Nguyễn Vân Nhi bắt đầu cầm máy khi theo học ngành nghệ thuật tại Toronto, Canada. Vốn sống hướng nội, cô đang trong quá trình vượt qua tâm lý rụt rè để gặp gỡ và chụp chân dung người khác. Những nhân vật trẻ với ngoại hình nổi loạn ngầm xuất hiện trong bối cảnh dàn dựng, cho thấy những biểu hiện của sự (không) thoải mái khi ở bên nhau. Xuất phát là những người xa lạ, có lẽ tác giả và nhân vật của cô cùng chia sẻ trạng thái chung của tuổi trẻ: cảm giác mong manh, lạc lõng, có phần bất an trước tương lai.
Nhi bắt đầu chụp chân dung như thế nào?
Đó là khi tôi chuyển nhà và có chút không gian riêng cho bản thân. Tôi mời bạn bè đến chơi và quan sát cách họ tương tác với một không gian mới: họ di chuyển, tiếp nhận thông tin, bắt chuyện với những người mình chưa từng quen biết. Quá trình này rất thú vị. Tôi nảy ra ý tưởng chụp chân dung hai người xa lạ theo hình thức giả lập sự thân mật, để xem họ có thể gần nhau đến mức nào. Trải nghiệm lúc chụp là thứ tôi coi trọng nhất, đôi khi hơn cả bức ảnh cuối.
Bạn có thể thuật lại quá trình tìm kiếm và chụp ảnh nhân vật?
Tôi bắt chuyện với những người bắt gặp trên đường hoặc qua Instagram. Họ không phải là người mẫu nhưng trông có chút gì khác biệt.
Mỗi buổi chụp thường bắt đầu bằng việc nói chuyện, trao đổi qua lại khá lâu. Tôi thích nhất phần tìm hiểu nhân vật vì mỗi người là một cá thể riêng biệt; có người không ngại chia sẻ câu chuyện đời mình và những gì họ từng trải qua. Khi đã thân quen, họ sẽ tạo dáng dễ dàng hơn.
Tôi thích có sự kiểm soát trong việc sắp xếp bối cảnh và đạo diễn nhân vật. Có trường hợp hai anh chị dù không quen biết nhưng lại có thể gần gũi nhau cực kỳ tự nhiên, không chút ngượng ngùng. Trường hợp khác, nhân vật không thoải mái khi được yêu cầu ôm nhau, nên tay chân trở nên gượng gạo, ngôn ngữ cơ thể bộc lộ ra luôn. Sự chân thật vẫn luôn hiển hiện dù có dàn dựng kỹ lưỡng đến thế nào.
Theo Nhi, điều gì làm nên một tấm chân dung đạt?
Đối với tôi, ảnh đẹp có cảm giác thả lỏng, như thể người chụp không mất quá nhiều công để tạo ra nó dù thực tế có thể hoàn toàn khác. Bố cục không quá chật chội mà càng đơn giản càng tốt. Khán giả nhìn vào sẽ thấy mình trong đó thay vì phải vắt óc diễn giải. Tôi chỉ muốn ảnh của mình lan tỏa niềm vui và tình yêu, như một hình thức nghệ thuật chữa lành. Một vài nghệ sĩ như Deena Lawson hay Carrie Mae Weems đã làm điều đó rất thành công. Những tấm chân dung của họ thực sự rất tình cảm, khiến tôi cảm giác như mình đang ở ngay đó cùng nhân vật.
Nhi làm việc nhiều với bản in. Điều gì thu hút bạn đến với chất liệu này?
Khi đi xem triển lãm, tôi thấy trải nghiệm với mỗi bức ảnh còn dựa vào nhiều yếu tố như không gian, ánh sáng, hay kích cỡ của bản in. Một bức ảnh khổ lớn như tranh tường khiến ta chìm trong đó, còn ảnh nhỏ thì kéo ta tiến lại gần, tạo cảm giác thân mật hơn. Một bức chân dung có thể chứa đựng rất nhiều thông tin. Những chi tiết đó sẽ được cảm nhận tốt nhất khi ảnh sống trong không gian thực.
Khi theo học ở trường, tôi từng thử nghiệm với việc lồng ảnh vào tượng và làm collage từ bản in. Nhưng dần dần, tôi thấy thích việc chụp và in ảnh ra hơn là kết hợp nó với các chất liệu khác. Bản in cũng gắn với thực hành chụp ảnh film. Tôi thấy việc lưu trữ âm bản an toàn hơn là file số, và việc in C-print từ âm bản cũng tương tự như in lưới. Tóm lại, tôi thích những thứ sờ nắm được.
Vì dịch mà Nhi đã quay lại Hà Nội và tiếp tục học trực tuyến. Bạn có đang thực hiện dự án gì không?
Tôi đang thực hiện một cuốn zine về việc làm mẹ, đặt tên là My mother’s pearls (Chuỗi ngọc trai của mẹ). Mẹ tôi luôn được ngước nhìn như một người phụ nữ lý tưởng, còn tôi thì đối nghịch, chưa bao giờ cảm thấy mình nữ tính, lại cạo đầu và ăn mặc như đàn ông. Tôi thử chụp ảnh bản thân đội tóc giả để nhìn vào việc đó.
Nghe thì sến nhưng hiện giờ tôi chỉ muốn chụp để lưu lại khoảnh khắc và thoả mãn nhu cầu sáng tạo. Sớm muộn gì tôi cũng phải nghĩ về việc làm nghề, nhưng e rằng khi đó nhiếp ảnh sẽ không dành cho mình nữa.
Nguyễn Vân Nhi sống giữa Hà Nội và Toronto. Cô thực hành nhiếp ảnh như một công cụ để tìm hiểu con người và những khía cạnh nơi cô sống.