Makét 02

Triển Lãm #TeamTuanFrK3: Không Chỉ Là Ảnh Thời Trang

Khoá học nhiếp ảnh thứ 3 với nhiếp ảnh gia Lê Tuấn Anh – người được biết đến rộng rãi hơn với cái tên Tuấn Pháp hoặc Tuấn Fr, vừa kết thúc bằng một triển lãm báo cáo kết quả khóa học với sự tham gia của 11 học viên. Nếu bạn đã từng biết đến Tuấn Fr và những người trưởng thành từ lớp đào tạo của anh, chắc hẳn chất lượng sản phẩm của K3 sẽ không làm bạn ngạc nhiên: ảnh tốt, trình bày chỉn chu. Tuy nhiên, lần này triển lãm vắng bóng những dự án thời trang với quần áo phụ kiện thường thấy, mà đa phần mô tả chân dung nhân vật và những câu chuyện cá nhân.

Theo lời Tuấn Fr, các bạn tham dự khoá học cũng đã trải qua sự bất ngờ tương tự: “Khi các bạn đi học, các bạn ấy tìm kiếm kĩ năng chụp ảnh để có thể làm vừa lòng khác hàng. Nhưng các bạn ấy lại học được rằng nhiếp ảnh hơn như vậy nhiều.”

© Hoang Nguyen
© Hoang Nguyen

Có lẽ điều này cũng thể hiện một phương pháp dạy khác biệt trong một lớp học nhiếp ảnh thương mại. Với Tuấn Fr, anh không tổ chức một lớp học truyền thống, mà coi khoá học như một nhóm chuyên đề và tất cả mọi người, bao gồm cả anh, chia sẻ với nhau những gì họ biết. Với cách tiếp cận này, Tuấn Fr với tư cách một người đi trước trong nghề sẽ truyền tải kiến thức học thuật và kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời, những người trẻ sẽ mang đến trải nghiệm và góc nhìn riêng của họ, đóng góp vào khung chương trình có sẵn. Các học viên đến từ những nền tảng khác nhau, người chuyên chụp thương mại, người chụp ý niệm nghệ thuật, có người gần như chưa chụp bao giờ, làm nên các khuynh hướng đa dạng và mới mẻ như có thể thấy từ triển lãm.

Các học viên khóa K2 trước đó đã trực tiếp sử dụng thời trang để làm chất liệu cho dự án của mình. Nhưng bước vào triển lãm khoá K3, người xem lập tức nhận ra điều khác biệt rằng, dù không ai rủ ai, nhiều bạn đã chọn chụp về chủ đề danh tính và sử dụng hình ảnh cơ thể khoả thân. Người hướng dẫn nghĩ điều này có thể mang tính thế hệ, bởi học viên K3 đều là các bạn ở lứa tuổi 9x đang loay hoay tìm hiểu chính mình. Dù chủ đề có thể tương đồng, nhưng những dự án đều có sự riêng biệt nhất định, thể hiện mối quan tâm của từng cá nhân. Tuấn Fr từng chia sẻ rằng chụp được một tấm ảnh đẹp không quan trọng bằng việc mỗi người phát triển tư duy, tiếng nói của riêng mình – có lẽ trọng tâm này cũng phần nào được thể hiện qua sản phẩm ảnh của học viên.

© Hoang Nguyen
© Hoang Nguyen

Đỗ Thị Trà Mi, hay Bánh Giò – B.G kể câu chuyện về bạn và cô người mẫu tên Vi. Cho bài tập đầu tiên của khóa học, Mi đã đến hỏi Vi, một người lạ, để làm mẫu cho mình. Đó đều là lần đầu tiên của cả hai; và Mi cùng Vi gắn bó trong cả quá trình học. Những bức ảnh Mi chọn cho buổi triển lãm và cách sắp đặt nhằm mục đích thể hiện sự trưởng thành của cả hai người dưới vai trò nhiếp ảnh gia và người mẫu. Qua những e ngại ban đầu ở những ảnh phía trên cùng tới những khoảnh khắc rất tự nhiên và thân mật của Vi về sau trong những ảnh dưới, người xem có thể chứng kiến sự biến chuyển trong mối quan hệ đặc biệt này.

© Hoang Nguyen

Câu chuyện của Phương An lại hoàn toàn khác. Là một nhiếp ảnh gia thương mại, thời trang và retoucher chuyên nghiệp, An đến với khóa học với mong muốn sẽ biết thêm được những kĩ năng mới để bổ sung vào công việc. Vậy nhưng, trải nghiệm của An lại khác với những gì mong đợi. Trong công việc, An chia sẻ phải rất cẩn thận, tính toán và đề cao kỹ thuật để có thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng; nhưng khoá học lại khiến bạn thả lỏng những mối ràng buộc, kiểm soát đó và để tình cảm và sự ngẫu nhiên có tiếng nói nhiều hơn trong ảnh của mình. Trong buổi triển lãm cuối khóa, An vẫn chưa rõ liệu mình có áp dụng được những gì đã nhận được từ khóa học cho công việc phục vụ khách hàng của mình hay không. Thế nhưng, An nghĩ những gì bạn học được đều có giá trị trong hành trình nhiếp ảnh cho cá nhân mình.

© Hoang Nguyen

Ảnh của Nguyễn Ngọc Trang Thy – Thymethys có một chỗ đứng rõ ràng trong căn phòng. Nhóm ảnh cỡ nhỏ, đơn sắc vàng/cam trên nền xanh lá cây lập tức mời gọi sự tò mò từ phía người xem. Chỉ khi người ta đến gần mới có thể nhận ra hình cận cảnh của cơ thể, được sắp xếp để tái tạo cảm giác phong cảnh. Đối diện cụm ảnh đó là một bức chân dung chụp phơi sáng trong thời gian dài để những chuyển động dù rất nhỏ của người mẫu đều được ghi lại. Khi cơ thể được trừu tượng hóa thành những đường cong và bức chân dung bị ánh sáng làm nhoè, những gì còn lại trong không gian của Thy là một thực tế và danh tính không rõ ràng.

© Hoang Nguyen
© Hoang Nguyen
© Hoang Nguyen
© Hoang Nguyen
© Hoang Nguyen

Cũng như Mi, An hay Thy, các học viên hẳn đều có những trải nghiệm của riêng mình với nhiếp ảnh trong quá trình 4 tháng học cùng nhau. Dạo bước trong triển lãm, người xem hẳn sẽ thấy thú vị, và tò mò không chỉ với những gì họ đã làm, mà còn với những gì họ sẽ làm với nhiếp ảnh trong tương lai khi xuất phát điểm và con đường đang đi của họ đều đa dạng.  

Như học viên Trịnh Duy Linh – Pixxelf phát biểu trong đêm đầu tiên của triển lãm, “Cuộc đời em vốn đã cong, từ khi học còn trở nên vòng vèo hơn.” Với nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng, chính quá trình kiếm tìm, đi vòng vèo ấy mới mang ý nghĩa hơn cả, và giúp chúng ta hiểu rõ thêm bản thân mình và cuộc sống. Có thể nói khóa học với Tuấn Fr đã trang bị những hành trang giá trị về kiến thức, tư duy và cộng đồng khăng khít cho những bạn trẻ đang tìm kiếm tiếng nói sáng tạo của chính mình.

Triển lãm COME TOGETHER – #TeamTuanfrK3 Group Photography Exhibition
Địa điểm: Tuan.fr Studio, 64 Lê Quốc Hưng, P. 12, Quận 4, TP. HCM.
Thời gian: 12/01 đến 21/01 năm 2017.
Miễn phí vào cửa.