Khoá học ảnh chân dung do Leica Việt Nam tổ chức với khách mời Oliver Vogler – giảng viên Học Viện Nhiếp Ảnh Leica Akademie tại Đức và phóng viên ảnh Nguyễn Khánh từ báo Tuổi Trẻ vừa kết thúc vào 15/12 vừa qua. Sau buổi chia sẻ đầy nhiệt huyết của phóng viên trẻ về ảnh chân dung trong công việc làm báo của anh, các học viên đã được thực hành chụp các diễn viên kịch đương đại đang chuẩn bị trước giờ diễn trong cánh gà sân khấu L’Espace.
“Ảnh chân dung quan trọng nhất là cảm xúc”, Nguyễn Khánh nhấn mạnh khi bắt đầu bằng những tấm ảnh từ phóng sự về những người thợ lò tại một hầm mỏ than tại Quảng Ninh. Theo anh, chân dung là một thể loại rộng và khó, hiển nhiên không chỉ đơn giản là ảnh chụp một khuôn mặt người trên nền xoá phông. Với đặc trưng nghề báo của mình, Nguyễn Khánh thường chụp chân dung trung cảnh, lấy rộng hơn để tạo cảm giác không gian bối cảnh và cung cấp thêm thông tin về nhân vật.
Với ví dụ nhân vật người phi công duy nhất sống sót trong vụ rơi máy bay Đinh Văn Dương, Nguyễn Khánh chọn chụp anh nằm trên giường bệnh với tấm thân còn sót lại. Thay vì tập trung vào khuôn mặt đã biến dạng sau tai nạn, anh lấy cảnh rộng để vẫn cảm nhận được nỗi mất mát nhưng không lạm dụng sự đau khổ của người khác để lấy sự chú ý người xem. Nhân đây, phóng viên cũng nhắc học viên nên cân nhắc trước khi chụp chân dung những người trong hoàn cảnh đặc biệt.
Tới gần nhân vật để chụp cận cảnh cũng là một cách phổ biến để khắc hoạ chân dung nhân vật, tuy nhiên, Nguyễn Khánh khẳng định chụp chân dung chưa chắc đã phải rõ mặt. Có thể dùng nhiều yếu tố khác để thể hiện tinh thần nhân vật tốt hơn gương mặt, nên hãy vận động óc quan sát để bắt được những chi tiết đắt giá, đặc trưng.
Sau khi chia sẻ những thủ pháp thị giác để làm một bức ảnh trở nên bắt mắt, anh kết luận rằng dù chụp chân dung cho ảnh báo chí, đường phố hay bất cứ thể loại gì đi nữa, người chụp cũng nên gần gũi, kết nối với chủ thể. Một bức ảnh không thể thành công nếu nhân vật cảm thấy bất an vì bị xâm hại quyền riêng tư. Với anh, điều thú vị nhất của nhiếp ảnh không phải là sản phẩm ảnh đẹp mà là quá trình tạo ra tấm ảnh đó, những câu chuyện đằng sau mà nhân vật đã tin tưởng để chia sẻ.
Nguyễn Khánh tốt nghiệp Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn và đã hành nghề báo chí được 6 năm. HIện anh là nhiếp ảnh gia đại diện dòng máy Leica SL tại Việt Nam.
Khoá học “Portrait – Chân dung” được tổ chức bởi Leica Akademie | Học viện nhiếp ảnh Leica Việt Nam. Trong các chuỗi sự kiện này, học viên được tiếp cận với cách một NAG chuyên nghiệp làm việc và xử lý các tình huống khác nhau để nâng cao kĩ năng thực tế và kinh nghiệm của bản thân.
Cùng ngắm những tấm ảnh chân dung diễn viên kịch trong đoàn kịch của đạo diễn Trần Lực, do học viên thực hiện trong cánh gà sân khấu L’Espace dưới đây.