm cúm, bà tôi lại lấy ra chiếc lọ màu nâu thần kỳ thơm mùi bạch đàn mà chữa được bách bệnh. Bà còn xoa dùng dầu xoa bụng mỗi khi tôi đau, tiếc là giờ tôi không nhớ được lọ dầu đó hãng gì.”

Theo dõi cập nhật hàng ngày từ Sài Gòn và London đợt Covid-19 tại @covidididi trên Instagram, do Thy Trần và Koa Phạm thực hiện. 

 

© Rose Nguyễn

 

Rose Nguyễn, nhiếp ảnh gia thời trang 

Cũng như nhiều nhiếp ảnh gia khác, Rose phải dời lịch toàn bộ những buổi chụp lớn khi lệnh giãn cách xã hội bắt đầu. Dù tránh tụ tập trên hai người, đôi khi cô vẫn thực hiện được những buổi chụp một mình cùng người mẫu, bằng cách chủ động tự làm trợ lý và stylist cho bản thân. Dù công việc bị ảnh hưởng nhiều, Rose chia sẻ cô đang tận hưởng quãng thời gian bình yên tại nhà để ăn đủ bữa và sống lành mạnh, đồng thời “nạp” thêm năng lượng sáng tạo bằng cách tìm cảm hứng và nảy sinh những ý tưởng mới. “Đi chụp ít hơn thì cũng hơi khó chịu, nên thỉnh thoảng mình phải tự đặt chân máy chụp bản thân cho đỡ nhớ”.

 

© Hai Thanh

 

Hải Thanh, nhiếp ảnh gia tự do 

Nhiếp ảnh gia Hải Thanh đang tận dụng thời điểm này để bắt tay hoàn thành một số công việc còn dang dở như lên kế hoạch tổ chức workshop nhiếp ảnh sau đợt dịch, tiếp tục biên tập ảnh đã chụp cho dự định xuất bản sách trong tương lai, và tìm đọc các bài viết về nhiếp ảnh từ nước ngoài. Anh vẫn thường xuyên theo dõi tình hình thời sự trên báo chí, đặc biệt là những bộ ảnh nổi bật. Hải Thanh chia sẻ gần đây đã có trải nghiệm giá trị tại một toà soạn báo điện tử, được quan sát, học hỏi cách tiếp nhận, xử lý và truyền tải thông tin trực tuyến thời Covid-19 tới độc giả hàng ngày.

Thời gian biểu của anh cũng bao gồm chăm sóc cậu con trai nhỏ và hỗ trợ việc nhà cùng vợ, dĩ nhiên không thể thiếu việc ghi chép tư liệu cuộc sống sinh hoạt và quang cảnh thành phố xung quanh.

 

© Pipo Nguyen-Duy

 

Pipo Nguyễn-Duy, nhiếp ảnh gia và giảng viên Đại học Oberlin 

Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn hoàn toàn công việc sáng tác và giảng dạy tại trường đại học của Pipo. Kế hoạch trở lại Việt Nam trong 10 ngày để làm dự án của anh hiện phải kéo dài vô thời hạn. Trong khu cách ly tập trung, anh cố gắng tiếp tục dạy trực tuyến nhưng điều này không hề đơn giản khi dùng chung wifi với hơn 5000 người.

Pipo đã tìm cách điều chỉnh nội dung dự án hiện tại để kết hợp hoàn cảnh đặc biệt này. “Tác phẩm của tôi tập trung khám phá định nghĩa mái nhà trong bối cảnh đa văn hoá, vậy nên tính chất tạm thời của khu cách ly rất trùng khớp với những gì tôi đang nghiên cứu. Tôi đã chụp hình nhiều căn phòng tại ký túc xá, để từ đó hình dung những nơi chốn tạm thời mà những người lạ và gia đình ở đây đã gây dựng lên. Máy ảnh giúp tôi tôi trải nghiệm một cách có chủ đích và có đôi chút kiểm soát giữa tình huống khó lường này.”

 

© Justin Mott

 

Justin Mott, nhiếp ảnh gia tư liệu và thương mại 

Sinh sống tại Hà Nội nhiều năm nay, nhiếp ảnh gia người Mỹ Justin Mott đã quen với việc di chuyển liên tục để chụp hình. Từ ngày dịch bùng phát, công ty hình ảnh thương mại của anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi khách hàng chậm thanh toán và các buổi chụp bị hoãn vô thời hạn. Không còn lịch trình căng thẳng, anh tận dụng thời gian tại nhà để hoàn thành các đầu việc cần thiết đã trì hoãn trong thời điểm bận rộn, ví dụ như cải thiện SEO, nghiên cứu cho dự án mới, biên tập, chú thích ảnh và đồng thời tổ chức lại kho lưu trữ hình ảnh của mình. Thời gian biểu ổn định cũng cho phép anh cải thiện sức khoẻ bằng cách theo chế độ ăn chay trường và tập thể dục hàng ngày. “Phải đến mười năm rồi tôi mới cảm thấy khoẻ mạnh như bây giờ”, anh nói.

Dù buộc phải huỷ kế hoạch sắp tới cho dự án cá nhân về động vật hoang dã, Justin chia sẻ rằng anh đã quyên góp tới các tổ chức bảo vệ động vật mà anh từng làm việc cùng, bởi họ đang rất cần hỗ trợ trong khoảng thời gian khó khăn này.