Như bao bạn trẻ quan tâm tới lịch sử, Lê Quốc Huy tìm và xem nhiều tài liệu về Sài Gòn xưa nhưng thứ thu hút cậu không phải là hàng Cadillac bóng loáng ngự quanh công trường Lam Sơn, càng không phải là các cô tân thời thướt tha áo dài xuống phố. Thứ làm Huy say mê đến ám ảnh là các kiểu chữ được vẽ thủ công trên các biển quảng cáo, bảng hiệu ngập tràn trong các hình ảnh xưa về hòn ngọc miền Viễn Đông. Dưới sự giúp đỡ của bạn bè thông qua hashtag #thelosttypevietnam, cậu cứ thế mê mẩn nghiên cứu, sưu tầm lại những kiểu chữ cũ còn sót lại cùng những con người, câu chuyện quanh chúng.
Huy đến với nhiếp ảnh như thế nào?
À lúc đấy là năm 2 Đại học, mình có một bài tập phải đi chụp và biên tập 10 tấm hình. Cũng bắt đầu thích ảnh từ đó, nhưng chủ yếu do sau này làm thiết kế mà vẽ tay kém quá nên mình xem nhiếp ảnh đơn thuần là công cụ hỗ trợ cho công việc thiết kế thôi
Điều gì khiến Huy thích thú các kiểu chữ trong các bảng hiệu cũ?
Mình nhận thấy những kiểu chữ mới phổ biến hiện nay giúp các thuơng hiệu được nhận biết một cách nhanh và rộng rãi. Tuy vậy, những kiểu chữ này cũng rất nhanh bị quên lãng khi hết mốt. Ngược lại, hầu hết những kiểu chữ thủ công mà mình tìm được đã gắn liền với lịch sử của các cửa tiệm gia đình qua nhiều năm tháng, chính cái biển hiệu ấy góp phần vào thành công của thương hiệu. Vượt ngoài pham vi của một sản phẩm quảng cáo, nhiều bảng hiệu, kiểu chữ đã trở thành một ‘bảo vật’ được nâng niu của gia chủ.
Vậy nếu nhiếp ảnh chỉ là công cụ ghi chép cho công việc thiết kế thì tại sao nhiều bức ảnh của Huy lại có thêm con người, hoạt động, làm nó không chỉ dừng lại ở việc ghi chép đơn thuần?
Lúc đầu cũng chủ ý chỉ chụp bảng hiệu thôi nhưng rồi cứ thấy thiếu thiếu gì đó. Rồi một ngày mình nhận ra rằng giá trị của những bảng hiệu cũ này không chỉ nằm ở những ấn tượng hình hoạ đập vào mắt ta trong giây lát mà chính là ở những câu chuyện ẩn chứa bên trong chúng. Từ đó mình bắt đầu nghiên cứu thêm về lịch sử của từng bảng hiệu, ai đã đặt mua chúng, ai là người thể hiện, mối liên hệ giữa các cá nhân trong gia đình với cái bảng hiệu và điều gì thôi thúc họ giữ chúng đến tận bây giờ.
Gần đây nhất khi thành phố lên kế hoạch trùng tu lại Chợ Lớn sau gần 90 năm hoạt động, Huy hiểu rằng sẽ có nhiều bảng hiệu cũ có nguy cơ bị mất đi một cách vô tình hoặc hữu ý. Cậu và những người bạn gồm Tuấn Lê, Phương Trinh và Thảo Nguyễn quyết định thực hiện một bộ sách ảnh 5 cuốn như một cách tri ân, lưu giữ vẻ đẹp đã gắn liền với các tiểu thương nơi đây một thời. Bộ sách của Huy đặc biệt ở chỗ chúng được thiết kế trên nền những cuốn sổ danh bạ, cái xương sườn của mọi sự buôn bán nơi đây trước khi điện thoại thông minh ra đời. Cứ sau mấy trang ảnh lại là vài trang nghỉ ghi số điện thoại, tuỳ bút hoặc bất kể thứ gì trên đời mà chủ tiệm muốn lưu vào.
Tại thời điểm này, những câu chuyện mà Huy thu nhặt được mới chỉ là chi tiết thoáng trên bề mặt, nhưng với cách tiếp cận chân thành và phương thức kể chuyện đặc biệt qua các tấm bảng hiệu, sẽ có nhiều câu chuyện sâu sắc và thú vị hơn về Chợ Lớn được Huy tiếp tục nhặt nhạnh. Quanh đi quẩn lại, Huy vẫn khẳng định cậu không phải là một nhiếp ảnh gia, nhưng Huy có một câu chuyện dài cần kể và cậu đã chọn nhiếp ảnh làm ngôn ngữ để thể hiện câu chuyện đó!
Lê Quốc Huy là một nhà thiết kế đồ hoạ tập trung vào các chất liệu truyền thống tại tp. Hồ Chí Minh. Anh khởi xướng dự án cộng đồng Lưu Chữ – The Lost Type Vietnam sưu tầm, nghiên cứu các kiểu chữ thủ công cũ.
Kết nối với Huy tại Facebook và Instagram.