Tôi là người gốc Hàn Quốc đã sống xa xứ hơn 20 năm nay. Trong chuyến về nước thăm gia đình vừa rồi, tôi đã để ý ngày càng có nhiều phụ nữ Việt Nam ở vùng nông thôn phía Nam Hàn Quốc. Một lần lái xe loanh quanh dưới quê, tôi bắt gặp tấm biển nhỏ đề “Cô dâu Việt Nam” và số điện thoại liên lạc giữa chốn đồng không mông quạnh. Từ đó tôi tò mò muốn tìm hiểu xem những cô dâu Việt thích ứng với cuộc sống mới như thế nào trong xã hội vốn đơn sắc tộc của Hàn Quốc, họ sẽ xử trí ra sao với rào cản ngôn ngữ, văn hoá gia đình nhà chồng khác biệt và sự kỳ thị còn hiện hữu. Chính bản thân tôi cũng phải đối mặt với những vấn đề này trong một thời gian dài khi cưới chồng mình, một người đàn ông ngoại quốc. Tôi đặc biệt quan tâm đến những người phụ nữ Việt ấy, không gian sống, trải nghiệm, những giấc mơ và hy vọng của họ.
Tôi tới toà thị chính và những trung tâm cộng đồng để tìm gặp những gia đình chồng Hàn vợ Việt, nhưng thị phi đã khiến những người phụ nữ mới lập gia đình ngần ngại khi tiếp chuyện người ngoài. Việc tiếp xúc với cô dâu Việt ở Hàn Quốc đã rất khó khăn và gần như là vô vọng. Tôi liên lạc với vài phóng viên người Việt rồi tự thân đến đồng bằng sông Mekong. Người dân địa phương nói cù lao Tân Lộc là nơi nhiều con gái đi lấy chồng nước ngoài, nên được gọi tên là “đảo Đài Loan”.
Trong vòng 3 năm, cứ mỗi 6 tháng tôi lại đến thăm và chụp ảnh hòn đảo nhỏ ấy. Trong mỗi chuyến đi, tôi lại ở nhờ nhà dân, họ cho phép tôi tìm hiểu cuộc sống thường ngày. Tôi mở lòng với những người dân trên đảo và họ cũng chào đón tôi. Họ cho tôi chụp ảnh trong nhà và giúp tôi thực hiện những tấm ảnh panorama toàn cảnh bằng cách tạo dáng trước ống kính. Nhiều tấm trong dự án được dàn dựng, nhưng không có nghĩa là chúng hoàn toàn hư cấu.
Ngộ nhận sai lầm ban đầu của tôi về cuộc hôn nhân với chồng ngoại quốc đã thay đổi. Những cô gái trẻ và gia đình họ đều nhận thức được những thử thách phía trước, nhưng họ vẫn quyết định rời quê hương để tìm kiếm cơ hội cuộc sống tốt hơn và giúp đỡ gia đình mình ở Việt Nam.
Chuỗi ảnh này được thực hiện ở đồng bằng sông Cửu Long và là thành quả chung của người đứng trước và sau ống kính. Thay vì tập trung vào cuộc sống nghèo khó đã đẩy những cô gái trẻ đến cảnh di cư, tôi muốn nhấn mạnh vào vẻ đẹp của những gì họ bỏ lại phía sau: làng quê, phong cảnh, gia đình bè bạn,… những cảnh và người đã theo họ lớn lên và trở thành một phần danh tính của họ. Đây là những gì quen thuộc họ chọn rời xa để đến một nơi hoàn toàn xa lạ, khác biệt từ khí hậu, cảnh quan cho đến văn hoá, ngôn ngữ và con người.
Oh Soon-Hwa là một nhiếp ảnh gia, giám tuyển và giảng viên nhiếp ảnh gốc Hàn Quốc. Tác phẩm của cô tìm hiểu các vấn đề về giới tính, danh tính và tình trạng con người. Hiện giờ cô đang giảng dạy nhiếp ảnh tại đại học Nanyang Technological University, Singapore.