Makét 02

Chuyện Chiến Trường Từ Virginie Nguyễn Hoàng

5 năm trước, cô phóng viên người Bỉ gốc Việt Virginie Nguyễn Hoàng quyết định rời bỏ thành phố Brussels yên bình để theo đuổi các phóng sự về những điểm nóng chiến sự trên thế giới, khi đó cô tròn 25 tuổi. ‘Tôi không tưởng tượng được mình sẽ theo đuổi công việc nào khác’, đó là lời chia sẻ của cô về sự nghiệp mình đã chọn, kèm theo là những câu chuyện rủi ro của nghề báo, đôi khi phải đánh đổi cả tính mạng. Trong thời gian ở Việt Nam, nơi cô cho là gốc gác để thực hiện dự án cá nhân, Matca đã có cơ hội hỏi chuyện Virginie về môi trường làm việc liên tục phải chứng kiến những bi kịch, sự thay đổi trong thế giới quan của cô khi làm báo cùng với cách mà cô đối mặt với những tình huống hiểm nguy.

Shorouk Abu Ouda, 11 tuổi, đang ngắm mưa rơi xuống những mái nhà đổ nát. 16/11/2014, Beit Hanoun, Gaza. © Virginie Nguyễn Hoàng

Chị có tự định nghĩa mình là một nhiếp ảnh gia (NAG) chiến trường?
Tôi coi mình là phóng viên ảnh – một người phóng viên lựa chọn công cụ nhiếp ảnh để đưa tin. Tôi không nghĩ mình hoàn toàn là NAG vì thực sự tôi không giỏi lắm trong chuyện này, nhưng tôi muốn kể chuyện bằng hình ảnh, và tôi coi đó là một phần của nghiệp vụ báo chí. Mặc dù đã tác nghiệp tại nhiều vùng xung đột nhưng tôi không nghĩ mình chỉ dừng lại với dưng xanh như một phóng viên chiến trường. Tôi không thường xuyên có mặt trên tiền tuyến mà chủ yếu ghi chép hậu quả chiến tranh để lại cho những người dân địa phương và khía cạnh này mang tính xã hội nhiều hơn.

Tôi muốn nói lên những câu chuyện về sự phân biệt đối xử, cô lập trong xã hội hay những đau thương do chiến tranh gây ra. Đa phần là những câu chuyện không mấy hạnh phúc.

Tại sao chị lại chọn chiến tranh và nỗi đau?
Tôi làm vậy trước hết là để đưa tin về một diễn biến nhất định. Người xem của những tin tức này bao gồm công chúng nói chung và những cơ quan, tổ chức có khả năng giúp đỡ. Nếu công chúng được thông tin để biết đến, nhìn thấy qua ảnh để rồi suy nghĩ về một sự kiện xảy ra cách họ cả ngàn cây số, thế giới quan và những quyết định của họ tiếp sau đó chắc chắn sẽ bị tác động, ví dụ như việc đưa ra quyết định bầu cử chính phủ. Với tôi, nếu mọi người đều để tâm và nghĩ về những câu chuyện tôi đã đưa tin thì đó đã là một niềm vui và bước tiến lớn.

Nhiếp ảnh gia chiến trường kì cựu Don McCullin, người đã dành nhiều năm ghi lại chiến tranh Việt Nam với đỉnh điểm là Tết Mậu Thân 1968, gần đây phát biểu rằng ông thấy mình phí phạm 50 năm cuộc đời để ghi lại chiến tranh. Có thể trong thâm tâm ông cảm thấy bất lực như vậy vì chiến tranh vẫn luôn tiếp diễn, nhưng tôi nghĩ nếu ông hỏi bất cứ ai khác, họ sẽ nói rằng không, những bức ảnh của ông thực sự có giá trị về mặt thông tin và ảnh hưởng lớn, chúng phản ánh rất nhiều điều.

Abdel Abu Ouda và con trai đang ngủ trong phòng khách đã bị phá gần hết. Hè 2014, Beit Hanoun. Gaza. © Virginie Nguyễn Hoàng
Abir Abu Ouda rửa bát trong một căn bếp dựng tạm ngay trước biên giới phía Bắc dải Gaza. Hè 2014, Beit Hanoun, Gaza. © Virginie Nguyễn Hoàng

Cuộc sống ở những nơi chị đến không mấy hạnh phúc. Chị tạo nên những tấm ảnh đẹp từ những điều không hạnh phúc này?
Có nhiều câu chuyện bắt đầu thì buồn nhưng lại có cái kết đẹp. Có lần, tôi đi theo một gia đình tị nạn người Syria ở Ai Cập, họ đang muốn chạy trốn khỏi trại tị nạn vì tình hình tại đó ngày càng tồi tệ. Họ đã cố gắng xin visa ở nhiều nước châu Âu nhưng không hề có kết quả. Cuối cùng, họ đành liều mình đi thuyền từ Ai Cập tới Ý, một hành trình đặc biệt nguy hiểm nhất là khi gia đình có bốn đứa con nhỏ. Nhưng may sao họ đã cập bến an toàn, bắt đầu những trang mới của cuộc đời tại Đức và ông bố rất vui khi những đứa trẻ lại được đến trường. Với cá nhân tôi, điều tuyệt vời hơn cả là phóng sự ghi lại cuộc hành trình gian nan, đầy mạo hiểm này được kết thúc bằng một tấm ảnh hạnh phúc.

Như đã nói, tôi không quá quan tâm về yếu tố kỹ thuật khi chụp, nhưng tôi cũng cố gắng để ảnh của mình có thể đạt tới mức thẩm mỹ nhất định, bởi trước hết ảnh cần phải thu hút sự chú ý của khán giả. Nếu ánh sáng tồi, bố cục thông thường, nội dung không đặc sắc… thì có ép người xem cũng không thể nhớ tấm ảnh đó được. Hình ảnh cần phải chạm được đến cảm xúc người xem trước, từ đó mới khiến họ ghi nhớ được bức hình.

Sinh nhật 1 tuổi của Yamen cùng các chị. Cậu sinh năm 2014 khi nhà cậu đã bị không kích phá hủy hoàn toàn. 12/08/15, Shejaiya, Gaza. © Virginie Nguyễn Hoàng

Chị có thể chia sẻ thêm về cách tiếp cận khi chụp những cảnh đau thương?
Tôi phải ‘làm bài tập’ rất nhiều, ý tôi là phải đọc và nghiên cứu rất nhiều các sách báo, báo cáo liên quan để khai thác được càng nhiều thông tin trước khi tiếp cận càng tốt. Ví dụ khi đối tượng là một nhóm người thiểu số, tôi cần phải hiểu ít nhất là lịch sử, văn hóa, hay các tập tục truyền thống của họ, những gì đã xảy ra với họ trong quá khứ và tình hình hiện tại. Tôi cũng cố gắng tìm cách liên lạc trước với những người có hiểu biết địa phương, qua thông tin của các tổ chức phi chính phủ chẳng hạn. Khi đi chụp, trước tiên tôi luôn dành thời gian trò chuyện với nhân vật nhằm cố gắng xây dựng lòng tin ở họ trước khi xin phép chụp ảnh.

Tôi hiểu chị cố gắng xây dựng sự gần gũi với nhân vật nhất có thể trong một khoảng thời gian không dài. Chị lại chủ yếu làm việc ở nước ngoài, đã bao giờ chị cảm thấy mình chỉ là người ngoài cuộc khi rào cản về văn hóa hay ngôn ngữ quá lớn?
Thực sự thì lúc nào tôi cũng cảm thấy vậy. Kể cả ở Việt Nam, cho dù tôi là người gốc Việt nhưng lại không nói được tiếng Việt. Khi tiếp xúc và làm việc cùng cộng đồng dân tộc thiểu số tại miền núi phía Bắc Việt Nam, tôi không khác gì một người ngoài hành tinh, chẳng có điểm chung gì về văn hóa hay ngôn ngữ. Nhưng cá nhân tôi phải thích nghi với điều ấy chứ không phải họ. Bất kỳ một cuộc gặp gỡ lần đầu nào cũng sẽ không được thoải mái vì tôi bị đẩy vào một môi trường hoàn toàn lạ lẫm và đôi lúc tôi cảm giác họ cũng không muốn sự xuất hiện của tôi ở đây. Việc này hoàn toàn như đánh cược vậy

Xung đột giữa hàng ngàn người, chủ yếu là fan cuồng bóng đá, biểu tình phản đối bạo lực xảy ra trong một trận đấu tại Port Said. 03/02/2012, Cairo, Ai Cập. © Virginie Nguyễn Hoàng
Một người đàn ông bị bắn vào ngực khi cảnh sát đang triệt hạ cuộc biểu tình ủng hộ tổng thống bị phế quyền Mohammed Morsi. Hơn 900 người, trong đó 4 phóng viên, đã bị giết bởi lính bắn tỉa hôm đó. Cairo, Ai Cập. © Virginie Nguyễn Hoàng

Thế giới quan của chị đã thay đổi như thế nào sau một thời gian làm việc?
Khi còn đi học, tôi đã làm công tác hoạt động xã hội cho những nhóm thiểu số bị phân biệt đối xử. Tôi đã từng tin rằng những thông tin và câu chuyện khi được rộng rãi biết đến sẽ có tác động tốt, giúp thay đổi điều gì đó dù là nhỏ, nhưng tiếc rằng chuyện đó hiếm khi xảy ra. Giờ thì tôi vẫn tiếp tục làm việc với hy vọng rằng một ngày tôi có thể tạo nên một ảnh hưởng nhất định khi đưa những câu chuyện này ra ánh sáng. Trước khi dấn thân vào chiến trường, tôi vẫn sống ở xứ sở thần tiên. Giờ khi đã được đi và tiếp xúc nhiều hơn, tôi dần nhận ra những mặt xấu mặt tốt trong con người. Dù biết rằng tác động tích cực cá nhân mình có thể tạo ra là rất nhỏ nhưng tôi vẫn không tưởng tượng được mình có thể chọn lựa một công việc khác.

Mỗi khi về Bỉ, tôi gặp gỡ gia đình và bạn bè, đá bóng, đi chơi, cố gắng để sống bình thường như trước. Người thân thường trách tôi không vì không chia sẻ nhiều về công việc, nhưng tôi chủ động làm vậy để tạo ra khoảng cách giữa hai thế giới.

Tôi mặc định rằng chị đã chứng kiến nhiều cái chết?
Lần đầu tiên là ở Syria. Thực ra đó là phần cơ thể còn lại, hầu như chỉ còn xương. Tôi đã sợ đứng người, nhưng khi đó còn phải tập trung vào công việc và cố loại bỏ ý nghĩ trong đầu “Ôi trời kinh khủng quá, phải rời đi thôi”. Phải đi tiếp.

Sau rất nhiều lần nhìn thấy người chết do không kích, bắn tỉa hay có người bị cảnh sát bắn chết ngay trước mặt mình, tôi vẫn không thể quen được với chuyện đó. Thậm chí ở Gaza còn có những trẻ nhỏ vô tội bị giết hại, thực sự là những điều rất ám ảnh khi phải chứng kiến. Tôi không cho phép mình được quen với điều đó.

Xung đột giữa người dân và lực lượng an ninh vẫn tiếp tục diễn ra trước khách sạn Intercontinental. 27/01/2013, Cairo, Ai Cập. © Virginie Nguyễn Hoàng

Chị có ra chiến trường và nghĩ là hôm nay có thể là ngày cuối cùng mình được sống?
Không, tất nhiên là không (cười lớn)! Tôi không đi làm để sẵn sàng hy sinh! Khi đến những nơi nguy hiểm như vậy, sự chuẩn bị kỹ lưỡng là tối cần thiết để hạn chế rủi ro dù là nhỏ nhất. Mọi việc như ngủ ở đâu, đi đứng thế nào, làm việc với ai đều cần được tỉnh táo suy tính kỹ lưỡng và chỉ làm việc với những người bạn có thể đặt niềm tin tuyệt đối. Nếu đó là khu vực chiến tranh, ngoài đồ bảo hộ như bộ sơ cứu y tế, mũ bảo hiểm và áo chống đạn, bạn cần tự trang bị những kỹ năng cứu thương căn bản phòng trường hợp khẩn cấp. Khi đã có mặt trên chiến trường thì cần tập trung cao độ đồng thời lắng nghe và phân tích mọi diễn biến đang xảy ra xung quanh.

Đã có vài lần khiến tôi cảm thấy thực sự sợ hãi, một trong số đó là đêm không kích của quân đội Israel ở Gaza. Họ dải bom từ nửa đêm đến hơn 5 giờ sáng, bốn người chúng tôi ngồi sụp trong một tòa nhà rung lắc ầm ĩ và tự hỏi nếu không kích rơi trúng vào đây thì sẽ ra sao? Tôi sợ lắm nhưng chẳng thể làm được gì hơn, không đường chạy trốn, chỉ biết ngồi ôm đầu hy vọng.

Cá nhân chị là một người phụ nữ, chị thấy việc hoạt động trong vùng xung đột có điều gì thuận tiện và khó khăn hơn?
Một mặt, tôi có khá nhiều lợi thế khi là một người phụ nữ công tác tại điểm nóng. Ví như ở một vài quốc gia Hồi giáo Ả Rập, tôi có thể tiếp cận nhà riêng của các gia đình, có thể vào nhà khi người đàn ông vắng mặt. Điều này sẽ là trở ngại lớn với phần lớn các phóng viên là nam giới. Hay khi ở cùng quân đội, binh lính cũng thường quan tâm đến sự an toàn của tôi nhiều hơn.

Mặt khác, vì là phụ nữ nên tìm nhà vệ sinh lúc nào cũng khó! Hay như khi đến các buổi biểu tình ở Ai Cập, tôi phải đối mặt với nguy cơ bị quấy rối tình dục khá thường xuyên. Đó là một vấn đề lớn đối với phụ nữ nói chung chứ không riêng gì NAG nữ. Tôi thực sự cảm thấy phiền và bị phân tâm không tập trung được vào công việc.

Người dân quận Bashtill nhảy theo nhạc chaabi trước lễ cưới. 28/08/2014, Cairo, Ai Cập. © Virginie Nguyễn Hoàng
Một người đàn ông trèo cây trên con đường dọc bờ biển gần quảng trường Tahrir. Xung đột giữa người dân và lực lượng an ninh đã kéo dài sang ngày thứ 6. 29/01/2013, Cairo, Ai Cập. © Virginie Nguyễn Hoàng

Là một người gốc Việt, sợi dây kết nối giữa chị và Việt Nam là gì?
Tôi đang thực hiện một dự án ảnh dài hơi tại Việt Nam, giờ thì chưa tiết lộ được. Tôi kết nối với mảnh đất này trước hết vì tôi mang một nửa dòng máu Việt. Tôi trông không giống người Việt, không nói tiếng Việt nhưng dù muốn hay không thì Việt Nam vẫn là gốc gác, nguồn cội nơi tôi. Khi tôi làm việc tại Việt Nam hay khi giao lưu với cộng đồng người Việt tại Bỉ, ai cũng hỏi tại sao tôi không nói tiếng Việt. Điều này thực sự đáng xấu hổ vì Việt Nam là một phần trong tôi và tôi luôn muốn được trò chuyện trực tiếp với mọi người bằng tiếng Việt. Tôi hy vọng sẽ học được tiếng Việt sớm.

Câu hỏi cuối cùng: Chị có lời khuyên nào cho những bạn trẻ mong muốn trở thành phóng viên ảnh?
Các bạn phải chắc chắn rằng đó là niềm đam mê tuyệt đối. Ngoài bề nổi là việc được đi nhiều nơi và gặp gỡ nhiều lớp người, để theo đuổi công việc này không hề dễ và cần sự nỗ lực bản thân rất lớn. Thêm nữa là bạn sẽ không kiếm được nhiều tiền đâu, đừng mong làm giàu với nghề này. Hãy dành thời gian đi nhiều triển lãm, xem nhiều sách ảnh để phát triển tư duy về hình ảnh và cách kể chuyện. Hãy tập chụp ảnh đám cưới vì chụp đám cưới cũng rất khó, đó là một bài tập tốt cho việc theo đuổi sự kiện.

Virginie Nguyễn Hoàng là một phóng viên ảnh tự do người Bỉ gốc Việt. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Ảnh báo chí tại Danish School of Media and Journalism, cô làm việc tại những điểm xung đột tại Ai Cập, Cộng hòa Trung Phi, Syria, Lybia và Gaza. Tháng 9 năm 2016, dự án của cô tại Gaza được xuất bản thành cuốn sách ‘Gaza The Aftermath’. Virginie là thành viên của studio Hans Lucas và đồng sáng lập cộng đồng nhiếp ảnh tại Bỉ Collectif Huma.
Kết nối với Virginie tại FacebookInstagram.