Khi mọi khoảng cách chỉ còn cách chúng ta một cú click chuột, liệu nhu cầu sở hữu và trực tiếp tương tác với các sản phầm hữu hình đã trở nên lỗi thời hay đang trở lại thành trào lưu mới? Việc số hoá thông tin giúp chúng ta tiếp cận với thế giới bên ngoài nhanh chóng hơn bao giờ hết, ở đâu đó, sách ảnh, các nhà xuất bản độc lập và cộng đồng các nhà sưu tầm vẫn còn tồn tại, âm thầm mà vững vàng tìm kiếm một trải nghiệm khác cho việc thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật thị giác.
Xuất phát điểm là những người trẻ yêu sách và ảnh, Trâm Nguyễn cùng người cộng sự James Brown đã thành lập công ty xuất bản độc lập NB, và FOLK bởi Aaron Schuman, cuốn sách đầu tiên của họ đã được nhiếp ảnh gia Jason Fulford chọn là một trong số những cuốn sách ảnh xuất sắc nhất của năm trên tạp chí TIME. Dù ít được biết đến, những nhà xuất bản độc lập như NB đã và đang mở một lối đi riêng cho các tác phẩm của những nghệ sĩ chưa nổi tiếng và ủng hộ sự đa dạng về phương thức biểu đạt trong chính ngành ảnh. Matca đã ngồi cùng Trâm, cô gái gốc Hà Nội hiện đang sống tại London để cùng trò chuyện về vai trò của sách ảnh trong thời đại số, cảm hứng của cô và điều gì đã thúc đẩy Trâm dấn thân vào ngành xuất bản.
Chào Trâm và NB! Chúc mừng vì FOLK đã được giới thiệu là một trong số những sách ảnh xuất sắc nhất của 2016 trên tạp chí TIME. Hiện giờ thì Trâm đang cảm thấy thế nào?
Mình mệt, nhưng vui lắm. Thật ra thì để cân bằng công việc toàn thời gian với các dự án độc lập của cá nhân là không hề đơn giản, cũng may là công việc hàng ngày của mình vẫn liên quan đến nghệ thuật. Khi chúng ta đã dốc hết thời gian và công sức cho bất kể điều gì, chuyện được khán giả đón nhận là phần thưởng rất lớn. Mọi người đều hiểu việc dồn hết đam mê vào nghệ thuật thuần túy chỉ vì ích kỷ cá nhân mà chẳng mong nhận lại được điều gì là một quá trình cực kỳ đơn phương, nhưng thỉnh thoảng may mắn vẫn xảy ra.
Lần đầu gặp Trâm ở Hà Nội, mình thấy bạn cực kỳ hiểu biết và say mê sách. Sách, đặc biệt là sách ảnh, có ý nghĩa gì với bạn?
Cảm ơn nhưng mình chẳng biết gì nhiều – mình chỉ say mê kiến thức, và sách là một phương thức sản xuất và truyền bá kiến thức, và chắc là mình cũng say mê sách. Để nói rằng mình đã bị thu hút bởi kiến thức thị giác từ khi còn nhỏ thì có vẻ sáo mòn, nhưng sách có ý nghĩa với mình như thế. Với mình, sách ảnh là cách gần gũi và trực tiếp nhất để chúng ta tiếp cận hình ảnh, và cách ấy cũng khiêm tốn nữa. Làm những thứ to tát và ấn tượng thì dễ, nhưng với thứ nhỏ và cô đọng như một cuốn sách ảnh, ta thực cần phải xem xét chúng cẩn thận hơn. Qua sách ảnh, bạn thậm chí còn được chạm vào tác phẩm nghệ thuật nữa, điều này là hiếm đấy.
Là một nghệ sĩ rất trẻ, điều gì đã tạo cảm hứng cho Trâm trong việc thành lập nên công ty xuất bản của riêng mình?
James và mình bắt đầu sưu tầm sách ảnh khi còn đang học đại học. Khi bạn vừa thích nhiếp ảnh và cả sách văn học thì thật khó mà cưỡng lại sách ảnh này. Bọn mình chỉ đơn thuần nghĩ chúng là những sản phẩm đẹp với nhiều giá trị. Thế giới này luôn cần nhiều hơn những điều đẹp đẽ.
Trâm có thể chia sẻ suy nghĩ về tầm quan trọng của sách ảnh in và ý nghĩa của chúng với nhiếp ảnh gia và công chúng yêu nghệ thuật thị giác trong thời đại công nghệ?
Thành thực mà nói, cá nhân mình không thấy có gì mâu thuẫn nhau. So sánh như vậy cũng không khác gì việc so sánh chụp số với chụp phim, việc này hời hợt và chẳng có ích gì. Đúng là thời đại công nghệ đã có tác động lớn tới cách chúng ta tiếp xúc với thế giới xung quanh và thế giới của hình ảnh, nhưng mọi thứ vẫn luôn thay đổi như một vận động tự nhiên. Mối quan hệ giữa chúng ta với các dạng hình ảnh đã luôn biến chuyển, khi công nhận điều đó ta có thể đẩy xa hơn sự hiểu biết về các hình thái hình ảnh mới và cũ. Sách ảnh rất kỳ lạ, hình thức thể hiện này đã tồn tại từ lâu rồi nhưng vẫn tạo nên được những làn sóng quan tâm mới trong giới nhiếp ảnh. Có lẽ trong ‘thời đại công nghệ’ hay ‘thời đại sản xuất hàng loạt’ này, khái niệm về vật thể và mối tương quan giữa vật và người có thể trở nên nổi bật hơn chăng. Với mình, bây giờ mọi thứ xa trong không gian thực mà lại gần trong không gian ảo – nên khi ta có thể cầm nắm được gì – đặc biệt là cầm vào ‘nghệ thuật’, chính là một trải nghiệm đầy thỏa mãn hiếm có mà không phải lúc nào cũng có được.
Vì sao Trâm lại chọn dự án của Aaron Schuman cho cuốn sách đầu tiên của NB? Trâm đã tiến hành chọn lọc và biên tập ảnh như thế nào?
Đó là một quy trình khá tự nhiên. Trước đó James làm việc cho tạp chí Hotshoe và đã từng đăng bài giới thiệu về dự án ảnh Aaron hồi năm 2014. Tận dụng cơ hội này, bọn mình tiếp cận Aaron xem anh có muốn làm một cuốn sách cho dự án này không và anh đồng ý. Trình tự của sách được quyết định sau nhiều cuộc trò chuyện giữa NB và Aaron. Anh ấy rất quan tâm đến việc làm thế nào để tạo nên được một ngôn ngữ đồng điệu giữa cuốn sách mới này với phần triển lãm anh đã thực hiện trước đó.
Bọn mình còn làm việc cùng với Ana, một người bạn và cũng là một nhà thiết kế rất tài năng để làm layout cho sách. Mình đặc biệt thích bìa cuốn FOLK vì tính gợi mở một cách ẩn ý về nội dung cuốn sách một cách kín đáo, không quá lộ liễu. Chất liệu giấy cũng là điểm mình ưng ý, bọn mình chọn giấy không chỉ dựa trên tiêu chí cho ra ảnh in đẹp nhất mà còn nghĩ tới trải nghiệm của người xem khi tiếp xúc với cuốn sách.
Bạn nghĩ NB sẽ có vị trí thế nào trong giới xuất bản? Liệu NB có còn tiếp tục hợp tác với các nghệ sĩ trẻ và những người tự xuất bản không?
Những gì mình nói sau đây nghe quả thật rất lý tưởng, nhưng thực tế thì bọn mình không coi NB như một công ty kinh doanh. NB là một phần của cộng đồng xuất bản sách nghệ thuật độc lập, một cộng đồng nhỏ thôi nhưng cần thiết. Đa số mọi người theo đuổi công việc này chỉ vì họ yêu và muốn làm. Khó để nói gì chắc chắn, nhưng bọn mình thường chọn những nghệ sĩ cá nhân bọn mình yêu thích và tin rằng tác phẩm có thể được chuyển thể sang một cuốn sách hay.
Bạn có cái nhìn thế nào về cộng đồng nhiếp ảnh Việt Nam? Liệu NB có cân nhắc chuyện bán sản phẩm của mình ở Việt Nam và kết nối với các tài năng mới trong nước?
Khó có thể đưa ra một quan điểm đầy đủ được vì còn rất rất nhiều tài năng ít được biết đến tại Việt Nam đang bị lu mờ dần bởi chính những khái niệm và hình thức nhiếp ảnh cũ đã được đấy lên như một khuôn mẫu chung. Trong chuyến đi ngắn về Việt Nam gần đây, mình thấy nhiều nhiếp ảnh gia hay nghệ sĩ thị giác trẻ còn nhiều điều muốn bày tỏ mà chưa tìm được thời điểm và phương thức thích. Chắc chắn là mình muốn bán sách ở Việt Nam và mong sớm có một cộng đồng yêu sách ảnh trong nước. Mình tin kiểu gì ngày đó cũng đến thôi.
NB đang trong quá trình sản xuất cuốn sách tiếp theo?
Điều duy nhất mình có thể chia sẻ là cứ chờ xem 😉
Cảm ơn Trâm rất nhiều về buổi nói chuyện!