Từ nơi chốn riêng tư đến không gian công cộng, Hoàng Cao chất vấn sự hiện diện của bản thân trong ký ức cá nhân và lịch sử. Là một mường tượng khác về tuổi thơ với người bố, bộ ảnh Dream Away của Hoàng Cao được chọn vào Top 8 cuộc thi Ảnh kể chuyện 2019 do Oppo và Tinhte tổ chức, đồng thời xuất hiện trong buổi trình chiếu “Từ Bắc Tới Nam Và Xa Chân Trời: Một hành trình nhiếp ảnh Việt Nam” tại Angkor Photo Festival & Workshops. Bắt đầu với những thể nghiệm trong nghệ thuật, Hoàng sử dụng nhiếp ảnh như một công cụ để hiện thực hóa các ý tưởng tiếp thu được trên con đường giáo dục tự thân của mình.
Hoàng có thể giới thiệu về hai bộ ảnh đầu tay, Dream Away và Greetings From Saigon?
Cả hai đều ra đời vào năm 2019 trong cuộc thi Ảnh kể chuyện của Oppo và Tinhte. Lúc đó mình chỉ mới chơi ảnh, xem cảm xúc với các ý tưởng trong đầu sẽ tạo ra những gì. Trong bối cảnh cuộc thi với những ràng buộc từ yêu cầu của người khác, những khuôn khổ nhất định về mặt thời gian và sáng tạo đã khiến người tham gia đưa ra được tác phẩm hoàn thiện, mặc cho họ có tự tin về nó hay không.
Mình làm hai dự án này khi đang tìm hiểu về khái niệm “xét lại lịch sử” – quá trình nhìn nhận rằng mỗi người đều là một sản phẩm của những gì đến trước chúng ta. Theo cách hiểu đó, hai bộ ảnh này là nhận thức cá nhân của mình về lịch sử.
Dream Away tái hiện một tuổi thơ vô tư, hồn nhiên nhưng cũng đầy ẩn khuất. Hoàng có thể kể về quá trình thực hiện dự án này với bố?
Bố và mình là hai người lạ. Không chỉ tồn tại rào cản cảm xúc mà còn có một lỗ hổng văn hóa khiến cả hai không thể làm gì ngoài việc nhìn về nhau từ xa và cố nắm bắt bất cứ dấu hiệu nào về nhau mà cả hai có thể nhận thấy. Đó là điều mình muốn truyền tải.
Quá khứ chưa bao giờ là điều dễ chịu. Mình không có cơ hội để thực sự hiểu bố vì không sống cùng ông. Cộng tác với người mình không hiểu gì mấy cũng hơi kỳ. Nhưng cứ làm thôi, chỉ cần giữ tâm trí cởi mở là được.
Trái ngược với tính chất riêng tư của dự án trước, Greetings from Saigon mang tính châm biếm và phê bình xã hội. Hoàng có thể chia sẻ thêm về dự án này?
Greetings from Saigon lấy cảm hứng từ phong cách thẩm mỹ của Tseng Kwong Chi. Chủ đề trọng tâm trong cuộc đời sáng tác của ông là trải nghiệm lưu vong và danh tính châu Á qua lăng kính Mỹ. Nếu Tseng Kwong Chi nói về cảm giác bị xa lánh tại một nơi chốn xa lạ, thì mình muốn nói về cuộc lưu vong không ở khía cạnh địa lý mà ở thời gian và sự biến đổi văn hóa. Luận điểm chính của bộ ảnh là tìm lời đáp cho việc tại sao mình cảm thấy lạc lõng trong chính quá khứ của mình.
Mình cố lý giải liệu những cột mốc văn hoá mang tính biểu tượng này có ý nghĩa gì đối với mỗi chúng ta. Là một người không sống trong thời khắc dĩ vãng đó, mình thực sự thấy choáng ngợp, bởi những ký ức chiến tranh ấy khơi gợi những nỗi đau mà mình chưa bao giờ trải qua, những vết thương chưa đóng miệng, như một cái “chân ma” bao trùm lên văn hóa của mình.
Vì sao Hoàng muốn hóa thân vào trong khung hình?
Thực tế mà nói, mình không tìm được người mẫu nào khác ngoài bản thân. Nhưng về phía cạnh cá nhân, mình muốn lần đầu thử chụp ảnh chính mình ở nơi công cộng. Trong thực hành chân dung tự hoạ, tác giả trở thành chủ thể trong tác phẩm của mình, và chính bản thân họ được xem như một tác phẩm nghệ thuật, bao gồm cả những cá tính, quyết định cá nhân và cảm xúc riêng.
Mình đặt bản thân vào trải nghiệm này để xem ánh nhìn của người khác sẽ ảnh hưởng đến mình như thế nào. Có rất nhiều lần thất bại. Mình đã chụp rất nhiều nhưng chưa bao giờ đúng theo ý muốn.
Hiện tại, nhiếp ảnh là gì đối với Hoàng?
Với mình, nhiếp ảnh đang tồn tại ở một vị thế khá thú vị. Ngôn ngữ chung của các bạn đồng trang lứa của mình là ngôn ngữ thị giác. Với sự phát tán rộng rãi của loại hình, đồng thời hoà trộn với văn hoá “hyper-memeing” (hiện tượng mạng lưới các hình ảnh chế được tạo ra, tiêu thụ và lan truyền mạnh mẽ trong thời đại kỹ thuật số – pv), nhiếp ảnh san bằng sân chơi, đưa đến cơ hội để bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận với những ý tưởng và văn hoá.
Còn với tư cách một người thực hành, nhiếp ảnh luôn là hành trình đối thoại với những điều mình sợ, đồng thời là con đường giúp mình chữa lành. Đầu ra của các tác phẩm chỉ đơn giản là việc mình dám đối mặt với bản thân qua máy ảnh – điều mà mình luôn chật vật theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Hoàng Cao hay Cao Nguyễn Huy Hoàng hiện đang theo đuổi con đường giáo dục tự thân bên ngoài những định chế chính quy. Anh dùng nhiếp ảnh như một công cụ để bày tỏ những ý tưởng được hình thành trong quá trình tự học.