Makét 02

Suy Ngẫm Về Zine Ngày Đầu Năm

MATCAxC4 JOURNAL: Đối thoại nhiếp ảnh giữa Việt Nam & Vương quốc Anh

Chuỗi bài viết thảo luận những khía cạnh đa dạng xoay quanh hình ảnh. Do Quỹ Digital Arts Showcasing của Hội đồng Anh tài trợ.

????✍️??


Chúng tôi đã dành nhiều thời gian ngẫm ngợi về zine trong năm qua. Khi hàng loạt không gian triển lãm buộc phải đóng cửa, vai trò của định dạng zine trong sáng tác và chia sẻ hình ảnh đã được nâng tầm. Tuy nhiên, dù rất nhiều ấn phẩm zine xuất sắc đã ra đời trong 2021, chúng tôi không muốn bài viết này trở thành bảng liệt kê tuyển tập hay nhất của năm. Qua công tác đồng tuyển chọn, những ý kiến đa chiều được tụ hợp trong đây thành một dòng suy nghĩ chung, một phản tư về zine và những câu hỏi lớn mà chúng đặt ra: về nhiếp ảnh và sáng tạo, về cái gọi là thị trường nhiếp ảnh và sách ảnh, cũng như về những vật thể được sang tay đổi chủ dưới hình thức này.

Những người thường xuyên tiếp xúc với sách ảnh, trong đó bao gồm chúng tôi, hay cho rằng mình có thể nhận diện được một cuốn zine ngay từ cái nhìn đầu tiên. Zine sẽ gợi tới một tập ấn phẩm bìa mềm có kích cỡ A4 hoặc A5, thay vì cuốn sách bìa cứng dày 300 trang. Zine thường không trải qua công đoạn biên tập và chỉnh sửa nhiêu khê, vì thế mà tạo cảm giác mới mẻ và ngẫu hứng, hé lộ một góc tâm trí tác giả và hành trình sáng tạo cá nhân khi ít bị can thiệp bởi bàn tay tập thể. Dù vài lỗi kỹ thuật là không tránh khỏi, sự thiếu hoàn hảo của zine đem lại trải nghiệm thân mật hơn, tựa như cuộc chuyện trò trực tiếp với chính người làm ra nó.

Dù vậy, càng xem nhiều, định nghĩa thế nào là zine lại càng lung lay. Ngày càng có nhiều những ngoại lệ vượt khỏi và thách thức quy chuẩn: zine dày như sách (cuốn XURC của Andrew McClees dày hơn trăm trang), sách mỏng như zine (cuốn Double Orbit của Gregoire Pujade-Lauraine do MACK xuất bản có bìa cứng nhưng chỉ dày 32 trang và được khâu gáy thủ công). Cũng có những cuốn zine được thiết kế và gia công mỹ mãn (ví dụ như loạt ấn phẩm từ chương trình lưu trú chuyên về in và xuất bản Riso của quỹ Penumbra), hay thậm chí là mang hình hài một tác phẩm điêu khắc như Indoor Garden Chair – một tập gỗ mỏng có thể xếp thành một chiếc ghế mini. Cũng bắt đầu xuất hiện brochure được thiết kế như một cuốn zine, như quyển giới thiệu của Black Box Projects gallery trong chương trình Photo London 2021.

Liệu zine có nhất thiết phải là ấn phẩm tự xuất bản? Thông thường, zine là hình thức được ưa chuộng đối với những nghệ sĩ hoạt động ngoài khuôn khổ thông thường. Zine là lựa chọn ít tốn kém để trưng bày tác phẩm mà không cần không gian tường, không cần sự chấp thuận của gallery và nhà xuất bản, không phải đóng tác phẩm vào một khuôn dạng chuẩn chỉ, và cũng không cần trải qua quá trình xin giấy phép như trường hợp ở Việt Nam. Mặc dù vậy, gần đây một số nhà xuất bản lớn đã ra mắt các ấn phẩm có gáy ghim hoặc khâu giống như zine, tuy độ dày và chất lượng in vẫn tương đương sách được sản xuất chuyên nghiệp. Ví dụ như Everything 2 của Kenta Cobayashi, hay Photography của Koji Kitagawa – ấn phẩm dày 750 trang tổng hợp 29 cuốn zine của tác giả. Ngày càng có nhiều sách ảnh lấy cảm hứng từ ngoại hình khiêm tốn của zine, nhưng đồng thời vẫn tận dụng những tài nguyên từ hệ thống các nhà xuất bản thương mại, ví dụ như Let’s Sketch the Lay of the Land của Eva Jonas, hay If You Go, All the Plants Will Die của Fred Mitchell. Thậm chí vài nhà xuất bản còn đang cân nhắc bổ sung hạng mục zine vào danh sách ấn phẩm của họ.

Chúng tôi cũng lật lại tính dân chủ của văn hoá làm zine, vốn được cho là ít tốn kém và được phân phối qua các kênh phi chính thống nằm ngoài thị trường sách ảnh thương mại. Tại các quốc gia phát triển, zine đúng là một lựa chọn thay thế hợp túi tiền hơn so với sách. Còn tại một số nước đang phát triển, việc sản xuất zine chưa thực sự phổ biến, và kể cả nếu có đi chăng nữa thì việc truyền bá đến độc giả phương Tây cũng không phải vấn đề cấp thiết. Trong thời điểm các nước phương Tây cũng đang chật vật, việc chi trả 20 bảng Anh cho một cuốn zine – mức giá hòa vốn cho tác giả – cũng nằm ngoài tầm tay với nhiều người.

Dù chúng tôi vẫn chưa phân định rõ thế nào là zine (một nhiệm vụ thực ra vô nghĩa), có vài điều đã được làm sáng tỏ. Thứ nhất, zine không nhất thiết phải đứng vị trí ngoài lề, mà đang tiến vào rìa và dần thâm nhập thị trường nhiếp ảnh và sách ảnh thương mại: nhiều nghệ sĩ đã đạt bước tiến lớn trong sự nghiệp nhờ chính những cuốn zine của mình. Tính punk (tạm dịch: nổi loạn, bất chấp) định hình văn hóa zine đời đầu đang dần phai nhạt trong bối cảnh quy luật thị trường, khi chất lượng sản xuất đang trở thành một tôn chỉ thay vì là một lựa chọn nếu có điều kiện như trước đây. Chậm mà chắc, zine sẽ lần theo con đường của nhiều loại hình nghệ thuật bên lề khác. Tương tự như sách ảnh, khi là một phần trong vận hành chung của thị trường nhiếp ảnh, zine sẽ trở thành một dạng vật phẩm nghệ thuật hướng đến người dùng theo đúng nghĩa của nó, thay vì những thứ giản dị, thoáng chốc hơn như những sáng tác trong quá khứ.


Bài viết bởi Eugenie Shinkle & Callum Beaney từ C4 Journal

Interfere 1 & 2

Bộ đôi zine là bức thư tình dành cho digital artifact (các can thiệp ngoài ý muốn lên dữ liệu, làm biến dạng ảnh kỹ thuật số – ND) và kĩ thuật phơi sáng kép. Interfere 1 chìm trong sắc đỏ tựa như một bộ phim kinh dị, trong khi Interfere 2 ám màu xanh nhờ nhợ của phóng xạ. Trong Interfere 1, các vệt sáng trắng lốm đốm xuyên qua nền đất rừng, có vẻ tỏa ra từ một vật thể bay không người lái; trong Interfere 2, tuyết rơi lốm đốm như vệt nhiễu, bao phủ những cành cây nhọn đâm tua tủa trong rừng. Độc giả có thể mổ xẻ hình ảnh và tìm cách đọc các ẩn dụ, nhưng bầu không khí bao trùm trong đây mới là thứ cuốn hút nhất – một lăng kính bọc màng phim màu cho ta thoáng thấy khung cảnh nhuốm màu khói xám như bước ra từ trí tưởng tượng của tiểu thuyết gia Cormac McCarthy. Interfere 1 & 2 được in bằng máy in công nghiệp rẻ tiền, màu mực đậm trên chất giấy hơi sần khổ A3 gập đôi. Không có chút cả nghĩ hay “gồng” nào trong hai ấn phẩm này – chỉ có cảm giác thỏa mãn từ trải nghiệm thị giác đầy gay cấn.

  • Tuyển chọn bởi Eugenie Shinkle & Callum Beaney

Songs for Women and Birds

  • Pauline Hisbacq
  • September Books xuất bản năm 2021 

Biểu tượng hòa bình, những cái ôm, những vòng tay, hy vọng và khổ đau. Nhóm phụ nữ thuộc các trại hòa bình ở trạm quân sự hoàng gia Greenham Common đã duy trì cuộc đấu tranh phản đối việc đặt tên lửa hành trình Mỹ tại Anh Quốc suốt 19 năm. Tại thời điểm trại hòa bình bị phá dỡ năm 2000, Greenham Common đã trở thành phong trào biểu tình lớn nhất do phụ nữ lãnh đạo kể từ khi phong trào đòi quyền bỏ phiếu cho phụ nữ nổ ra gần một thế kỷ trước. Các bức ảnh tư liệu được nghệ sĩ thu thập và cắt ghép trong Songs for Women and Birds như một lời nhắc nhở về sự kiện này, đồng thời cũng gợi đến những cuộc đấu tranh vẫn đang tiếp diễn giành sự tôn trọng, quyền và cơ hội bình đẳng của phụ nữ ngày nay. Trong đây không có dấu vết của lòng tự tôn – dường như những bức ảnh được lựa chọn không chỉ vì tính biểu tượng mà còn vì khả năng làm lay động cảm xúc của chúng. Ngôn ngữ càng đơn giản, thông điệp càng mạnh mẽ.

  • Tuyển chọn bởi Eugenie Shinkle

Có Gì Mới

Nhiếp ảnh gia Đạt Vũ có tài tìm được những hiện tượng dị thường, trong đó người và vật hoàn toàn “lệch sóng” với khung cảnh xung quanh. Cái tính lém lỉnh ấy một lần nữa được thể hiện trong Có Gì Mới, ấn phẩm mới nhất của anh sưu tầm những tấm ảnh báo chí xoay quanh “bạo lực và tính ngáo trong xã hội Việt Nam đương đại”. Tuyển tập này được Đạt lựa chọn từ hàng ngàn tấm ảnh anh xem mỗi ngày khi làm công việc biên tập ảnh tại một tờ báo lớn. Những hình ảnh đa dạng được gỡ khỏi bối cảnh ban đầu và đặt cạnh nhau theo một trình tự mới, xâu chuỗi dựa trên cảm giác quái gở mơ hồ và đôi khi là sự tương đồng thị giác: trong một trang đôi, miếng độn ngực sillicon nhão nhoét xuất hiện bên ấu trùng tôm hùm trong suốt. Bạo lực ở đây không hiển hiện trực tiếp mà được ám chỉ qua nhu cầu kiểm soát và tiêu thụ.

  • Tuyển chọn bởi Hà Đào

The Hunter 

Một ấn phẩm với cách thức sản xuất quen thuộc: dày 24 trang, in bằng máy in gia đình, gáy dập ghim. Zine ngày nay đang chạy đua về chất lượng sản xuất – và mặc dù sự khéo léo và công phu vẫn xứng đáng được công nhận, ta cũng nên nhớ rằng hiện tượng zine đã bắt nguồn từ triết lý “nhà làm” (do it yourself). Các vật liệu thô như mực in và giấy là công cụ phù hợp cho tác phẩm về chủ đề bạo lực đối với phụ nữ. Không rõ, và cũng không nên biết rõ, liệu nữ chính trong đây là “kẻ đi săn” hay “con mồi”. Một ấn phẩm kỳ khôi, đầy biến chuyển bất ngờ, và hài hước dù nói lên mặt tối. 

  • Tuyển chọn bởi Eugenie Shinkle

Dieshui

  • Upa
  • Tự xuất bản năm 2021

Trong Dieshui, họa sĩ, nghệ sĩ xăm hình Upa bóc tách nỗi ám ảnh của mình với hiện tượng thác nước. Phong cách vẽ tinh nghịch, mang nét nguệch ngoạc trẻ thơ của cô thường được ghi dấu trên da, nay xuất hiện trên trang giấy. Tập zine được in hai mặt: hình chụp phong cảnh thác nước ở một mặt, mặt còn lại là thác nước cô vẽ theo trí tưởng tượng của mình. Cuốn zine có cấu trúc như một vòng lặp, không có bìa trước, bìa sau và có thể bắt đầu từ bất kỳ điểm nào. Ảnh và tranh nằm ở bên trong và bên ngoài cùng lúc, luôn luôn trong tư thế đối thoại với nhau.

  • Liu Chao-Tze, đồng sáng lập Fotobook DUMMIES Day

Angels & Ghosts

Cuốn zine tập hợp những hình khối hư ảo được truyền qua các cuộc gọi Zoom, cụ thể trong đây là những cận cảnh đặc tả buổi hoà nhạc trực tuyến. Những mảng màu mờ nhoè nhuốm ánh đèn neon của có thể được coi như một dạng hiện thực phân mảnh, vừa lạ vừa quen khi thế giới ngày càng trở nên phụ thuộc vào các kênh liên lạc kỹ thuật số, ví dụ như thiết bị webcam nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống chúng ta. Ấn phẩm khiến ta không khỏi thắc mắc: Bằng cách nào mà hình dáng con người được tái hiện dưới dạng các hạt pixel đã có mặt ở khắp mọi nơi vậy?

  • Tuyển chọn bởi Tyrone Williams

Sika Kokoo

Nhiếp ảnh gia Kwabena Appiah-Nti sinh ra tại Hà Lan trong một gia đình di cư gốc Ghana. Anh thực hiện cuốn zine này sau chuyến thăm quê nhà đầu tiên, cũng là một nỗ lực tìm về gốc gác và khám phá căn tính cá nhân. Ảnh chụp hành trình và ảnh các cổ vật bằng vàng của gia đình xuất hiện song song. Tác giả mong muốn kết hợp văn hóa truyền thống và đương đại của Ghana như một cách để tìm bản thân mình trong ấy. Tựa đề Sika Kokoo dịch nôm theo tiếng địa phương có nghĩa là “tiền đỏ”, nhưng cũng có nghĩa là “vàng”, ẩn dụ cho linh hồn thế tục. Cuốn zine thể hiện niềm vui và lòng hiếu kỳ khi tác giả có cơ hội kết nối với di sản của dân tộc mình.

  • Tuyển chọn bởi Brian Arnold

Box 14

Những ấn phẩm zine của Booth Cole có nội dung chủ yếu về cộng đồng trượt ván, nhưng giống như nghệ sĩ Abel Kleinblatt (cũng được nhắc tới trong bài này), anh đôi khi cũng dấn thân vào cộng đồng nghệ thuật. Box 14 là ấn phẩm hợp tác với nghệ sĩ Max Critchlow, bắt nguồn từ triển lãm poster dán tường tại một không gian nghệ thuật cộng đồng nằm ở ngoại ô Paris. Sau triển lãm, các tấm poster được gỡ khỏi tường, cắt và ghép lại thành một bộ 20 cuốn zine độc bản. Box 14 nhàu nhĩ và dính đầy dấu tay, được đóng gáy lỏng lẻo bằng băng dính và kim chỉ, mang thẩm mỹ tuềnh toàng của zine trượt ván thời kì đầu nhưng đồng thời cũng đòi hỏi được nhìn nhận như một tác phẩm nghệ thuật. Cuốn zine Of Thing Past của Juan Orrantia (một tác phẩm cắt ghép từ hai ấn phẩm thập niên 70 về quan hệ sắc tộc tại Mỹ) cũng được làm bằng các vật liệu không bền, khó lưu trữ – một lựa chọn có chủ đích để tác phẩm liên tục biến hóa theo thời gian. Tính tạm bợ có chủ ý của các tác phẩm nêu trên là một hướng đi mới lạ, đi ngược lại nguyên tắc lưu trữ vốn đã ăn sâu vào văn hóa nhiếp ảnh. Qua thời gian, mọi vật đều sẽ hao mòn, tan rã và biến mất. 

  • Tuyển chọn bởi Eugenie Shinkle

National Road Number 5

  • Lim Sokchanlina
  • Catfish Books xuất bản năm 2021 

Một bộ ảnh trình bày kết quả của dự án Quốc lộ 5 tại Campuchia do Nhật Bản đầu tư – tuyến đường kết nối Thái Lan và Việt Nam chạy qua thủ đô Phnom Penh. Điều thú vị của ấn phẩm này nằm ở thiết kế, còn ảnh trong đây có số lượng khá khiêm tốn và có xu hướng liệt kê. Hình ảnh có thể thu hút các đối tượng trong lĩnh vực chính trị, xây dựng, kiến trúc và quan hệ quốc tế, chứ không chỉ riêng ngành nhiếp ảnh. Các bức ảnh này hoàn toàn có thể được giới thiệu trong một hội thảo liên ngành; cách trình bày zine cũng dễ gây liên tưởng đến một tập tài liệu nghiên cứu được thiết kế chỉn chu.

Ấn phẩm gồm một tập chứa ảnh và một tập chứa văn bản. Dù hai tập có mối quan hệ tương hỗ, việc tách riêng hình và chữ dường như nhấn mạnh sự khác biệt giữa việc xem ảnh đơn thuần và xem ảnh có tham khảo bối cảnh lịch sử văn hóa. Cây viết đã cố gắng truyền đạt góc nhìn của người Campuchia về ấn phẩm, đồng thời đưa ra sự liên hệ giữa bối cảnh chính trị và các công trình được chụp, so sánh với những tác phẩm tương tự của nhiếp ảnh gia phương Tây để giúp độc giả nước ngoài hiểu rõ hơn ý nghĩa xã hội của tác phẩm. Trên thực tế, các bức ảnh không mang tính liệt kê phân loại; mà có hàm ý rằng những căn nhà bị cắt làm đôi trong đây là một dạng tài sản thế chấp cho khoản đầu tư công. Những chi tiết nhỏ về đời sống dân cư ở những toà nhà phá dang dở này khiến người đọc càng tò mò về thực trạng.

  • Tuyển chọn bởi Callum Beaney

Notes 01 – 03

Notes được in risograph trên giấy trắng, mỗi ấn phẩm đựng trong một chiếc túi bóng mờ. Đúng như tên gọi, Notes là một loạt ghi chép chuỗi suy tư nảy sinh quá trình thực hiện một dự án lớn. 

Không theo cốt truyện hoàn thiện, các bức ảnh được in bằng mực đen tuyền lấm chấm đơn thuần thể hiện các quan sát và tò mò cá nhân của tác giả. Notes 3 đặc tả hình dáng và cấu trúc của cảnh quan; cho thấy tầng tầng lớp lớp sa mạc, bề mặt sần sùi của thực vật và đất đá, tiến tới lằn ranh giữa đất và trời. Với một cấu trúc tiến triển logic, cuốn zine trực quan và tuyệt đẹp.

Notes 2 lại tập trung khai thác sự nhìn và khoảng cách (những thuật ngữ này cũng chỉ phản ánh được một phần – hình ảnh ở đây không phải là biểu tượng và nên được nhìn nhận riêng biệt). Tại đây, những tấm hình chụp người đứng trên bục chiêm ngưỡng cảnh vật xuất hiện xen kẽ hình chụp mỏm đá giữa đại dương và những bông hoa mờ ảo, rồi cảnh tượng kinh hãi của một công nhân quan sát chiếc xe tải đang lao xuống triền núi dốc. Bức ảnh này đặc biệt gây ấn tượng về bố cục, có khả năng đứng độc lập và làm lu mờ các bức cạnh nó. Với vai trò như một “ghi chú” nhỏ trong cuốn “sổ ghi chép”, bức hình trở thành một điểm nhấn đầy sức nặng. 

  • Tuyển chọn bởi Callum Beaney

Georgina’s Facebook

Sid and Geri là một nhóm nghệ sĩ đến từ Đài Loan, sáng tác trên nhiều định dạng từ hoạt hình, video ca nhạc đến trưng bày sắp đặt. Ấn phẩm mang tên Georgina’s Facebook là phần tiếp nối chuỗi video Georgina’s Love Story – Mysterious Love Birds Trap, về chuyện tình giữa một nhân vật giả tưởng có tên Georgina – thực tế là búp bê tình dục mua từ sàn thương mại điện tử Taobao – và King, bạn trai của cô. Zine có bìa là hình khối gương mặt Georgina – một cách diễn họa châm biếm từ “facebook”, còn các bức chân dung sống động bên trong lại lấy cảm hứng từ trò chơi sưu tập thẻ bài phổ biến từ thập niên 90. Pha trộn các yếu tố hài hước và rùng rợn, tác giả đá xoáy công cuộc tìm kiếm tình yêu đích thực trong xã hội hiện đại – dù chưa biết điều ấy có tồn tại hay không.

  • Tuyển chọn bởi Liu Chao-Tze, đồng sáng lập Fotobook DUMMIES Day

Breakfast Shop Zine

Nghệ sĩ người Mỹ gốc Đài Priscilla Young theo đuổi niềm đam mê đồ ăn sáng Đài Loan trong ấn phẩm Breakfast Shop Zine. Từ khi đại dịch nổ ra, Young đã trở về quê nhà để cùng bố đi một chuyến “phượt” trải nghiệm các món ăn sáng trên toàn quốc. Cô ghi lại tất cả các món ăn và quán ăn đã ghé dọc đường, trong đó có những món quen thuộc như dan bing (bánh crepe trứng), fan tuan (xôi nếp nắm), cong you bing (bánh mì dẹp), cùng nhiều món đa dạng từ các vùng miền khác. Ẩm thực là nhân tố quan trọng cấu thành văn hóa, và các món ăn chính là cách chúng ta chia sẻ những ký ức tập thể. Cuốn zine nâng tầm vẻ đẹp của cuộc sống thường nhật, đồng thời đóng góp một phản hồi ý nhị tới phong trào Stop Asian Hate (Ngưng thù ghét người châu Á) bùng nổ tại Mỹ năm 2021.

  • Tuyển chọn bởi Liu Chao-Tze, đồng sáng lập Fotobook DUMMIES Day

Creations 1

Zines không phải lựa chọn hợp túi tiền duy nhất để sản xuất sách ảnh. Poster, bưu thiếp, tác phẩn điêu khắc mini, các tác phẩm gấp giấy phức tạp, cũng như một số vật phẩm thiết kế tinh tế khác, đều đã xuất hiện trên thị trường vài năm gần đây. Phần nhiều trong số này là các đồ tặng kèm khi mua zines, số khác – trong đó có Creations 1 của Abel Kleinblatt, được coi là một tác phẩm nghệ thuật bằng giấy độc lập. Creations 1 là một tấm poster khổ A3, một mặt có các dòng ghi chú viết tay và ảnh chụp công đoạn thiết kế và lắp ráp ván lướt sóng; mặt còn lại là ảnh tấm ván cùng một hình họa do tác giả thiết kế. Tấm poster được gấp gọn và nhét vào bao bì được in lụa, sau đó đóng gói trong một bì thư với tem thiết kế riêng. Một ấn phẩm thông minh và rất đáng săn lùng.

  • Tuyển chọn bởi Eugenie Shinkle

Tirakat

Trong ấn phẩm Tirakat (tên một nghi lễ cầu phước lành từ Chúa), nhiếp ảnh gia tái hiện cuộc sống bên trong một ngôi trường nội trú theo đạo Hồi. Anh thăm lại ngôi trường anh từng theo học ở Pati, một huyện nhỏ thuộc tỉnh Trung Java, Indonesia, để suy ngẫm về những không gian, tương tác, sinh hoạt và tri thức đã bồi tạo nên con người mình ngày hôm nay. Anh chụp các khoảnh khắc đầy ân cần và lồng ghép những dòng ghi chú viết bằng chữ pegon (tiếng Bahasa Indonesia viết theo hệ chữ Ả Rập) – một thói quen từ ngày còn đi học, để làm sống lại những trải nghiệm cá nhân của mình. 

  • Tuyển chọn bởi Kurnia Yaumil Fajar, đồng sáng lập nhà xuất bản SOKONG!

Lockdown Blues

Mực đen được sử dụng rất thường xuyên trong mấy năm gần đây; các trang in đen trắng với hình ảnh mờ đục, rời rạc, chìm trong một màn sương trừu tượng cứ nối đuôi nhau ra lò nhằm phục vụ một mỹ cảm có lẽ sinh ra từ ham muốn tìm cái đẹp trong sự trống trải của hiện tại. Cuốn zine của Kenrick ngả về cái trữ tình của buổi chiều tà – đường nét thoáng trông của hàng cây trụi lá, nhà cửa xô nghiêng, gầm trời thâm thấp của chiều đông, và hàng lỗ dập của phim 35mm. Được thực hiện tại quê nhà Ireland của tác giả trong những tuần đầu tiên của đợt phong tỏa vì COVID-19, tác phẩm mang trong mình dáng dấp của cuốn tiểu thuyết kinh điển Đồi gió hú.

  • Tuyển chọn bởi Eugenie Shinkle

Weathering

  • Freya Copeland & Youvalle Levy
  • Replika Publishing xuất bản năm 2020

Một trong những câu hỏi lớn nhất của nhiếp ảnh là việc con mắt mỗi người để ý tới cái gì – ta thường thấy những điều không hiển hiện với kẻ khác. Trong Weathering, bộ đôi tác giả Copeland và Levy trình bày góc nhìn song đối về môi trường đô thị thông qua các chủ thể thường bị lãng quên và những cuộc tản bộ lang thang không chủ đích. Hai nhiếp ảnh gia kết hợp tác phẩm theo một trình tự ra-vào như một bộ phim quay bằng một cú máy dài. Quan sát từng khung cảnh, người đọc có thể tưởng tượng mình đang dạo phố đêm ở chốn không tên tuổi, nơi đó có rác, gạch, cửa sổ, hàng rào, thanh chắn, cọc tiêu giao thông chất ngổn ngang. Các vật thể ấy lặp đi lặp lại, tạo cảm giác déjà vu rợn gáy. Đến cuối cùng, ta muốn trở về điểm xuất phát chỉ để sống lại giấc mơ đơn điệu, đơn sắc ấy một lần nữa.

  • Tuyển chọn bởi Andy Pham

Tied to Light Vol 1

Ấn phẩm có thiết kế ấn tượng này ra đời cuối năm 2021, do nhóm Tied To Light Collective hoạt động tại London thực hiện. Tied to Light Vol 1 bao gồm tác phẩm của 18 nghệ sĩ thực hành các quy trình nhiếp ảnh thể nghiệm, đồng thời lấy cảm hứng từ định dạng “triển lãm trong hộp” (exhibition in a box) đã trở nên phổ biến trong đại dịch. Ngoại hình khiêm tốn của zine khuyến khích độc giả tận hưởng niềm vui thú giản đơn từ việc lật mở, khám phá và nối ráp từng trang giấy. Tương tự cuốn brochure theo định dạng zine đã nhắc tới ở trên, Tied to Light Vol 1 cũng mang chức năng bổ trợ cho triển lãm – một ấn phẩm giới thiệu để khán giả cầm về, nhưng có giá trị độc lập với tác phẩm. 

  • Tuyển chọn bởi Eugenie Shinkle