Makét 02

Roots & Worlds – Chương Trình Thực Nghiệm Nhiếp Ảnh

CHƯƠNG TRÌNH THỰC NGHIỆM NHIẾP ẢNH DO IC VISUAL LAB VÀ MATCA ĐỒNG THIẾT KẾ VỚI SỰ THAM GIA CỦA CÁC CHUYÊN GIA KHÁCH MỜI TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ

  • Chương trình hoàn toàn miễn phí, kéo dài từ tháng 9-11.2023, diễn ra trên nền tảng trực tuyến, tiếp nối bởi Creative Lab và mở xưởng tại Hà Nội
  • 8 nhiếp ảnh gia được chọn sẽ nhận hỗ trợ chuyên môn và phí sản xuất 6,000,000 đồng để sáng tác về chủ đề những cuộc gặp gỡ sinh thái

CHƯƠNG TRÌNH THUỘC KHUÔN KHỔ UK/VIET NAM SEASON 2023 DO HỘI ĐỒNG ANH TÀI TRỢ

Roots & Worlds (tạm dịch: Những Gốc Rễ & Những Thế Giới) là chương trình thực nghiệm nhiếp ảnh do tổ chức IC Visual Lab và Matca đồng thiết kế.

Chúng tôi kêu gọi các nhiếp ảnh gia từ khắp Việt Nam ứng tuyển để chọn ra 8 ứng viên phù hợp nhất tham gia sáng tác về chủ đề những cuộc gặp gỡ sinh thái.

Chương trình kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11.2023, diễn ra trên nền tảng trực tuyến, tiếp nối bởi Creative Lab kéo dài 5 ngày tại Hà Nội, cuối cùng là một sự kiện mở xưởng trưng bày tác phẩm tại Không gian Nhiếp ảnh Matca. Song song với khoá học, những bài viết và buổi trò chuyện chuyên đề sẽ được giới thiệu tới công chúng nhằm tiếp tục mở rộng đối thoại.

Roots & Worlds là mô hình giáo dục nghệ thuật lấy sự cộng tác làm trung tâm. Những nhiếp ảnh gia trẻ sẽ được hỗ trợ về mặt tài chính và chuyên môn để phát triển thực hành sáng tạo của mình, coi hình ảnh là công cụ để đào sâu những mối quan tâm riêng trong xã hội đương đại. Chương trình mong muốn thúc đẩy kết nối liên ngành thông qua các đóng góp từ những nhà nghiên cứu, cây viết và nghệ sĩ đa dạng trong nước và quốc tế.

Fig 1
Fig 2
Fig 3
Fig 4
Fig 5
Fig 6
Fig 7

điều kiện và cách ứng tuyển

Chương trình dành cho người thực hành nhiếp ảnh có quốc tịch Việt Nam, muốn phát triển ngôn ngữ thị giác riêng và sáng tác về xã hội đương đại. Chúng tôi đặc biệt khuyến khích những ứng viên sinh sống ngoài Hà Nội và TP. HCM và ít có cơ hội thực hiện, trưng bày tác phẩm. Không có giới hạn về độ tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm chuyên môn hay thể loại nhiếp ảnh, nhưng ứng viên cần biết tiếng Anh giao tiếp cơ bản.

Bạn hãy gửi portfolio, CV và ý tưởng dự án theo chủ đề những cuộc gặp gỡ sinh thái, trình bày cách hiểu về chủ đề và dự định thực hiện tác phẩm. Tiêu chí lựa chọn bao gồm tác phẩm đã thực hiện (30%) và tính nguyên bản, mức độ liên quan và tính khả thi của ý tưởng dự án (70%).

Những người tham gia được chọn phải cam kết đi theo toàn bộ chương trình từ tháng 9 đến tháng 12.2023 (lịch chi tiết bên dưới), có mặt tại Hà Nội cho Creative Lab và buổi mở xưởng vào cuối tháng 11.2023. Họ được kỳ vọng sẽ tích cực tham gia và thực hiện tác phẩm.

về chủ đề

Mỗi người tham gia sẽ phát triển tác phẩm nhiếp ảnh mới từ chủ đề những cuộc gặp gỡ sinh thái.

Là một quốc gia nông nghiệp lúa nước với đa dạng sinh học, thiên nhiên đóng vai trò căn cốt trong đời sống văn hoá Việt Nam. Thiên nhiên định hình thế giới quan của chúng ta, trở thành chất liệu dồi dào trong thơ ca dân gian. Nhiều thế hệ đã sống nương theo biến động của các nhân tố tự nhiên, “trông trời, trông đất, trông mây” để tồn tại. Trong cuộc sống hiện đại, các khái niệm sinh thái bắt đầu được tích hợp vào các lĩnh vực ứng dụng như kiến trúc và quy hoạch nhằm phát triển mô hình đô thị bền vững. Tuy vậy, mối quan hệ giữa con người và sinh thái đang đối mặt với những thách thức vĩ mô đầy cấp bách.

Từ một loài thực/động vật, một địa điểm hay một hiện tượng tự nhiên, người tham gia sẽ rẽ theo những lối riêng, truy vấn các khía cạnh liên đới từ cá nhân đến xã hội, như lịch sử gia đình, sự tích dân gian, biến đổi khí hậu hay các tuyến thương mại toàn cầu. Tác phẩm có thể mở ra nhiều mối tương giao bất ngờ, kết hợp đồng thời tính địa phương và quốc tế, tư liệu và hư cấu, ký ức và tưởng tượng.

Qua đó, chương trình mong muốn khơi gợi cách nhìn nhận thế giới theo lăng kính khác, nơi vạn vật được coi là chủ thể với tiếng nói riêng thay vì một nguồn tài nguyên để khai thác hay chinh phục.

*Tiêu đề lấy cảm hứng từ tiểu luận Routes/Worlds (2022) của Elizabeth Povinelli.

phương thức thực hiện

DI SẢN THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ, SỰ TÍCH DÂN GIAN
🍊🎄✨

Ví dụ, niềm tin ‘Cây gạo có ma, cây đa có thần’ vẫn được lưu truyền từ xưa đến nay, trong cả không gian làng quê và đô thị. Bạn sẽ thể hiện câu chuyện này như thế nào, thông qua ảnh lưu trữ hay ảnh dàn dựng?

NHỮNG TỰ SỰ CÁ NHÂN
✍️📖👀

Bạn cũng có thể kể câu chuyện về một nơi chốn mình hiểu và gắn bó, đã giúp phát triển kinh tế cho gia đình hay là một phần không thể thiếu của ký ức tuổi thơ.

NHỮNG KẾT NỐI ĐỊA PHƯƠNG VÀ TOÀN CẦU
🍚🌏🐝

Chẳng hạn, một số cây xanh tại Hà Nội có nguồn gốc từ những châu lục xa xôi, do người Pháp mang tới nhằm canh tân thủ phủ Đông Dương vào thế kỷ trước. Có những khía cạnh nào trong câu chuyện này khai thác được? Liệu bạn có thể theo chân hành trình của một loài cây từ quá khứ đến hiện tại, hay từ nông trại đến nơi tiêu thụ?

HÌNH DUNG TƯƠNG LAI
🚀🦄❤️‍🔥

Tê giác một sừng là động vật đặc hữu của Việt Nam và một biểu tượng trong tứ linh, nay đã tuyệt chủng vĩnh viễn do mất sinh cảnh sống và nạn săn bắt trái phép. Điều gì sẽ xảy ra khi những sinh vật có thực chỉ còn hiện hữu trong truyền thuyết? Nếu có thể cất tiếng, chúng sẽ nói điều gì?

Chương trình khuyến khích thử nghiệm với nhiều phương pháp tạo hình, có thể kết hợp ảnh tư liệu và dàn dựng, thu thập hình ảnh lưu trữ, hay kèm theo phương tiện khác như văn bản hoặc âm thanh. Sẽ có hoạt động hàng tuần nhằm khuyến khích sáng tạo và hỗ trợ các cách tiếp cận đa dạng.

lợi ích khi tham gia

8 ứng viên tham gia sẽ nhận được:

• Chương trình đào tạo kéo dài 3 tháng hoàn toàn miễn phí do ICVL và Matca hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn, các buổi nói chuyện và tài liệu từ chuyên gia khách mời uy tín
• Chi phí sản xuất tác phẩm 6.000.000 đồng/người
• Chi phí đi lại và ăn ở tại Hà Nội trong 5 ngày cho Creative Lab tháng 11.2023
• Các tác phẩm trong chương trình sẽ được giới thiệu tại nền tảng trực tuyến và ấn phẩm in, đồng thời triển lãm tại UK/Viet Nam Season 2023 và Bristol Photo Festival 2024
• Phát triển mạng lưới chuyên nghiệp tại Việt Nam và Vương quốc Anh.

các mốc thời gian quan trọng

01.08Ra mắt website dự án và đơn ứng tuyển
10.08Buổi chia sẻ thông tin về chương trình trực tuyến
31.08Hạn nộp đơn ứng tuyển
07.09Công bố ứng viên được chọn
Tháng 09-11Giai đoạn 01 – Khoá học diễn ra cùng các buổi trò chuyện khách mời

14.09
Trò chuyện cùng Jacqueline Hoàng Nguyễn
The Hidden Face of Vietnam: The Fall and Rise of Photographer Khánh Ký (1885-1946)

21.09
Bài viết bởi Trần Hậu Yên Thế
Qua Hòn Rái Lại Hòn Nghê

28.09
Trò chuyện cùng Nguyễn Trinh Thi
In between Sound, Image, & Space: A Mycological Moving Image Practice

05.10
Bài viết bởi Yen Vu
Rừng Ngập Mặn, Một Dạng Lưu Trữ

12.10
Trò chuyện cùng Sarker Protick
Altered Landscapes: Earth, Man & Machine

19.10
Buổi học chuyên đề cùng Katrin Koenning
Visualizing Emotionality & Experiences

23.10
Buổi học chuyên đề cùng Laura El-Tantawy
Storytelling in Documentary Photography & Editing for Publication

26.10
Trò chuyện cùng Robert Zhao
In a World That Watches, in a Forest of Eyes
20-24.11Giai đoạn 02 – Creative Lab tại Hà Nội
25.11Giai đoạn 03 – Mở xưởng & Thuyết trình nhóm tại Không gian nhiếp ảnh Matca
Tháng 12Xuất bản ấn phẩm tổng kết chương trình

đội ngũ

MATCA 🇻🇳

Matca là một dự án độc lập nhằm mở rộng đối thoại xoay quanh nhiếp ảnh tại Việt Nam. Thành lập từ 2016, Matca hoạt động trên nhiều nền tảng bao gồm tạp chí trực tuyến, không gian thực hữu tại 48 Ngọc Hà, Hà Nội và ấn phẩm in. Matca do Linh Phạm và Hà Đào vận hành cùng một số cộng tác viên.

IC VISUAL LAB 🇬🇧

IC Visual Lab (ICVL) là một tổ chức văn hoá độc lập có trụ sở tại thành phố Bristol, Anh. ICVL đã thực hiện nhiều dự án cộng đồng, cộng tác với các nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia và cây viết để khám phá các vấn đề ít được quan tâm. ICVL do Alejandro Acin & Ben GJ Thomas vận hành.

NHÓM HƯỚNG DẪN

• Alejandro Acín – Nghệ sĩ/Nhà thiết kế/Nhà giáo dục
• Ben GJ Thomas – Cây viết/Giám tuyển/Nhà giáo dục
• Hà Đào – Nhiếp ảnh gia/Cây viết
• Linh Phạm – Nhiếp ảnh gia

KHÁCH MỜI

• Jacqueline Hoàng Nguyễn – Nghệ sĩ/Nhà nghiên cứu
• Katrin Koenning – Nghệ sĩ
• Laura El-Tantawy – Nghệ sĩ/Nhà giáo dục
• Nguyễn Trinh Thi – Nghệ sĩ
• Robert Zhao Renhui – Nghệ sĩ
• Sarker Protick – Nghệ sĩ/Nhà giáo dục
• Trần Hậu Yên Thế – Nhà nghiên cứu/Nhà giáo dục
• Yen Vu – Nghệ sĩ/Nhà nghiên cứu

câu hỏi thường gặp

⁉️🧐👽

Tôi nên viết gì trong đề xuất dự án?

Bạn có thể chọn một loài động/thực vật làm chủ thể, nghĩ về mối liên hệ giữa bạn với chủ thể đó và cách kể câu chuyện này bằng hình ảnh. Đề xuất cần nêu rõ mối quan tâm, động lực và cách tiếp cận của bạn. Đề xuất dự án là một phần rất quan trọng trong đơn ứng tuyển. Không có giới hạn từ nhưng chúng tôi khuyến khích diễn đạt súc tích, mạch lạc. Bạn cũng có thể sử dụng ảnh của riêng mình hoặc ảnh tham khảo để minh họa.

Tôi nên hiểu về chủ đề “gặp gỡ sinh thái” như thế nào?

Sinh thái được hiểu như là mối quan hệ giữa các sinh vật sống với môi trường. Sự gặp gỡ có thể xảy ra giữa bạn và một loài thực/động vật, hoặc một địa điểm nơi nhiều loài, bao gồm con người cùng tồn tại tương tác với nhau, trong các không gian đô thị hoặc nông thôn. Nếu sống tại thành phố, bạn có thể xuất phát từ một khu chợ, một công viên, một con phố. Hãy nghĩ về mọi kết nối bắt nguồn từ đó, ở góc độ văn hóa, lịch sử hoặc kinh tế, và đào sâu khám phá những câu chuyện ẩn bên dưới.

Các tiêu chí lựa chọn là gì?

Tiêu chí lựa chọn bao gồm tác phẩm đã thực hiện (30%) và tính nguyên bản, mức độ liên quan và tính khả thi của ý tưởng dự án (70%). Không có sự phân biệt giữa người mới bắt đầu hay đã thực hành lâu năm. Chúng tôi chào đón các ứng viên quan tâm tới chủ đề sinh thái và mong muốn phát triển ngôn ngữ thị giác riêng.

Tôi nên trình bày portfolio như thế nào?

Portfolio nên bao gồm từ hai đến ba bộ ảnh với khoảng 8-12 bức ảnh cho từng bộ, được trình bày thành các mục rõ ràng. Nếu chưa có dịp thực hiện nhiều bộ ảnh, bạn cũng có thể giới thiệu các dự án đang tiến hành cùng một tuyển chọn ảnh đơn.

Đề xuất dự án cần cụ thể đến mức nào?

Bạn càng cung cấp nhiều thông tin thì sẽ càng hữu ích. Ngoài ra, bạn cần chỉ rõ tính khả thi của ý tưởng trong vòng ba tháng. Bạn có thể tham khảo một số gợi ý trong mục “Phương thức thực hiện” trên đây.

Tôi có thể đề xuất một dự án đang thực hiện có chủ đề phù hợp với chương trình không?

Có. Roots & Worlds là mô hình lấy sự cộng tác làm trung tâm. Chúng tôi muốn hỗ trợ bạn thực hiện tác phẩm của mình. Nếu được chọn, hãy tận dụng cơ hội này để phát triển dự án mà bạn đang ấp ủ.

Chương trình dành cho thể loại nhiếp ảnh nào?

Chương trình hướng tới việc mở rộng những thực hành xoay quanh nhiếp ảnh tư liệu. Bên cạnh phong cách nhiếp ảnh tư liệu truyền thống, chúng tôi khuyến khích bạn thử nghiệm với nhiều phương pháp tạo hình như kết hợp với ảnh dàn dựng, lưu trữ, ảnh gia đình, hay kèm theo phương tiện khác như văn bản và âm thanh.

Cấu trúc khóa học như thế nào?

Khóa học được cấu trúc theo 04 phần, mỗi phần bao gồm các hoạt động thảo luận nhóm, buổi trò chuyện và bài viết của khách mời về một đề tài hoặc cách tiếp cận nhiếp ảnh cụ thể. Các buổi hướng dẫn cá nhân sẽ được tổ chức nhằm giúp bạn phát triển dự án. Sẽ có hoạt động hàng tuần nhằm khuyến khích sáng tạo và hỗ trợ các cách tiếp cận đa dạng.

“Tác phẩm tập thể” nghĩa là gì?

Các hình ảnh và câu chuyện được sản xuất trong dự án sẽ được tổng hợp để tạo thành một trưng bày nhóm, kết hợp hình ảnh từ các dự án khác nhau để tạo ra những câu chuyện mớI, đề cao quá trình sáng tạo dựa trên sự hợp tác thay vì tác phẩm đơn lẻ.

Tôi sẽ phải dành bao nhiêu thời gian mỗi tuần cho chương trình?

Buổi học và trò chuyện sẽ kéo dài khoảng 10 tiếng / tuần. Bạn có thể tùy ý dành thời gian để thực hiện dự án của mình, lưu ý rằng sẽ có bài tập hàng tuần.

Tiếng anh của tôi không tốt lắm, chương trình có hỗ trợ dịch thuật không?

Rất tiếc không có phiên dịch song song nhưng chúng tôi có thể tóm tắt nội dung bằng tiếng Việt. Chương trình chủ yếu diễn ra bằng tiếng Anh nên người tham gia cần có kỹ năng ngôn ngữ cơ bản.

Có bắt buộc phải hoàn thành dự án trong khuôn khổ chương trình?

Không nhất thiết, nhưng ứng viên cần cam kết tham gia toàn bộ chương trình để đảm bảo trải nghiệm trọn vẹn và hiệu quả nhất.

Chương trình có thu phí tham dự không?

Không. Chương trình hoàn toàn miễn phí, và 8 nhiếp ảnh gia được chọn sẽ nhận phí sản xuất 6,000,000 đồng để thực hiện tác phẩm mới. Đối với người tham gia không định cư tại Hà Nội, chương trình cũng hỗ trợ chi phí đi lại nội địa và lưu trú trong thời gian diễn ra Creative Lab.

Tôi có cần có mặt tại Việt Nam trong suốt thời gian diễn ra khóa học không?

Không. Bạn có thể sinh sống ở bất cứ đâu và tham gia khóa học trực tuyến trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11. Tuy nhiên, bạn cần phải cam kết có mặt tại Hà Nội cho Creative Lab và buổi mở xưởng trong tuần 20-25/11.

Nếu không có mặt được ở Hà Nội trong thời gian diễn ra Creative Lab vào tháng 11.2023, tôi có thể đăng ký hay không?

Không, chương trình yêu cầu tất cả những người tham gia phải có mặt đầy đủ trong 5 ngày để biên tập và trình bày tác phẩm.

Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể ứng tuyển không?

Rất tiếc là không, chương trình chỉ dành cho người thực hành nhiếp ảnh mang quốc tịch Việt Nam.

Mọi thắc mắc khác xin gửi về email hello@matca.vn.


Fig 1. Vô đề, chưa rõ tác giả và năm sáng tác
Fig 2. Postcard “Con Mèo và Người Tình” © Mắt Bét, 2021
Fig 3. Từ tập ảnh “Hà-Tiên Ngày Xưa và Nay” © Quách Ngọc Bá, khoảng năm 1959
Fig 4. “Saigon 1961” © chưa rõ tác giả, khoảng năm 1961
Fig 5. Từ cuốn sách “Hà-Nội, Di tích và thắng cảnh” © Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội, 1972
Fig 6. Từ cuốn sách “Chặng đường phim hoạt hình” © Ngô Mạnh Lân, 2017
Fig 7. Phong bì đựng âm bản © Lâm Tấn Tài, chưa rõ năm sáng tác

Từ bộ sưu tập của Matca