Makét 02

Trông Xa, Soi Gần

MATCAxC4 JOURNAL: Đối thoại nhiếp ảnh giữa Việt Nam & Vương quốc Anh

Chuỗi bài viết thảo luận những khía cạnh đa dạng xoay quanh hình ảnh. Do Quỹ Digital Arts Showcasing của Hội đồng Anh tài trợ.

????✍️??


Dẫu biết khía cạnh giới tính không nên làm lu mờ giá trị tác phẩm, chúng ta vẫn cần thừa nhận sự mất cân bằng giới tính đã được thiết lập từ lâu trong nhiếp ảnh. Theo thống kê từ giải Female in Focus của tạp chí 1854 Media, 70-80% sinh viên theo học nhiếp ảnh là nữ, nhưng họ chỉ chiếm 13-15% tổng số nhiếp ảnh gia làm nghề chuyên nghiệp. Dù dữ liệu về tình trạng ở Việt Nam còn là khoảng trống, không thể phủ nhận rằng nữ giới chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ. 

Thực trạng ấy thúc đẩy chúng tôi tiếp nối cuộc thảo luận về vai trò của phụ nữ trong nhiếp ảnh, bắt đầu với việc giới thiệu bốn nhiếp ảnh gia nữ với tuổi nghề và tuổi đời còn rất trẻ, đều sinh năm 1997. Xuất phát từ những nền tảng khác nhau – tự học hay qua đào tạo chính quy, hoạt động trong bối cảnh địa phương hay quốc tế – họ đều có chung quyết tâm theo đuổi và thúc đẩy loại hình này. Người bền bỉ thực hiện phóng sự dài kỳ, xây dựng mối quan hệ sâu sắc với nhân vật. Người hướng ống kính vào bên trong, thử nghiệm thị giác trên cơ thể người hay phơi bày tự sự riêng tư về tình yêu và mất mát. Với sự nhạy cảm và thân mật, họ đang xác lập chỗ đứng cho riêng mình trong thực hành kể chuyện bằng hình ảnh dù theo thiên hướng tư liệu, thời trang hay nghệ thuật đa phương tiện.

– Nguyễn Phương Thảo & Hà Đào

Học sinh khiếm thính chơi đùa tại khuôn viên Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập – Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Hà Nội, 2019. © Nguyễn Thanh Huế
Những người buôn bán chờ khách du lịch tại phiên chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ, 2021. © Nguyễn Thanh Huế
Một gia đình xem lễ nhậm chức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc qua chương trình thời sự tối tại Hà Nội, 2021. © Nguyễn Thanh Huế
Cư dân tổ chức Tết Trung thu tại một khu phố ở Hà Nội sau khi chính quyền thành phố thông báo nới lỏng các hoạt động sau 4 đợt giãn cách xã hội, 2021. © Nguyễn Thanh Huế

Nguyễn Thanh Huế

Nguyễn Thanh Huế thuộc số ít nhiếp ảnh gia nữ trẻ tuổi được đào tạo chính quy về ảnh báo chí và chọn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này. Sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2019, cô tích lũy kinh nghiệm đưa tin tại VnExpress và cộng tác với Reuters dưới vai trò phóng viên địa phương từ cuối 2020 đến hè 2021. Quá trình làm việc với hãng thông tấn quốc tế đã đưa tác phẩm của cô tới nhiều tờ báo lớn trên thế giới như The Guardian, CNN, The New York Times và Aljazeera. Hiện nay Huế đang hoạt động tự do tại TP.HCM.

Thực hành của Huế thiên về thể loại ảnh tư liệu và các vấn đề xã hội, tạo dấu ấn qua cách tiếp cận tập trung vào chân dung gắn liền với quan sát về không gian sống của nhân vật. Phát triển từ đề tài tốt nghiệp đại học, dự án cá nhân đầu tay của cô đưa tới một góc nhìn thân mật về nơi trú ngụ của người lao động nhập cư tại Hà Nội, từ xóm ngụ cư trên sông Hồng tới những khu nhà trọ bình dân chật hẹp. 

Mối quan hệ giữa con người và môi trường sống tiếp tục được Huế khai thác trong những đề tài được giao. Khi ghi nhận hậu quả của đợt lũ lịch sử tại miền Trung tháng 10/2020, cô hướng cái nhìn vào cách người dân địa phương tái thiết cuộc sống giữa khung cảnh tan hoang do thiên tai gây ra. Trong phóng sự về những nông dân chuyển đổi sinh kế từ trồng lúa sang nuôi tôm tại Sóc Trăng, cô cân bằng giữa hình ảnh về hoạt động kinh tế và sinh hoạt trong nhà, đưa tới một bức tranh gần gũi và toàn diện hơn về tình hình biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long. Huế tiếp tục tìm kiếm cơ hội trau dồi kiến thức về báo chí thị giác. Cô đang ấp ủ dự án dài hạn ghi lại cuộc sống bên trong một mái ấm nơi những bà mẹ đơn thân hoặc mang thai ngoài ý muốn chung sống tập thể và nương tựa lẫn nhau. Dự án này được phát triển từ khoá học trực tuyến do VII Academy tổ chức, trong đó thảo luận những khía cạnh thiết thực của công việc báo chí lẫn đạo đức khi chụp nhân vật trong hoàn cảnh khó khăn – những mảng ít được nhắc đến trong chương trình đại học.

Gấu và Thỏ là sinh ra và lớn lên trong sự nhộn nhịp của Hà Nội. Cuối 2019, hai em theo bố mẹ chuyển về vùng ven đô sinh sống. Đi học trường làng, leo đồi, tắm suối… trở thành những điều thường nhật của gia đình Gấu. © Thạch Thảo
Nhân viên y tế tại thành phố Chí Linh (Hải Dương) sắp xếp mẫu bệnh phẩm trước khi cho vào làm xét nghiệm Covid-19. Vào thời điểm đầu năm 2020, phần mềm gán mã chưa phổ biến nên toàn bộ việc đánh số, sắp xếp thứ tự mẫu xét nghiệm được làm thủ công hoàn toàn. Các nhân viên y tế thường xuyên phải làm việc tới 3-4h sáng. © Thạch Thảo
Kim Anh (28 tuổi) kể lại hành trình thay đổi của mình khi đang ngắm nhìn thành phố từ sân thượng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc và gắn bó với nghề thiết kế, Kim Anh quyết định từ bỏ công việc văn phòng với thời gian làm việc gò bó để rẽ ngang, đổi hướng sang làm đồ handmade. © Thạch Thảo
Việt Nam có đa dạng sinh học hàng đầu thế giới nhưng cũng là điểm nóng tiêu thụ, trung chuyển động vật hoang dã. Trong ảnh, các nhân viên của rừng quốc gia Cúc Phương thực hiện điều trị cho một cá thể Tê Tê mới được giải cứu trong một ca buôn lậu. © Thạch Thảo

Lê Thị Thạch Thảo

Tốt nghiệp cùng lớp đại học với Huế, Thạch Thảo gia nhập đội ngũ phóng viên chính thức tại Zing News từ tháng 3/2021 sau hơn nửa năm cộng tác. Dù ban đầu cho rằng mình không phù hợp với yêu cầu khắt khe về đề tài và chỉ tiêu của toà soạn, cô đã thay đổi suy nghĩ sau khoảng thời gian tác nghiệp ở tâm dịch COVID-19 nửa đầu năm 2021. Bên cạnh ảnh tin tức thời sự, cô phụ trách viết và chụp các phóng sự thuộc chuyên mục Lens, khai thác tác động của đại dịch qua chân dung nhân vật thuộc nhiều hoàn cảnh đa dạng, từ các hướng dẫn viên du lịch xoay sở kiếm sống khi mất việc đến những em nhỏ theo bố mẹ rời thành phố về sống ở ngoại ô

Vốn đam mê tâm lý học, Thảo có thiên hướng đi sâu khám phá nội tâm và vun đắp mối quan hệ thân thiết với nhân vật. Thay vì phỏng vấn bằng những câu hỏi thuần báo chí, cô lắng nghe nhân vật bộc bạch cảm xúc một cách tự nhiên, đồng thời chú ý quan sát những cử chỉ bộc lộ tâm tư của họ. Không ngại di chuyển xa, cô sẵn sàng theo chân nhân vật dài ngày, dành thời gian trò chuyện hay tham gia phụ giúp các hoạt động hằng ngày, cốt để họ làm quen với sự hiện diện của phóng viên cũng như ống kính máy ảnh. Tuy có lúc khiến cô bị tác động cảm xúc, đặc biệt khi mới vào nghề, Thảo cho rằng sự gắn bó với nhân vật góp phần xóa bỏ sự mất cân đối quyền lực giữa phóng viên và nhân vật.  Phóng sự của Thảo cuốn hút bởi những khung hình cận cảnh và ngòi bút sinh động mang hơi hướng ký sự. Mối quan tâm tới các vấn đề về trẻ em, phát triển từ dự án tốt nghiệp xoay quanh một bé gái mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD), tiếp tục cô được lồng ghép vào các đề tài thời sự hằng ngày.

© Liên Phạm
© Liên Phạm
© Liên Phạm
© Liên Phạm

Liên Phạm

Nhận bằng Cử nhân Mỹ thuật tại Đại học Tufts, Massachusetts năm 2021, Liên Phạm bắt đầu chụp ảnh như một cách ghi nhật ký và duy trì kết nối với bạn bè trong những năm du học. Liên ghi chép những điều thân thuộc, hướng ống kính vào chính mình và người thân. Quá trình đối mặt với những khó khăn về tinh thần khi trưởng thành nơi xứ người cô đọng thành bộ ảnh đầu tay Trở về (2019), hoàn thành trong chuyến đi đầu tiên về Việt Nam sau bốn năm xa nhà.

Trải nghiệm cá nhân về sự dịch chuyển và tan vỡ tiếp tục dẫn dắt Liên khám phá tính mong manh của các mối quan hệ thân mật trong xã hội đương đại. Bên cạnh đó, cô mở rộng thực hành nghệ thuật thị giác theo hướng đa phương tiện. Với triển lãm cá nhân đầu tay Hey, You Are Here (2020) tại TP.HCM, cô tạo một sắp đặt trên chất liệu băng keo trong dán ghép những bức ảnh từ lưu trữ cá nhân và ảnh chụp màn hình những đoạn tin nhắn với bạn trai cũ khi yêu xa. Như một cử chỉ hàn gắn những đổ vỡ, collage trên băng keo trong cũng là một thử nghiệm của Liên về ánh sáng và chất liệu.

Ngoài việc sáng tác, Liên cũng coi các hoạt động kết nối cộng đồng như một phần thực hành nghệ thuật của mình, thông qua nhóm Beautiful Noise Collective do cô đồng sáng lập. Trong sắp đặt mới nhất mang tên Lưu trữ kỳ lạ #1 (2021), Liên tiếp tục sử dụng chất liệu băng keo trong kết hợp với hình ảnh thu thập từ bạn bè cùng những mẩu chuyện được cộng đồng chia sẻ. Lấy cảm hứng từ tác phẩm Strange Fruit của nghệ sĩ người Mỹ Zoe Leonard, những mô hình trái tim chắp vá nằm rải rác trên sàn chứa đựng ký ức về tình yêu và mất mát.

© Tôn Tôn Bo
© Tôn Tôn Bo
© Tôn Tôn Bo
© Tôn Tôn Bo

Tôn Tôn Bo 

Tôn Tôn Bo không tự cho mình một định danh, dù nhiếp ảnh giữ vị trí trung tâm trong thực hành của nghệ sĩ trẻ đa tài này. Bên cạnh chụp hình thời trang và thiết kế đồ họa, Tôn Tôn Bo còn được biết đến với tư cách đạo diễn đứng sau những sản phẩm âm nhạc underground được yêu mến như MV Aztec Glue (2021) của Rắn Cạp Đuôi, hay LavieI Don’t Know (2020) của Wean. Vào nghề nhiếp ảnh thời trang từ năm nhất đại học, cô bắt đầu bằng việc chụp đồ án của bạn học cùng trường. Để làm chủ quá trình sáng tạo, Bo đã có thời gian dài đảm nhận tất cả các vị trí của một ekip sản xuất hình ảnh, từ chuẩn bị studio, đạo cụ, trang điểm tới stylist. 

Đến với nhiếp ảnh hoàn toàn nhờ tự học, Bo tạo dựng phong cách riêng dựa trên nền tảng về hình họa tích lũy từ nhỏ cùng khả năng sử dụng chuyên sâu công cụ chỉnh sửa ảnh. Tác phẩm của cô đặc trưng bởi cách xử lý chất liệu nhiếp ảnh bằng các hình thức thể hiện kỹ thuật số (digital art). Xuyên suốt là môtip cơ thể người, cụ thể là người trẻ trong những bối cảnh phi thực hiện lên dưới nhiều góc độ và tư thế như truyền tải một ngôn ngữ riêng biệt. Bo ví cơ thể người với cây cọ, công cụ đắc lực cho phép cô tự do tạo hình. Cô mô tả tác phẩm của mình tựa những tấm hình hai chiều thật phẳng, nơi chủ thể hiện hữu thuần túy và trải dài trên mặt giấy.    

Tôn Tôn Bo hiện đang theo học ngành Thiết kế đồ hoạ tương tác (Interactive Design) tại Trường Đại học Văn Lang, TP.HCM. Cô tiếp tục thử nghiệm trong thể loại chân dung và thời trang trên chất liệu hình ảnh kỹ thuật số với dự án cá nhân dài kỳ chụp cơ thể nam giới. Với Bo, chỉnh sửa ảnh không dừng lại ở sự thành thạo về kỹ thuật – cô luôn tìm kiếm ý tưởng từ các phương tiện khác, bao gồm hiệu ứng video và truyện manga, để đưa những góc nhìn mới vào thực hành hậu kỳ hình ảnh của mình.


*collective: một tập hợp, hội nhóm những nhiếp ảnh gia cùng chí hướng, có thể sáng tác độc lập hoặc cùng hợp tác trong dự án chung.