Makét 02

#matcaspotlight Tháng 8/2018

Sau rất nhiều yêu cầu từ phía bạn đọc, tháng 9 này Matca xin phép được khởi động lại chương trình #matcaspotlight để bạn đọc có thể gửi ảnh tới Matca với cơ hội được nhận xét bởi giám tuyển khách mời. Giám tuyển tháng này không ai khác chính là nhà nghiên cứu người Singapore Zhuang Wubin, người rất sâu sát với nhiếp ảnh khu vực Đông Nam Á và đã thực hiện 4 khoá học nhiếp ảnh ngắn tại Việt Nam. Hãy cùng theo dõi xem những tấm ảnh nào được chọn từ #matcaspotlight nhé.

Tôi vẫn luôn thấy việc bình luận ảnh đơn là một thách thức, đặc biệt là khi ta vốn đã luôn bị vây quanh bởi hình ảnh. Dù vậy, rõ ràng là với đa số, cách họ trải nghiệm thế giới được đánh dấu qua những mảnh ghép trên Instagram hay Weixin, thường lướt qua với tốc độ nhanh đến mức việc trở lại quan sát một tấm hình đồng nghĩa với “năng suất” bị giảm đi. Việc lựa chọn ảnh từ #matcaspotlight đã khiến tôi phải nhìn lại, để suy ngẫm về những mảnh ghép đến từ Việt Nam, để nghĩ về khao khát của người chụp ảnh và khao khát của chính với tư cách khán giả, và rồi được trải nghiệm ấy tiếp thêm cảm hứng.

1. Ảnh bởi tinhhap.
Tấm hình này nhắc chúng ta nhớ rằng những tác phẩm tốt nhất thường được sáng tác ngay tại nhà, với những người thân thương bên ta nhất.

2. Ảnh bởi seeusoon66.
Tôi biết một vài nhiếp ảnh gia với cách làm việc tương tự như thế này ở Việt Nam. Họ khám phá không gian đô thị bằng việc tạo dáng trong chính các khung cảnh đó. Có lẽ đây là cách duy nhất người trẻ có thể hiểu được Việt Nam ngày nay.

3. Ảnh bởi skinnysiddhartha.
Người chụp ảnh quan sát không gian, và cậu bé đáp lại ánh nhìn. Có thể thấy mọi yếu tố của nhiếp ảnh đường phố truyền thống trong bức ảnh này: tính thời điểm, bố cục và cảm giác siêu thực khi nắm bắt điều gì mà đã mãi mãi không còn.

4. Ảnh bởi andawong3.
Một tấm chân dung đơn giản, gợi nhắc chúng ta rằng có nhiều Việt Nam đang tồn tại song song. Tôi hy vọng bức ảnh sẽ khơi gợi khán giả tò mò để xem xét lại lịch sử của đất nước.

5. Ảnh bởi phongsmonologues.
Tính phổ quát của khung cảnh này cuốn hút tôi. Đây có thể là Bắc Kinh, Bangkok hay Bandung. Sự thích thú, hoặc cũng có thể là sự khó chịu của người chụp đã khiến anh ta chú ý và lưu giữ khung cảnh này để tiếp tục chiêm nghiệm.

Zhuang Wubin là một cây viết về các thực hành nhiếp ảnh Đông Nam Á hiện làm việc tại Singapore. Anh được tài trợ vào năm 2010 của Quỹ Prince Claus Fund cho cuốn sách Nhiếp Ảnh Đông Nam Á: Một Khảo Cứu, công trình nghiên cứu độc lập kéo dài 12 năm. Zhuang Wubin cũng là thành viên ban biên tập của tạp chí học thuật về nhiếp ảnh châu Á Trans-Asia Photography Review.
Kết nối với Zhuang Wubin tại Facebook.