Vài ngày trước, khi lục lọi những cuốn album cũ, tôi tìm thấy một vài tấm ảnh gia đình quan trọng nhưng qua thời gian đã bị hư mốc do nồm ẩm. Tôi hỏi bà về cuộn film gốc để scan lại nhưng bà đã quên hẳn sự tồn tại của chúng từ cả chục năm nay. Trong thời đại của thẻ nhớ và ổ cứng, ngay cả người bà 80 tuổi của tôi cũng đã chạm vào kỷ nguyên kỹ thuật số với iPad. Vậy nên không khó hiểu khi các lab tráng film ở Hà Nội chất đống những cuộn film đã tráng bị khách hàng bỏ lại sau khi nhận được file mềm. Không lâu sau, những cuộn film này sẽ yên vị trong thùng rác khi chúng chiếm quá nhiều diện tích.
Ngay từ ngày đầu thực hành nhiếp ảnh, tôi đã lưu trữ tất cả những cuộn film của mình, không sót một cuộn nào. Đối với tôi, tấm film âm bản có nhiều ý nghĩa hơn so với file RAW. Chúng không chỉ là bằng chứng cho quyền tác giả mà còn là một vật hữu hình về trải nghiệm của tôi trong khoảnh khắc đó. Thế nhưng giờ đây với công nghệ lưu trữ ảnh số phát triển, việc giữ film dường như quá rườm rà và không còn cần thiết. Dù rất quấn quýt với film và muốn khuyến khích mọi người giữ chúng như mình, tôi cũng gặp khó khăn để đưa ra các lý do phù hợp ngoài mấy suy diễn sến sẩm này.
Một mặt, lý do để vứt film đi quá rõ ràng. Nhiều người mê analog ở Việt Nam chủ yếu do thẩm mỹ đặc trưng của chất liệu này hoặc đơn giản chỉ là máy film rẻ hơn máy số. Do vậy đa số chỉ quan tâm tới sản phẩm cuối cùng là những tấm ảnh, và không quá chú trọng tới quá trình tạo nên chúng. Ổ cứng hay các dịch vụ lưu trữ trực tuyến có khả năng lưu hàng trăm nghìn tấm ảnh giúp tiết kiệm diện tích cho không gian sống và làm việc. Ngoài ra công nghệ scan ngày càng rẻ và đem lại chất lượng rất tốt, đủ để bạn in ra những tấm ảnh lớn.
Mặt khác, tôi nghĩ rằng tấm nhựa tráng bạc này không chỉ là vật dụng hay công cụ đơn thuần. Film không chỉ là một tấm ảnh chưa hoàn chỉnh mà chính bản thân nó có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Cuốn sách “Negatives” xuất bản năm 2015 của nhiếp ảnh gia Xu Yong là một ví dụ điển hình. 64 tấm phim âm bản của anh lưu lại thời điểm lịch sử tại Quảng trường Thiên An Môn được giấu kỹ suốt 25 năm trời, gần đây mới vượt qua luật kiểm duyệt ngặt nghèo của Trung Quốc để giới thiệu đến công chúng những hình ảnh rất hiếm thấy về sự kiện nhiều người biết đến nhưng ít ai chứng kiến. Sự kiện đó đã được trực tiếp “in” lên những tấm phim âm bản và Xu Yong sử dụng chúng như những chứng cứ hiển hiện không thể chối cãi.
Cô trông trẻ bí ẩn Vivian Maier đã để lại di sản đồ sộ gồm hơn 100.000 film âm bản và dương bản. Không ai biết tại sao Vivian không xem ảnh chính mình và cũng không có nhu cầu đưa ai xem, trong khi đó vẫn lưu trữ phim rất cẩn thận. Vài năm sau khi bà mất, một người tình cờ tìm được một phần nhỏ của bộ sưu tập này trong một buổi đấu giá và từ đó thế giới mới được chiêm ngưỡng cảnh phố thị tấp nập của Chicago, New York và Los Angeles qua con mắt của cô bảo mẫu tài năng. Cả đời Vivian giữ chúng cẩn thận cho đến khi bà không thể chi trả để thuê kho hàng nữa. Tôi tự hỏi không biết bà sẽ làm gì khi sống trong thời đại mà ảnh có thể được xem và chia sẻ ngay lập tức như bây giờ. Tôi chỉ biết rằng ngoài việc lưu trữ một khối lượng ảnh khổng lồ về đời sống xã hội Mỹ từ những năm 50 đến 70, những tấm phim này đã trở thành những bằng chứng hiển hiện nhất về việc chụp ảnh như điên rồ trong cuộc đời trầm lặng hư danh của bà.
Có lẽ chẳng có tác phẩm ảnh film nào của chúng ta có ý nghĩa như của Vivian Maier hay Xu Yong, và thế hệ sau cũng không trân trọng chúng như ta mong đợi. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ film xứng đáng có một không gian trong phòng bạn. Tôi thường hay xem lại những tấm film cũ và bất ngờ với việc thị giác của mình đã thay đổi như thế nào. Chúng là những điểm quy chiếu quý giá về mặt ý tưởng lẫn kỹ thuật trong con đường theo đuổi nhiếp ảnh của tôi.
Không sến súa nữa, đây là ba lý do để thuyết phục bạn giữ film:
1. Lỗi scan film.
Không biết bao nhiêu lần tôi phát hiện ra một lỗi scan trong ảnh, ví dụ như có hạt bụi lọt vào chẳng hạn. Khi có tấm film nguyên bản trong tay, tôi có thể dễ dàng scan lại.
2. Công nghệ làm ảnh ngày càng phát triển.
15 năm trước không ai có thể tưởng tượng rằng file ảnh tự tráng ở nhà có thể đạt chất lượng tốt như bây giờ. Vậy nên việc giữ phim có lẽ là khôn ngoan, bởi trong tương lai có rất nhiều khả năng để xử lí chúng.
3. Không chắc chắn về sự tồn tại lâu dài của kỹ thuật số.
Hiện tại chúng ta biết chắc rằng film có thể tồn tại hơn một thế kỷ nếu được lưu giữ đúng cách, còn đĩa CD hay ổ cứng thì chưa chắc. Nếu một ngày ổ cứng hỏng hay tài khoản Icloud bị sập thì tôi vẫn an tâm vì những tấm film của mình trường tồn với thời gian.
Tóm lại, tôi vẫn tin vào lựa chọn giữ film của mình. Ngoài những lí do cá nhân của tâm hồn nhạy cảm này ra, giữ film trong ngăn kéo tủ có túi chống ẩm là một lựa chọn an toàn và chẳng mấy tốn kém bên cạnh việc giữ ảnh trong ổ cứng hay trên mạng. Còn nếu bạn chụp thường xuyên, tôi khuyến khích đầu tư 1 chiếc tủ chống ẩm 100l chuyên dụng có giá khoảng 200 đô để bảo vệ tác phẩm của mình khỏi ánh nắng và ẩm mốc.