President Hotel là cuốn sách ảnh kể lại những năm tháng cuối cùng của khách sạn lừng lẫy cùng tên – sau này là chung cư 727 Trần Hưng Đạo, quận 5, TP HCM. Toà nhà gần 60 năm tuổi, xuống cấp và dần bị bỏ hoang từ năm 2000, đã không còn trên bản đồ khi cuốn sách của phóng viên ảnh người Pháp Laurent Weyl được xuất bản vào cuối năm 2016. Cuốn sách vuông vắn dày gần 200 trang gồm 80 tấm ảnh màu và bài viết của Sabrina Rouillé, nhà báo độc lập đã cùng Laurent đến gặp gỡ những người dân tại toà nhà lịch sử trước thềm bị tháo dỡ.
Bước vào cuốn sách, người xem vừa thâm nhập không gian vật lý của toà nhà, vừa như chìm vào một không gian của ký ức về một thời đã mất. Tuyển tập ảnh ghi lại cảnh sinh hoạt thường nhật, kiến trúc và tĩnh vật cung cấp một dạng khảo cứu gần như toàn diện về khu chung cư và cuộc sống cư dân tại đây.
Bên cạnh hình ảnh, những yếu tố trong thiết kế sách đều góp phần tái hiện President Hotel. Nếu ảnh bìa là mặt tiền bê tông sừng sững thì phần gáy để lộ những đường chỉ thô lại có một vẻ mong manh đối lập, như nhắc người xem nâng niu những dấu vết còn lại của một công trình bề thế nay đã không còn. Hai màu nền đen tuyền của phần ảnh và xanh vữa của phần bài viết gợi lên những hành lang dài tối cũng như màu sắc đặc trưng của lớp vữa trát tường.
Trò chuyện tại văn phòng của mình ở Paris, Laurent Weyl nhìn lại quá trình ra đời cuốn President Hotel và sự gắn bó với Việt Nam, đồng thời chia sẻ về thực hành nghề nghiệp của anh, trong đó yếu tố thời gian đóng vai trò then chốt.
Anh đến Việt Nam lần đầu vào năm 1992, rồi quay lại nhiều lần và sống ở Sài Gòn từ năm 2011 đến năm 2016. Mối liên hệ giữa anh và Việt Nam là gì?
Trải nghiệm lớn đầu đời thường để lại dấu ấn sâu đậm. Việt Nam là chuyến đi xa một mình đầu tiên của tôi, cũng là lần đầu chụp ảnh phóng sự khi vẫn là một sinh viên trường nhiếp ảnh. Tôi và hai người bạn đã nhận được học bổng để đến Việt Nam trong một tháng. Tôi đã mắc mọi sai lầm trong nghề – tôi theo đuổi quá nhiều đề tài để rồi cuối cùng không thực sự có câu chuyện nào để kể, trong khi đáng lẽ phải đi sâu khai thác một chủ đề dài hạn. Việt Nam thực sự là nơi tôi đã định hình việc học nghề của mình.
Anh có thể chia sẻ con đường đến với ảnh phóng sự tư liệu?
Ban đầu, tôi làm trợ lý nhiếp ảnh để sống với nghề. Trong vòng 10 năm, tôi đã làm trợ lý cho những nhiếp ảnh gia của các hãng ảnh Magnum và VU’ và cả những nhiếp ảnh gia thời trang. Sau đó, tôi làm việc ba năm trong một studio quảng cáo. Phải mất rất lâu tôi mới có thể quay về lĩnh vực mình muốn, đó là ảnh báo chí.
Tôi theo đuổi các dự án dài hạn và rất ít khi chụp tin nóng. Tôi làm việc với những đề tài đòi hỏi giai đoạn chuẩn bị từ sáu tháng đến ba năm, rồi dành một tháng tại thực địa, không chỉ cho việc chụp ảnh mà cả đào sâu điều tra. Thường thì những gì tôi đã chuẩn bị trong văn phòng ở Paris khác xa với thực tế. Tôi từng phải thay đổi hoàn toàn góc nhìn đã chọn trong quá trình nghiên cứu tại hiện trường, và khi đó, cần thời gian để thích nghi, điều chỉnh công việc.
Với President Hotel, quá trình tìm hiểu đã diễn ra như thế nào?
Năm 2001, tôi bắt đầu một dự án ảnh cá nhân về những người di cư tại TP HCM. Sau đó, tôi tập trung vào những người di cư thuộc diện KT4 (Hộ, nhân khẩu, người lao động, học tập không ổn định tại thành phố), để minh hoạ cho một tài liệu điều tra của tổ chức phi chính phủ Villes en transition (tạm dịch: Đô thị chuyển hoá). Tôi cũng quan tâm đến những sinh viên từ nông thôn lên thành phố học. Đó là lúc tôi tình cờ nghe nói đến President Hotel, nơi mà tầng trên cùng có phòng trọ sinh viên giá rẻ. Năm 2011, tôi chuyển hẳn tới Sài Gòn, bởi đây là một đề tài đòi hỏi người thực hiện phải sinh sống tại địa phương, vì khó mà được người dân chấp nhận trong một khoảng thời gian ngắn.
Tôi may mắn tìm được một người bạn Việt Nam đã giúp thông dịch cho tôi miễn phí. Ban đầu người dân ở đây tỏ ra ngờ vực, nhưng người bảo vệ dần có thiện cảm với chúng tôi. Sau nhiều lần quay lại và tặng ảnh cho mọi người, họ đã mở cửa đón tiếp chúng tôi, có lúc ngẫu hứng rủ đến nhà chơi hay mời ở lại ăn cơm, và tâm sự những câu chuyện về toà nhà. Những cuộc gặp đó trải dài suốt hai năm.
Khu chung cư hiện lên trong ảnh như một nhân vật với hình dáng, tính cách riêng biệt, gợi sự tương tác thân mật giữa không gian và người chụp. Anh có những trải nghiệm đáng nhớ nào trong không gian toà nhà?
Tôi đã đi bộ rất nhiều. Tôi lang thang trong những dãy hành lang, đi lên, đi xuống cầu thang, và chờ đợi. Có những lúc tôi đi lạc và không xác định được mình ở tầng mấy hay phía nào của toà nhà. Khi nhìn qua cửa sổ, thay vì thấy bầu trời thì bạn chỉ thấy cái trần nhà của công trình sát cạnh. Bạn không biết mình đang ở cao hay thấp và hoàn toàn mất phương hướng. Phải làm quen với toà nhà và dành thời gian ở đó. Việc dành thời gian cũng giúp tôi thay đổi các góc nhìn. Ví dụ, tôi đã nán lại nửa giờ ở tiệm cắt tóc. Tôi chụp rất nhiều ảnh từ góc chính diện, cho đến khi tôi bước ra phía sau bức tường và chụp được tấm này, một hình ảnh khiến người xem phải suy đoán thay vì mang tính minh hoạ.
Những tấm ảnh sử dụng ánh sáng xiên và chơi đùa với những mảng sáng tối gợi một không khí rất gần với điện ảnh. Đây có phải chủ ý của anh?
Có và không. Đây là một công trình đồ sộ bao gồm 13 tầng và tám toà nhà được kết nối bằng những hành lang dài 100m và rộng hơn 3m. Những cửa sổ dọc hành lang khiến ánh sáng rọi vào từ hai bên giống như đèn trong studio hay trường quay. Với tôi, ánh sáng rất quan trọng. Tại cùng một vị trí vào những thời điểm khác nhau trong ngày, ánh sáng sẽ tiết lộ những điều trước đó ta không nhìn thấy. Tôi dành thời gian chờ đợi điều gì đó xảy ra. Như tấm ảnh chụp quán cà phê, tôi đã lui tới đây nhiều lần và tình cờ có mặt khi ánh sáng bất chợt chiếu rất đẹp.
Anh có thể nói thêm về thiết kế cuốn sách và vị trí của hai bài viết trong đó không?
Tôi muốn cuốn sách tái hiện tinh thần khu chung cư, một công trình theo chủ nghĩa thô mộc (brutalism). Từ trang bìa, ta nhận ra mặt tiền u ám của toà nhà – cửa sổ bị che khuất khi nhìn từ ngoài vào càng nhấn mạnh vẻ buồn bã và sầu thảm, cảm nhận được lớp vữa lở của một công trình đã không được bảo trì từ nhiều năm nay vì người ta biết rồi một ngày nó sẽ bị tháo dỡ. Trong ấn bản giới hạn, cuốn sách được khâu thủ công lộ gáy, với mô-típ hình cột gợi các toà nhà và đường chỉ xanh là những dãy hành lang.
Mỗi bài viết phác hoạ một khía cạnh trong cuộc đời toà President Hotel. Bài viết tư liệu của nhà báo Sabrina Rouillé lần lại lịch sử Việt Nam thông qua khu chung cư và hành trình của cư dân. Một tác phẩm thơ/đồ hoạ chữ của tác giả Donatien Garnier sáng tác trong quá trình lưu trú tại đây được in rời, gấp lại và gài vào mặt trong của bìa sau. Anh tìm cách ghi chép lại những cảm nhận về nơi chốn và tái hiện toà nhà như một con người.
Một số tấm ảnh của dự án President Hotel cũng xuất hiện trong cuốn sách ảnh với tựa đề Ma của anh. Anh có thể chia sẻ thêm về dự án đang thực hiện này?
Dự án xuất phát từ một suy nghĩ, thế nào là ma. Ma có trong những chuyện kể được lan truyền rộng rãi ở Việt Nam, trong những giai thoại ma ám tại President Hotel, trong đời sống tâm linh người Việt, và rồi có bóng ma của quá khứ, chiến tranh và thời kỳ thuộc địa. Tôi lui đến những ngôi chùa, những biệt thự và vườn thú được người Pháp xây dựng. Những địa điểm này là chất xúc tác cho cuộc kiếm tìm những bóng ma của chính tôi đối với đất nước này. Nhiều điều tôi yêu mến khi tới Việt Nam lần đầu năm 90 giờ đã không còn, như hình ảnh những người thợ cởi trần làm việc trong những xưởng gia công cơ khí nhỏ mà ngày nay tôi phải lặn lội ra vùng ngoại ô rìa TP HCM mới tìm thấy. Tôi đã có dịp chứng kiến những đổi thay của đất nước, và muốn để lại một lời chứng về những gì tôi đã từng được cảm nhận, trước khi chúng biến mất hoàn toàn.
Với Ma, tôi muốn thoát khỏi lối ảnh báo chí và thực hiện một tác phẩm tạo hình về ý niệm ma. Tác phẩm sẽ có dạng một cuốn sách nghệ thuật (livre-objet) sử dụng một loại giấy rất mỏng với phần chữ trong suốt.
Là một phóng viên ảnh tư liệu, anh dung hòa giữa việc theo đuổi dự án cá nhân và chụp ảnh cho khách hàng như thế nào?
Ngày nay, là một nhiếp ảnh gia, bạn phải biết làm mọi thứ: tìm hỗ trợ tài chính, làm hậu kỳ, bán sản phẩm, vv. Việc cân bằng giữa ảnh báo chí và ảnh thương mại luôn là vấn đề nan giải, vì tôi phải bỏ ra rất nhiều thời gian để gõ cửa những mối quan hệ nghề nghiệp và đi theo những lộ trình hoàn toàn khác nhau. Chụp ảnh theo đơn đặt hàng, tiếc thay là không chiếm nhiều thời gian của tôi lắm, trong khi ngày càng khó để sống bằng nhuận ảnh báo chí.
Tuy làm việc độc lập, tôi là một thành viên của Collectif Argos tập hợp các nhà báo và phóng viên ảnh tập trung vào thể loại báo chí tư liệu. Chúng tôi chia sẻ các vấn đề hay mong muốn của mình, cùng nhau suy nghĩ và thực hiện những dự án chung. Ba năm một lần, chúng tôi phối hợp thực hiện một dự án mà nghiên cứu một vấn đề xã hội và tiếp cận nó qua 10 câu chuyện khác nhau, gần đây nhất là về sự chuyển hoá năng lượng. Nhờ hoạt động theo nhóm mà chúng tôi có thể tìm kiếm những nguồn tài trợ công hay từ các quỹ để thực hiện dự án tư liệu, làm triển lãm và xuất bản sách.
Laurent Weyl là một nhiếp ảnh gia tư liệu tập trung vào các vấn đề xã hội, môi trường và địa chính trị. Anh đã thực hiện các dự án dài hạn điều tra về tình trạng nghèo đô thị, những người di cư vì môi trường (climate refugees), cũng như các đề tài xã hội-dân tộc học. Các tác phẩm của anh đã xuất hiện ở nhiều liên hoan nhiếp ảnh (Visa pour l’image, Arles, Vannes) và trên các ấn phẩm báo chí Pháp và quốc tế (Figaro Magazine, Geo France, Geo Allemagne, Flair Italie, Alternatives Internationales, El Pais, Times). Năm 2014, anh được trao Giải thưởng Nhiếp ảnh Quốc tế Vienna và giải SCAM Roger-Pic (Pháp) cho bộ ảnh President Hotel.