“Có thích chụp film không? Anh còn chiếc máy film Canon để lâu trong tủ bận quá không dùng mấy, thích không thì anh tặng” – anh Hoàng, một người bạn của tôi nhắn tin. Đó là đợt tháng Một năm nay khi Hà Nội còn ngập tràn trong không khí se lạnh đến buốt người. Vô cùng ngạc nhiên với lời đề nghị đó, tôi còn phải hỏi đi hỏi lại rằng anh có chắc với quyết định đưa máy film cho một người còn chưa từng chụp film bao giờ không? Anh vẫn một mực quả quyết dành nó cho tôi, và thế là mọi thứ bắt đầu. Với một đứa cả đời mới chỉ dùng máy số, sau một thời gian chơi với film, tôi mới nhận ra đáng lẽ mình nên đến với loại hình này từ sớm hơn nhiều mới phải. Dưới đây là 5 lý do khiến Canon EOS 55 đã chinh phục tôi.
1. Ngàm EF.
Trước khi chụp film, tôi là một người dùng Canon DSLR, nên việc Canon EOS 55 sử dụng ngàm EF chính là lý do đầu tiên thu hút tôi với chiếc máy này. Việc sử dụng ngàm EF đã khiến tôi hoàn toàn có thể trưng dụng toàn bộ ống kính điện tử Canon của mình, tiết kiệm một khoản tiền vô cùng kha khá mà không sợ mất đi bất cứ một tính năng nào của ống kính.
2. Giá thành dễ chịu.
Cho dù tôi được cho miễn phí, đa phần các dòng máy này đều có mức giá khá dễ chịu, chỉ với từ 700.000 cho đến 1.500.000 là bạn đã có thể sở hữu ngay phần thân máy, phiên bản có grip sẽ đắt hơn kha khá. Canon EOS 55 sử dụng pin 2CR5, một dòng pin không còn phổ biến nữa, tuy nhiên bạn vẫn có thể tìm mua được phố Vọng Đức với giá thành khoảng 150.000-180.000/viên, chụp được 10 cuộn.
3. Nhiều tính năng hay ho.
Canon EOS 55 là một trong những máy ảnh có khá nhiều tính năng được tích hợp như tính năng lấy điểm nét chỉ bằng võng mạc, tính năng tự động chồng film 2-3-4 lần, tính năng chụp panorama,… Và kết quả thường làm tôi bất ngờ. Điều này giúp tôi có thể thử nghiệm nhiều hơn, ra được những bức ảnh “nghệ” hơn mà không cần xử lý hậu kỳ”.
4. Tốc độ lấy nét.
Canon EOS 55 ra đời từ năm 1995, chỉ với vỏn vẹn 3 điểm lấy nét AF nhưng tôi bất ngờ với tốc độ lấy nét rất tốt kể cả ban ngày lẫn ban đêm của máy. Tôi thấy tính năng này là một tiện ích lớn so với việc phải lấy nét bằng tay, đoán nét dựa trên tấm nét cắt trong viewfinder như các máy cơ toàn bộ. Có thể việc để máy lấy nét hộ nghe “mì ăn liền” nhưng việc mất 3 phút cho 1 shot hình “đúng sáng, đúng nét” là trở ngại đối với những người mới bắt đầu chụp film như tôi.
5. Dễ làm quen.
Vì được thiết kế như một chiếc DSLR, mọi thao tác trên máy đều gần như tự động hết bao gồm cả công đoạn load film vào máy hoặc tháo film ra khỏi máy. Như vậy ít nhất đứa gà mờ như tôi sẽ không lo chuyện chụp hết cả cuộn rồi mới phát hiện mình lắp film chưa vào.
Tôi sử dụng song song cả máy ảnh kỹ thuật số lẫn máy film, một cái dùng cho công việc, cái còn lại tôi đặt trọn niềm đam mê là được chụp những thứ mình thích, lưu lại từng câu chuyện, từng con người đã đến và đi qua từng thước film. Chụp film khiến tôi phải suy nghĩ kỹ hơn trở nên rón rén, tỉ mỉ và kiên nhẫn hơn trước mỗi cú bấm. Chụp xong không thể xem lại, đến frame cuối đã không còn nhớ frame đầu mình chụp gì, cho đến khi tráng ra mới xem ảnh với cảm giác hồi hộp, ngạc nhiên xen lẫn thích thú.
Thẻ nhớ có thể mất đi, ổ cứng có thể bị hỏng hóc, máy tính lưu trữ có thể bị virus. Còn với film, tôi đặt nó vào tủ lưu trữ, 10 năm sau mở ra, chúng vẫn ở đó vẹn nguyên như vừa tráng ngày hôm qua.