Khó mà không cảm thấy choáng ngợp khi lật giở qua những dự án ảnh Lâm Đức Hiền đã thực hiện trong cả sự nghiệp. Lớn lên trong chiến tranh, đứa trẻ tị nạn ngày ấy quyết tâm trở thành chứng nhân cho bạo lực phi nghĩa, để nắm bắt tính nhân văn giữa những bi kịch trên thế giới. Sự tâm huyết với quyền trẻ em, vấn đề môi trường và cuộc sống nơi bom đạn là sợi dây kết nối những chuỗi ảnh của ông.
Tuyển tập chân dung mang tên “Người Iraq” đoạt giải Nhất hạng mục Chân dung của Ảnh Báo chí Thế giới năm 2001. Mối quan tâm với đất nước Iraq của Lâm Đức Hiền kéo dài hơn 25 năm, nhưng sau một lần thoát chết tại đây, ông quyết định rời khỏi mảnh đất hùng vĩ nhưng đòi hỏi quá nhiều sự hy sinh này. Đây cũng là thời điểm ông bắt đầu hành trình dài 4200 km dọc dòng sông Mê Kông, từ đồng bằng sông Cửu Long tới thượng nguồn Tây Tạng, để lần về những ký ức tuổi thơ và diễn giải ý nghĩa của con sông Mẹ với cư dân sinh sống bên bờ.
[Lâm Đức Hiền] Bố tôi là người Việt còn mẹ tôi người Lào. Tôi sinh ra và lớn lên tại Lào. Khi tới Pháp, tôi bắt đầu tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ hơn, đó là một phương tiện hữu ích để giao tiếp. Tôi học ngôn ngữ được hai năm rồi quyết định theo đuổi nghệ thuật. Tôi học đủ thứ: hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc… Tới năm hai đại học, một biến cố lớn trong lịch sử thế giới đã xảy ra.
Mùa đông năm 1990, tôi đi tàu từ Pháp tới Ý, đặt chân tới Nam Tư rồi bắt xe buýt và đi bộ tới biên giới. Trời tối om, tuyết rơi và lạnh. Người bảo vệ trông thấy tôi và hẳn là anh ta đã sửng sốt. Một gã “Trung Quốc” không hiểu từ đâu ra lại tới Nam Tư! Tôi nói với anh ta: “Tôi muốn tới Timișoara”. Tình cờ, một tổ chức nhân đạo cũng qua biên giới ngay lúc ấy và cho tôi quá giang. Tôi sống cùng sinh viên nghệ thuật tại Timișoara, họ dẫn tôi đi khắp nơi và chỉ chỗ cho tôi chụp ảnh. Họ gọi đây là cuộc cách mạng. Họ làm việc thật chăm chỉ bất chấp cái lạnh và thiếu thốn vật chất.
Tôi thuật lại tình hình này khi trở về đại học ở Lyon. Chúng ta là những đứa trẻ được nuông chiều đến sinh hư, ta nên giúp những người chăm chỉ dù chẳng có gì trong tay. Chúng ta là nghệ sĩ và hãy nên là những nghệ sĩ biết quan tâm, không chỉ phát biểu mà còn hành động. Vài tờ báo đã tới đưa tin, và với sự hỗ trợ của một tổ chức Pháp, chúng tôi quay lại Timișoara để quyên góp giấy, màu vẽ và hoạ cụ.
Tôi không muốn chỉ đứng ngoài chứng kiến, tôi muốn góp sức tạo nên sự thay đổi. Đó là khi tiếng nói thôi thúc hành động dấy lên trong tôi. Quan điểm của tôi là nghệ sĩ phải biết quan tâm tới chính trị, tới cuộc sống. Tôi phản đối chiến tranh, sự bất công, tham nhũng và độc tài, chụp ảnh chính là một cách để tố cáo những vấn đề đó. Những bức xúc trong lòng rất cần được nói lên.
Năm 1991, tôi đặc biệt quan tâm tới Iraq: người Kurd ở Iraq phải chạy trốn lên núi để thoát nạn diệt chủng. Tôi vừa chụp vừa rơi nước mắt vì trên cao thì buốt giá mà họ phải lội bùn với đôi chân trần. Cũng giống như tôi trước đây thôi, trốn khỏi Lào trên một chiếc thuyền vượt sông trong đêm, nối tiếp bởi những ngày trong trại tị nạn. Cuộc sống ấy đầy chông gai. Khi chụp họ, tôi thấy hình ảnh của chính mình 20 năm trước.
Năm 1994, tôi trở thành thành viên của hãng ảnh VU’ agency. Biên tập ảnh Christian Caujolle, người điều hành hãng lúc đó, đặt góc nhìn riêng của mỗi tác giả lên hàng đầu.
Tôi đã chán ngấy những hình ảnh trẻ em đau thương chết chóc. Tôi muốn chụp chân dung, thứ chân dung đặc tả khuôn mặt mà không kèm bối cảnh minh hoạ. Trong đôi mắt họ, ta có thể nhìn thấu những mỏi mệt và buồn khổ. Caujolle gợi ý cho tôi nộp bộ ảnh này tới giải Ảnh Báo chí Thế giới. Tôi bảo đây còn chẳng phải ảnh báo chí, và không tin được rằng rốt cuộc mình đã đoạt giải.
Tôi không coi mình là phóng viên ảnh. Có tư tưởng cho rằng người phóng viên phải đưa ra góc nhìn khách quan. Nhưng góc nhìn của tôi là chủ quan, tôi cho thấy hiện thực của riêng tôi qua ảnh. Tôi cũng chẳng phải là nhiếp ảnh gia, chỉ là một kẻ lữ hành và một con người biết tôn trọng.
Thực hành nhiếp ảnh của tôi nằm đâu đó giữa nghệ thuật vào báo chí. Có người nhận xét rằng ảnh chụp những khung cảnh tan hoang của tôi quá long lanh. Họ chỉ trích nhiều nhiếp ảnh gia làm như vậy, rằng các anh kiếm tiền trên khổ đau của người khác, điển hình như Sebastiao Salgado. Nhưng tôi thích Salgado vì ảnh của ông có thể truyền tải thông điệp nhân văn tới rất nhiều người. Tôi không phản đối ảnh báo chí mang nhiều tính thẩm mỹ.
Sau một lần thoát chết ở Iraq, tôi muốn làm gì đó về sông Mê Kông, từ hạ nguồn Đồng bằng Sông Cửu Long đến thượng nguồn ở Tây Tạng. Tôi sinh ra bên bờ sông, bơi trong lòng sông và dành cả tuổi thơ hạnh phúc bên bà nội trước khi phải xa bà suốt mười năm. Tôi đã nhớ gia đình mình da diết.
Dòng sông vừa là ranh giới, vừa là mối liên kết. Trong tiếng Lào và tiếng Thái, “Mê Kông” có nghĩa là mẹ của các dòng sông – thật trùng khớp với câu chuyện của tôi, đứa trẻ được bà và các dì nuôi nấng. Thay vì lần theo lịch sử, tôi muốn thể hiện sông Mê Kông qua góc nhìn của người dân nơi đây, cách họ đang sống, hoạt động kinh tế, nông nghiệp, đánh bắt thuỷ sản ngày nay.
Tôi mang theo nhiều máy ảnh, bao gồm một polaroid, một Leica, một X-pan và một Linohf, tự tráng rửa film, đi du ngoạn như thế kỷ 19. Mất nửa tiếng để chụp một tấm ảnh. Bạn có tưởng tượng được cảnh chụp film khổ lớn giữa trời nóng nực và đám đông di chuyển liên tục không? Tôi phải ngâm âm bản trong nước và đưa cho nhân vật chân dung polaroid lấy liền. Tôi chụp như vậy ở vùng đồng bằng và trên Tây Tạng cao 5000 mét so với mực nước biển. Lạnh đến nỗi phải giữ ấm cho film. Một bức ảnh tốn rất nhiều công nên phải cực kỳ chuẩn xác.
Việt Nam là trái tim tôi. Tôi có quốc tịch Việt Nam. Bà từng có thời gian sống ở Việt Nam, và khi tới đây, tôi được ăn những món gợi nhắc về những ngày thơ bé. Hồi ấy bà hay làm nếp cẩm, tôi thích mê dù không uống được rượu. Tới Hà Nội, bạn bè lại dẫn đi ăn nếp cẩm khiến tôi nhớ bà nhiều.
Tôi đã từng từ bỏ nhiếp ảnh bởi những chuyện cá nhân. Tôi bỏ hãng ảnh, tạp chí, chỉ muốn làm những việc khác, được là chính mình. Tôi không muốn ép buộc bản thân. Tôi chỉ muốn được tự do. Và sự tự do thường yêu cầu rất nhiều sự hy sinh.
Tôi có nhiều thú vui trong đời. Mỗi sáng tôi tập yoga, gặp những người dễ mến, làm vườn, trồng hoa, thưởng trà, hưởng thụ những điều nhỏ bé. Tôi không sợ những sang chấn tâm lý hậu chiến, bởi nếu không đủ kiên cường thì tôi không ra chiến trường. Tôi vẫn có thể yêu cuộc sống sau khi quay trở lại. Tôi tin vào bản thân mình.
*Bài phỏng vấn đã được biên tập và rút gọn.
Lâm Đức Hiền đã chụp ảnh nhiều vùng đất trên thế giới, bao gồm những dự án cá nhân hay các công việc phục vụ báo chí hoặc các tổ chức phi chính phủ. Ông là nhân chứng cho hậu quả của những xung đột lớn trong thế kỷ 20 và 21 tại Romania, Nga, Bosnia, Chechnya, Rwanda, Nam Sudan, và hơn hết là tại Iraq nơi ông đã liên tục ghi chép lại bằng hình ảnh trong vòng 25 năm. Lâm Đức Hiền tâm huyết với công cuộc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, và ghi lại những ảnh hưởng và sự phát triển của thế giới đương đại dọc hai bờ sông Mekong và sông Niger. Năm 2001, Cuộc thi Ảnh Báo chí Thế giới đã trao ông giải nhất hạng mục Chân dung cho bộ ảnh “Người Iraq.”