Makét 02

‘Thế Giới’ Liệu Đã Bao Gồm Chúng Ta?

Cuộc thi Ảnh Báo chí Thế giới được thành lập năm 1955, do năm nhiếp ảnh gia người Hà Lan khởi xướng với tham vọng đưa tác phẩm của họ đến với công chúng quốc tế. Sau sáu thập kỷ theo sát và trực tiếp tạo ra ảnh hưởng lên ngành báo ảnh toàn cầu, tổ chức đang đứng trước ngã rẽ thời cuộc khi đối mặt với các phong trào giải thuộc địa và đấu tranh cho công bằng xã hội trên toàn thế giới. Cùng với đó là hàng loạt lời kêu gọi dịch chuyển quyền lực trong ngành ảnh báo chí, đến nay chủ yếu vẫn do phương Tây chiếm lĩnh.

Ở vị thế đứng đầu, Tổ chức Ảnh Báo chí Thế giới đang phải tự đặt ra câu hỏi về phần ‘thế giới’ trong chính tên gọi của cuộc thi, xét lại xuất phát điểm và tu chỉnh cách thức vận hành đã được củng cố nhiều năm qua. “Trong bối cảnh đương thời, những bức ảnh của các nhà sáng lập không còn nêu lên thông điệp cấp tiến – chúng cho thấy một nhóm đàn ông da trắng trung niên nắm quyền quyết định tác phẩm của ai là quan trọng”, Joumana El Zein Khoury, giám đốc điều hành mới nhậm chức năm 2021 gửi gắm trên trang web chính thức.

Triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới 2021 tại Hà Nội © Lê Xuân Phong

Tiếp nối tuyên ngôn của bà là hàng loạt những thay đổi cơ cấu trong định dạng và quy cách chấm giải trong cuộc thi năm 2022, nay đã mở đơn đến 12/01. Thay vì phân loại theo đề tài (Phóng sự, Thiên nhiên, Môi trường, Chân dung, vv), giải thưởng nay sẽ được chia theo bốn định dạng (Ảnh đơn, Câu chuyện ảnh, Dự án dài hạn và Định dạng mở). Ảnh dự thi sẽ tranh giải ở từng khu vực bao gồm Châu Âu, Châu Á, Bắc Mỹ, Trung và Nam Mỹ, Châu Phi, và Đông Nam Á – Châu Đại Dương, trước khi tiến tới cấp độ toàn cầu. Ban giám khảo cho mỗi vùng cũng sẽ được lựa chọn dựa trên chuyên môn và kinh nghiệm làm việc tại đó. 

Trên thực tế, những nỗ lực nhằm thúc đẩy đa dạng về giới và khu vực địa lý trong thành phần ban giám khảo và ứng viên đã nhen nhóm từ nhiều năm trước. Năm 2003, Shahidum Alam trở thành người da màu đầu tiên được mời chủ trì ban giám khảo cuộc thi Ảnh Báo chí Thế giới. Trước đó, nhiếp ảnh gia kỳ cựu, người sáng lập học viện đào tạo nhiếp ảnh Pathshala này từng gửi thư khiếu nại châm chọc rằng “Ảnh Báo chí Châu Âu” sẽ là một cái tên thích hợp hơn cho tổ chức, đồng thời phản đối góc nhìn phiến diện về đất nước Bangladesh của ông trên phương tiện truyền thông quốc tế – vốn thường khai thác những hình ảnh giật gân về đói nghèo và thảm hoạ. “Đề đạt cho cân bằng khu vực đáng lẽ đã phải có từ lâu”, ông bày tỏ quan điểm về những thay đổi mới trên blog cá nhân.

Temple and Half-Mountain, Giải Nhì hạng mục Môi trường © Hkun Lat

Ngay trong Triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới 2021 vừa diễn ra tại Hà Nội, khán giả Việt có thể tìm thấy một vài câu chuyện từ những địa phương gần gũi: Từ nạn khai thác đá quý gây sạt lở đất tại Myanmar trong ảnh của Hkun Lat, câu chuyện về thảm họa thiên tai ở Philippines do Ezra Acayan ghi lại, đến cảnh tang thương COVID-19 gây ra tại Indonesia qua ống kính Joshua Irwandi. Các nhiếp ảnh gia Đông Nam Á thắng giải kể trên được lựa chọn bởi ban giám khảo đến từ nhiều quốc gia ngoài Bắc Mỹ và châu Âu, do NayanTara Gurung Kakshapati, giám đốc festival nhiếp ảnh quốc tế Photo Kathmandu chủ trì. Đây là hội đồng chấm giải “đa dạng nhất từ trước đến nay”, theo thành viên ban giám khảo người Singapore Kevin WY Lee.

Tuy nhiên, kết quả nhận được vẫn chưa đủ sức thuyết phục: Trong số hơn 4,000 nhiếp ảnh gia tham gia cuộc thi 2021, chỉ có 5% đến từ khu vực Đông Nam Á – Châu Đại Dương và 3% đến từ Châu Phi, trong khi châu Âu vẫn chiếm gần nửa. Vậy liệu những thay đổi ở tầm định chế trong 2022 có giúp các câu chuyện địa phương “chiếm sóng” diễn đàn quốc tế? Thực tế chưa chắc sẽ như mong đợi. Buổi chia sẻ thông tin về cuộc thi năm 2022 tổ chức tại Trung tâm Nhiếp ảnh & Phim Objectifs có sự tham gia của phóng viên ảnh Veejay Villafranca và giám đốc Trung tâm Emmeline Yong, người từng chấm giải hạng mục Ảnh tin tức trong cuộc thi năm 2020. Dù thoạt đầu ôm nhiều hy vọng, cô không khỏi chưng hửng khi số lượng tác phẩm đến từ Đông Nam Á năm đó chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Tôi để ý thấy phần đông nhiếp ảnh gia địa phương cho rằng Đông Nam Á không có mấy cơ hội thắng giải. Họ không thấy nhiều lý do để tham gia,” Emmeline nhận định.

Taal Volcano Eruption, Giải Nhì hạng mục Thiên nhiên © Ezra Acayan

Vì đâu mà có sự lạnh nhạt này? Jessica Lim, Giám đốc điều hành Angkor Photo Festival & Workshops – nơi đào tạo nhiều thế hệ nhiếp ảnh gia Đông Nam Á cho biết, giới ảnh tư liệu trong khu vực đang đối mặt với áp lực từ nhiều phía. Trong đó có tình trạng siết chặt tự do báo chí, các mối đe dọa rình rập phóng viên điều tra hoạt động tội phạm và tham nhũng. Ngoài ra, không thể không kể tới nguồn thu nhập từ nhiếp ảnh báo chí và tư liệu đang trên đà sụt giảm – một xu thế đã xuất hiện từ lâu nhưng ngày càng rõ rệt trong đại dịch.

Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của cơ quan báo chí và việc xin tài trợ ngày càng khó khăn, nhiếp ảnh gia không còn lựa chọn nào khác ngoài tự bỏ tiền túi để thực hiện dự án dài hạn. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để làm việc đó: Khảo sát ở khu vực châu Á do Angkor Photo Festival công bố hồi đầu năm nay cho thấy thu nhập từ việc chụp ảnh đã giảm 75% hoặc hơn từ ngày dịch COVID-19 bùng phát. “Nhiếp ảnh gia sẽ theo đuổi đề tài bằng cách nào nếu thiếu sự hỗ trợ từ các tổ chức báo chí?”, cô đặt câu hỏi.

Bản thân là một thành viên ban giám khảo khu vực Đông Nam Á của Cuộc thi năm 2022 sắp tới, Jessica Lim ghi nhận những nỗ lực khuyến khích sự bao hàm và đa dạng, nhưng cũng chỉ ra rằng thay đổi không thể đến một sớm một chiều.

The Human Cost of COVID-19, Giải Nhì hạng mục Tin tức © Joshua Irwandi

Veejay Villafranca, nhiếp ảnh gia người Philippines hiện đang đảm nhận vai trò làm cầu nối giữa Tổ chức và cộng đồng ảnh tư liệu tại Đông Nam Á, lại cho rằng năm nay là cơ hội không thể tốt hơn cho các nhiếp ảnh gia trong khu vực. “Khi chúng ta có một ban giám khảo đến từ nội vùng, mỗi người trong phòng chấm giải sẽ cùng sát cánh để các tiếng nói từ Đông Nam Á được nâng tầm.” Anh cũng nhấn mạnh rằng để được lắng nghe, trước hết chúng ta cần lên tiếng bằng cách nộp tác phẩm dự thi. Không ai biết trước những thay đổi này sẽ mang lại điều gì, nhưng tự bản thân nó đã là một cú nhích về đúng hướng – đủ để giới nhiếp ảnh thuộc bán cầu Nam hy vọng về một ngày cuộc thi đạt được phần “thế giới” mà nó đã hứa hẹn trong tên mình.

Buổi chia sẻ thông tin về Cuộc thi 2022 tại Objectifs
Buổi chia sẻ thông tin về Cuộc thi 2022 tại Objectifs

*Bài viết do Xuân Tùng thực hiện và Hà Đào bổ sung.