Makét 02

Roots & Worlds – Qua Hòn Rái Lại Hòn Nghê

Chậu cảnh hình nghê bằng đất nung, thế kỷ XIX, trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Photo © Le Xuan Phong for Matca

BÀI VIẾT THUỘC KHUÔN KHỔ UK/VIET NAM SEASON 2023 DO HỘI ĐỒNG ANH TÀI TRỢ

Trên hành trình đi về phương Nam, người Việt đã in dấu những bước chân, lưu lại con mắt mình qua những tên gọi. Cái tên là những âm thanh được vang lên bất chợt từ một ai đó, nhưng dần được mọi người chấp nhận, rồi dần dần đi vào sách vở, được ghi bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Theo thời gian, có nhiều địa danh bị thay mới nên ngay đến bậc danh sĩ, học sâu, biết rộng như Lê Quý Đôn cũng có chỗ còn không biết1. Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam, làm sao biết hết được bao nhiêu tên làng tên xóm, tên núi tên sông. Từ cảnh sắc tuyệt đẹp tới tên gọi rất lạ lùng, Hòn Rái và Hòn Nghê là hai danh thắng mà tôi ao ước có một ngày được đặt chân tới. 

Hiện tượng đặt tên địa danh theo tên các loài vật mách bảo ta biết thêm nhiều điều. Một nghiên cứu trong cuốn chuyên khảo Fierce lions, angry mice and fat-tailed sheep: Animal encounters in the ancient Near East (2021) cho thấy nhiều địa danh thời cổ đại ở vùng Cận Đông có liên quan đến những loài động vật phổ biến sinh sống tại đây như sư tử, chuột và cừu2. Các tác giả đi tới một nhận xét thú vị là: sự tương tác giữa con người – động vật – môi trường buộc chúng ta thay đổi cách nhìn về các giống loài động vật, vì chúng là những tác nhân gắn liền với văn hóa của các cộng đồng. Thế nhưng, cũng có trường hợp sư tử – tên gọi loài vật này xuất hiện trên nhiều miền đất mà sư tử chưa từng in dấu. Hiện tượng này có thể tìm thấy nhiều ví dụ ở Việt Nam. Đông Dương từ xưa tới nay không phải là vùng đất tự nhiên có sư tử sinh sống, nhưng lại có tên Simhapura (hoặc Sinhapura, nghĩa là đô thị Sư tử) là kinh đô của Chăm Pa thời kỳ Lâm Ấp. Cũng tương tự như chưa ai thấy rồng (long) nhưng vẫn có địa danh Hạ Long, Bái Tử Long, Long An…

Theo bộ bách khoa toàn thư tiếng Anh Britannica, nghiên cứu về tên địa danh (toponymy) cũng có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về lịch sử của một địa điểm, qua đó khám phá thông tin quan trọng về lịch sử định cư và sự phân tán dân số, những thay đổi tôn giáo, tín ngưỡng cùng biến chuyển của ngôn ngữ. Tại Việt Nam, việc khảo cứu tên địa danh ít người làm, càng không được đẩy tới một lĩnh vực khoa học. Khảo cứu về những tên địa danh cổ của người Việt được chép trong sách Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, thiên Thay đổi địa danh, tuy nhiên thiên này cũng không nhắc đến tên các loài vật.

Hình ảnh con nghê trong Quốc văn giáo khoa thư. Photo © Le Xuan Phong for Matca
Sư tử chùa Bà Tấm, Hà Nội, thế kỷ XI, hiện vật phục dựng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam / Tượng nghê gỗ tại Đình Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Photo © Le Xuan Phong for Matca

Chuyện hòn Rái

Hòn Rái, còn gọi là Hòn Sơn Rái, liên quan đến hệ sinh thái văn hóa người Việt cổ – văn hóa duyên hải. Dọc bờ biển Việt Nam còn có nhiều địa danh liên quan tới sự xuất hiện của loài rái cá, như vịnh Gành Rái (nay thuộc Vũng Tàu), Hang Rái (biển Ninh Thuận) tương truyền khi xưa có nhiều loài rái cá biển sinh sống, hay hòn Sơn Rái (Kiên Giang) gắn với giai thoại rái cá cứu vua. Do là khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi phải trốn ra đảo, trong lúc đói khát thì được rái cá mang cho tôm cá ăn mà thoát chết. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, nhớ lại thủa hàn vi bôn ba đã quay lại đảo cũ, phong cho loài rái cá ở đây tước Lang lại tướng quân và đặt cho đảo tên gọi Hòn Sơn Rái. Cho đến hôm nay, suốt một dải duyên hải từ Liêu Ninh, Phúc Kiến, Quảng Châu (Trung Quốc) qua Việt Nam, tới Indonesia vẫn là môi trường sinh sống của nhiều loài rái cá. Hiện tại, do những thay đổi về khí hậu và nạn săn bắn của con người mà loài rái cá biển hầu như vắng bóng. May mắn là Vườn quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh) vẫn còn bảo tồn được loài rái cá sinh sống ở vùng ngập mặn.

Rái cá xuất hiện nhiều trong nghệ thuật Đông Sơn – nghệ thuật của người Việt cổ. Vùng duyên hải, nơi sinh sống của người Việt cổ có nhiều loài rái cá sinh sống. Người Đông Sơn mô tả rái cá có những kiểu dáng như trên trống đồng Hòa Bình, trống Miếu Môn, trống Phú Xuyên, trống Yên Lập, giáo đồng Đông Sơn…, mặc dù tạo hình đơn giản, thiên về khái lược nhưng vẫn bắt đúng đặc tính hình dạng của loài vật đó. Rái cá là loài vật lưỡng cư, sống ở cả môi trường nước ngọt và nước mặn và có biệt tài bắt cá. Gắn bó với môi trường sông nước, người Đông Sơn so ước mình được giống như loài rái cá giỏi bơi lội và giỏi bắt cá. Thành ngữ “Có phúc sinh con hay lội, có tội sinh con hay trèo” thể hiện tâm thức này. Rái cá được nhà nghiên cứu Tạ Đức xây dựng thành một trong những vật tổ của người Đông Sơn. Căn cứ vào hệ thống đồ án, hình ảnh rái cá có thể chưa phải là vật tổ Đông Sơn, nhưng đó là loài vật nhận được sự ngưỡng mộ của đông đảo. Cũng theo Tạ Đức, danh tướng Yết Kiêu có thể là tên gọi ám chỉ loài rái cá. Yết Kiêu theo bộ từ điển cổ Nhĩ Nhã là chó mõm ngắn, mà rái cá cũng được ám chỉ là loài chó nước.

Tượng nghê đá tại đền thờ vua Đinh – Lê thuộc quần thể di tích Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Photo © Le Xuan Phong for Matca

Từ góc nhìn mô-típ sinh nở thần kỳ trong văn học dân gian, công trình nghiên cứu của học giả dân tục học Chung Kính Văn (Đại học Bắc Kinh) đã phát hiện ra sự tương đồng thú vị giữa truyền thuyết về các vị hoàng đế nhà Thanh Thái Tổ, Tống Thái Tổ so với Đinh Tiên Hoàng: cả ba đều là người con của rái cá và đều đã trở thành hoàng đế4. Câu chuyện về Đinh Tiên Hoàng đế là đứa con của rái cá đương nhiên rất khó nghe với cái tai của các sử quan Nho gia. Dẫu vậy, nó vẫn được ghi vào trong cuốn sách Công dư tiệp ký của một vị Đông các học sĩ lúc thanh nhàn. Câu chuyện đượm màu huyền thoại về người cha là rái cá của Đinh Tiên Hoàng đế cho thấy sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, tâm lý sùng bái rái cá của người Việt vẫn không hề suy giảm. Sự trở lại của những giống sinh vật đại dương trên bộ Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn là sự trở lại của tâm thức biển của người Việt, tiếc rằng hình ảnh rái cá không còn thấy nữa.

Chuyện hòn Nghê

Hòn Nghê nằm ở phía đông bán đảo Sơn Trà, là điểm đón bình minh đẹp bậc nhất của Đà Nẵng. Sở dĩ được gọi tên là Hòn Nghê  hay Mũi Nghê xuất phát từ hình thù của ngọn núi giống như một con nghê nằm quay đầu vào núi đá, hướng thân ra biển. Qua cách gọi này, ta có thể dám chắc những người Việt đầu tiên đã thốt lên một cách kinh ngạc, ồ con Nghê. Vậy con Nghê là con gì, vì sao ông cha ta lại lấy tên loài linh thú này đặt tên cho mỏm núi đó mà không phải là hòn Cẩu, hòn Khuyển hay hòn Chó. 

Nghê là con vật linh, có liên quan tới loài động vật có thật ngoài đời. Nghê chính là sư tử thiêng, một cách gọi cổ xưa. Huỳnh Tịnh Của đã định nghĩa trong Đại Nam quốc âm tự vị: “Nghê, loài thú giống sư tử”. Toan Nghê cũng được mô tả trong Nhĩ Nhã của Trung Hoa: ngày đi năm trăm dặm, nuốt chửng được hổ báo.

Nhưng nghê ngay từ đầu đã không phải là sản phẩm của Hoa Hạ. Thực chất, Toan Nghê được nhắc tới trong sách Nhĩ Nhã có nguồn gốc từ /suangi/ trong cổ ngữ Ấn Độ, sau đó biến thành /sarvanai/ trong ngôn ngữ cổ người Scythians vùng Trung Á. Cuốn Korean Theatre: From Rituals to the Avant-Garde (2015, tr.20) đã nói rõ nguồn gốc của điệu múa Nghê ở Hàn Quốc: “Sanye, một điệu nhảy sư tử có nguồn gốc Tây Á hoặc Ấn Độ, rất có thể được thực hiện để thúc đẩy sự truyền bá của Phật giáo vì sư tử thường được liên kết tượng trưng với Phật giáo ở châu Á. Nhiều người châu Á tin rằng con vật hung dữ này được cho là đại diện cho người hầu cận của Đức Phật hoặc hình ảnh sống của chính Đức Phật.”5

Chạm khắc gỗ thể hiện hình tượng các linh thú tại đền thờ vua Đinh – Lê thuộc quần thể di tích Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Photo © Le Xuan Phong for Matca

Cao tăng Huệ Lâm thời Đường nói: Toan nghê tức là sư tử, đến từ Tây Vực. Bài Phú sư tử thời Đường giải thích sư tử ở vùng nam Côn Lôn là mãnh thú thuộc tộc linh nghê. Chính những kiến giải này giải thích việc hình dung, tạo tác nghê giống với sư tử. Sự hiện diện của Nghê là một chỉ dấu quan trọng cho mối liên hệ tưởng như rất xa xôi của Ấn Độ và Trung Á với Việt Nam xưa.

Khi theo chân người Tây Vực tới đất Việt đầu công nguyên, Toan Nghê vẫn còn dáng vẻ dữ tợn. Nhưng kể từ khi được Phật giáo thu nạp vào Phật điện, Toan Nghê dần biến hình đổi dạng thành một con chó quẩn quanh bên đức Phật hay các vị bồ tát. Trong nghệ thuật Phật giáo, kim nghê là vật cưỡi của Văn Thù Bồ Tát. Trong phong cách nghệ thuật Pala (750–1161), hình sư tử biến dần thành chó, có lẽ từ đây có tên Fo dog – chó nhà Phật. Từ Toan Nghê cũng dần được Việt hóa, chỉ còn gọi là Nghê. Trên tấm bia Minh Tịnh tự bi văn thời Lý còn gọi là Sư tử Nghê, nhưng sang tới thời Trần và sau này chỉ còn gọi là Nghê.  

Con Nghê từ cửa Phật lan cả sang đình, đền, miếu. Nghê đi vào ca dao tục ngữ, thơ văn thời Trung Đại. Dân gian có câu “Cười như Nghê” hay “Làm phượng thì múa làm Nghê thì chầu”. Trong không gian của Nho giáo, Nghê thường được khắc họa với tư thế ngồi chầu bên rìa. Cổng Đại Thành môn ở Văn Miếu – Quốc Tử giám cũng có hai đôi Nghê chầu. Cái phận Nghê nhìn theo góc nhìn Nho giáo như đám thư lại. Nguyễn Công Trứ có bài vịnh rất hóm trả lời bài thơ “Than nghề” của Tri phủ Quốc Oai Nguyễn Quý Tân. Qua đó có thể thấy Nghê là linh vật được người Việt nhân cách hóa mạnh mẽ nhất, gửi gắm nhiều mong ước, tâm sự nỗi lòng nên cũng đủ đầy cung bậc ái ố hỷ nộ…

Tám vạn ngàn tư thứ ngỗng nghề
Thứ nghề áo mũ thứ nghề nghê!
Mày râu ngẫm lại lòng thêm hổ,
Thư kiếm sao đành dạ bỏ bê.
Xanh đỏ rẻ cùi khoe tốt mã
Phong lưu khỉ gió hót đầy sề
Xin đừng giở thói văn chương nữa
Bán chó sao ngoài lại thủ dê?6

Toàn cầu hóa hiện nay ở Việt Nam diễn ra hai thái cực Tây hóa và Hán hóa. Làng đá mỹ nghệ Ngũ Hành sơn nhan nhản sư tử Tây dương và sư tử Minh Thanh. Một nghệ nhân đá đất Quảng từng trả lời báo chí rằng ông không biết con nghê là con gì. Nhưng nếu hình tượng con nghê không phổ biến thì sao bán đảo Sơn Trà ở gần đó lại có Hòn Nghê?

Tượng nghê gỗ tại Đình Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Photo © Le Xuan Phong for Matca

Trong Quốc văn giáo khoa thư, sách dạy trẻ tập đọc chữ quốc ngữ xuất bản lần đầu năm 1926, tiêu chí văn hóa được lồng ghép khá rõ nét trong hệ thống hình minh họa, qua đó bức tranh toàn cảnh về cảnh vật, con người Việt Nam hiện lên hết sức sinh động. Để hướng dẫn học sinh đọc được âm [ngh], ban biên soạn đã chọn hình ảnh con nghê, dạng nghê thường ngồi chầu trước cổng đình chùa đền miếu. Nhìn lại 100 năm trước, hầu như tất cả những đứa trẻ Việt quen thuộc với con nghê trên cổng làng, trên trụ biểu đình chùa, đền, miếu, trên hương án, trong những mảng chạm vì nóc, từ bẩy hiên cho tới tận hậu cung các ngôi đình. Thực ra con nghê vẫn ở đó sau 100 năm, chúng không đi đâu cả. Chúng chỉ bị bỏ ra khỏi các cuốn sách giáo khoa mà thôi.

Tạm kết

Tôi nhớ lại một kỷ niệm lúc tuổi choai choai, một mình đi bộ trong đêm, vượt qua cồn cát, ruộng dưa, qua rừng tràm gió đi ra bờ biển, đánh một giấc khoan khoái để chờ bình minh. Lần đầu tiên trong đời, tôi được biết thế nào là bình minh trên bờ biển. Tôi ao ước được một lần thức dậy ở Hòn Nghê, Hòn Rái. Tôi đinh ninh dù màu nắng, mùi gió ở có khác, nhưng cái cảm giác thân thương, gần gũi từ cái tên một âm tiết nghe rất cộc. Từ Bắc vào Nam rải rác những Hòn Gai, Hòn Hòn Ngư, Hòn Rơm, Hòn Hèo, Hòn Nhạn, Hòn Thơm…, hình như đấy là cách gọi cổ sơ của cư dân Việt Mường, chỉ nghe thôi đã thấy đầy thương mến. Những địa danh có hai, ba âm tiết liên quan đến lớp văn hóa Hán Việt, Chăm Việt. Việt Nam là quốc gia gắn chặt với biển, bóng dáng của biển xuất hiện trong huyền thoại Rồng – Tiên. Những mỏm núi con sông vùng duyên hải phản ánh rõ nét hệ sinh thái, địa chính trị và cả những biến động thời cuộc. Tên một vùng đất mới có thể tình cờ được xướng lên, nhưng khi được lưu truyền từ đời này qua đời khác, nó phụ thuộc vào tâm thức bền chặt của cộng đồng. Có những tên thoạt nghe rất lạ, chẳng qua vì chúng ta đã ở xa tiền nhân, đã đến lúc xách bô lên đường trở về với cội nguồn dân tộc.


1. Nhà bác học Lê Quý Đôn là người làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, thời Lê Trung hưng. Trong lần đi sứ, quan Đề học tỉnh Quảng Tây là Chu Bội Liên có hỏi về tên địa danh Chiểu Lăng nước ta thuộc tỉnh nào, đạo nào. Cụ Lê Quý Đôn không nhớ ra, khi trở về, tìm hỏi thì đó chính là huyện Diên Hà quê nhà. Câu chuyện nhỏ về bảng nhãn Lê Quý Đôn, nhà bác học lớn đương thời có thể an ủi phần nào chúng ta.
2. Dirbas, Hekmat (2021). “Animal names in Semitic toponyms”. In L. Recht & Ch. Tsouparopoulou (eds.), Fierce lions, angry mice and fat-tailed sheep: Animal encounters in the ancient Near East. Cambridge, p.103-11.
3. Tạ Đức (2013). Nguồn gốc người Việt – người Mường, NXB Tri Thức.
4. Theo GS. Kiều Thu Hoạch, đề tài “Nơi phát sinh truyền thuyết con của con Rái cá “Lão lại (thát) trĩ”” của Chung Kính Văn 鍾敬文 có lẽ là công trình nghiên cứu so sánh típ truyện dân gian sớm nhất giữa Việt Nam với Triều Tiên và Trung Quốc. Ở Việt Nam, có thể tìm đọc công trình này tại Kho sách Nhật văn, Viện thông tin Khoa học Xã hội.
5. Cho, Oh Kon (2015). Korean theatre: From rituals to the avant-garde. Fremont, California: Jain Publishing Company.
6. Nguyễn Viết Ngoạn (2002). Nguyễn Công Trứ, tác giả – tác phẩm – giai thoại, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr.433.