Trở về từ Angkor Photo Festival & Workshops 2019, Matca trò chuyện với Miên Thuỵ, nhiếp ảnh gia trẻ từ Việt Nam được chọn tham gia khoá học năm nay. Dự án Sisyphus’ sleepwalking (Tạm dịch: Cơn mộng du của Sisyphus) cô thực hiện tại đây là phương thức để đối mặt với quá trình chuyển tiếp khó khăn sang tuổi trưởng thành. Thuỵ chia sẻ về trải nghiệm ở khoá học như một dấu mốc bứt phá của bản thân, với những kỷ niệm và sự kết nối đầy bất ngờ.
Thuỵ đã ấp ủ ý tưởng cho dự án này từ trước hay mới nảy ra khi tới khoá học?
Ý tưởng này đã ở trong em suốt một thời gian dài, em luôn lấn cấn về nó nhưng chưa thể làm được. Khoảng một năm trước em đã ngừng chụp ảnh do có khá nhiều vấn đề và không biết bắt đầu lại từ đâu.
Hai ngày đầu khoá học, em lang thang ngoài đường và thu nhặt những hình ảnh mình cho là phù hợp với chủ đề. Nhưng đây không phải cách em vốn thực hành nên kết quả không được tốt. Hai giáo viên hướng dẫn Kosuke Okahara và Veejay Villafranca gợi ý là hãy bắt đầu với chính mình để diễn tả cái bên trong mình. Lúc đó đã là ngày thứ ba, em muốn tìm một người mẫu nhưng không thể, thấy như đường cùng rồi nên em quyết định chụp bản thân.
Khoá học Angkor Photo Workshop được biết tới là nơi mỗi học viên phải vượt qua giới hạn của bản thân theo cách riêng. Thuỵ có trải nghiệm tương tự hay không?
Em đã có rất nhiều lần đầu tiên ở đây. Lần đầu khoả thân trước mặt người khác và ở bên ngoài, vừa chụp vừa sợ hàng xóm nhòm ngó, rồi sau này mới biết cái CCTV ngoài sân đã quay lại hết cả quá trình. Đó là một trải nghiệm thú vị mà em không nuối tiếc gì.
Rất bất ngờ là tất cả mọi người đều sẵn lòng giúp em. Người cho em mượn máy ảnh tiện để chụp chân dung, người cho mượn chân máy, cho mượn gương, cho mượn phòng khách sạn làm bối cảnh, rồi có người giúp em căn góc, bấm máy. Em thực sự không một mình khi thực hiện dự án này.
Em nghĩ khoá học cường độ cao đã làm được một điều rất tốt: buộc mọi người phải đốc thúc bản thân và tập trung hết tâm sức trong khoảng thời gian ngắn, để có thể bứt phá và làm được những điều trước đây họ không nghĩ mình có thể.
Trong bộ ảnh, Thuỵ tiếp cận chủ đề nội tâm này như thế nào?
Đúng lúc workshop diễn ra thì da em nổi nhiều vết đỏ do dị ứng. Em nghĩ là đó là yếu tố thị giác tốt để thể hiện sự loay hoay, chật vật của bản thân nên đã chụp lại cơ thể mình. Có nhiều hình ảnh dựa trên trải nghiệm cá nhân, như có thời điểm em không thể chấp nhận hình ảnh của mình trong gương, hay sáng nào dậy cũng tự cắt tóc vì quá căng thẳng.
Thuỵ đã học được gì từ người hướng dẫn của mình, hai nhiếp ảnh gia tư liệu kỳ cựu?
Tới giờ em vẫn không hiểu vì sao mình lại được chọn trong nhóm này khi ảnh của em mang tính ý niệm và có yếu tố sắp đặt, trong khi tất cả các bạn khác đều đang làm những dự án tư liệu. Nhưng Kosuke với Veejay rất tinh tế và sâu sắc, cả hai đều hiểu em cần gì, thiếu gì. Họ khuyến khích em lắng nghe mình nhiều hơn và khiến em nhận thấy rằng mình cần hiểu bản thân mình trước, hình ảnh là thứ đến sau. Họ luôn thúc đẩy em phải vượt qua sự ngại ngần để có thể thực sự bộc lộ những gì muốn nói, dù vẫn để em tự do, thành thực với trạng thái cảm xúc của mình.
Hiện tại nhiếp ảnh với Thuỵ là gì?
Em đã có thể đối mặt và nói lên câu chuyện rất cá nhân mà trước đây không dám và cũng không có khả năng để thể hiện bằng hình ảnh. Vào ngày cuối cùng ở Angkor em đã cạo tóc, rất vui vì thấy đó mới là mình.
Ban đầu với em nhiếp ảnh là bản năng. Nhưng bản năng thì vốn thất thường, còn giờ em muốn giữ nhiếp ảnh bên mình như là hơi thở.
Là một người thực hành nhiếp ảnh với 3 năm tự học, Miên Thụy quan tâm đến phần thế giới bên trong con người, những mắt xích ẩn ngầm, giải phóng cá nhân, sự sống-cái chết. Trong nhiếp ảnh, Thụy đang trên hành trình tự thấu hiểu và định nghĩa mình.
Kết nối với Thuỵ tại Instagram.