Chiến tranh không lộ diện. Ít nhất thì không hiển hiện. Ảnh chụp những con người tại các giai đoạn khác nhau của cuộc đời mà gắn liền với chiến tranh theo mỗi cách riêng. Khi những hình ảnh chiến trường kinh điển đã xâm chiếm và định hình nhận thức tập thể về sự kiện thông qua tác động trực diện lên cảm xúc, cuốn sách Small Wars của An-My Lê đưa ra một cách thấy từ tốn, trầm lắng hơn.
Trong Small Wars (tạm dịch: Những cuộc chiến nhỏ), ta không chứng kiến những trận đánh. Ta theo dõi quá trình hồi tưởng, xử lý và tái dựng chiến tranh trong tinh thần. Ta không đối diện với chính cuộc chiến. Ta nghiền ngẫm hình dung của mình về nó.
Trải suốt một thập kỷ, Small Wars là cuốn sách tập hợp ba dự án của An-My Lê: Việt Nam, Small Wars, và 29 Palms. Trong Việt Nam, nhiếp ảnh gia quay trở về quê hương và khảo sát quá trình phục hồi của đất nước sau chiến tranh. Với Small Wars, cô theo chân những người Mỹ tham gia đánh trận giả với bối cảnh tái hiện chiến tranh Việt Nam. Bộ ảnh mới nhất, 29 Palms, mô tả quá trình tập trận của lính Mỹ để chuẩn bị tham chiến ở Afghanistan và Iraq.
Lật giở qua những trang sách, người xem di chuyển giữa ba thế giới khác biệt về khía cạnh thẩm mỹ cũng như tâm lý, đồng thời bổ sung cho nhau về cùng một chủ đề. Ba bộ ảnh chia sẻ sự tương đồng về hình thức: chúng cùng được chụp bằng film đen trắng khổ lớn. Sự thay đổi nằm ở góc nhìn và cách cô định hình phong cảnh, điều này có lẽ cũng thể hiện những biến chuyển trong cách nhiếp ảnh gia nhìn nhận chủ đề chiến tranh.
Những hình ảnh về Việt Nam nhẹ nhàng và lạ lẫm. Chúng dẫn dắt người xem vào một hành trình xuyên đất nước thời hậu chiến mà dường như không tuân theo trật tự nào về câu chuyện hay không gian địa lý.
Một ảnh chân dung chụp cô gái đeo chuỗi hạt cườm như một tấm “huân chương” của sự trong sáng và niềm hy vọng. Cô đội chiếc mũ cối quá khổ – vết tích còn lại của cuộc chiến mà cô mang theo mình trong cuộc sống hiện tại.
Trong một ảnh phong cảnh, người dân tụ tập trên một bãi đất trống, ngước nhìn những cánh diều nhoè mờ bay lượn trên không trung. Những cánh diều chao liệng không khỏi gợi liên tưởng tới những pháo đài bay một thời từng nghiền nát chính bầu trời ấy.
Một vài ảnh tĩnh vật khác hướng cái nhìn vào một khu rừng tươi tốt, hay một bộ bàn ghế đặt trong một căn phòng trống tại một nơi chốn không xác định.
Khung hình thường không sạch sẽ. Cũng không ủy mị hay nhiều suy tính. Có sự nhạy cảm trong cách lựa chọn bố cục. Nhưng không yếu tố nào thuần túy hình thức.
Cô xử lý chuyển động và ánh sáng một cách dịu dàng, linh hoạt. Theo cách mà nhiếp ảnh làm ngưng đọng những lát cắt thời gian, An-My Lê không vội vã chộp lấy thời khắc chớp nhoáng. Cô không tính toán thời điểm bấm máy như Henri-Cartier Bresson. Thực hành của cô từ chối tính tức thì và chủ nghĩa cơ hội táo tợn, mà là kết quả của một sự nhìn ngắm kéo dài, thận trọng, khiêm nhường. Trong đa số trường hợp, ánh sáng hướng sự chú ý của đôi mắt đều khắp bức ảnh. Không yếu tố nào được ưu tiên hơn. Đôi mắt ta lang thang trong khung hình, dạo qua từng chi tiết. Ta dành thì giờ diễn giải, chậm rãi cảm nhận, thong dong khám phá những điều được gợi mở trong ta.
Cách tiếp cận này phản ánh hành trình của An-My Lê khi trở về Việt Nam để tìm kiếm một lời đáp cho quá khứ. Hiện thực phơi bày trước con mắt/máy ảnh của cô không tương ứng với những gì đã hình dung. Cuối cùng, cô đã tạo ra “những tấm ảnh lấy thực tế làm mỏ neo cho tưởng tượng”. Đích đến mong đợi không phải những gì cô thấy, mà là sự thỏa hiệp giữa hiện thực và ký ức. Quá trình giảng hòa không diễn ra ngay lập tức trong hành động nhìn. Nó xảy ra trong tâm trí sau đó.
Việt Nam là bộ ảnh riêng tư nhất trong tuyển tập. Nó tái hiện cuộc tìm kiếm cá nhân nhằm bóc tách mối quan hệ của nhiếp ảnh gia với mảnh đất từng là quê hương nhưng giờ đã không còn. Chiến tranh không phải là chủ thể. Chiến tranh chỉ là một nhân tố xúc tác. Hành trình trở về Việt Nam, về bản chất, nhằm giải nghĩa hành trang cảm xúc của cô, thấu hiểu những gì đã diễn ra và còn tồn đọng trong ký ức.
Trong Small Wars và 27 Palms, chiến tranh phát triển thành một đề tài chủ đạo. Cái nhìn trong tâm trí nhiếp ảnh gia rời thế giới nội tâm để hướng sang người khác, chuyển từ tính chất hồi ký sang nghị luận. Sự kết hợp thật lôi cuốn. Việt Nam nhìn vào mắt những người Việt bình thường, những người đã trải qua và bước khỏi cuộc chiến. Bộ ảnh tiếp theo, Small Wars, kể về những người dân Mỹ dàn dựng chiến tranh Việt Nam trong bối cảnh khu rừng Virginia, để kéo họ lại gần hơn với Chiến tranh (hay để làm Chiến tranh xảy đến với họ). Trong 27 Palms, lính thủy đánh bộ Mỹ diễn tập trên sa mạc để chuẩn bị tiến tới một cuộc chiến tương lai mà họ chọn tham gia.
Song, những điều trên không phải Chiến tranh. Tất cả chỉ là những sự mô phỏng. “Khái niệm về những sự mô phỏng mà từng được coi là xa rời hiện thực, nhưng lại cho phép ta thấy và hiểu thực tế một cách sáng rõ và có lẽ, khách quan hơn.” Khoảng cách dường như là yếu tố then chốt, cả trên phương diện ý niệm và tinh thần.
Nghệ sĩ luôn giữ khoảng cách. Đôi khi ta bắt gặp một ảnh chân dung. Nhưng không ảnh nào chụp đặc tả, cỡ hình biểu lộ một sự xâm phạm không gian, một sự gần gụi vượt qua ranh giới giữa hai người xa lạ. Nghệ sĩ không đặt mình ở vị thế của người thông tỏ vấn đề. Cô không tìm cách gây bàng hoàng hay giận dữ, đưa ra tuyên bố, khơi gợi nỗi buồn, phẫn nộ, hay thương cảm. Cô chọn góc nhìn cá nhân nhưng không lấn át, nhạy cảm nhưng không đa cảm, khiêm nhường, không can thiệp.
Cách tiếp cận này phù hợp với lựa chọn film đen trắng khổ lớn. Theo lời tác giả, “khi xem một bức ảnh được phóng từ âm bản khổ 5 x 7 hay lớn hơn, ta cảm nhận được những luồng khí di chuyển giữa các vật thể và trong không trung”. Khoảng cách, bầu không khí và chiều sâu này góp phần hình thành nên tính tự nhiên dễ dàng lôi cuốn người xem, âm thầm lay động họ, và bao trùm lên tấm hình một tâm trạng suy tư. “Thế giới được nhìn qua lăng kính đơn sắc phần nào tách khỏi hiện thực, điều dường như phù hợp để gọi về ký ức hay làm mờ ranh giới giữa thực tại và hư cấu.”
Cuốn sách của An-My Lê có một điểm đặc biệt gây ấn tượng. Xâu chuỗi ba bộ ảnh được sáng tác độc lập nhưng đều hội tụ quanh một chủ đề, tuy không được sắp xếp theo trình tự thời gian chặt chẽ, người xem có cảm giác về một sự tiến triển không chỉ trong cách xử lý đề tài Chiến tranh, mà trong cả sự trình hiện mối quan hệ giữa con người và phong cảnh. Lần lượt qua ba dự án, phong cảnh không chỉ đóng vai trò như một thứ đạo cụ phục vụ cho tự sự của con người, mà ngày càng hiện lên như một chủ thể trọn vẹn.
Trong Việt Nam, thiên nhiên bao phủ sự sống. Cây chuyển động, lá chập chờn, cỏ rung rinh. Thiên thiên kề vai sát cánh với con người trong nỗ lực tái sinh. Trong Small Wars, những khu rừng sum suê ôm trọn những ai trong đó. Thiên nhiên hoang dã ẩn hiện. Thiên nhiên có thể trở thành đồng minh hay kẻ thù. An-My Lê hồi tưởng, “Trong quá trình làm việc với những người Mỹ tái hiện Chiến tranh Việt Nam, tôi bị cuốn hút bởi tầm quan trọng của cảnh quan về mặt ý nghĩa chiến lược. Mỗi đỉnh đồi, mỗi khúc cua, mỗi bụi cây và cánh đồng đều tiềm tàng khả năng cho một trận phục kích, một đường thoát, hay một khu cắm trại”. Cuối cùng, trong 29 Palms, sự tĩnh lặng ngự trị. Hành động của con người bị nuốt chửng giữa tự nhiên mênh mông choáng ngợp. Từ xa, ta quan sát những đoàn xe tăng băng qua sa mạc. Xe tăng theo cách diễn giải thông thường là những vũ khí tử thần hung hãn, giờ chỉ chiếm một góc nhỏ trong toàn bộ khung hình. Những tảng mây lơ lửng trên trời và khoảng rộng của sa mạc mới lấp đầy tầm nhìn của ta.
Một khi thấm thía sự lớn lao của tự nhiên, tâm trí ta bắt đầu nhận ra hành vi chiến tranh của con người là phi lý. Ở tầm vĩ mô của vạn vật, hàng năm hay hàng thập kỷ sau, những ngọn núi vẫn còn đó sừng sững và bình thản, sa mạc vẫn trải rộng tĩnh lặng và sục sôi, những cuộn mây trắng vẫn sẽ lững lờ trôi ngang bầu trời. Nhưng chúng ta, con người và những cuộc chiến, sẽ lùi vào hư vô. Thiên nhiên, tập hợp những sinh thể cổ xưa đã chứng kiến biết bao thăng trầm của loài người, tử chiến và cách mạng, hủy diệt và hồi sinh, sẽ mãi trường tồn theo cách bền vững hơn chúng ta từng biết khao khát cho mình.
Small Wars là một cuốn sách đặc biệt. Nó ngợi ca sự giản dị. Hình thức ưu tiên lột tả nội dung. Nó đặc biệt khiêm nhường, một điều nay thật hiếm hoi trong thời đại nhiếp ảnh đã bão hòa bởi sự dư thừa và dễ dãi, theo phong trào mà Susan Sontag gọi là “chủ nghĩa tiêu thụ thẩm mỹ.” Càng để cuốn sách nó âm ỉ trong sâu thẳm, tôi càng cảm nhận sự lặng yên, sâu lắng gợn sóng hòa vào những dòng nhận thức của mình.
Dù được xếp vào thể loại sách ảnh báo chí, Small Wars không đơn thuần tường thuật. Hình ảnh không đóng vai trò như những chiếc “hộp thời gian” lưu giữ tư liệu những sự kiện đã xảy ra. Có lẽ chúng giống những minh chứng của tư tưởng. An-My Lê không coi nhiếp ảnh như tấm gương phản chiếu hiện thực. Cô đặt hiện thực trong ảnh như một tấm gương phản chiếu tâm hồn của chính mình, và của chúng ta.
*Nguyên tác tiếng Anh do Nguyễn Phương Thảo chuyển ngữ.
An My Lê nổi tiếng với những bức ảnh giàu lớp nghĩa chụp phong cảnh biến đổi do chiến tranh và hoạt động quân sự, xoá nhoà ranh giới giữa sự thật và hư cấu. Là người Việt tị nạn tại Mỹ từ năm 1975, cô chủ yếu sáng tác về chủ đề chiến tranh và sự dịch chuyển. Cô bắt đầu cộng tác với trường đại học Bard College từ năm 1998 và hiện đang làm giảng viên khoa nhiếp ảnh. Tác phẩm của An-My Lê đã được triển lãm tại nhiều bảo tàng, bao gồm Museum of Modern Art, MoMA PS1, Metropolitan Museum of Art, Museum of Contemporary Photography, Chicago, và San Francisco Museum of Modern Art.