Mùa hè năm nhất, tôi bắt đầu chụp ảnh. Trước đấy, tôi chẳng mấy để tâm chuyện gì xảy ra ngoài những nơi chốn quen thuộc tại thành phố này.
Máy ảnh là cái cớ để tôi bước ra vòng an toàn, trải nghiệm thực tế bên ngoài và từ đó hiểu bản thân mình hơn. Chuẩn bị cho bài tập tốt nghiệp đại học, tôi chọn theo đuổi chủ đề lao động nhập cư – một chủ đề không mới mà báo chí đã khai thác nhiều năm qua. Tò mò về cuộc sống của những người có xuất phát điểm và hoàn cảnh khác mình, tôi vẫn muốn tự trải nghiệm và tìm hiểu. Tôi tập trung vào những nhóm lao động nhập cư theo hình thức tự phát, sống tập trung thành cụm dân cư ở Hà Nội.
Đối mặt với chi phí đắt đỏ trên thành phố, những người quê Ba Vì chọn cách sống tập thể trên thuyền với giá thuê chỉ 10.000đ/ngày/người cho chỗ ở và nước sạch sinh hoạt. 27 năm là khoảng thời gian đủ để cho một con người bước sang giai đoạn mới trong đời. Trong thời gian đó, Hà Nội đã thay hình đổi dạng, các công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng liên tục mọc lên. Tuy nhiên, con thuyền tồn tại từ năm 1992 vẫn ở nguyên vị trí từ khi bắt đầu, cung cấp nơi trú ngụ cho nhiều lớp người từ Ba Vì lên thành phố mưu sinh. Nhiều cặp vợ chồng lên Hà Nội kiếm việc để trang trải cuộc sống cho con cái, và cũng nhiều người con bỏ dở việc học dưới quê để lên đây phụ giúp gia đình.
50 tới 70 người chia sẻ không gian sống trên chiếc thuyền hai tầng, neo ven bờ sông Hồng bằng một sợi dây thừng với cây cầu thang sắt. Giá thuê rẻ mạt đồng nghĩa với việc điều kiện sống trên thuyền không thể đủ đầy. Ở ngay rìa trung tâm thành phố, xung quanh rực rỡ ánh đèn nhưng hàng chục năm qua họ đã sống thiếu điện. Vào buổi tối, ánh đèn lập lòe từ những bình ắc quy dường như không đủ để người ngoài nhận thấy rằng nơi đây có người sống.
3 giờ sáng. Khi thành phố đang chìm trong giấc ngủ thì đó cũng là lúc những người lao động nhập cư bắt đầu một ngày làm việc. Sau khi mua hoa quả ở chợ đầu mối Long Biên, họ sẽ đi bán rong khắp các phố phường Hà Nội cho đến khi hết hàng vào cuối ngày.
Thoạt đầu lo ngại khi một mình bước chân vào không gian riêng tư của nhiều người lạ, nhưng khi tôi chào hỏi và trình bày nguyện vọng, họ đều cởi mở chào đón và dần quen với sự xuất hiện của tôi.
Tôi thường ghé thăm vào một khung giờ – từ lúc họ đi làm về cho đến khi ngủ, và ghi lại những cảnh sinh hoạt được lặp lại hàng ngày. Tận dụng chút nắng cuối chiều, những người phụ nữ cùng nhau chuẩn bị bữa tối đạm bạc. Khi ánh sáng mặt trời tắt hẳn cũng là lúc nhịp sống trên thuyền bắt đầu. Những người gánh hàng rong trở về và chọn cho mình một góc riêng, có nhóm tụ tập chơi bài, có người tranh thủ gọi cho gia đình hay nằm xem phim từ màn hình di động. Dù nhá nhem tối, mùi thức ăn, tiếng cười đùa, tiếng bước chân cọt kẹt trên sàn gỗ… tạo nên khung cảnh nhộn nhịp như một khu chợ nhỏ. Những tấm màn tấm chiếu nằm san sát nhau trải dài hai bên thuyền, phân định không gian riêng tư của mỗi người bằng những đường biên vô hình. Họ bằng lòng với việc cộng sinh và sự đồng cảm âm thầm từ những người “cùng hội cùng thuyền” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Nếu muốn sống trên mặt đất với chi phí thấp, những người lao động nhập cư có lựa chọn khác là những khu nhà trọ bình dân do dân địa phương tự xây. Khu vực dưới chân cầu Long Biên kéo dài đến phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) từ nhiều năm nay đã tập trung người lao động từ nhiều tỉnh lân cận, đa phần đều làm cửu vạn hoặc buôn bán nhỏ ở chợ Long Biên và chợ Đồng Xuân. Nhiều công trình chưa được hoàn thiện đã được cho thuê giá rẻ; mỗi phòng có 2 – 5 người ở chung với giá 800.000đ – 2.000.000đ/ tháng.
Trong không gian chật hẹp chỉ đủ chỗ ngủ và sắp xếp vài đồ sinh hoạt, mỗi gia đình tìm cách xoay sở để nơi ở tạm của mình có cảm giác giống một mái nhà, dù là kê tấm phản lên mấy viên gạch để làm giường hay dán tấm bạt ngày lễ thành hôn lên bức tường còn chưa trát vữa. Không có cửa sổ, nơi duy nhất kết nối căn phòng với thế giới bên ngoài là cửa chính. Từ ngoài nhìn vào, tôi có cảm giác như đang đứng trước màn hình tivi, nơi mọi hoạt động sống được gói gọn trong một khung hình, mỗi khung hình lại có không gian, nhân vật và câu chuyện riêng.
Những căn phòng bê tông dang dở hay con thuyền gỗ neo bên sông Hồng đã là nơi trú ngụ cho hàng triệu người dân nhập cư hiện đang chiếm phần lớn dân số Hà Nội. Dù được xây lên với tính chất tự phát và tạm thời, những không gian như vậy đã tồn tại hàng chục năm, cùng với sự phát triển ngày một nhanh của cộng đồng người lao động thu nhập thấp đến từ các tỉnh lân cận. Qua thời gian, phòng trọ thời vụ có lẽ đã trở thành một mái nhà, không chỉ là chỗ che nắng che mưa mà còn là nơi chốn để họ tiếp tục bám trụ cuộc sống tại thành phố này.
Khi thực hiện bộ ảnh, tôi không có suy nghĩ sâu xa hay có khao khát muốn làm gì vĩ đại hay tác động mạnh mẽ tới xã hội. Qua bức tranh về không gian sống, tôi đơn giản chỉ muốn đóng góp một góc nhìn riêng về trải nghiệm của người lao động nhập cư và đem đến một lát cắt nhỏ của thủ đô đang oằn mình trước những dòng người di dân tự phát.