Makét 02

[Triển Lãm] Những Ngày Đợi Nắng Tại Angkor Photo Festival

Triển lãm: 03 – 18.12.2019
Địa điểm: FCC Angkor, Siem Reap, Campuchia
Vào cửa tự do.

Hải Phòng, 1926. Sau hai năm học việc từ một người họ hàng, thanh niên Nguyễn Văn Chành 15 tuổi gốc Lai Xá đã tự thân vay ngân hàng một khoản lớn để mở tiệm ảnh của riêng mình, đặt tên là Luminor Photo. Trong thời Pháp thuộc, tiệm ảnh đã mở rộng tới bốn chi nhánh tại những trung tâm thương mại lớn tại miền Bắc thời đó bao gồm Hải Phòng, Hà Nội, Sapa và Lạng Sơn. Được biết một tấm chân dung chụp tại Luminor Photo đắt gấp mười lần giá trung bình lúc bấy giờ, nhưng tiệm vẫn ăn nên làm ra, phần đông phục vụ nhóm khách thượng lưu sẵn sàng chi trả cho chất lượng và dịch vụ vượt trội.

Thành công của Luminor Photo đã cho Nguyễn Văn Chành một sự tự do hiếm thấy trong cả nhiếp ảnh lẫn đời sống cá nhân. Làm chủ tiệm, ông hiếm khi tự tay chụp hình cho khách. Ông luôn mang máy ảnh theo mình để ghi lại cuộc sống gia đình thường nhật hay danh lam thắng cảnh trong những chuyến du ngoạn bằng ô tô riêng, rồi sắp xếp ảnh trong album dựa theo thời gian và nơi chốn, đôi khi kèm vài dòng chú thích bằng tiếng Pháp. 

Nếu chân dung ảnh viện cho thấy một ông chủ doanh nghiệp Nguyễn Văn Chành chỉn chu, có phần nghiêm nghị thì những tấm ảnh đời thường lại tiết lộ những giây phút thân mật, ngẫu hứng của thương gia trẻ phong lưu. Bản thân ông thường xuất hiện nổi bật với bộ com-lê và tóc vuốt sáp bảnh bao, ở vị trí trung tâm trong ảnh nhóm hay tạo dáng trước nơi phong cảnh hữu tình, phóng tầm mắt ra đường chân trời. Trên nền không gian Bắc Việt nửa đầu thế kỷ 20, những bản in tráng bạc đã lưu dấu bao kỷ niệm thời thanh xuân của Nguyễn Văn Chành cùng gia đình bè bạn: một chiều nắng đẹp tản bộ vườn Bách Thảo, tháng Giêng trẩy hội chùa Hương, tắm biển ngày hè ở Đồ Sơn hay tổ chức sinh nhật linh đình với bánh kem và rượu sâm-panh. 

Sông có khúc, người có lúc. Sau khi hoà bình lập lại vào năm 1954, chính quyền miền Bắc thực hiện chính sách cải tạo công thương nghiệp, gộp tiệm Luminor Photo vào hợp tác xã nhiếp ảnh. Ông Chành được phân làm kế toán nhưng xin nghỉ hưu sớm, rồi dành những năm tháng cuối đời trên miền sơn cước.

Hình ảnh trong triển lãm được tuyển chọn từ ba cuốn album của Nguyễn Văn Chành và người con gái đầu lòng Bạch Diệp – nữ đạo diễn điện ảnh đầu tiên của Việt Nam, lần đầu được ra mắt khán giả đương thời sau gần một thế kỷ nằm im trong tủ kính. Liệu những mảnh ghép ký ức về một thời đã xa có ý nghĩa gì với mỗi chúng ta? Những tấm hình ám màu thời gian có nét duyên dáng thật riêng, nhưng chúng không có chủ đích khơi gợi hoài niệm. Là một nhân chứng vô tư của thời đại, tập nhật ký qua ảnh cho thấy một trải nghiệm sống và làm việc của một nhiếp ảnh – thương gia Việt dám nghĩ dám làm, giữa thời kỳ đất nước chuyển giao với cuộc chiến và sự giao thoa văn hoá mạnh mẽ. Một cơ hội để không chỉ tái hiện lịch sử qua lăng kính cá nhân, mà còn để tiếp nối và tái định nghĩa. 

Câu chuyện của Nguyễn Văn Chành và Luminor Photo là một phần của Makét 01: Có Một Làng Nghề Nhiếp Ảnh, ấn phẩm in đầu tiên của Matca tượng trưng cho nỗ lực khám phá hành trình nhiếp ảnh Việt Nam trong thời gian qua. Dẫu quy mô còn hạn chế, dự án hy vọng có thể nới rộng cuộc thảo luận về vai trò vốn bị lãng quên của thể loại chân dung ảnh viện và ảnh gia đình như một kho tàng dữ liệu về nhân học của quốc gia.