Ngày 28/7 vừa qua, triển lãm Tình yêu và Khao khát giám tuyển bởi Zhuang Wubin đã khai mạc tại quán cafe nghệ thuật Puppets Platform, bất chấp sự thay đổi đột ngột về địa điểm. Tám tác phẩm trưng bày trong triển lãm là dự án của tám học viên trong các workshop mà cây viết / học giả người Singapore thực hiện tại Việt Nam từ năm 2013 tới nay. Tình yêu và Khao khát đi sâu vào khám phá ham muốn sáng tác – một lực đẩy để dấn thân, lùng sục, phơi bày để kể câu chuyện của chính mình hay kẻ khác.
Hành trình khám phá tình yêu và những khát vọng sâu kín của các tác giả trẻ được thể hiện chủ yếu qua ảnh chân dung. Dễ dàng nhận thấy rằng trong những câu chuyện cá nhân, tác giả đều tìm cách đưa bản thân mình vào ảnh. Dù là loay hoay tìm nơi thuộc về khi quay lại quê hương như Hoàng Nguyễn, thể hiện những trăn trở trước tiêu chuẩn xã hội áp đặt lên người phụ nữ gần chạm ngưỡng cửa tuổi 30 như Mai Phạm, nỗ lực thoát khỏi những ràng buộc phải hy sinh như bà ngoại mình của Hoàng Minh Trang, hay công cuộc tìm cách kết nối với anh trai đã bỏ nhà ra đi từ nhỏ của Lê Xuân Phong, họ đều sử dụng chân dung tự hoạ, xoá nhoà ranh giới giữa tác giả – chủ thể hay tính “khách quan” vốn thường được gắn với nhiếp ảnh.
Điều thú vị ở Tình yêu và Khao khát là các tác giả trẻ sẵn sàng thể nghiệm với nhiều phương thức trình bày khác nhau, có thể kể tới sách ảnh làm bằng tay hay tác động trực tiếp lên bản in. Cuốn sách cắt dán tự làm có tên “Tin nhắn từ Mẹ” là những lời nhắn nhủ qua lại đầy thân thương giữa Nguyễn Uyên Minh và người mẹ với cuộc hôn nhân đổ vỡ. Cô kể lại những kỷ niệm thời thơ ấu khi mẹ luôn lo lắng từng bữa ăn cho mình, khi mẹ có lần quên đón cô khi tan học, khi lần đầu nhìn thấy tờ đơn ly dị trong ngăn kéo mẹ, hay lần đầu chụp ảnh cùng mẹ và thấy mẹ cười. Sự kết hợp giữa ảnh trên giấy can, chữ viết tay và lá cây ép dán bằng băng urgo tạo ra những hình ảnh nhiều lớp đa nghĩa, đồng thời giữ cảm xúc của người đọc chầm chậm theo giọng kể của cô con gái khi lật giở từng trang nhật ký.
Không hẹn mà gặp, yếu tố gia đình đóng vai trò quan trọng trong phần lớn các tác phẩm trong triển lãm – có lẽ bởi đó là nơi ta học bài học vỡ lòng về tình yêu. Trong đó, ký ức và kỷ niệm là chủ đạo và phân nửa tác giả đã sử dụng ảnh gia đình trong dự án của mình. Điển hình có Quỳnh Lâm với dự án “Mnemonics” sử dụng hoàn toàn ảnh chân dung cũ cô bất ngờ tìm được từ một “rương kho báu” người nhà để lại, khắc hoạ hành trình tìm lại một phần lịch sử của gia đình bị quên lãng. Trong câu chuyện nhỏ của một gia đình di cư từ Bắc và Nam trước năm 1954, cô hy vọng tìm hiểu về một cốt truyện chung của sự đứt gãy thế hệ do biến động lịch sử. Khi đưa ra những ham muốn, nỗi đau và hồi ức rất riêng này, có lẽ các tác giả phần nào mong muốn người xem có thể tìm được mình ở đâu đó – bởi tình yêu và mất mát ở đâu cũng khác và cũng giống nhau.
Tuy những dự án ảnh trong triển lãm phần nhiều là tác phẩm đầu tay và chưa thể nói là đột phá về mặt ý tưởng hay cách thể hiện, không thể phủ nhận nỗ lực tự thân từ phía giám tuyển Zhuang Wubin khi tổ chức triển lãm độc lập lần này để đưa chúng đến với khán giả. Như ông đã chia sẻ trong phần giới thiệu triển lãm, “đây là thời điểm thích hợp để dừng lại và chiêm nghiệm – để đánh giá xem một số người trong số [các học viên] đã phát triển việc làm nghệ thuật như thế nào và khuyến khích họ tiếp tục sử dụng nhiếp ảnh như một phương tiện điều tra”. Những sự kiện như triển lãm Tình Yêu Và Khao Khát cần có chỗ đứng riêng của nó, để các nhiếp ảnh gia trẻ có đầu ra cho tác phẩm độc lập của mình, để công chúng có nhận thức rõ ràng hơn về sự đa dạng vốn đã tồn tại trong những cách thực hành nhiếp ảnh ở Việt Nam.
Tình yêu và Khao khát: Triển lãm tái hợp
Thời gian: 29/07 đến 12/08/2018
Địa điểm: Puppets Cafe, Hà Nội
Miễn phí vào cửa.