Makét 02

Phan Quang: Phủ Đậy / Lấp Đầy

© Phan Quang

Nỗi buồn là điều mà tôi cảm nhận trong suốt quá trình làm dự án. Đây không phải nỗi buồn của sự bi quan, mà là nỗi buồn của những con dấu nung đỏ, gắn chặt vào những nhân vật của câu chuyện, trong căn nhà họ ở, trên bức tường họ giữ, đọng lại trên từng món đồ vật, tồn tại qua sự chuyển động của thời gian. Tôi nghe những nỗi buồn chất chứa tận đáy sâu, xuyên không gian, thời gian, phủ lên tất thảy những gì họ chạm vào, thậm chí, ngay cả lúc họ đón nhận những sự kiện hạnh phúc trong cuộc sống. Tôi, bằng tác phẩm của mình, tìm cách xâu chuỗi nỗi buồn ấy lại.

© Phan Quang

Năm 2011, tôi bị “thấm” nỗi buồn này khi lần đầu tiếp cận các nhân vật trong dự án ở Hà Nội. Ngay khi đó, tôi nảy ra ham muốn thực hiện tác phẩm về những người này nhưng vẫn loay hoay chưa tìm được cách thể hiện nỗi buồn ấy ra.

Nhưng nỗi buồn của họ không thể rời khỏi tôi…

© Phan Quang
© Phan Quang

Cho đến năm 2013 khi có dịp cư trú tại Nhật và hiểu nhiều hơn về văn hóa và con người của đất nước này, ý tưởng thực hiện tác phẩm quay trở lại.

Tôi bắt đầu tìm kiếm chất liệu vải voan, một loại vải mỏng, nhẹ, xuyên thấu để có thể kết nối các nhân vật với nhau. Tôi tìm được nhà máy sản xuất vải voan ở cố đô Kyoto của Nhật. Nhà máy này hình thành năm 1955, đúng thời gian mà những người lính Nhật rời Việt Nam quay về nước. Cũng chính yếu tố này đã giúp giải quyết nút thắt cho dự án của tôi.

© Phan Quang

Tôi đã viếng thăm gia đình các nhân vật của mình rất nhiều, họ xem tôi như thành viên gia đình, như bạn bè, cho tôi có cơ hội hiểu sâu hơn, chia sẻ với những con người này nhiều hơn. Dần dần tôi hiểu hiểu được vì sao nỗi buồn luôn đeo bám những thân phận này, vì sao nỗi buồn thấm trong thời gian, không gian, những đồ vật, những trang kí ức sống. Tôi khởi tạo tác phẩm của mình từ đây.

Trong từng câu chuyện, từng dữ liệu cá nhân, tôi nghe được những dòng cảm xúc của những người trong cuộc. Cảm xúc tan chảy một cách chậm rãi, cô đọng. Dòng chảy cứ thế cuốn tôi đi.

© Phan Quang

Có lúc tôi thấy mình bị nhấn chìm giữa những khoảng trống của kí ức, khi bà Xuân 94 tuổi luôn ôm cái gối bên trong có áo trấn thủ của chồng bà, một kỉ vật bấy nhiêu năm luôn ở bên bà, tựa như một linh hồn sống động. Tôi im lặng trước sự rộng lượng của bà thanh thản đón người chồng Nhật của bà, đi cùng với người vợ thứ hai sang Việt Nam thăm bà vào năm 1987. Bà kể về sự việc không một chút oán hận hay hờn trách mà ngược lại, bà tự hào và hạnh phúc. Những người con của bà, khi ấy đã vào khoảng 50, 60 tuổi, chào đón cha họ trong hoàn cảnh đó, không chút gợn chút trách móc. Dòng chảy của nỗi buồn có những lúc cuồn cuộn dâng lên đến ngộp thở, cũng có những lúc êm đềm như khi thưởng thức tách trà nóng. Tôi hiểu, tất cả họ, dù ở phe nào, dù ở nơi nào, đã là một gia đình.

© Phan Quang

Nỗi buồn của bác Khách – thế hệ thứ hai trong câu chuyện này – đã cuốn tôi trôi ra giữa biển đời mênh mông, không một con thuyền, không một chiếc phao níu giữ. Bác Khách quay quắt trông về quê cha đất tổ, nơi mà bác chưa bao giờ có dịp được đặt chân lên. Đó là đất nước Nhật Bản. Khi tôi đi Nhật, bác nhờ tôi mang về cho một nắm đất Nhật.

Tôi làm theo dù không hiểu rõ mục đích. Cho đến khi tôi về và đặt vào tay bác nắm đất mang về từ Nhật, bác đã cầm chặt nó trong tay rồi đặt lên bàn thờ. Nỗi buồn khi ấy, dữ dội hơn cả con sóng thần ngoài biển lớn, Cả hai chúng tôi cùng im lặng để con sóng lôi mình đi.

© Phan Quang

Phan Quang (sinh 1976, tại Bình Định, Việt Nam) là nghệ sỹ thị giác cư trú tại tp. Hồ Chí Minh. Trước khi thực hành chụp ảnh ý niệm, anh đã làm phóng viên ảnh trong nhiều năm. Phan Quang đã phát triển ngôn ngữ nhiếp ảnh của mình không chỉ là một phương tiện để biểu đạt góc nhìn thẩm mỹ riêng biệt, mà còn là một công cụ khám phá và soi chiếu xã hội.
Kết nối với Phan Quang tại Facebook.