Vài năm gần đây mỗi khi có dịp về quê, tôi thường bỏ ra khỏi nhà để đi dạo trong đêm, một mình, tôi đi đến khi mệt nhoài. Mục đích chính là đợi cho bố tôi ‘tỉnh táo’ trở lại sau mỗi cơn say. Tôi ẩn nấp trong bóng tối, chụp lại những vấn vương bắt gặp. Thi thoảng, đi qua góc quen thuộc, tôi nhớ lại tuổi thơ đã từng sợ bóng đêm kia như thế nào, sợ những ánh sáng nhảy múa, những tiếng cười khúc khích vang vọng. Hồi đó, tôi sẽ chạy thẳng về nhà. Nhưng bây giờ, có lẽ không.
Với bộ ảnh Bỗng dưng, thấy đau một chút, Nguyễn Duy Tuấn là đại diện từ Việt Nam được chọn tham gia triển lãm tại Chiang Mai Photo Festival 2020. Là một người hướng nội, Duy Tuấn đã trải qua một hành trình dài nhiều do dự để đưa tác phẩm đầu tay rất riêng tư này ra ánh sáng. Anh chia sẻ với Matca về chụp ảnh như một phương thức để giải toả những cảm xúc chất chứa trong một giai đoạn khó khăn của tuổi trẻ, cũng như những biến chuyển trong cuộc sống mà nhiếp ảnh đã mang lại cho anh.
Duy Tuấn đã ấp ủ dự án này trong bao lâu?
Tôi bắt đầu chụp bộ ảnh từ năm 2017, một năm sau khi học tại trường Sân khấu Điện ảnh. Những bức ảnh này một phần đến từ quá trình thực hành để nộp bài tập hằng tuần. Nhưng tôi đã không nộp ảnh kiểu thế này vì hẳn không phù hợp với lối ảnh cổ điển mà nhà trường yêu cầu.
Đó cũng là quãng thời gian tôi không muốn ở nhà và thường xuyên ra ngoài lang thang vào ban đêm. Tôi cứ xách máy đi và thử nghiệm. Có những tấm là kết quả của sự thử nghiệm ngẫu nhiên. Mọi thứ được làm một cách bản năng, chịu ảnh hưởng bởi cảm xúc rất đỗi cá nhân vào thời điểm ấy. Lúc đầu tôi không toan tính sẽ thực hiện một dự án, đơn thuần chỉ muốn nói lên một cảm giác gì đó. Chỉ sau khi tập hợp ảnh lại – cũng nhờ công thúc đẩy của bạn bè – tôi mới nhận ra tất cả đều theo một mô-típ. Nếu không có những người giúp đỡ, có lẽ những bức ảnh này sẽ được giữ mãi cho riêng mình.
Anh đã giới thiệu dự án này trong buổi portfolio review tại Không gian Nhiếp Ảnh Matca tháng 12 vừa qua và sau đó có dịp biên tập riêng với nhiếp ảnh gia Yoppy Pieter. Trải nghiệm này có đóng góp gì cho việc hoàn thiện tác phẩm?
Yoppy thực sự là một người thầy làm việc rất có phương pháp. Anh ấy giúp tôi gọi tên mọi thứ và tự biên tập ảnh của mình, dẫn dắt bằng các câu hỏi. Yoppy giúp tôi diễn đạt ra những điều mà cá nhân còn cảm thấy mông lung, như cảm giác về sự căm phẫn, (tìm từ một lúc lâu) sự thất vọng, về tâm trạng chán chường bao trùm trong những tấm ảnh.
Khi đó anh đã xác định được chủ đề bộ ảnh chưa?
Trước đó tôi đã viết bài giới thiệu để gửi bộ ảnh sang festival ở Chiang Mai, nên cũng có chút hình dung về chủ đề. Nói chung vấn đề gia đình đã luôn ở trong tâm trí tôi từ lâu, như một nỗi ám ảnh. Tôi thực sự cũng gặp khó khăn để diễn tả thành lời, nên trong phần nội dung viết tôi chỉ đơn thuần tường thuật lại quá trình đi chụp chứ không mô tả trực tiếp cảm giác ấy.
Anh cảm thấy thế nào khi bộ ảnh đi tới một hình hài nhất định và được trưng bày tại nơi công cộng?
Về gia đình, bộ ảnh giúp tôi kết nối lại với bố. Tết này, tôi về nhà và cảm thấy thoải mái hơn khi nói chuyện với ông. Tôi tập cách giao tiếp, hỏi han về những chủ đề đơn giản thôi. Mọi việc giờ cũng ổn hơn rồi. Về công việc, nó giúp tôi tự tin hơn, cảm giác hào hứng hơn để làm những điều mới. Trước đây tôi khá rụt rè, chỉ dám đứng từ xa chụp toàn cảnh, chụp từ đằng sau nhân vật. Giờ tôi học thêm được cách kết nối hơn với mọi người, lại gần hơn, không ẩn mình để chụp nữa. Việc hoàn thành bộ ảnh nhìn chung đã giúp ích rất nhiều cho tôi, trong cả cuộc sống cá nhân và công việc.
Nguyễn Duy Tuấn là nhiếp ảnh gia tự do, hiện đang theo học nhiếp ảnh nghệ thuật tại Hà Nội.
Kết nối với Duy Tuấn tại Instagram.