Justin Mott và cô chó PanPan chào đón chúng tôi tại studio tại gia bên bờ sông Hồng ngập tràn ánh sáng. Đây là tổ ấm để anh nghỉ chân giữa những chuyến đi. “Tôi vẫn chưa chậm lại đâu”, Justin thú nhận sau một thập kỷ sống và làm việc tại Việt Nam, “thật ra tôi đang di chuyển nhiều hơn bao giờ hết”. Là giám khảo cuộc thi Photo Face-Off trên truyền hình và sở hữu một blog chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh AskMott, anh vốn không phải một người kiệm lời. Khi trả lời câu hỏi xoay quanh cách thành công trong nghề ảnh, Justin kể nhiều chuyện trước đây ít ai biết như khi còn là học viên kém nhất trong một khoá học nhiếp ảnh, cho biên tập báo New York Times xem ảnh chụp đám cưới hay nêu lên mặt tối của ngành công nghiệp nhiếp ảnh.
Anh có thể miêu tả bản thân mình bằng ba từ không?
Hoà đồng… Trời ạ, tôi chả biết phải miêu tả thế nào. Hoà đồng, ngốc nghếch và chăm chỉ. Và chắc là hướng ngoại.
Cho dù đây là lần đầu tiên gặp anh, tôi cũng có cảm giác anh nói rất nhiều (cả hai cười). Tính cách hướng ngoại có giúp anh trong sự nghiệp nhiếp ảnh không?
Tôi nghĩ là có. Nếu không hướng ngoại, tôi đã chẳng làm chương trình TV vì trông tôi không giống nhân vật trên TV lắm. Nhưng tôi tin tưởng bản thân và không sợ thử nghiệm những thứ mới. Nếu bạn chỉ muốn đi loanh quanh đường phố và chụp cho vui thì không cần phải hướng ngoại, nhưng nếu bạn muốn có một doanh nghiệp nhiếp ảnh, bạn phải làm những việc như gặp rất nhiều người, giới thiệu tác phẩm của bản thân và thoả thuận giá cả. Tính cách hướng ngoại đã giúp tôi làm những điều khác nhau như vậy.
Nói vậy những người hướng nội có thiệt thòi khi muốn theo nghề ảnh không?
Nó phụ thuộc vào việc bạn muốn làm gì. Với nhiếp ảnh tư liệu, có lẽ tính cách hướng nội lại là một điểm mạnh. Đương nhiên là bạn sẽ phải tiếp xúc với người khác, nhưng điều đó không cần phải hướng ngoại, bạn chỉ cần thấu hiểu và đơn giản là làm một con người khi muốn tiếp cận nhân vật.
“Không sẵn tài năng, tôi chỉ làm việc như trâu và xây dựng một kế hoạch để quyết tâm theo đuổi đến cùng. Máy móc và tài năng không quan trọng bằng động lực và tham vọng.”
Khi chụp ảnh, bạn phải kết nối với rất nhiều người, không chỉ với nhân vật mà còn với những người trong ngành công nghiệp này. Anh có lời khuyên nào để giao tiếp hiệu quả với họ không?
Khi làm việc với trợ lý, trước hết người trợ lý phải hiểu nhu cầu của nhiếp ảnh gia. Là người chụp, bạn càng bớt lo nghĩ về các vấn đề kỹ thuật và hậu cần thì càng có nhiều thời gian để tập trung làm việc cho tốt, bởi đôi khi bạn chỉ có 20 phút để chụp một người CEO bận rộn. Bạn phải làm việc với một người trợ lý đáng tin cậy, và ngược lại, bạn cũng phải khiến người trợ lý đó thoải mái để nêu ý kiến của mình. Đôi khi mấy ông chụp ảnh tỏ ra đáng sợ, quát nạt người khác. Tôi không muốn một mối quan hệ đồng nghiệp như thế.
Kết nối với biên tập báo – ngày nay khác hồi trước nhiều rồi. Khi mới bắt đầu, tôi chỉ kiếm tiền đi New York 2 tuần, rồi trực tiếp gặp các nhà biên tập để giới thiệu ảnh của mình. Ở thế giới toàn cầu ngày nay thì bạn phải làm cả 2 việc: gặp gỡ biên tập ảnh trực tiếp ngoài đời và cố gắng quảng bá sản phẩm của mình trên Internet, điều này khá là khó vì hàng ngày họ xem không biết bao nhiêu ảnh.
Anh từng nói trong một bài phỏng vấn rằng khả năng linh hoạt là một đức tính quan trọng để thành công. Anh có thể nói rõ hơn được không?
Bạn không phải chụp tất cả mọi thứ – hãy chụp những gì mình yêu bởi niềm đam mê sẽ thể hiện trong chất lượng tác phẩm của bạn.
Tôi thích linh hoạt bởi khi làm một thứ này thì sẽ cải thiện kĩ năng cho những thứ kia. Ảnh tư liệu dạy tôi về cách kể chuyện, ảnh đám cưới huấn luyện tôi làm việc trong những tình huống gấp gáp, ảnh thương mại lại khiến tôi chậm lại và lên kế hoạch cẩn thận cho việc đưa gì vào khung hình.
Nhiếp ảnh có thể là cuộc chơi, nhưng bạn phải nghĩ đường dài. Với tôi việc linh hoạt là cần thiết bởi bạn không biết ngành công nghiệp nào sẽ sập. Ví dụ như nhiếp ảnh xe hơi – nhiếp ảnh gia chụp xe hơi đã một thời kiếm bộn tiền, nhưng khi công nghệ CGI phát triển, họ không còn khách hàng. Và sẽ đến một thời điểm bạn không còn di chuyển khắp nơi được nữa. Với nhiếp ảnh, kế hoạch nghỉ hưu của bạn là gì? Hay khi bị thương và không thể làm việc trong nhiều năm? Tôi đã trông thấy bạn bè mình bị thương và phải sống nhờ vào tiền quyên góp từ cộng đồng nhiếp ảnh. Đó là một cộng đồng tuyệt vời với những con người tử tế nhưng thật đáng buồn khi ai đó phá sản chỉ vì một ngày tồi tệ.
Không nhiều phóng viên ảnh hay nhiếp ảnh gia nghệ thuật làm ảnh thương mại, hoặc kể cả khi họ làm thì họ cũng giấu vì sợ rằng uy tín của mình sẽ bị ảnh hưởng. Anh có ý kiến gì?
Câu hỏi này hay đấy. Từ kinh nghiệm của tôi, những người mà trực tiếp thuê bạn không quan tâm đến việc bạn làm gì, chỉ có những người đồng nghiệp của bạn kỳ thị chuyện này thôi. Hồi còn đi học, nếu bạn nói rằng mình chụp đám cưới, mọi người sẽ xì xào rằng bạn là đồ “phản bội”, rằng bạn chỉ làm vì tiền. Tôi nghĩ rằng nhiều nhiếp ảnh gia tư liệu coi thường ảnh thương mại, nhưng đến thời điểm này tôi không còn quan tâm nữa.
Hồi còn trẻ, tôi gặp một biên tập ảnh báo New York Times và cô hỏi tôi rằng đã chụp đám cưới bao giờ chưa. Tôi không muốn nói dối và đưa cô xem ảnh chụp đám cưới của mình, không biết làm vậy có phản tác dụng hay không. Cô xem chúng và nói rằng, nếu anh có thể sản xuất ra hình ảnh trong tình huống gấp gáp như vậy, anh có thể làm bất cứ thứ gì. Vài tháng sau tôi được nhận và được đi khắp thế giới để làm việc.
Tôi dành thời gian công sức để theo đuổi đề tài phóng sự như mọi nhiếp ảnh gia khác, và trong thời gian rảnh, tôi cũng muốn chụp ảnh để hỗ trợ tài chính cho những câu chuyện khác. Đương nhiên tôi phải thay đổi tư duy khi làm các thứ khác nhau nhưng tôi thích mọi thử thách. Tôi cố gắng giữ một phong cách nhất quán, áp dụng nền tảng ảnh tư liệu của mình cho những thể loại khác.
Vậy làm sao để cân bằng giữa việc chụp cho khách hàng và chụp cho chính mình? Gần đây anh có thông báo về dự án cá nhân As Above, So Below, lần cuối cùng anh làm gì đó cho riêng mình cũng đã khá lâu rồi.
Có lẽ đã gần 10 năm rồi tôi mới làm cái gì sâu và cá nhân như vậy. Việc giữ cân bằng rất khó vì khi bắt đầu làm việc, rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy đồng tiền. Tôi hối hả làm việc và đôi khi quên mất gốc rễ của mình là ảnh tư liệu. Tôi đã dành rất nhiều công sức để xây dựng công ty, để đến giờ này mới có thể làm As Above, So Below, dù tôi cũng ước là mình có thể bắt đầu sớm hơn. Giờ tôi quyết định sẽ từ chối một vài lời đề nghị công việc để có thể tập trung.
Dự án này là để tôi tìm lại phong cách của mình và thử nghiệm cái gì đó mới mẻ, bởi khi làm việc liên tục, bạn sẽ chụp những thứ na ná nhau và không còn thời gian mà sáng tạo. Tôi mang nợ đất nước này nên tôi muốn làm dự án như một món quà trả ơn, ảnh sẽ được phát tán để ai ở Việt Nam cũng có thể sử dụng miễn phí với mục đích cá nhân hay thương mại. Tôi không biết nó có được chấp nhận không nữa, cứ xem xem.
Có lẽ đây là một câu hỏi nhàm chán, nhưng nhiều người sẽ quan tâm đến vấn đề kỹ thuật: Là một nhiếp ảnh gia đa năng, đồ nghề quan trọng như thế nào với anh?
Phụ thuộc vào yêu cầu cụ thể của công việc thôi. Có khi bạn phải chụp một tấm áp phích khổng lồ mà cần máy medium format, có khi lại là cho một tạp chí mà ảnh từ máy bán chuyên hay chuyên nghiệp cũng không khác nhau mấy. Tôi khuyến khích các bạn mua những gì trong khả năng của mình. Và mua ống kính tốt vì giá trị của nó sẽ bền lâu.
Trong một thời gian dài, tôi dùng máy Canon 5D và ống 35 1.4 vì tôi thích chụp trong điều kiện ánh sáng yếu và mang nhẹ khi di chuyển, đồng thời ống kính fix cũng bắt tôi phải di chuyển nhiều hơn. Cho As Above, So Below, tôi dùng Hasselblad X1D Medium format, nhưng đây là một trường hợp đặc biệt bởi tôi muốn in ra khổ rất lớn. Một lí do nữa là máy ảnh này rất chậm, nên mỗi ảnh có cảm giác đặc biệt hơn. Tôi chỉ mua những thứ mà tôi biết sẽ hoạt động trong những điều kiện khác nhau. Máy Canon 1DX sẽ chụp được trong điều kiện khắc nghiệt, còn máy Ricoh không gương lật nhỏ nhỏ thì rất tuyệt để chụp ảnh đường phố.
Anh cho chúng tôi ngó qua bộ sưu tập đó được chứ?
Tất nhiên rồi. Tôi có cả một căn phòng bởi đội của tôi còn sản xuất video nữa, nhưng cái buồng nhỏ ấy trông không ăn ảnh lắm đâu.
Nói vậy chứ việc có con mắt tốt và kỷ luật tốt quan trọng hơn rất nhiều. Có một con mắt tốt thì quan trọng, nhưng cái đó bạn có thể phát triển được. Tôi đã kể chuyện này nhiều lần nhưng cách đây 10 năm tôi có tham gia khoá học nhiếp ảnh ở Campuchia, trong số 10 học viên tôi là đứa tệ nhất. Và giờ tôi là người duy nhất làm việc như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Không sẵn tài năng, tôi chỉ làm việc như trâu và xây dựng một kế hoạch để quyết tâm theo đuổi đến cùng. Máy móc và tài năng không quan trọng bằng động lực và tham vọng.
Còn câu hỏi nào nữa mà anh muốn trả lời?
Các nhiếp ảnh gia nên thành lập một cộng đồng nơi mọi người có thể tới và chia sẻ kinh nghiệm. Tôi có một nhóm nhiếp ảnh gia đám cưới, chúng tôi trao đổi ý tưởng về việc xây dựng hợp đồng và báo giá. Có nhiều người phàn nàn rằng họ không được trả cho đến khi xong việc, và cũng có lần khách hàng nói rằng họ không thích ảnh tôi để đòi giảm giá. Tôi ước hồi trẻ mình biết những thứ như chỉ cho khách ảnh cỡ nhỏ hoặc với watermark để xem trước, và không đưa ảnh hoàn chỉnh cho tới khi được trả tiền. Kiến thức càng được chia sẻ thì cộng đồng càng làm việc có tổ chức, rồi ngành công nghiệp mới có thể phát triển tốt hơn.
Justin Mott là một nhiếp ảnh gia tự do người Mỹ sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 2006. Anh đã chụp hơn 100 bộ ảnh cho New York Times và khách hàng của anh bao gồm các báo TIME, Forbes, The Wall Street Journal và The Guardian. Studio Mott Visuals của Justin chuyên về ảnh và sản xuất video thương mại. Anh cũng xuất hiện trên TV với tư cách chủ toạ chương trình Photo Face-Off, một show truyền hình về nhiếp ảnh trên kênh History Channel.
Kết nối với Justin Mott tại Instagram cá nhân, Instagram của dự án As Above, So Below và blog nhiếp ảnh Ask Mott.