Khi tham dự buổi nói chuyện của nhiếp ảnh gia (NAG) người Ý Fulvio Bugani, người xem không chỉ thán phục công sức 10 năm để thực hiện bộ ảnh mà còn ấn tượng với ý đồ xử lý tạo hình trong những bộ ảnh mang tính xã hội cao của anh. Tôi không khỏi trầm trồ về mặt hình ảnh với bố cục mảng miếng chia đôi, chia ba khuôn hình hoặc chủ thể nằm giữa khuôn hình – một điều ít thấy trong ảnh của những NAG Việt Nam. Những bức ảnh sử dụng những bóng tối chia khuôn hình thành nhiều mảng khác nhau, giữa chúng có sự tương phản hoặc tương hỗ được liên kết chặt chẽ bởi ánh sáng, màu sắc hay hướng nhìn nhân vật.
Phần trao đổi có rất nhiều câu hỏi đặt ra cho Fulvio, đa phần là dùng lens gì, mang mấy lens, có set up không hay sao không áp dụng quy tắc 1/3 vào bố cục. Có thể nói đây chính là những mối quan tâm hàng đầu của các tay máy ở ta – cả người mới chơi hay đã chụp lâu năm, mặc dù biết người mình hỏi là một phóng viên ảnh. Tôi tự hỏi: Sao cứ mãi quẩn quanh trong những quy tắc?
Khi đi xem và chụp ảnh, nhiều người cũng cố gắng đi tìm quy tắc 1/3 và lấy đó làm tiền đề cho việc xử lý bố cục cho bức ảnh của mình. Và tất nhiên chủ thể được sắp xếp ở vị trí “điểm mạnh” hoặc “điểm vàng” nào đấy trong khuôn hình đa phần sẽ tạo ra một bức ảnh rất hiền hòa, sạch sẽ, gọn gàng. Không thể phủ nhận rằng trong một số ngữ cảnh, quy tắc này mang lại hiệu quả hình ảnh tích cực nhất định. Tuy vậy, quanh trong những quy tắc, cùng với phong trào sáng tác tập thể, mong muốn tạo ra một bức ảnh thể hiện được cái nhìn riêng, sự ấn tượng là rất khó. Điều này có thể thấy rõ ở các cuộc thi ảnh, nơi hình thù của những bức ảnh thường mang tính tập thể rất cao.
Quay lại với ảnh của Fulvio, hai bộ ảnh chụp Cuba bao gồm những màu sắc rực, những mảng tối và những sự thay đổi trạng thái trên khuôn mặt. Cảm nhận của tôi là NAG quá giỏi trong việc sử dụng khoảng trống trong không gian ảnh. Nếu như nhiều NAG Việt Nam thấy khoảng trống là cắt để tạo nên bố cục chặt chẽ cho bức ảnh, thì Fulvio Bugani sử dụng khoảng trống để tạo thành ngôn ngữ chuyển tải những thông điệp của mình.
Ở bộ ảnh đầu tiên, những khoảng trống từ những mảng tối của ảnh tạo cho người xem một sự hiếu kỳ, tò mò muốn tìm hiểu xem mảng tối đó bao trùm những gì? Mảng sáng là những con người với màu sắc rực rỡ, vậy mảng tối có phải là phần nghèo đói, cũ kỹ, bao cấp ở Cuba đã đóng khung những con người với màu sắc rực rỡ ấy không? Sự tương phản và những khoảng trống ấy kích thích người xem vô cùng.
Bộ ảnh thứ hai Fulvio chụp đất nước Cuba thay đổi qua chân dung con người gắn với bối cảnh mà họ sống. Ông sử dụng cỡ cảnh tương đối rộng, điều này làm chủ thể trong bức ảnh hiện lên khá nhỏ và tạo ra khoảng trống lớn trong bức ảnh. Lần này những khoảng trống này không sử dụng phần đen che đi nữa, mà phơi bày sự nghèo đói, cũ kỹ, lạc hậu. Và người được chụp dường như nhỏ bé hơn và cô đơn hơn trong không gian mà họ đang sống.
Cả hai cách sử dụng khoảng trống ấy đều có giá trị tạo ra những sự tương phản hoặc đồng điệu, nhằm chuyển thông điệp mạnh mẽ của NAG.
Những nguyên tắc tạo hình cơ bản vô cùng cần thiết cho người chụp, tuy nhiên trong quá trình chụp ai cũng cần áp dụng linh hoạt và mày mò để tạo ra chất riêng của mình. Cũng giống như từ vựng là chung, nhưng viết một bài văn như thế nào là do cách sử dụng từ ngữ ở mỗi cá nhân, và cái chính là nhằm diễn đạt điều gì, có tạo được cảm xúc cho người xem hay không? Sự sắp xếp các yếu tố tạo hình trong xử lý bố cục luôn hướng tới một hình thức phù hợp nhằm chuyển tải nội dung. Mà tạo hình nhiếp ảnh bao gồm rất nhiều yếu tố, đâu chỉ là vị trí ở “điểm vàng”. Nhiều nhà nhiếp ảnh, trong quá trình xử lý bố cục chia hai cạnh khuôn hình ra làm ba phần bằng nhau, rồi đưa chủ thể vào giao điểm của các đường chia ấy. Có những nhà nhiếp ảnh quy lại thành vài loại chữ cái… Thế nhưng sáng tạo là thế giới vô hạn, phương pháp bố cục là sự tổng kết kinh nghiệm hữu hạn. Vì vậy, điều đầu tiên là nghĩ đến hình tượng, rồi đưa ra một ý đồ tạo hình hợp lý chứ không phải bắt đầu tư duy từ quy tắc bố cục.