Tầm vài tháng trước, mình có tìm hiểu một loại kĩ thuật thử nghiệm nổi trong giới chụp lomo. Đó là ngâm cuộn film màu vào một hỗn hợp dung dịch để film phản ứng với hoá chất, còn gọi là “film soup”, kiểu như “nấu” cuộn film thành nước canh ấy. Người ngâm với nước sông, người ngâm mì ramen, nước tăng lực, xà phòng tắm… ti tỉ thể loại tự chế; và kết quả ra ảo diệu một cách bất ngờ.
Thật sự là xem xong mình chỉ muốn bắt đầu làm ngay lập tức, nhưng sau khi tìm hiểu trên mạng thì biết rằng nếu để film khô tự nhiên thì phải mất một tháng là ít. Hơn nữa, chẳng có lab nào đồng ý tráng film màu đã ngâm vì sẽ làm hỏng nước tráng chung của họ. Là một đứa tử tế, mình cũng không muốn nói dối để nhân viên lab ngã ngửa vì dung dịch dây ra các cuộn film khác trong bồn, sẽ xấu hổ và dằn vặt lắm.
Sau khi tìm hiểu thêm thông tin trên các trang nước ngoài, mình bắt đầu tự thử nghiệm với một vài cuộn phim cơ bản. Mình nghĩ nên thử với loại phim rẻ, đừng dại mà dùng đồ cao cấp vì kiểu dù gì film cũng phản ứng với các dung dịch hoá học, và tỉ lệ có được ảnh đẹp nói thẳng ra thì như đãi cát tìm vàng. Nhưng vì tò mò, mình vẫn quyết tâm làm một lần cho biết.
Các bước của mình như sau:
1. Lấy một cốc sứ có quai (để dễ cầm và di chuyển nếu dung dịch của bạn nóng) và đổ dung dịch vào. Lần đầu mình pha nước giặt với một chút dấm rượu vang đỏ còn âm ấm, và ngâm cuộn Kodak 200 trong dung dịch đó trong vòng một tiếng. Dung dịch càng nóng thì phản ứng xảy ra càng nhanh và mạnh. Mình ghi lại các thông số như ngày tháng và thời gian thực hiện lên một miếng băng dính rồi dán lên cốc cho dễ nhớ.
2. Sau đó mình bắt đầu lấy nước rửa sạch cuộn film (rửa trong rửa ráy – không phải tráng rửa). Quá trình này khá vất vả nhưng phải làm cho kỹ vì lab chắc chắn sẽ không muốn một cuộn phim ướt nước giặt lẫn dấm ở trong bồn tráng cùng film của các khách khác. Mình ngâm cuộn cuộn film súp trong nước lạnh, cứ tầm một hai tiếng là lại thay nước một lần, lặp lại hai ngày liên tiếp. Mỗi lần thay nước thì đều nhìn thấy một chút bọt xà phòng nổi lên – điều này chứng tỏ cuộn film chắc chắc đã phản ứng ít nhiều với hoá chất.
3. Rồi sau đó, mình thử ngâm cuộn film trong gạo để hút bớt ẩm, mặc dù không biết có giúp gì không.
4. Sau hai ngày ngâm trong gạo thì cuộn phim chẳng bớt ướt đi tí nào. Vì vậy, mình đi xuống tầng hầm lúc tối, lôi hết phim ra, dùng máy sấy để sấy cho khô. Theo như một bạn trên Instagram bảo mình, khi sấy cũng phải cẩn thận không thì làm bong lớp nhũ trên film gì đó. Mình dùng khăn mỏng để lau bớt nước đi, nhưng bất cẩn nên đã làm xước film tung toé… Ban đầu tưởng đẹp mà thực ra không đẹp đâu.
5. Sau khi sấy mình đưa film lại vào lõi, để chừa một ít để lắp vào máy ảnh. Đoạn này thì dễ, nhưng mà khi mà cuộn vào thì film sẽ lại dính nước ít nhiều, vì lõi film vẫn còn nước ở bên trong, và phần mép lõi (chỗ có lớp nhung màu đen) vẫn ướt đẫm dung dịch. Vì vậy những bức đầu và cuối cuộn film thường sẽ chỉ thấy… nhớp nháp.
Nói tóm lại, kiểu gì film cũng bị ướt. Nhưng nếu may mắn, bạn có thể tìm được lab mà cho bạn tự tráng tay, hoặc tráng ở những chỗ công nghiệp với bồn lớn kiểu như CVS nếu bạn ở Mỹ, hoặc là tự xây phòng tối của riêng bạn ở nhà. Còn nếu không, hãy chắc chắn là cuộn film của bạn phải thật khô rồi mới mang tới lab, và nhớ thông báo trước với nhân viên nhé. Vất vả một chút nhưng dễ thì lại không vui nhỉ?
Tuy vậy, kết quả ra hên xui cũng nhiều khủng khiếp! Mình đau đớn nhường nào khi nhìn thấy bức chụp hoàng hôn huy hoàng đến ngạt thở bị phá hoại bởi dấm và nước giặt – mình thổn thức nhớ lại cái cảnh trước mắt lúc đó và tiếc tấm ảnh đã có thể rất đẹp nếu chụp với film thường đến nhường nào. Nhưng chịu thôi. Xong một cuộn, mình lại ngâm cuộn Kodak 800 hết hạn với bia hoà tan viên Quetiapine 50mg.
Và đây là những tấm bất ngờ đẹp, may mắn thay! Quá trình thử nghiệm làm súp film khiến mình tin vào sự tồn tại của may mắn, rằng có một thế lực nào đấy ở trên kia to lớn hơn nhiều lần những gì chúng ta có thể làm được và điều khiển được. Nếu mà điểu khiển được thì chụp với film cũng sẽ không vui đến thế nhỉ?
Cám ơn các bạn đã theo dõi và chúc may mắn. Các bạn cứ inbox mình nếu có gì muốn trao đổi, hoặc là gửi ảnh đẹp cho mình xem. Tag mình @linhthaan vào ảnh của bạn trên Instagram nếu bạn cũng mày mò nghịch thử thứ súp film này nhé!