Makét 02

Vườn Địa Đàng Của Pipo Nguyễn Duy

© Pipo Nguyen Duy
© Pipo Nguyen Duy

Khi sang Mỹ du học, tôi đã may mắn có cơ hội được gặp và thực hành nhiếp ảnh dưới sự hướng dẫn của Pipo Nguyễn Duy, một nhiếp ảnh gia nghệ thuật và giảng viên có tiếng tại Đại học Oberlin. Tuổi thơ ở khu phi quân sự vĩ tuyến 17 với những tiếng súng không dứt và quá trình tị nạn đến Mỹ năm 1975 đã có ảnh hưởng đến tác phẩm của Pipo, cũng như góp phần hình thành cảm quan mỹ thuật, danh tính xuyên văn hoá và đặc trưng không gian của ông. Trong những tác phẩm gần đây của Pipo, tinh thần Á Đông hoà quyện với thẩm mỹ nghệ thuật phương Tây, trong một khung hình mà những khái niệm tưởng chừng mâu thuẫn đứng cạnh nhau một cách hài hoà: giữa nguyên sơ và xáo động, quá khứ và hiện tại, thực tế và mộng tưởng.

© Pipo Nguyen Duy

Pipo Nguyễn Duy: Dự án East of Eden bắt đầu vào năm 2003 và kết thúc vào năm 2013, kéo dài trong khoảng 10 năm, gồm ba phần:

Phần một kể về trải nghiệm lớn lên trong chiến tranh và cảm xúc của tôi sau sự kiện khủng bố 11/9, như một lời nhắc về những gì đã xảy ra. Những bức ảnh tái hiện nỗi lo âu thường trực trong tôi xuyên suốt thời thơ ấu tại quê nhà. Dẫu vậy, thay vì sử dụng trải nghiệm ở Việt Nam của mình để kể chuyện, tôi đã cố gắng viết lại câu chuyện theo cách mà khán giả tại Mỹ có thể hiểu, đặc biệt khi con tôi lớn lên tại đất nước này và chưa bao giờ trải qua cảm giác lo âu đó.

Khi thực hiện phần hai, tôi quyết định rằng thay vì chụp con người ở Mỹ để kể câu chuyện của mình, tôi muốn trở lại và tái kiểm nghiệm khái niệm về Eden, vườn Địa đàng, đặc biệt là những gì đã xảy ra nhiều năm sau cuộc chiến. Ý tưởng của tôi là chụp ảnh những người đã bị thương, bị cụt chân tay do chiến tranh trên những cánh đồng giờ đã được tái sinh. Dự án này khơi nguồn từ trải nghiệm cá nhân của tôi khi có một người anh tàn tật sau chiến tranh, và từ câu hỏi về cách họ đã vươn lên mà sống tiếp trong khu vườn, một vườn Địa đàng từng bị tàn phá và giờ đã tái sinh.

© Pipo Nguyen Duy
© Pipo Nguyen Duy

Tôi đang thực hiện phần ba, nói về những trải nghiệm đã mất của tôi khi lớn lên ở Việt Nam, khi không có một tuổi thơ giống như bao đứa trẻ khác. Một số hình ảnh trong phần này tái hiện những trò chơi của trẻ em, tiếp tục sử dụng các bối cảnh một thời từng hoang tàn nhưng nay đã được hồi sinh, ví dụ như một hố bom được cải tạo thành hồ nuôi vịt. Tất cả những trò chơi của trẻ con này được diễn lại nhằm mục đích nhắc nhở ta về những hệ quả của chiến tranh. Ý tưởng về những đứa trẻ vui chơi trên một phông nền thiên nhiên tươi tốt gợi cho ta cảm giác chúng vừa bước ra từ một khu vườn Địa đàng của riêng mình.

Khi nhìn lại, tôi cho rằng ý tưởng của dự án đến từ quãng thời gian tôi ở Việt Nam năm 2001. Tôi nhớ mình có ấn tượng mạnh với một cậu bé mặc đồng phục đang lái một chiếc xe đạp to quá khổ vào buổi sáng sớm. Hình ảnh ấy in sâu trong tâm trí tôi. Có điều gì đó thật đặc biệt ở một cậu bé sáu tuổi cưỡi chiếc xe đạp to gấp ba lần thân hình cậu, khiến cậu cứ phải liên tục với chân xuống đất. Hình ảnh ấy nói lên một tinh thần vượt khó, cam chịu, thích ứng và chấp nhận của một nền văn hóa mà tôi hoàn toàn hiểu được.

Nguồn cảm hứng được khơi nguồn từ tuổi thơ tôi, những nét vô tư, trong sáng đã mất, và cách mà tôi tái hiện những ảo mộng thời thơ bé. Tôi đã bắt đầu bằng việc nhắc lại cái tàn bạo của chiến tranh và những mối lo âu nó mang lại. Tuy nhiên, sau khi làm việc cùng những người tàn tật sau chiến tranh, tôi lại nghĩ tới ý nghĩa của chiến tranh với họ, khả năng nắm lấy số phận của mình mà không bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài, như những nỗi lo âu và bạo lực nói trên.

© Pipo Nguyen Duy

Hồi sống ở Sài Gòn, thường thì cuối tuần nào tôi cũng lái xe máy xuống miền Tây. Ai đó đã giới thiệu tôi về một khu làng hẻo lánh ở Bến Tre. Địa điểm này thu hút tôi bởi vẻ chân thực và bình yên của nó, dù khung cảnh nơi đây từng nhuốm màu chất độc màu da cam. Tôi có lý do khi chọn một vùng nông thôn với cánh đồng hay cánh rừng hoang tại Bến Tre. Tôi cảm giác như nơi đây là vườn Địa đàng, nhưng thật lạ, đó hóa ra lại là một nơi từng bị tàn phá, một Địa đàng được tái sinh.

Lũ trẻ rất háo hức với dự án này. Quá trình thực hiện dự án đầy nghịch ngợm. Đôi lúc, 8 hay 11 đứa trẻ sẽ kéo đến dù tôi chỉ cần chụp ảnh hai em. Chúng làm việc cùng tôi, được trả tiền và số tiền ấy được chi trả cho việc học. Bằng cách nào đó, chúng tôi đã hình thành thói quen ngồi lại cùng nhau, nói chuyện về những tấm ảnh, và cùng chơi đùa. Vì tôi thường chụp ảnh vào mùa hè, nên nếu chúng không thể đến chụp vì lý do nào đó, chúng sẽ rất buồn và sẽ khóc lóc với cha mẹ. Đôi khi chúng tôi không chụp được ảnh như ý, nhưng chúng tôi vẫn trêu đùa nhau cả ngày rồi cùng đi ăn kem.

Thật tuyệt vời khi được làm việc cùng những em nhỏ ấy suốt nhiều năm và quan sát chúng lớn lên thành những thanh niên, thiếu nữ. Hàng năm, khi trở lại để tiếp tục chụp ảnh lũ trẻ, tôi đều nhận ra sự thay đổi ở chúng. Đó là một cách tuyệt vời để kết nối với một môi trường tôi chưa từng thân thuộc, nhưng cùng lúc, tôi vẫn nhìn thấy chính mình trong những đứa trẻ này, trong sự hồn nhiên vô tư và cách chúng lớn lên giữa một khung cảnh tươi đẹp, không hề có bóng dáng của lo âu như tôi đã từng. Đó là cơ hội để tôi tìm về và một cách nào đó là đền đáp, đóng góp và đầu tư cho nền văn hóa này.

© Pipo Nguyen Duy
© Pipo Nguyen Duy

Tác phẩm của tôi là sự hòa quyện giữa nền giáo dục phương Tây và cảm quan đậm chất Việt Nam của tôi. Khi nhìn những chân dung ấy, cách tạo dáng nhẹ nhàng của họ có gì đó rất Việt Nam, rất trữ tình, nhưng xét về ngữ cảnh, tôi lại tư duy theo lối sắp xếp những bức tranh phong cảnh của Anh, trong đó, con người là một phần của cảnh, đồng nhất với phông nền phía sau. Những tấm ảnh của tôi được chụp ở những nơi mà tôi cân bằng được hai phong cách văn hóa một cách tinh tế, dù là về tính thẩm mỹ hay ý niệm: chúng luôn nằm ở giữa, nơi có nhiều yếu tố mà tôi chọn lọc ra từ hai nền văn hóa ấy, dù là về đặc tính văn hóa hay cách diễn giải hình ảnh.

Là một nhiếp ảnh gia, điều quan trọng nhất trong lúc làm ảnh đối với tôi là câu chuyện, những vật lộn, những chuyện bên lề khi chụp ảnh. Tôi không quá quan tâm đến quá trình in ấn; quan trọng là tôi được kết nối với thế giới và những con người mà tôi đã chụp. Đó là những điều đặc biệt trong con mắt của tôi, và khi hiểu được điều đó với tư cách là một nghệ sỹ/ nhiếp ảnh gia đương đại, tôi có thể hòa vào cuộc đối thoại liên quan đến văn hóa, có thể viết lại lịch sử và chia sẻ những góc nhìn riêng của tôi trước những vấn đề quen thuộc.

Chiều sâu ý tưởng của tôi chắc chắn chịu ảnh hưởng từ những tương tác với nhiều thành viên khác nhau trong lớp học. Đó là một phần thiết yếu trong việc thực hành nhiếp ảnh của tôi. Với tôi, dạy học và làm việc có liên quan mật thiết đến nỗi không thể tách rời. Việc dạy học thúc giục tôi chụp ảnh và đào sâu vào quá trình sáng tạo. Nó cho tôi cơ hội đối thoại với một cộng đồng toàn những người thông minh và tràn đầy cảm hứng.

© Pipo Nguyen Duy
© Pipo Nguyen Duy

Các tác phẩm của tôi luôn đau đáu với câu hỏi “ mái nhà” là gì và tôi nhìn nhận bản thân ra sao khi là một người sinh ra tại Việt Nam nhưng lớn lên ở Mỹ. Dù một số ảnh không có sự hiện diện của tôi, chúng vẫn chứa đựng khái niệm về mái nhà và danh tính. Ví dụ, dự án gần đây của tôi có tên Hotel, dù ảnh chụp cảnh ngoài trời, nhưng lại nói lên người chụp và danh tính của anh ta. Với tôi, khi là một nhiếp ảnh gia, người có thể nhìn một sự vật từ nhiều góc độ khác nhau và với các lăng kính văn hóa khác nhau, đây là một phương tiện hữu hiệu để nói về những gì tưởng như bình thường ở Việt Nam nhưng lại có khả năng trở nên thật phi thường.

Pipo Nguyễn Duy là một giáo sư dạy bộ môn Nhiếp ảnh, Trưởng khoa Studio Art tại trường Đại học Oberlin, Ohio, Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ Nghệ thuật Nhiếp ảnh tại trường Đại học New Mexico. Pipo đã nhận được nhiều giải thưởng và học bổng, trong đó có giải thưởng danh giá Guggenheim Fellowship về Nhiếp ảnh, học bổng nghệ sỹ lưu trú tại khu vườn của Monet, và chương trình lưu trú của Light Work. Pipo được ClampArt gallery tại New York đại diện. Các tác phẩm của ông cũng được trưng bày và nằm trong các bộ sưu tập công trên khắp nước Mỹ, châu Âu và châu Á.
Kết nối với Pipo tại Instagram.

Diệp Nguyễn đang hoàn thành chương trình Cử nhân Sinh học tại trường Đại học Oberlin và sắp tới sẽ học Tiến sỹ chuyên ngành Sinh học Tính toán và Hệ thống. Cô vừa là một nhà khoa học, đồng thời cũng coi mình là một nhiếp ảnh gia toàn thời gian.
Kết nối với Diệp tại Instagram.